Tác giả: Đào Trinh Nhất
Nhà xuất bản Thế giới, 2015, 409 trang
Ký hiệu: Vv2731
Cuốn sách Nhật Bản duy tân 30 năm đưa người đọc bước vào công cuộc cải cách Minh Trị ở Nhật Bản năm 1868, thời điểm có tính bước ngoặt cho việc xây dựng một nhà nước Nhật Bản hiện đại và là chủ đề hấp dẫn đối với giới nghiên cứu Việt Nam. Sự kiện này đã đánh dấu sự mở đầu cho một tiến trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa trong 30 năm của Nhật Bản. Nhắc đến thời kỳ này, không thể không nói đến Thiên Hoàng Minh Trị, người đặt nền móng cho sự “thần kỳ Nhật Bản” và vai trò của nhiều nhân vật khác đã góp phần vào sự chuyển mình đầy quyết tâm của người Nhật Bản, trong khi nhiều nước phương đông khi đó vẫn đang đắm chìm trong sự trì trệ của các chế độ phong kiến tập quyền.
Bằng ngòi bút phê bình sắc sảo pha chất ký sự lịch sử và cách làm việc nghiêm túc, thận trọng, tác giả đã thu thập được những thông tin chính xác, hệ thống về điều kiện địa lý tự nhiên, đặc điểm chủng tộc, các sự kiện lịch sử cùng những nhân vật quan trọng trong giai đoạn này của Nhật Bản; phân tích rõ lý do tại sao Nhật Bản có thể bắt kịp các nước phương Tây chỉ trong vòng 30 năm, trong khi phương Tây phải mất 300-400 năm để đạt được trình độ như vậy. Trong quá trình lý giải các nguyên nhân, tác giả đã đặt quốc gia này trong hệ quy chiếu với các nước trong khu vực, như Trung Quốc, Indonesia,… trong đó có Việt Nam, để thấy rõ căn nguyên tại sao những nước này không thể chuyển mình ngoạn mục như Nhật Bản.
Những khảo cứu của Đào Trinh Nhất đã nêu bật vai trò của Thiên Hoàng Minh Trị, đồng thời, cũng làm rõ những nhân tố quan trọng đã góp phần tạo nên sự thành công của cuộc cải cách Minh Trị. Đó là vai trò của những nhà lãnh đạo mà nổi bật nhất là vai trò của “Duy tân tam kiệt”, bao gồm ba chí sĩ Saigo Takamori (Tây Hương Long Thịnh), Okubo Toshimichi (Đại Cửu Bảo Lợi Thông), Kido Takayoshi (Mộc Hộ Hiếu Doãn). Đây được xem là nhóm lãnh đạo đầu tiên đã có công lèo lái đất nước trong những năm đầu sau cuộc cải cách. Đó là những cánh tay đắc lực đã giúp Thiên Hoàng Minh Trị thực hiện những chính sách cải cách về kinh tế, chính trị và quân sự hết sức hiệu quả, góp phần xây dựng chính quyền trung ương và tạo ra một thời kỳ phát triển vượt bậc về văn hóa, luật pháp và quân sự.
Cuốn sách gồm 10 chương, nội dung khái quát như sau:
Chương I: Ba nguyên nhân lớn. Cuốn sách phân tích 3 nguyên nhân giúp Nhật Bản thành công trong công cuộc duy tân. Đó là “nối dõi thần quốc, địa lý giúp người, phòng kiến mài dũa tài trí của nhân dân.
Chương II: Một đoàn tàu Mỹ. Năm 1853, Nhật Bản đang đóng cửa ngủ ngon, giữ chặt thói cũ, chính đề đốc Perry đem một đoàn tàu Mỹ lại thị oai mà làm cho họ giật mình tỉnh giấc, phát phẫn tự cường. Nhật Bản bước vào kỷ nguyên duy tân khai quốc.
Chương III: Trong lúc khai quốc. Đất nước Nhật Bản bỗng chốc sáng trí tỉnh hồn, bao nhiêu cái khí khái “khóa nước cự di” bị tiêu tan hết và được thay bằng “duy tân tự cường”.
Chương IV: Mở cuộc duy tân. Công cuộc duy tân được thực hiện từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ chính trị, giáo dục, văn hóa võ bị, công thương , lý tài, cơ khí, nghệ thuật cho đến chuyện y phục tầm thường, tập quán lặt vặt…đều được đổi cũ ra mới.
Chương V: Công phu giáo hóa. Giáo hóa của lịch sử dân tộc, giáo hóa của quan giỏi vua hiền, giáo hóa của các bậc chí sỹ tiên giác, mấy nguyên tố đó chồng chất lên nhau kết thành tinh rồi sinh ra đứa con: Duy tân tự cường.
Chương VI: Trên đường chính trị. Tác giả đánh giá công cuộc duy tân trước hết dựa vào sức dân, vua hiền quan sáng chỉ là thứ hai.
Chương VII: Hiến pháp Nhật Bản. Hiến pháp Nhật Bản ban hành năm 1889, toàn văn chỉ có 76 điều. Trước tiên nói về quyền vị của đức Thiên hoàng, tiếp theo là nghĩa vụ quyền lợi của nhân dân, rồi đến đế quốc nghị hội, quốc vụ đại thần, khu mật viện, tài chính…
Chương VIII: Lục quân và hải quân. Trong cuộc duy tân, Nhật Bản lấy việc sửa sang binh bị, sắp đặt quốc phòng là việc cấp bách.
Chương IX: Văn hóa Đông Tây. Về văn hóa tư tưởng, Nhật Bản biết khéo lựa chọn, khéo dung hòa, khéo lọc hay bỏ dở để tìm ra những điều thích hợp và hữu dụng với mình.
Chương X: Sự nghiệp văn học quốc ngữ và văn tự. Trong sự nghiệp văn học, người Nhật Âu hóa nhưng vẫn giữ được tính cách đặc biệt của mình.
Cuốn Nhật Bản duy tân 30 năm của tác giả Đào Trinh Nhất từng được đánh giá như một cuốn cẩm nang sử học, giúp bạn đọc tìm hiểu về công cuộc duy tân ở Nhật Bản cùng phần nào những nguyên nhân của sự thay đổi thần kỳ trong một khoảng thời gian ngắn, đưa một đất nước phong kiến trở thành một cường quốc có thể sánh với các nước phương Tây thời bấy giờ và hiện vẫn là biểu tượng cho sự phát triển của châu Á. Cuốn sách còn thể hiện lòng thiết tha mong muốn dân tộc Việt Nam biết học tập theo tấm gương Nhật Bản để xây dựng quốc kế dân sinh, độc lập và hùng cường.
Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Thực hiện: Kiều Dung
Viện nghiên cứu Đông Bắc Á