Tác giả: Trần Minh Triết
Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2015, 183 trang
Kí hiệu: Vv2728
Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước mặt trời mọc, thế giới đã không ít lần thấy Nhật Bản vươn dậy sau khó khăn, đưa đất nước phát triển với tốc độ chóng mặt. Ví dụ, thảm họa động đất sóng thần diễn ra ở Nhật Bản vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 là đòn giáng mạnh vào kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 28/12/2011 tại thị trường châu Á, đồng USD đã yếu đi so với đồng yên của Nhật Bản. Tất cả những điều đó chứng tỏ rằng tất cả khó khăn thiệt hại không phải là trở ngại nền kinh tế Nhật phát triển. Có lẽ nguyên nhân sâu xa khiến Nhật Bản, một quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng của động đất, sóng thần, lại nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên, có tốc độ phát triển kinh tế như vậy chính là con người
Người Nhật Bản mang tinh thần tự lực tự cường, không chùn bước trước những khó khăn thử thách, sẵn sàng đương đầu trước thiên tai như động đất, núi lửa luôn luôn rình rập.
Người Nhật Bản kiên trì, nhẫn nại, không qua loa “đại khái”, đã làm sẽ làm đến nơi đến chốn, đã học cái gì là học đến cùng, thậm chí học hết kiến thức của thầy!
Người Nhật Bản hầu như không khoe khoang, không tỏ ra hơn người, trong mọi hành vi ứng xử, người Nhật tỏ ra “trung tính”. Với họ, cách ứng xử tốt nhất là hòa lẫn với mọi người, không được tỏ ra sắc sảo hơn, giàu có hơn, ăn diện hơn... nhưng cũng không thể hiện mình là người kém cỏi, nghèo túng... Cách ứng xử như vậy đã làm giảm những căng thẳng không cần thiết và góp phần hạn chế sự ghen ghét và tính đố kị của con người.
Người Nhật Bản khéo léo cẩn thận và tỉ mỉ, có lẽ chính vì thế đã giúp cho Nhật Bản nổi tiếng với nhiều mặt hàng máy móc điện tử chất lượng cao.
Người Nhật Bản chịu khó và lạc quan. Có lẽ do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đã tạo cho người Nhật Bản tính lạc quan. Trong quá khứ nhiều trận động đất lớn xảy ra nhưng ngay sau đó người Nhật lại lạc quan xây lại từ đống tro tàn đổ nát. Cũng có lẽ xuất phát từ tinh thần lạc quan này mà người Nhật cho dù già rồi vẫn cố gắng làm việc cống hiến cho gia đình xã hội.
Người Nhật Bản làm việc nghiêm túc, tinh thần kỷ luật cao đã làm nên nét độc đáo trong văn hóa kinh doanh của họ. Trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay, việc học hỏi các quốc gia tiến bộ là xu hướng thức thời, và Nhật Bản, xứ sở hoa anh đào là một ví dụ điển hình mà chúng ta nên học hỏi.
Những đức tính đó hầu như không thay đổi cho dù xã hội Nhật Bản luôn biến động, đổi thay. Và chính những phẩm chất ấy đã tạo ra một thứ gọi là “tinh thần Nhật Bản” mà toàn thế giới phải khâm phục...
Cuốn sách “Tìm hiểu người Nhật Bản - Để biết rõ những nhược điểm của ta” của sử gia Trần Minh Tiết là một chuyên luận ngắn gọn súc tích, khái quát về con người Nhật Bản, tâm tính tinh thần và khả năng của người Nhật, để từ đó người Việt Nam ta sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm, tinh thần sáng tạo và chung sức vào công cuộc phát triển đất nước.
Cuốn sách gồm 4 chương và một phần phụ lục.
Chương 1: Tinh thần đạo lý và những đức tính căn bản của người Nhật. Chương này trình bày 2 tinh thần (tinh thần ái quốc, lòng yêu đất, nước, tự nhiên) và 5 đức tính căn bản (đức công bình, tính can đảm, đức nhân từ, đức lễ phép, sự biết tự kiểm soát lấy mình) của người Nhật.
Chương 2: Nền văn hóa ở Nhật Quốc trải qua các thời đại. Chương này trình bày sự phát triển văn hóa Nhật Bản qua các thời đại.
Chương 3: Quan niệm về quốc gia và chủng tộc của người Nhật Bản trình bày quan niệm của người Nhật về quốc gia và chủng tộc với những ví dụ trong lịch sử.
Chương 4: Nước Nhật sau ngày chiến bại trình bày về một nước Nhật sau ngày chiến bại và Nhật Bản đã làm thế nào để phục hồi.
Trong phần phụ lục, để bạn đọc có cái nhìn khái quát và toàn diện hơn về con người, đất nước và văn minh Nhật Bản, tác giả đã trích đăng 4 bài viết từng được đăng trên Nam Phong tạp chí là: Sự tiến hóa của nước Nhật Bản về đường tinh thần, Gương nước Nhật, Trông gương thanh niên nước ngoài và Văn minh nước Nhật.
Thông qua 183 trang, tác giả đã khái quát về con người Nhật Bản trong lịch sử để từ đó người Việt Nam có thể rút ra được những kinh nghiệm hữu ích, khắc phục những nhược điểm của mình. Cuốn sách là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc muốn tìm hiểu về Nhật Bản. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.
Thực hiện: Trương Phan Thanh Thủy
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á