Trang chủ

VĂN HỌC VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA

Đăng ngày: 14-06-2016, 04:01 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: PGS. TS. Đoàn Lê Giang, PGS. TS. Trần Thị Phương Phương tuyển chọn

Nhà xuất bản ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2015, 799 trang

Kí hiệu: Vt 508

Toàn cầu hóa là một quá trình lịch sử lâu dài, diễn ra một cách thầm lặng nhưng không thể đảo ngược được giữa các quốc gia, các cộng đồng cư dân khác nhau để nhân loại có thể xích lại gần nhau trong mái nhà chung là trái đất. Từ cuối thế kỷ XX quá trình toàn cầu hóa được diễn ra với một tốc độ nhanh phi thường, khác hẳn trước kia. Toàn cầu hóa diễn ra ở mọi phương diện, từ kinh tế, xã hội đến khoa học, nghệ thuật. Đối với các dân tộc, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản, toàn cầu hóa là cơ hội và cũng là thách thức. Trong bối cảnh toàn cầu hóa của thế kỷ XXI, nhiều vấn đề đặt ra đối với văn hóa, văn học của mỗi nước. Văn học Việt Nam và Nhật Bản sẽ phát triển như thế nào, những yếu tố nào thuộc về truyền thống cần phải giữ gìn, những yếu tố nào cần thay đổi, những giá trị mới nào cần phải tiếp thu trong quá trình ấy? Những người làm nghiên cứu, phê bình, giảng dạy văn học cần phải làm gì để góp phần vào sự phát triển đúng hướng của sáng tác và nghiên cứu, phê bình văn học trong tương lai? Việt Nam có thể học tập và rút kinh nghiệm gì từ con đường phát triển sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa đã và đang diễn ra?

Trước yêu cầu ấy, tháng 12 năm 2013, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM, với tài trợ của Japan Foundation, đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa thế kỷ XXI. Hội thảo đã nhận được hơn 80 tham luận của các nhà nghiên cứu từ những trường đại học, những viện nghiên cứu của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan và nhiều nhất là Việt Nam. Trên cơ sở những bài viết này, Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã biên tập, tuyển chọn và cho xuất bản cuốn “Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa”. Các tham luận được chia thành ba chủ đề:

Thứ nhất, Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh khu vực Đông Á tiền hiện đại. Với 19 tham luận tập trung về các vấn đề như Thuyết cổ tầng trong lịch sử tư tưởng Nhật Bản; Akutagawa “đọc” văn hóa truyền thống Nhật Bản; Nhật Bản tiền cận đại và các cuộc chiến tranh với bên ngoài; So sánh quá trình tiếp nhận thuyết tính linh của Viên Mai ở Nhật Bản và Việt Nam; Một số phương diện thi pháp Haiku và Lục bát, Ngũ ngôn tứ tuyệt, Ghazal từ góc nhìn so sánh; Việc truyền nhập, tiếp nhận tiểu thuyết Trung Quốc ở Nhật Bản và Việt Nam thời trung đại; Những mái lều ẩn cư trong văn chương Đông Á…

Thứ hai, Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa thời hiện đại. Phần này gồm 20 tham luận bàn về các vấn đề như Văn học vô sản Nhật Bản sau 1945 qua Cánh đồng Bansu và tập truyện Sợi xích trắng; Mấy đặc điểm của “văn học trẻ” Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay; Tiểu thuyết Việt Nam đương đại - những dấu hiệu hội nhập thế giới; Văn học vô sản Nhật Bản qua một số tác phẩm tiêu biểu; Xu hướng thơ Haiku trong xã hội Nhật Bản ngày nay; Tính chất liên văn hóa của xã hội Nhật Bản qua tiểu thuyết Mất nơi ở

Thứ ba, Lý thuyết nghiên cứu và văn học dịch. Với 19 tham luận được trình bày trong phần này, các học giả đi sâu về các vấn đề như Văn học so sánh ở Việt Nam từ 1986 đến nay nhìn từ xu hướng toàn cầu hóa; Rừng Na Uy - tiểu thuyết ăn khách Nhật Bản qua đôi mắt đạo diễn người Việt; Sự tiếp nhận văn học Nhật Bản ở Việt Nam cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI - nhìn từ phương diện dịch thuật và nghiên cứu; Văn học di dân Nhật Bản và xu hướng “giải lãnh thổ” trong văn học đương đại Nhật Bản; Hướng đi nào cho dịch văn học Việt Nam tại Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa thế kỷ XXI?...

Các bài viết đã đi sâu vào quá trình hình thành không gian văn học chung có tính chất Đông Á của văn học Việt Nam và Nhật Bản qua các hiện tượng văn học. Bên cạnh đó, cũng có không ít bài viết đi sâu vào quá trình hiện đại hóa có tính toàn cầu của văn học Việt Nam và Nhật Bản. Cảm hứng nghiên cứu chung nhất là trình bày con đường của văn học Việt Nam và Nhật Bản đi đến những giá trị toàn cầu. Truyền tải nội dung khá đồ sộ, cuốn sách sẽ là nguồn tham khảo vô cùng hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về văn học Việt Nam và Nhật Bản.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận