Trang chủ

NHẬT HOÀNG HIROHITO VÀ CÔNG CUỘC KIẾN THIẾT NƯỚC NHẬT HIỆN ĐẠI

Đăng ngày: 16-06-2016, 03:13 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Herbert P. Bix

Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2014, 703 trang

Kí hiệu: Vt499

Xung quanh cuộc đời vị hoàng đế Hirohito còn nhiều điều bí ẩn và gây tranh cãi. Ông là vị Nhật hoàng thứ 124, tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản với 63 năm (từ năm 1929 đến 1989), đế hiệu Shōwa (昭和 Chiêu Hòa). Dưới thời cai trị của ông, nước Nhật đã trải qua nhiều cuộc biến động lớn như: cuộc chiến tranh Trung Quốc năm 1937, chiến tranh Châu Á – Thái Bình Dương năm 1941, tham gia vào cuộc Thế chiến thứ hai (1939 – 1945)… rồi đến công cuộc vật lộn với vô vàn khó khăn nhằm xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Chủ đề Nhật hoàng Hirohito và nước Nhật thế kỉ XX được rất nhiều người nghiên cứu, nhưng không ai viết được đầy đủ, rõ ràng bằng Herbert Bix. Dưới nghiên cứu của Bix, ngay từ khi sinh ra, hoàng đế Hirohito đã được đặt vào vị thế cô độc trên đỉnh cao quyền lực chính trị quốc gia và được xem như biểu tượng địa vị thần thánh. Ảnh hưởng bởi sự kết hợp khác thường giữa truyền thống Nhật hoàng và thế giới quan khoa học hiện đại, vị hoàng đế trẻ Hirohito đã ban hành những đạo luật ưu việt, xây dựng nước Nhật Bản từ một quốc gia bại trận trong chiến tranh cùng những đè nặng của dấu ấn quá khứ, trở thành một cường quốc kinh tế trên thế giới. Chân dung Hirohito hiện lên với tính cách mạnh mẽ và đầy quyền tự trị.

Cuốn sách Nhật hoàng Hirohito và công cuộc kiến thiết nước Nhật hiện đại” đã mô tả về Thiên hoàng Chiêu Hòa, trong đó tập trung vào các quan hệ gần gũi của ông với các cận thần, nhóm tinh hoa chính trị của Nhật Bản cũng như quan hệ chặt chẽ với tướng MacArthur.

Cuốn sách đã cố gắng nghiên cứu chính xác các sự kiện và các hệ tư tưởng đã ảnh hưởng đến sự hình thành còn người Hirohito, cho dù sâu sắc hay chỉ thoáng qua, với tư cách là Nhật hoàng cũng như tư cách cá nhân. Cuốn sách này tập trung vào những tác động đã tạo nên ý nghĩa và hành động của ông cũng như những trọng thần thân cận trước, trong và sau Chiến tranh châu Á – Thái Bình Dương (1931 – 1945). Cuốn sách tập trung mô tả vai trò thật sự của ông trong việc đưa ra chính sách khi ông là trung tâm tân của các sự kiện. Cuốn sách nói về những ảnh hưởng của nền quân chủ mang màu sắc thần thánh lẫn nền quân chủ lập hiến liên quan đến Hirohito, mối quan hệ của ông với các cơ quan khác nhau trong bộ máy nhà nước, và sự biến đổi không ngừng của nền quân chủ đó dưới thời ông trị vì. Tác giả đã dành nhiều phần viết về toàn bộ cuộc đời của Hirohito, về tầm ảnh hưởng của ông, lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ nhân vật lịch sử nào khác của Nhật Bản, người đã mang đến cho Nhật Bản các mối quan hệ với thế giới rộng lớn hơn trong lĩnh vực chính trị và Chính phủ - quân sự. Cuộc đời của ông cũng hé lộ cho chúng ta nhiều điều về sự thay đổi trong thái độ chính trị của người dân Nhật Bản trong một thế kỷ qua.

Tuy nhiên, cuốn sách này không phải là một cuốn tiểu sử chính trị chính thống. Nhật hoàng Hirohito là người thích giao du và quảng giao. Ông có bạn bè thuộc nhiều tuýp người khác nhau và có những người trong số họ thích viết về ông một cách thẳng thắn. Ông là người kín tiếng, đôi khi với ông những lời hùng biện nhất chính là không nói gì cả. Là người của công chúng, ông đã học được cách thận trọng khi nói về những vấn đề riêng của mình. Những tác phẩm có bút tích của ông để lại không nhiều. Nhưng chúng cho chúng ta thấy được tâm tư tình cảm của ông và giúp chúng ta hiểu được phản ứng của ông trước những sự kiện trọng đại đã trải qua trong đời. Sự thật là trong các dịp lễ tiết quan trọng, ông có sáng tác những bài thơ waka (hòa ca) theo phong cách của ông nội Nhật hoàng Minh Trị. Tất cả khoảng hơn 860 bài, hầu hết được viết sau năm 1945 và đã được xuất bản. Nhưng ông không cho xuất bản bất kỳ hồi ký nào của mình và thường chỉ bày tỏ chính kiến hoặc dự định của mình thông qua những người khác, mà những người này lại cho rằng thật là bất kính và không thích hợp chút nào nếu một thần dân Nhật Bản viết bài chỉ trích Nhật hoàng của mình.

Vấn đề quan tâm chủ đạo của cuốn sách này là việc Hirojito không công khai thừa nhận trách nhiệm về đạo đức, chính trị và pháp lý của mình đối với cuộc chiến tranh kéo dài được tiến hành dưới danh nghĩa và sự chỉ đạo tích cực của ông với vai trò là người đứng đầu nhà nước và người chỉ huy quân sự tối cao. Hirohito đã không thoái vị khi thảm họa xảy ra vì ông tin rằng mình là Thiên hoàng nhờ vào quyền của thần thánh, và không thể thiếu được của đất nước Nhật Bản. Ông thiếu hẳn ý thức về trách nhiệm cá nhân đối với những gì Nhật Bản đã làm ở nước ngoài và chưa từng một lần thừa nhận tội lỗi về cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài hơn 13 năm trả giá bởi không biết bao nhiêu sinh mạng. Cảm thấy mình vẫn còn mắc nợ với tổ tiên, ông quyết định xây dựng lại Đế chế mà chính ông đã đóng góp rất nhiều vào sự sụp đổ của nó. Chính sách của Mỹ và Chiến tranh Lạnh đã giúp ông tiếp tục nắm giữ ngai vàng thêm 42 năm nữa, tiếp tục là biểu tượng của quốc gia và dân tộc nhưng ngược lại cũng là đối tượng khơi lại sự thất bại về chính trị của đất nước.

Cuốn sách được chia làm 4 phần.

Phần 1: Quá trình học tập của Hoàng tử Hirohito, 1901-1921

Phần 2: Chính trị với mục đích tốt đẹp, 1922-1930

Phần 3: Những cuộc chiến của Thiên hoàng, 1922-1945

Phần 4: Cuộc sống không truy xét, 1945-1989

Dựa vào hệ thống tư liệu đồ sộ chưa từng được khai thác kỹ càng trước đó, Nhật hoàng Hirohito và công cuộc xây dựng nước Nhật Bản hiện đại đã viết về giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của Nhật Bản, vén lên bức màn thần bí về ảnh hưởng của Hirohito tới Nhật Bản và thế giới. Những quyết sách xây dựng nhà nước Nhật Bản hiện đại được phân tích tỉ mỉ, rõ ràng. Sự tiến bộ về mặt tư tưởng và hành động của Nhật hoàng Hirohito là tấm gương cho tất cả các nước Á Đông và những nước đang trong quá trình hiện đại hóa đất nước noi theo. Cuốn sách đặc biệt có giá trị đối với các nhà lãnh đạo, các doanh nhân và giới trí thức trẻ Việt Nam – những người đang tìm kiếm bài học để xây dựng nước Việt Nam hiện đại. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Trương Phan Thanh Thủy

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận