Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2015, 393 trang
Kí hiệu: Vt 502
Ngay từ thập niên 1950, Tokyo Story, Rashomon hay The Apu Trilogy… đã được Hollywood thừa nhận như những kiệt tác của điện ảnh thế giới. Hơn hai thập kỷ qua, phim Châu Á đã có mặt ở khắp nơi trong hệ thống phát hành của điện ảnh toàn cầu. Nhiều bộ phim Châu Á gây ấn tượng mạnh mẽ tại các liên hoan phim được tổ chức ở Châu Âu, Châu Mỹ và giành được các giải thưởng điện ảnh lớn. Làn sóng mới điện ảnh Châu Á, sự trỗi dậy của điện ảnh Iran và Campuchia; sự cường thịnh của Bollywood… là những vận động sôi nổi, liên tiếp đẩy mạnh sự phát triển của “cực Châu Á”. Từ thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, điện ảnh Châu Á ngày càng lớn mạnh và có nhiều đóng góp vào sự phát triển nghệ thuật điện ảnh hiện đại của thế giới. Hơn thế, Châu Á bắt đầu xâm nhập và tác động theo nhiều cách khác nhau đối với kinh đô phim ảnh Hollywood - vốn đang chiếm vị trí bá chủ của ngành công nghiệp điện ảnh thế giới.
Tuy nhiên cho đến nay, những công trình chuyên khảo nghiên cứu các vấn đề quan trọng nói trên của điện ảnh Châu Á hầu như còn vắng bóng ở chính Châu Á và đặc biệt ở Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu tìm hiểu, khám phá, nhận thức về chính môi trường điện ảnh của khu vực mình, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự vận hành của nền điện ảnh dân tộc ngày càng trở nên cấp thiết. Trước yêu cầu đó, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo về những điểm cốt lõi, nổi bật nhất của điện ảnh Châu Á từ thập niên 90 đến nay. Ban tổ chức Hội thảo chủ yếu chọn hướng tiếp cận theo hướng lịch sử, mỹ học và phong cách để tìm hiểu nền điện ảnh Châu Á đương đại. Hội thảo đã thu hút được hơn 41 báo cáo tham luận của các tác giả thuộc nhiều cơ quan nghiên cứu và sản xuất điện ảnh trong và ngoài nước. Trên cơ sở các bài thâm luận này, Ban tổ chức Hội thảo Trường Đại học KHXH&NV đã tuyển chọn, biên tập và cho xuất bản cuốn “Điện ảnh Châu Á đương đại: những vấn đề lịch sử, mỹ học và phong cách”. Nội dung cuốn sách được chia thành hai phần: Phần 1: Các vấn đề về lịch sử và điện ảnh dân tộc, bao gồm 11 tham luận. Phần 2: Các vấn đề về mỹ học và phong cách tác giả, với 20 báo cáo tham luận được trình bày.
Nội dung các tham luận tập trung làm rõ bốn vấn đề. Thứ nhất là, sự hình thành và nội hàm khái niệm điện ảnh Châu Á; nhãn mác điện ảnh Châu Á tác động như thế nào tới chiến lược phân phối và trình chiếu phim trong thế cạnh tranh với Hollywood; khái niệm điện ảnh dân tộc và điện ảnh khu vực giao thoa, tương tác như thế nào với khái niệm điện ảnh xuyên quốc gia? Thứ hai là, tổng quan tình hình sản xuất, phát hành… của ngành công nghiệp điện ảnh ở Châu Á giai đoạn 1990 đến nay; liệu có các thời kỳ phát triển điện ảnh Châu Á nói chung và các quốc gia Châu Á nói riêng hay không? Thứ ba là, tấm bản đồ điện ảnh ở Châu Á hiện nay như thế nào? Đặc điểm điện ảnh mang đặc trưng dân tộc? Vị trí của điện ảnh Châu Á trong tương tác nhiều chiều với các trung tâm điện ảnh khác trên thế giới và mối quan hệ giữa các nền điện ảnh trong khu vực với nhau? Thứ tư là, những vấn đề có tính nội tại của phim Châu Á: mỹ học và phong cách trong điện ảnh; vấn đề chuyển thể/cải biên tác phẩm văn học và sân khấu; sự phát triển của các thể loại phim; các tác giả có phong cách nổi bật; những vấn đề cấp thiết về văn hóa - nhân học và ý nghĩa của chúng với sự phát triển điện ảnh Việt Nam. Trong bốn vấn đề này, nhóm vấn đề về điện ảnh dân tộc và mỹ học/phong cách tác giả đặc biệt được các tác giả quan tâm. Các tham luận nói chung chủ yếu hướng vào những nền điện ảnh lớn của Châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Iran. Các bài viết về điện ảnh dân tộc đều được đầu tư rất kỹ lưỡng, công phu và chiếm số lượng lớn trong Hội thảo. Nhóm các bài viết về phong cách tác giả, phong cách phim cũng thường được lồng ghép vào các vấn đề của điện ảnh dân tộc. Từ các bài viết đó, chúng ta có thể được làm quen với rất nhiều phong cách làm phim từ nhiều quốc gia khác nhau. Bên cạnh những bài viết nghiên cứu sâu về một nền điện ảnh, cũng có nhiều tham luận đặt vấn đề nghiên cứu mối quan hệ giữa điện ảnh dân tộc và điện ảnh xuyên quốc gia.
Với những nội dung nêu trên, chúng ta sẽ có được cái nhìn tương đối toàn diện về một số nền điện ảnh tiêu biểu ở Châu Á trên các phương diện mỹ học, lịch sử và phong cách. Cuốn sách sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu, tìm hiểu về nền điện ảnh Châu Á.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á