Tác động lan tỏa công nghệ được hiểu là những ảnh hưởng tích cực về mặt công nghệ đối với các DN địa phương, doanh nghiệp trong nước khi tiếp nhận đầu tư của các nước có trình độ phát triển cao hơn. Bên cạnh tác động trực tiếp tới tăng trưởng của cả nền kinh tế, sự có mặt của các doanh nghiệp FDI còn tác động gián tiếp tới các doanh nghiệp trong nước như tăng áp lực cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp trong nước phải tăng hiệu quả kinh doanh, thúc đẩy quá trình phổ biến và chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các nguồn khác nhau. Các tác động này được gọi là lan toả công nghệ từ FDI. Nhiều minh chứng qua các nghiên cứu và thực nghiệm trong nhiều năm về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các công ty đa quốc gia ở các nước đang phát triển hơn đã thể hiện rõ những tác động tích cực của FDI đối với nền kinh tế của các nước sở tại.
Hấp thụ công nghệ tức là việc tiếp thu, học hỏi, tiếp nhận chuyển giao, khai thác có hiệu quả và cải tiến, hoàn thiện công nghệ lan tỏa từ doanh nghiệp nước ngoài phục vụ các mục tiêu kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp. Đây là khả năng của doanh nghiệp trong việc tiếp nhận, ứng dụng, cải tiến các tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào sản xuất kinh doanh và mở rộng quy mô ứng dụng chúng và thậm chí chuyển giao tiếp cho các doanh nghiệp khác hoặc nước khác. Nếu như chỉ đơn thuần mang nguyên vẹn công nghệ chuyển giao đưa vào sản xuất, không có nghiên cứu, cải tiến và không làm chủ được công nghệ thì mới chỉ là thiếp nhận (tiếp thu) công nghệ đơn thuần.
Thực tế có các hình thức lan toả và hấp thụ CN từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp nội địa sau đây:
i) DN trong nước học hỏi công nghệ của các doanh nghiệp FDI qua quan sát hoặc bắt chước các sản phẩm hoặc CN được đưa vào;
ii) Xuất phát từ sự dịch chuyển lao động khi các doanh nghiệp FDI tuyển dụng lao động nước sở tại và đội ngũ lao động có trình độ này rời khỏi các doanh nghiệp FDI và chuyển tới làm việc trong các doanh nghiệp địa phương hoặc thành lập công ty mới;
iii) Bắt nguồn từ sự cạnh tranh được tạo ra bởi sự tham gia của doanh nghiệp FDI tạo ra sức ép cạnh tranh cao trong nội bộ ngành buộc các DN trong nước phải đầu tư vào công nghệ hoặc sản phẩm mới để giữ thị trường hoặc qua “rò rỉ” công nghệ trong các liên doanh;
iv) Từ sự liên kết sản xuất hoặc mua bán nguyên vật liệu, hàng hoá giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước (hợp đồng sản xuất phụ trợ). Mối quan hệ trong hợp đồng phụ trợ giữa các doanh nghiệp FDI và các nhà cung cấp nội địa có thể cho phép lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI chuyển tới làm việc trong các nhà cung cấp nội địa và qua đó có LTCN qua sự lan truyền kỹ năng, tay nghề của người lao động. Qua đó, doanh nghiệp FDI cũng buộc các nhà cung cấp nội địa phải hoàn thiện dây chuyền sản xuất và công nghệ của họ để đáp ứng yêu cầu của bên mua (Smarzynska, 2004). Với tư cách là các đơn vị bán hàng, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI, các DN trong nước có thể nhận được sự giúp đỡ dưới dạng được đào tạo kỹ năng bán hàng hoặc cung cấp các công nghệ và thiết bị bán hàng và từ đó tạo ra sự lan toả và hấp thụ công nghệ (K. Mayer, 2003).
Qua kinh nghiệm phát triển của công nghiệp điện tử Đông Á, có thể nhận thấy ba điều kiện cần thiết giúp họ hội nhập được vào hệ thống sản xuất thế giới: Một là, tăng cường hấp thụ CN qua thu hút FDI để chuyên môn hoá sản xuất và tăng cường khả năng liên kết trong hợp đồng cung cấp phụ trợ toàn cầu; Hai là, tăng cường việc sử dụng hệ thống thông tin số hoá để quản lý, xây dựng mạng lưới dịch vụ cùng với sản xuất toàn cầu; Ba là, không ngừng đẩy mạnh nội địa hoá bằng cách ưu tiên đầu tư nhập khẩu CN, nâng cấp và cải tiến (hấp thụ CN), tạo uy tín về chất lượng sản phẩm để hội nhập vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Trường hợp công nghiệp điện tử Trung quốc và Malaysia là những minh chứng đáng để chúng ta lưu tâm:
* Trung Quốc
Trung Quốc là một thị trường khổng lồ, thu hút vốn và công nghệ qua FDI hàng năm tại đây luôn duy trì ở mức cao, khoảng hơn 50 tỷ USD một năm. Hầu hết các hãng điện tử lớn của Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đầu tư vào thị trường Trung quốc. Theo đánh giá chung, Trung quốc đã tận dụng tối đa hiệu ứng LTCN từ FDI và có chiến lược hấp thụ CN bài bản của DN với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. Với chi phí lao động khá rẻ, nắm bắt CN tương đối nhanh, Trung quốc đang trở thành đối thủ cạnh tranh hàng đầu ở Châu Á. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc là nơi hấp dẫn các nhà đầu tư vốn và CN nước ngoài, do đã kết hợp được các yếu tố phát triển như bùng nổ thị trường sản phẩm công nghệ thông tin và dịch vụ, cung cấp không có giới hạn lực lượng lao động lành nghề trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ điện tử.
Hiện nay, thành tựu rất lớn của hấp thụ LTCN qua FDI là Trung Quốc sản xuất linh kiện và bán thành phẩm điện tử vươn lên ngang và sẽ hơn Singapo và Malaysia. Các công ty của Đài Loan đã mở đường cho các công ty của Mỹ chuyển hoạt động sản xuất từ Đài Loan vào Trung Quốc lục địa. Vì vậy, khoảng hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu điện tử của Đài Loan do các cơ sở sản xuất đặt tại Trung Quốc tạo ra. Các hãng máy tính, điện tử lớn công nghệ cao của Mỹ và thế giới như Cisco, Compaq, Hewlett-Packard, Intel, Microsoft, Motorola, Dell, Sony, Mitisubishi, Toshiba, Canon, Alcatel, Nokia, Phillips, … đều có các chi nhánh sản xuất thiết bị điện tử bán thành phẩm điện tử tại Trung Quốc. Trong đó, hãng Motorola có 12 chi nhánh tại khu vực, nhưng đã có 6 cơ sở sản xuất tại Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất, hoạt động nghiên cứu triển khai mạnh nhất. Hãng Nokia đã thành lập một khu công nghiệp lớn tại Bắc Kinh có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, thu hút 15.000 người làm việc và tổng doanh thu hàng năm 6 tỷ USD trong 15 nhà máy sản xuất điện thoại để cung cấp sản phẩm cho mạng lưới kinh doanh toàn cầu.
Đặc biệt, hoạt động công nghiệp sản xuất phụ trợ được đẩy mạnh tại Trung Quốc, với mục tiêu hoà nhập vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Năm 2000, chính phủ Trung Quốc đã đề ra chiến lược đầu tư phát triển sản xuất thiết bị điện tử và bán thành phẩm. Những khu công nghiệp sản xuất lớn đã được hình thành tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu với mức đầu tư lên tới gần 10 tỷ USD. Trung Quốc đặt niềm tin các khu công nghiệp này sẽ thay thế vị trí của các công ty Hoa Kỳ trong hoạt động sản xuất thiết bị điện tử và bán thành phẩm, tuy đến nay, các hãng sản xuất điện tử của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào công nghệ của Hoa Kỳ. Hoạt động sản xuất thiết bị điện tử và bán thành phẩm năm 2000 tăng 42%, xuất khẩu tăng 35%, đạt giá trị 2,1 tỷ USD. Các hãng nước ngoài đầu tư tới 94% số vốn và công nghệ sản xuất hiện đại tạo ra lan tỏa công nghệ rất mạnh mẽ. Thực chất, năng lực sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm điện tử trên thị trường thế giới của Trung Quốc chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Năm 2005, mức bán ra các thiết bị điện tử và bán thành phẩm của Trung Quốc đạt 9,7 tỷ USD, chiếm 2% thị trường toàn cầu và đáp ứng 30% nhu cầu của thị trường nội địa.Theo dự báo, đến năm 2010 doanh số bán ra các loại sản phẩm này của Trung Quốc chiếm trên 5% thị trường điện tử thế giới.
* Malaysia
Là một quốc gia có nền công nghiệp điện tử phát triển tại Đông Á, khởi đầu nhờ đầu tư lớn của các hãng điện tử Nhật Bản. Thực tế có thể khẳng định rằng, hấp thụ mạnh công nghệ mới từ LTCN qua FDI để hội nhập với mạng lưới sản xuất toàn cầu là thành công quan trọng mở đầu của công nghiệp điện tử Malaysia. Quá trình mở rộng và hiện đại hoá các khu công nghiệp sản xuất điện tử là thành quả đạt được từ quá trình hấp thụ này. Quá trình Malaysia liên kết với mạng lưới sản xuất toàn cầu được thực hiện từ thập niên 1970, dưới dạng tiếp nhận công nghệ để sản xuất phụ trợ là lắp ráp các chíp điện tử theo yêu cầu của các tập đoàn điện tử Nhật Bản như Sony, Toshiaba, Mitsubishi, Canon… và sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng tiêu thụ cho thị trường Châu Á. Malaysia cũng đã tham gia rất sớm và nhanh vào mạng lưới sản xuất toàn cầu với việc liên kết hợp tác sản xuất các chi nhánh của các công ty Mỹ tại Đài Loan để sản xuất máy tính và thiết bị viễn thông. Kế hoạch làm chủ công nghiệp của Malaysia bắt đầu từ thời kỳ 1986 - 1995 đã đạt được thành quả nhớ thu hút vốn và công nghệ nước ngoài qua FDI của các hãng sản xuất điện tử hàng đầu thế giới để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá sang giai đoạn mới. Kế hoạch làm chủ công nghiệp (hấp thụ công nghệ tốt) đã được các kết quả vượt mục tiêu đề ra về sản lượng, giá trị xuất khẩu, vốn đầu tư và thu hút nhiều lao động trong nước của Malaysia.
Nhờ tận dụng hiệu ứng lan tỏa và hấp thụ công nghệ mà công nghiệp điện tử Malaysia phát triển rất mạnh và nhanh. Các sản phẩm điện tử của Malaysia đã xuất hiện tại nhiều thị trường lớn trên thế giới và chiếm thị phần lớn. Trong đó, xuất khẩu trở thành động lực chính cho quá trình tăng trưởng công nghiệp điện tử của Malaysia, cán cân thương mại của ngành công nghiệp điện tử luôn ở mức trên 25%/ năm. Các chi nhánh sản xuất toàn cầu và các nhà sản xuất theo hợp đồng của Malaysia góp phần quan trọng trong việc hiện đại hoá công nghiệp điện tử. Ngành công nghiệp điện tử Malaysia đã thu hút được trên 1/3 tổng vốn đầu tư cho các ngành công nghiệp chế tạo tại thời kỳ 1996-2006. Năm 1985, xuất khẩu sản phẩm điện tử chiếm 40% tổng giá trị của công nghiệp chế tạo, năm 2006, tỷ lệ đó tăng lên trên 70%.
Tiếp theo, Malaysia đã tiến hành kế hoạch làm chủ công nghiệp lần thứ hai với mục tiêu là hấp thụ công nghệ hiện đại nhất để chuyển các hoạt động lắp ráp để tiến thẳng vào hoạt động chế tạo để nâng cao chuỗi giá trị dựa vào các khu công nghiệp chế tạo điện tử đạt năng suất cao. Malaysia đã đẩy mạnh các hoạt động chế tạo và thành lập các khu công nghiệp điện tử quy mô lớn đồng thới với việc tập trung cho đầu tư vào hoạt động nghiên cứu triển khai, tiếp thị sản phẩm trên quy mô toàn cầu. Trong kế hoạch, Malaysia đã hình thành 4 khu công nghiệp điện tử mạnh vào loại nhất Châu Á là Penang, Selangor và Miltimedia, Super Corridor. Việc hình thành các khu công nghiệp điện tử lớn đã giúp cho Malaysia giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, các cơ sở ở trong nước được nâng cấp có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất phụ trợ toàn cầu thông qua liên kết với các trung tâm chế tạo hàng đầu của thế giới, từ đó mở rộng các cơ sở sản xuất ra nước ngoài. Cạnh tranh về công nghệ điện tử, thông tin tại Châu Á đã giúp Malaysia có được lợi thế hơn, tiến sâu hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, đồng thời thu hút nhiều vốn và công nghệ tiên tiến đầu tư hoạt động sản xuất chuyên môn hoá tại các khu công nghiệp điện tử của họ.
Qua quá trình phát triển CN điện tử của Trung quốc, Malaysia cũng như các nước Đông Á có thể thấy được những kinh nghiệm thành công:
- Một là, hấp thụ công nghệ qua FDI để nâng cấp công nghiệp điện tử: Chiến lược phát triển dài hạn công nghiệp điện tử của các nước đã tập trung phát triển sản xuất theo hướng chuyên môn hoá, nâng cao năng suất và đạt chuẩn quốc tế khi tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Trong thời kỳ đầu, các nước này thu hút mạnh mẽ nguồn FDI kèm theo công nghệ cao vào ngành điện tử từ đó tạo ra sự lan tỏa công nghệ rất mạnh. Sau đó, họ hấp thụ công nghệ để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, triển khai và đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời liên kết với các cơ sở sản xuất trong và ngoài nước để có khả năng quản lý hệ thống thông tin công nghệ sản xuất và thị trường phức tạp.
- Hai là, liên kết quốc tế có vị trí hết sức quan trọng trong phát triển công nghiệp điện tử: Thực tế cho thấy, các cơ sở sản xuất nội địa ở các nước Châu Á đều bị giới hạn bởi khả năng liên kết và CN hạn chế, khu vực sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh tăng trưởng thấp, tỷ phần trong chuỗi giá trị rất nhỏ. Vì vậy, ý nghĩa quan trọng của các nền kinh tế Châu Á trong lĩnh vực công nghiệp điện tử là phải nâng cấp hệ thống sản xuất, tiếp thu hiệu quả LTCN thông qua các hoạt động liên kết và ra nhập được chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu.
- Ba là, phát triển công nghiệp sản xuất phụ trợ để hướng ra thị trường thế giới: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, một xu hướng sản xuất mới hình thành đó là mô hình sản xuất chuỗi theo chiều dọc trong một ngành công nghiệp với mức độ chuyên môn hoá rất cao. Trong xu thế đó, có hai quá trình chuyển giao liên hệ mật thiết với nhau, đó hình thành mạng lưới các nhà sản xuất phụ trợ (cung cấp theo hợp đồng) và quá trình sáp nhập thôn tính.
Thành lập các cơ sở sản xuất tại nước ngoài (nền tảng của công nghiệp phụ trợ) ra đời từ rất sớm trong nhiều ngành công nghiệp chế tạo như sản xuất thép, chế tạo máy... Biện pháp chính của các công ty đa quốc gia là hỗ trợ tài chính để nâng cấp hệ thống sản xuất phụ trợ để đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhờ đổi mới công nghệ, tăng cường đầu tư nguồn lực mở rộng sản xuất. Nhờ vậy, số lượng các nhà sản xuất theo hợp đồng trong ngành điện tử Châu Á thời kỳ 1996-2006 tăng trên 50% và tổng thu nhập đã tăng lên hơn 4 lần. Tỷ lệ tăng trưởng của công nghiệp điện tử Châu Á gần đây chủ yếu do quá trình sát nhập và thôn tính tạo nên. Nhưng, số nhà sản xuất theo hợp đồng cho các công ty của Mỹ và Tây Âu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, đặc biệt là công nghệ cao thường bị khống chế.
Tuy nhiên, qua kinh nghiệm các nước cũng phải rút ra những bài học cần tránh cho DN Việt Nam lường trước trong quá trình tiếp nhận CN từ FDI:
- Không ít các nhà đầu tư nước ngoài đã lợi dụng hoạt động FDI để tránh thuế và chuyển thiết bị cũng như công nghệ cũ, lạc hậu sang các nước tiếp nhận đầu tư. Trong số những công nghệ chuyển giao có nhiều loại không phù hợp với điều kiện khí hậu nên hao mòn máy nhanh, có những thiết kế và chi tiết không thể thay thế được do chỉ sản xuất ra trong điều kiện đặc thù của nước có CN nguồn, có những trường hợp chuyển giao công nghệ không đồng bộ hoặc không triệt để và hoàn thiện dẫn đến không phát huy hiệu quả trong thực tế. Với tốc độ phát triển CN như hiện nay, công nghệ được chuyển giao qua FDI thường là ở đời thứ 2 hoặc 3, thậm chí có khi là đời thứ 4 đối với một số ngành và ở một số nước. Việc tiếp nhận các công nghệ cũ, lạc hậu qua các dự án FDI đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xã hội không nhỏ cho nhiều nước tiếp nhận đầu tư. Ngay cả Trung quốc, Malaysia và nhiều nước đang phát triển khác cũng đang phải giải quyết hậu quả của việc nhập CN ồ ạt, thiếu chọn lọc dẫn đến tăng trưởng nóng và thiếu bền vững. Trong khi đó, ở rất nhiều dự án liên doanh giá CN do bên nước ngoài đóng góp thường được thổi phồng lên để làm thay đổi tỷ lệ góp vốn trong liên doanh dẫn đến tỷ lệ phân chia lợi nhuận của bên nhận đầu tư rất thiệt thòi. Nhiều nước Châu Á đang phải gánh chịu hậu quả của tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài lấy hết lãi và để lại công nghệ lạc hậu vì giá trị công nghệ để được đẩy lên quá đáng. Điều đó cho thấy, nếu DN của các nước đang phát triển không hấp thụ được hiệu ứng LTCN, hoặc không phát triển và nâng cao năng lực CN thì vẫn chịu sự chi phối, quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài.
- Kênh hấp thụ LTCN qua lao động nhiều khi cũng khó đạt vì lao động của các nước tiếp nhận đầu tư được thuê trong các doanh nghiệp FDI thường chỉ thao tác, vận hành những tác nghiệp thông thường nên không nắm bắt được kỹ năng và kỹ thuật của CN. Trong khi đó, số người được đào tạo quản lý rất ít và nội dung đào tạo cũng không phải là tất cả các nghiệp vụ điều hành quản lý nên không năm được bí quyết đáng kể.
- Một hạn chế nữa của lan toả và hấp thụ công nghệ qua FDI là tư tưởng ỷ lại vào công nghệ của FDI. Do đó, dễ dẫn đến tình trạng phụ thuộc lâu dài vào CN của các nhà đầu tư cũng như phụ thuộc vào dây chuyền, qui trình và bí quyết của họ. Sự phụ thuộc này về lâu dài không có lợi cho sự tự lập về công nghệ của nước tiếp nhận, các ngành nghiên cứu ứng dụng trong nước khó có cơ hội để tồn tại. Hơn nữa, do không nắm bắt được công nghệ, nên phía nước nhận đầu tư cũng không nắm bắt được khả năng tiêu thụ sản phẩm mà các doanh nghiệp liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác gia công sản xuất ra.
Tóm lại, hội nhập kinh tế quốc tế trong thời đại bùng nổ cách mạng KHCN, nhiều cơ hội và thách thức đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển. Để nâng cao năng lực cạnh tranh và đa dạng hóa sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam phải coi trọng đổi mới và phát triển công nghệ nhằm hấp thụ thất tốt LTCN từ doanh nghiệp FDI. Những bài học rút ra từ trường hợp của ngành điện tử Trung quốc và Malaysia cả bài học thành công và đặc biệt là bài học cần tránh phần nào giúp cho các DN nước ta trong quá trình hấp thu LTCN từ các doanh nghiệp FDI để từng bước tạo dựng nền công nghiệp trong nước đồng bộ và hiện đại để có thể hội nhập kinh tế quốc tế chủ động và tự tin.
NGUYỄN QUANG HỒNG
(TS, Đại học Kinh tế quốc dân)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Bích Đạt, đề tài khoa học cấp Nhà nước KX01.05 thuộc chương trình KX01 “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: vai trò và vị trí của nó trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”.
2. Ngô Văn Quế, (2001), Quản lý chuyển giao công nghệ và chất lượng sản phẩm. Nxb Khoa học và kỹ thuật. Hà nội.
3. Nguyễn Danh Sơn, (1999), Quan hệ giữa phát triển KH và công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt nam. Nxb Khoa học xã hội , Hà nội.
4. Trần Xuân Tùng, (2005), Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp, Nxb Chính trị quốc gia. Hà nội 2005.
5. Nguyễn Trọng Xuân, Nguyễn Xuân Thắng (2001), “FDI trong ngành công nghệ điện tử Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển. Số 3.
6. Bee-Yan Aw (2002), “Accumulating technology and location spillovers among firms in Taiwan's electronics industry”, The Journal of Development Studies. London: Oct 2002.Vol.39.
7. Juan Blydem, Maurice Kugler and Ernesto Stein, (2004), Exporting vs Outsourcing by MNC subsidaries: Which determines FDI spillovers? Southampton University.