Trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản hầu như chưa có chính sách văn hoá. Trước năm 1990 của thế kỷ XX, chính sách văn hoá của Nhật Bản thường là sự đối phó bị động trước những vấn đề đặt ra, ví dụ, khi có nhiều chùa bị cháy, Chính phủ mới ban hành chính sách bảo tồn di sản, văn hoá.
Nhà nước Nhật Bản không muốn áp đặt chính sách văn hoá cho các địa phương, vì vậy nhà nước chỉ thông qua một số chính sách cơ bản, còn để cho các địa phương chủ động ban hành chính sách văn hoá của mình. Nhà nước đầu tư về kinh phí cho các địa phương để thi hành các chính sách văn hoá và nguồn kinh phí đó vẫn tăng theo từng năm. Năm 1997, Nhà nước Nhật Bản ban hành luật đầu tư tư nhân, trong đó có quy định đầu tư cho phát triển văn hoá.
Ở các địa phương Nhật Bản, vị trí của văn hoá được đề cao. Đến những năm 80, ở các tỉnh của Nhật Bản có đến vài nghìn nhà văn hoá.
Chính sách ngoại giao văn hoá của Nhật Bản được ban hành nhằm cải thiện hình ảnh và uy tín dân tộc thông qua các hoạt động văn hoá. Chính sách đó đã trải qua nhiều giai đoạn: Trong những năm 1950 và 1960, mục tiêu đặt ra là chuyển đổi hình ảnh của Nhật Bản trước chiến tranh vốn là một nước quân phiệt sang một hình ảnh mới, một quốc gia yêu hoà bình. Do đó, chính quyền Nhật Bản tập trung vào các hoạt động văn hóa như trà đạo và cắm hoa với hy vọng chúng sẽ chuyển tải được hình ảnh về một vùng trời yêu hoà bình của Nhật Bản ra thế giới. Nhiều cuốn sách của Nhật Bản đã được phân phát, trong đó đề cập đất nước Nhật Bản đương đại với những bức tranh hoa anh đào và ngọn núi Fuji phủ đầy tuyết trắng. Đó là những thông điệp với thế giới về sự thanh bình yên ả của Nhật Bản. Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, chính sách ngoại giao văn hoá tập trung vào việc tạo ra hình ảnh về một nước Nhật Bản hoà bình có nền kinh tế phát triển. Trong những năm 1970, Nhật Bản bắt đầu triển khai thêm các chính sách ngoại giao văn hoá tích cực. Sự thay đổi này được minh chứng bằng việc thiết lập Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản vào năm 1972 với số tiền tài trợ là 20 tỷ yên Nhật (sau này tăng thêm 50 tỷ). Các hoạt động chính của Quỹ là; (1) Hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật ở nước ngoài; (2) Trao đổi văn hoá, bao gồm trao đổi các diễn viên, nhạc sĩ; (3) Khuyến khích du học. Trong thời gian này cũng tạo được ấn tượng sâu sắc của sân khấu Kabuki và Noh ra cộng đồng quốc tế.
Vào đầu những năm 1980, khi nền kinh tế Nhật Bản đã trưởng thành và tầm quan trọng của Nhật Bản đối với thế giới gia tăng, thì những mong chờ đóng góp hơn nữa bắt đầu tăng lên. Chính sách ngoại giao văn hoá được hình thành như một trong ba trụ cột của chính sách ngoại giao Nhật Bản nói chung và nó đã mang lại kết quả là giữ vững hoà bình, hỗ trợ phát triển kinh tế và tăng cường hợp tác, trao đổi văn hoá với các nước.
Một đối tượng mà chính sách ngoại giao văn hoá Nhật Bản hướng tới là Châu Á. Từ giữa những năm 1970 tới giữa những năm 1980, ở Châu Á có quan niệm rằng “trí tuệ của người Nhật” thì trái ngược với “hàng hoá Nhật”. Mặc dù thị trường Châu Á tràn ngập xe máy của Nhật, người Nhật làm việc và những sản phẩm khác của Nhật. Nhưng những suy nghĩ và quan điểm của người Nhật đã không được chuyển tải tới người hàng xóm Châu Á của mình. “Bộ mặt của Nhật Bản” bị che khuất bởi những đồng yên, những lợi ích kinh tế. Như vậy, sự có mặt của đồng tiền và hàng hoá thay cho người Nhật bị vắng bóng. Quan niệm về một Nhật Bản vô danh là điển hình trong những năm 1970 và 1980. Để xua tan hình ảnh đó, Nhật Bản đã tung ra chính sách ngoại giao văn hoá của mình. Trước hết, chính sách đó phải giúp người Nhật hiểu được suy nghĩ và tâm lý của những người Châu Á láng giềng.
Nhật Bản đã thành lập Trung tâm Nhật Bản – ASEAN ở Tokyo vào những năm 1980 nhằm giới thiệu quan điểm và cách suy nghĩ của người Châu Á tới người Nhật. Quỹ Toyota của Nhật Bản đã đề xướng chương trình trao đổi sinh viên trong khu vực Đông Nam Á và hỗ trợ cung cấp các xuất học bổng cho Đông Nam Á để nghiên cứu và tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Nhật Bản và ASEAN. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, Nhật Bản đang tìm một định hướng mới cho chính sách ngoại giao văn hoá của mình nhằm tạo ra một Nhật Bản là đối tác đáng tin cậy thực sự đối với Châu Á và thế giới.
Hiện nay, ở khu vực Đông Á đang có xu hướng hình thành Cộng đồng Đông Á. Sự hình thành một cộng đồng khu vực thường dựa trên những cơ sở nhất định. Trong trường hợp hình thành Cộng đồng Đông Á, tiền đề kinh tế đang đóng vai trò quan trọng nhất đối với xu hướng một cộng đồng ở khu vực này. Tiền đề văn hoá có thể không phải là động lực mạnh mẽ cho sự hình thành Cộng đồng Đông Á, nhưng khi nghĩ tới sự ổn định và bền vững của một cộng đồng khu vực, tiền đề văn hoá cũng đóng vai trò quan trọng. Tiền đề văn hoá ở Đông Á có nhiều điều kiện bất lợi cho sự hình thành Cộng đồng Đông Á vì ở đây có sự đa dạng văn hoá rất lớn và chưa từng tồn tại một tư tưởng tôn giáo hoặc triết học chung nào có thể xúc tiến sự hợp tác xuyên quốc gia trên quy mô khu vực và cũng khó mà làm cho một tôn giáo, một nền văn hoá nào trở thành giá trị trung tâm tiêu biểu cho cả một khu vực. Do đó, chính sách ngoại giao văn hoá của Nhật Bản là coi trọng tính đa dạng văn hoá trong khu vực Đông Á. Ở khu vực Đông Á hiện nay, mối quan hệ giữa các chủ thể văn hoá chưa phải là bình đẳng, nhưng người nào cũng có thể trở thành người phát tin văn hoá, dòng chảy văn hoá ở đây không phải một chiều như kiểu người giàu áp đặt văn hoá của mình lên người nghèo, mà là kiểu có đi có lại.
Vào những năm 1950 và 1960, chính sách ngoại giao văn hoá của Nhật Bản đã thực hiện bằng cách: Nhật Bản gửi các nghệ sĩ của mình sang phương Tây để học hỏi các trào lưu mới và tìm những nguồn cảm hứng mới. Hầu hết những trao đổi văn hoá trong thời gian này đều là giữa Nhật Bản với Châu Âu, với Mỹ. Lúc đó Nhật Bản ít có mối quan hệ giao lưu văn hoá với các nước Châu Á và các quốc gia đang phát triển. Mục đích chính của chính sách ngoại giao văn hoá Nhật Bản vào lúc bấy giờ là nhằm nâng cao chất lượng (theo tiêu chuẩn quốc tế) các hoạt động văn hoá - nghệ thuật của Nhật Bản để đạt được sự thừa nhận trong cộng đồng quốc tế.
Vào những năm 1970, chính sách ngoại giao văn hoá Nhật Bản được thực hiện bằng cách giới thiệu các nền văn hoá nước ngoài và trao đổi văn hoá quốc tế để làm giàu văn hoá Nhật Bản. Nhật Bản đã mời các thanh niên từ các nước nói tiếng Anh tới Nhật Bản làm việc với tư cách là trợ lý giảng dạy trong các lớp tiếng Anh ở các trường công hoặc mời các nhà cố vấn Chính phủ về hoạt động quốc tế đến Nhật Bản làm việc. Nhật Bản còn gửi các nghệ sĩ Kabuki và kịch Noh ra nước ngoài học tập, giới thiệu võ thuật Nhật Bản ra nước ngoài,v.v.
Từ những năm 1990 trở đi, đánh dấu một giai đoạn mới trong chính sách ngoại giao văn hoá, đặc biệt là trong quá trình toàn cầu hoá hiện nay. Nhật Bản đã xem lại và điều chỉnh các chính sách văn hoá cho phù hợp với điều kiện mới. Mục tiêu của chính sách ngoại giao văn hoá Nhật Bản vẫn là tiếp tục giải thích những quan điểm của Nhật Bản và xua tan những hiểu lầm, tạo lập những cây cầu đối thoại văn hoá, làm phong phú văn hoá dân tộc, góp phần làm giầu cho văn hoá nhân loại, Nhật Bản chủ trương việc trao đổi văn hoá trên thế giới không nên dẫn đến sự xung đột giữa các nền văn hoá, mà tất cả các nền văn hoá nên được xem như là những tài sản đặc biệt của con người, tất cả những gì là văn hoá thì phải cùng nhau bảo vệ. Do đó một định hướng mới về chính sách trao đổi văn hoá là tập trung nhấn mạng vào tầm quan trọng của di sản văn hoá nhân loại, việc trao đổi văn hoá quốc tế chính là để làm giàu cho văn hoá nhân loại. Hiện nay, một hình thức trao đổi văn hoá đang nổi lên ở Nhật Bản là khuyến khích các hoạt động chung, mang tính đa dân tộc. Thay vì đưa các nghệ sĩ Nhật Bản ra nước ngoài biểu diễn, thì những nỗ lực như cùng sản xuất những bộ phim, những buổi trình diễn nghệ thuật… Đây được coi như là một xu hướng mới trong các chính sách trao đổi văn hoá của Nhật Bản với các nước ở giai đoạn hiện tại.
Chính sách ngoại giao văn hoá Nhật Bản còn nhằm mục đích phục vụ mạng lưới an toàn xã hội. Đó là khuyến khích sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhóm bị chia cắt bởi những xung đột chính trị nghiêm trọng. Ví dụ, thanh niên Israel và Palestin có thể được mời tới Nhật Bản biểu diễn cùng nhau một vở kịch và thông qua đó họ có cơ hội được hiểu biết về nhau sâu sắc hơn.
Nhật Bản đang hướng đến việc trao đổi văn hoá vì mục đích hoà bình, làm cho các hoạt động văn hoá đóng góp cho việc xây dựng một thế giới không có chiến tranh, ngăn ngừa và giải quyết các xung đột, tiến tới loại trừ xung đột.
GS. TS. DƯƠNG PHÚ HIỆP