Năm 2008 là năm Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa được tròn 30 năm. Trong 30 năm đó, những thành tựu to lớn của Trung Quốc trong tăng cường sức mạnh đất nước, cải thiện dân sinh đã gắn bó chặt chẽ với môi trường bên ngoài có chuyển biến tốt. Trong đó hợp tác kinh tế giữa Chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản lấy viện trợ phát triển (ODA) của Chính phủ Nhật Bản làm trung tâm đã là một trong những động lực thúc đẩy Trung Quốc phát triển tốc độ nhanh.
I. Năm 1978-2008: sự liên hệ nội tại của 30 năm
Năm 2008 là tròn 30 năm Trung Quốc cải cách mở cửa, cũng là tròn 30 năm ký kết “Hiệp ước hòa bình hữu hảo Trung Nhật”, đồng thời cũng là tròn 30 năm Đặng Tiểu Bình thăm Nhật.
Điều 8 trong “Tuyên bố chung Trung Nhật” ngày 29 tháng 9 năm 1972 qui định: “Để củng cố và phát triển quan hệ hòa bình hữu hảo giữa hai chính phủ, chính phủ nước CHND Trung Hoa và chính phủ Nhật Bản đồng ý tiến hành đàm phán lấy ký kết hiệp ước hòa bình hữu hảo làm mục đích.” Sau khi Trung Nhật nối lại quan hệ ngoại giao, vấn đề ký hiệp ước hòa bình hữu hảo đã được đưa vào chương trình làm việc hàng ngày của hai nước.
Ngày 10 tháng 11 năm 1974, đại biểu hai bên Trung Nhật tiến hành cuộc đàm phán có tính dự bị lần thứ nhất cho việc ký hiệp ước. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 1975, hai bên Trung - Nhật đã tiến hành 12 lần hội đàm. Trong cuộc hội đàm lần thứ ba ngày 14 tháng 2, xoay quanh việc liệu có viết câu “điều khoản chống bá quyền” vào trong hiệp ước hay không, hai bên Trung - Nhật đã phát sinh bất đồng. “Điều khoản chống bá quyền” vốn đã được ghi vào “Tuyên bố chung Trung - Nhật” và cách thể hiện giống như vậy cũng được viết vào “Thông báo chung Trung - Mỹ” tháng 2 năm 1972. Phía Trung Quốc chủ trương, hiệp ước hòa bình phải kiên trì tinh thần cơ bản của “Tuyên bố chung Trung - Nhật”. Phía Nhật Bản lấy lý do là điều khoản này sẽ kích thích Liên Xô, và phản đối viết “điều khoản chống bá quyền” vào hòa ước. Đến đấy hội đàm ký kết hiệp ước Trung - Nhật bị gác lại. Xem xét từ nguyên nhân sâu xa thấy, tình hình nội bộ Trung - Quốc trong thời kỳ “cách mạng văn hóa” và thái độ tiêu cực của nội các Takeo Miki đã khiến đàm phán ký hiệp ước Trung - Nhật bị lâm vào cục diện cứng nhắc.Tháng 10 năm 1974 sau khi “lũ bốn người” bị bắt, Trung Quốc bước vào thời đại hậu “cách mạng văn hóa”. Ngày 24 tháng 12 năm 1976 sau khi thành lập nội các, Yasuo Fukuda thể hiện thái độ tích cực đối với việc khôi phục đàm phán ký hiệp ước. Tháng 7 năm 1977, Đặng Tiểu Bình được khôi phục các chức vụ lãnh đạo. Ngày 10 tháng 9 năm 1977 khi tiếp các bạn Nhật Bản, Đặng Tiểu Bình biểu thị: thực ra việc đó chỉ cần một giây là giải quyết xong, không cần nhiều thời gian. Gọi là một giây là chỉ hai chữ “ký kết”. Ngày 21 tháng 1 năm 1978, trong diễn thuyết tại Quốc hội, Yasuo Fukuda biểu thị: “thời cơ đàm phán đã chín muồi.”
Ngày 21 tháng 7, Trung - Nhật khôi phục đàm phán ký hiệp ước. Sau khi đã trải qua mười mấy vòng đàm phán, ngày 9 tháng 8 năm 1978, đàm phán Trung - Nhật do cấp thứ trưởng, đại sứ được nâng lên thành ngoại trưởng. Chiều ngày 12 tháng 8, hai bên Trung - Nhật ký “Hiệp ước hòa hình hữu nghị Trung - Nhật” tại Đại Lễ đường Nhân dân. Hiệp ước này được Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua ngày 16 tháng 8 và được hai viện Thượng, Hạ nghị viện Nhật thông qua ngày 16 và 18 tháng 10. Ngày 22 tháng 10 năm 1978, Phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình được mời thăm Nhật. Ngày 23 tháng 10 lễ trao đổi thư phê chuẩn “Hiệp ước hòa bình hữu hảo Trung - Nhật” được cử hành tại Tokyo, Phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình và Thủ tướng Yasuo Fucuda tham dự, hiệp ước chính thức có hiệu lực từ đó. Hoàng Hoa lúc đó là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao, đại biểu Trung Quốc ký tên vào “Hiệp ước hòa bình hữu hảo Trung - Nhật” đã từng nói, đây là một điều ước hòa bình hữu hảo thực sự bình đẳng đầu tiên trong lịch sử quan hệ Trung - Nhật trên hai ngàn năm nay, là sự tổng kết kinh nghiệm lịch sử và bài học lịch sử trong quan hệ Trung - Nhật, là một hiệp ước phản ánh thực sự nguyện vọng của nhân dân hai nước, bảo vệ lợi ích căn bản của nhân dân hai nước.”
Trong thời gian thăm Nhật, Đặng Tiểu Bình đã khảo sát thành thị, nông thôn các ngành sản xuất của Nhật Bản và cảm thấy sâu sắc khoảng cách to lớn trong phát triển kinh tế và xã hội Trung - Nhật, từ sự phát triển kinh tế và xã hội của Nhật sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Đặng Tiểu Bình đã rút ra rất nhiều suy ngẫm trọng đại. Ví dụ như định ra ý tưởng “đi ba bước” trong xây dựng hiện đại hóa Trung Quốc, mục tiêu chiến lược “tăng bốn lần”, đề ra chỉ tiêu xây dựng xã hội khá giả bình quân đầu người 800-1000 USD v.v..
Tháng 12 năm 1978, Hội nghị toàn thể Ban chấp hành TW lần thứ ba khóa 11 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định đường lối hiện đại hóa lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, lấy cải cách mở cửa làm con đường chính.
Như đã trình bầy ở trên, việc ký “Hiệp ước hòa bình hữu hảo Trung - Nhật”, việc hình thành bản thiết kế cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình cũng như việc mở ra thời đại mới cải cách mở cửa của Trung Quốc là một tiến trình lịch sử của ba quá trình, nội chính và ngoại giao Trung Quốc theo thứ tự tiến lên từng bậc,tiếp nối phần trên, gợi mở phần dưới, từng bước đi sâu.
II. Năm 1979: quá trình quyết sách ODA của Nhật Bản cho Trung Quốc
Sau “cách mạng văn hóa”, mọi việc đều phải xây dựng. Trong đó mâu thuẫn giữa đòi hỏi có thiết bị và kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài và không đủ tiền vốn ngày càng đột xuất. Trong tình hình mới, tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc đã điều chỉnh dần dần chính sách vốn nước ngoài, trước tiên quyết định nhập khẩu tài khoản thương nghiệp nước ngoài, sau đó lại quyết định nhập khẩu đầu tư trực tiếp của nước ngoài, năm 1979 lại xác định phương châm tiếp nhận tài khoản của Chính phủ Nhật Bản.
Xem xét từ phía Nhật Bản thấy, phương án cung cấp tài khoản chính phủ cho Trung Quốc đã xuất hiện đầu tiên vào thời kỳ Nội các Fukuda. Ngày 8 tháng 12 năm 1978, sau khi thành lập nội các, Nasayoshi Ohira đã có kế hoạch cung cấp tài khoản đồng Yên cho Trung Quốc. Tài khoản đồng Yên Nhật có hai đặc điểm lớn không giống với tài khoản thương nghiệp. Thứ nhất, nó là tài khoản chính phủ, nó không giống với tài khoản được các ngân hàng hoặc xí nghiệp dựa vào qui luật kinh tế thị trường và lợi ích thương nghiệp cung cấp, mà thể hiện chính sách ngoại giao của chính phủ Nhật. Thứ hai, lãi suất của nó thấp, thời hạn cho vay dài. Điều kiện cung cấp của nó ưu đãi hơn so với tài khoản thương nghiệp.
Ngày 30 tháng 11 năm 1979, dưới sự quyết đoán chính trị của Thủ tướng Nasayoshi Ohira, đã đưa ra quyết định cung cấp tài khoản đồng Yên cho Trung Quốc. Ngày 5 tháng 12, Thủ tướng Ohira thăm Trung Quốc, chính thức biểu thị với phía Trung Quốc quyết định viện trợ ODA của Nhật. Tài khoản đầu tiên đồng Yên bắt đầu thực thi từ năm 1980, và viện trợ không hoàn lại của Nhật cho Trung Quốc cũng chính thức khởi động.
Ba khóa nội các: Takako Suzuki, Yasahiro Nakasone, Nabora Takeshita tiếp sau Nội các Ohira đều kế thừa chính sách ODA của nội các này đối với Trung Quốc, ODA của Nhật Bản lấy tài khoản đồng Yên là chính, lấy viện trợ không hoàn lại và hợp tác kỹ thuật là phụ đã trở thành bộ phận tổ thành quan trọng trong quan hệ Trung - Nhật. Sau khi cung cấp tài khoản đồng Yên đầu tiên cho Trung Quốc (trong thời gian 1980-1983 tổng mức là 330,9 tỷ Yên), tháng 3 năm 1984 khi Thủ tướng Nakasone thăm Trung Quốc đã hứa cung cấp cho phía Trung Quốc tài khoản đồng Yên đợt hai (trong thời gian 1984-1990 tổng mức là 474 tỷ Yên) Tháng 8 năm 1988 khi thăm Trung Quốc, Thủ tướng Takeshita hứa sẽ cung cấp hết tài khoản đồng Yên đợt hai trước một năm, và từ năm 1999 sẽ cung cấp tài khoản đồng Yên đợt ba (trong thời gian 1990-1995 tổng mức là 810 tỷ Yên) lãi suất hàng năm giảm thấp hơn nữa.
Nhìn lại quá trình trên thấy, bối cảnh chế định quyết sách chính sách ODA của Chính phủ Nhật Bản cho Trung Quốc là đã căn cứ vào hai tầng nấc, chiến lược đối ngoại và chính sách đối với Trung Quốc.
Về mặt chiến lược địa chính trị, môi trường quốc tế của những năm 70 thế kỷ 20, đã buộc Nhật Bản phải coi việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là trọng tâm của trọng tâm. Do quan hệ Trung - Mỹ cải thiện, nhân tố kiềm chế lớn nhất đối với việc phát triển quan hệ với Trung Quốc đã được loại bỏ. Trải qua việc tăng trưởng kinh tế tốc độ cao, bền vững từ những năm 50 đến nay, Nhật Bản bắt đầu tìm kiếm địa vị chính trị quốc tế thích ứng với thực lực kinh tế của mình. Ma sát kinh tế Nhật Mỹ không ngừng gay gắt khiến Nhật Bản ngày càng ý thức được những tật bệnh do sự một mực theo đuổi nước Mỹ về ngoại giao và tính tất yếu của việc mở rộng dư địa cho việc tiến thoái ngoại giao. Mà quan hệ của Nhật Bản với Liên Xô do chịu những ân oán lịch sử nên khó có thể tiến triển có tính đột phá. Dưới sự thúc đẩy của nhiều tầng nấc nhân tố đó, Nhật Bản vui lòng phát triển quan hệ hữu hảo đối với Trung Quốc hơn nữa.
Về mặt chiến lược kinh tế đối ngoại, những năm 70 đã xẩy ra hai cuộc khủng hoảng dầu lửa, khiến Nhật Bản nước chịu ảnh hưởng rất lớn từ nhập khẩu dầu lửa đã chịu va đập rất lớn. Nhật Bản bắt đầu coi đa nguyên hóa nguồn nhập khẩu năng lượng là lĩnh vực quan trọng để bảo đảm chắc chắn cho “an ninh kinh tế” và “an ninh tổng hợp”, vì vậy đã rất coi trọng phát triển mậu dịch năng lượng với Trung Quốc. Đồng thời đối với tiềm lực to lớn của thị trường mới trỗi dậy Trung Quốc, Nhật Bản cũng có hứng thú nồng hậu. Những suy ngẫm chính trị đối ngoại, chiến lược kinh tế này đã trở thành bối cảnh quyết sách quan trọng để Nhật Bản chế định chính sách ODA đối với Trung Quốc.
Xét từ nhân tố chính sách hai bên đối với Trung Quốc thấy, chính sách ODA của Nhật Bản đối với Trung Quốc được xây dựng trên sự suy ngẫm tổng hợp của ba loại nhân tố: chính trị, kinh tế, và lịch sử.
Một là suy tính chính trị, Dưới sự thúc đẩy của các thời cơ lịch sử như: năm 1971 quan hệ Trung - Mỹ tan băng, tháng 8 năm 1972 Nhật Bản khôi phục quan hệ ngoại giao Nhật - Trung, tháng 8 năm 1978 Nhật - Trung ký hiệp ước, tháng 12 năm 1978 Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa v.v.. Nhật Bản đã coi việc cung cấp ODA tức viện trợ vốn của chính phủ cho Trung Quốc là thể hiện quan trọng cụ thể của hữu hảo Trung - Nhật và là biện pháp ủng hộ Trung Quốc cải cách mở cửa.
Hai là suy tính kinh tế, Nhật Bản muốn lấy ODA thúc đẩy khai thác và vận tải năng lượng, mở rộng nhập khẩu năng lượng từ Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy phát triển toàn bộ quan hệ mậu dịch Trung Nhật. Lúc đó Trung Quốc cần nhập khẩu gấp một lượng lớn máy móc thiết bị từ Nhật Bản, Nhật Bản muốn xuất khẩu gấp thiết bị toàn bộ cho Trung Quốc và nhập khẩu năng lượng như dầu lửa, than đá từ Trung Quốc. Thế nhưng những thiếu thốn ngày càng tăng trong biện pháp chi trả của Trung Quốc đã trở thành cái “cổ chai” kiềm chế sự phát triển mậu dịch hai nước, cho nên rất cần Nhật Bản cung cấp sự hợp tác về mặt này.
Ba là suy nghĩ tới nhân tố lịch sử và cảm tình, Trong chính sách ODA của Nhật Bản với Trung Quốc còn bao gồm cả trách nhiệm lịch sử đối với cuộc chiến tranh xâm lược trước đây và tâm lý chối bỏ bồi thường chiến tranh đối với Trung Quốc. Ngoài ra còn thấy, qui mô tài khoản đồng Yên của Nhật cho Trung Quốc tương đối lớn, trong đó bao gồm cả phần suy tính đặc biệt dành cho Trung Quốc đông dân.
III. Năm 1979-2008: Ý nghĩa tích cực của ODA Nhật Bản đối với Trung Quốc
Bắt đầu từ năm 1980, Nhật Bản tiến hành cung cấp ODA cho Trung Quốc. Đến nay trị giá tài khoản đồng Yên theo lời hứa đã đạt khoảng 3200 tỷ Yên, viện trợ không hoàn lại và hợp tác kỹ thuật đạt khoảng 300 tỷ Yên. Nhật Bản đã trở thành nước cung cấp ODA nhiều nhất cho Trung Quốc. Tài khoản đồng Yên so với tài khoản chính phủ do chính phủ các nước khác cung cấp cho Trung Quốc có đặc điểm nổi bật: thời gian bắt đầu sớm nhất, qui mô lớn, điều kiện ưu đãi.
Trong thời kỳ kinh tế cất cánh 20 năm đầu sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, tức thời kỳ mà tiền vốn và kỹ thuật của Trung Quốc đều tuyệt đối và tương đối không đủ, tài khoản đồng Yên đã có tác dụng “tặng than lúc rét”. Trong 20 năm này, tài khoản đồng Yên đã thành công trong việc viện trợ xây dựng nhiều hạng mục lớn trong các lĩnh vực như khai thác năng lượng và tài nguyên, giao thông, vận tải, xây dựng hạ tầng cơ sở thông tin, và nông lâm, xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường v.v.. Tình hình một phần các hạng mục viên trợ trong thời kỳ này như sau:
1, Đường sắt: Xét từ tổng số thấy, Trung Quốc đã lợi dụng tài khoản đồng Yên để xây dựng mới và cải tạo 4.407 km đường sắt điện khí hóa, trong đó phần xây dựng mới đạt 2.735 km, bằng 25% độ dài của 10.875 km đường sắt điện khí hóa trong thời kỳ từ kế hoạch năm năm lần thứ sáu đến lần thứ tám.
2, Đường quốc lộ: Bắt đầu từ năm 1990, Trung Quốc sử dụng tài khoản đồng Yên trong xây dựng đường quốc lộ. Ví dụ như Trung Quốc đã dùng khoản vay này để xây dựng cầu đường bộ qua sông Trường Giang tại 4 thành phố lớn có sông chảy qua là Trùng Khánh, Vũ Hán, Hoàng Thạch, Đồng Lăng, và xây cầu đường bộ qua sông Lại Giang tại Tề Tề Cáp Nhĩ, tổng cộng sử dụng khoảng 23,9 tỷ Yên.
3, Bến cảng: Xây dựng bến cảng tại Thạch Cữu Sở và Tần Hoàng Đảo hết 103,7 tỷ Yên, xây dựng các bến cảng tại Thanh Đảo, cảng Liên Vận, Thâm Quyến, Hải Nam, sử dụng hết 127,2 tỷ NDT (nhân dân tệ), ngoài ra còn hợp tác với phía Nhật trong sửa chữa, cải tạo 22 bến đậu và thiết bị kèm theo.
4, Hàng không: Tổng đầu tư xây dựng sân bay Thiên Hà, Vũ Hán hết 915 triệu NDT, trong đó tài khoản đồng Yên là 6,279 tỷ Yên. Mở rộng sân bay Thủ Đô sử dụng tài khoản đồng Yên đợt ba là 21,541 tỷ Yên, đợt bốn là 18,338 tỷ Yên, tổng cộng là 39,879 tỷ Yên.
5, Giao thông đô thị: Các công trình xe điện ngầm Bắc Kinh kỳ 1 và kỳ 2 đều sử dụng tài khoản đồng Yên, Phát triển và điều tra đường xe lửa trong thành phố tại Thượng Hải, Trùng Khánh, Thiên Tân, Đại Liên v.v.. và trung tâm bồi dưỡng cán bộ giao thông Vô Tích đều được sự hợp tác kỹ thuật của Nhật Bản.
6, Điện lực: Trung Quốc sử dụng tài khoản đồng Yên xây dựng được lượng phát điện mới 6,48 triệu kw, trong đó trong thời gian kế hoạch năm năm lần thứ tám là 5,8 triệu kw, bằng 10% dung lượng phát điện 58,20 triệu kw mà Trung Quốc có kế hoạch xây dựng mới trong thời kỳ này.
7, Tiết kiệm năng lượng: Trong các mặt như tiết kiệm năng lượng tại các nhà máy…, Trung Quốc được phía Nhật chuyển nhượng kỹ thuật và bồi dưỡng nhân tài. Năm 1984, được sự hợp tác của phía Nhật Bản, Trung Quốc đã xây dựng Trung tâm giáo dục tiết kiệm năng lượng tại Đại Liên.
8, Thông tin hữu tuyến và vô tuyến: Ví dụ như năm 1984-1987 các thành phố Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Châu đã sử dụng tài khoản đồng Yên đợt hai để lắp đặt 80.000, 120.000, 100.000 máy điện thoại khống chế bằng số …
9, Hệ thống thông tin: Dùng tài khoản đồng Yên để xây dựng hệ thống thông tin kinh tế quốc gia.
10, Hồ chứa nước: Ví dụ như trải qua 6 năm thi công, năm 1995 đã xây dựng xong hồ chứa nước Quan Âm các, tổng đầu tư 1,568 tỷ NDT, trong đó tài khoản đồng Yên là 11,78 tỷ Yên.
11, Thủy lợi. Như kế hoạch tưới tiêu ở Giang Tô:
12, Phân bón hóa học: Từ 1991 đến nay Trung Quốc đã sử dụng tài khoản đồng Yên để xây dựng 6 nhà máy sản xuất phân bón hóa học, với sản lượng năm là 1,43 triệu tấn, bằng 56% năng lực sản xuất phân hóa học của Trung Quốc tăng thêm trong kế hoạch năm năm lần thứ tám là 2,54 triệu tấn.
13, Xây dựng đô thị: Như kế hoạch phát triển Thanh Đảo (gồm đường bộ, thông tin, cấp nước, xử lý nước thải..) kế hoạch phát triển Hải Nam (bến cảng, đường bộ, thông tin liên lạc)
14, Khí than cho thành phố: Ví dụ như lợi dụng tài khoản đồng Yên để xây dựng mạng lưới quản lý đường ống cung cấp khí thiên nhiên lớn nhất Trung Quốc tại Cáp Nhĩ Tân, ngoài ra còn có hạng mục mở rộng thiết bị cung cấp khí than tại Phúc Kiến.
15, Cấp nước đô thị: Hạng mục mở rộng thiết bị cung cấp nước ở Bắc Kinh sử dụng 15,48 tỷ Yên trong tài khoản đồng Yên đợt hai, đợt ba là 15,678 tỷ Yên, đợt bốn 20 tỷ Yên, tổng cộng là 51,158 tỷ Yên.
16, Bảo vệ môi trường: Ví dụ như sử dụng tài khoản đồng Yên để xây dựng nhà máy xử lý nước ô nhiễm có qui mô lớn nhất, công nghệ thiết bị tiên tiến nhất Trung Quốc - Nhà máy xử lý nước ô nhiễm Cao Bài Điếm, Bắc Kinh.
ODA của Nhật Bản cho Trung Quốc có qui mô tổng thể tương đối lớn, trong đó tỷ trọng viện trợ không hoàn lại và viện trợ ký thuật tương đối nhỏ, chủ yếu phân bố tại các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường, bồi dưỡng nhân tài v.v.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, một số công trình viện trợ không hoàn lại tiêu biểu là “Bệnh viên Hữu nghị Trung Nhật”(16 tỷ Yên) “Trung tâm giao lưu thanh niên Trung Nhật”(10,11 tỷ Yên) “Trung tâm bảo vệ môi trường hữu hảo Trung Nhật” (khoảng 10 tỷ Yên).. Ngoài ra còn có gần 70 công trình nữa phân bố tại gần 20 tỉnh, thành phố, khu tự trị liên quan tới các lĩnh vực giáo dục, nông lâm ngư nghiệp, y tế, bưu điện, thực phẩm, truyền thanh tryền hình, thủy lợi, bảo vệ di tích lịch sử, phúc lợi v.v..
Những người lãnh đạo Trung Quốc trước sau đều coi trọng cao độ ODA của Nhật Bản với Trung Quốc và nhiều lần biểu thị sự cám ơn chân thành.
Tháng 8 năm 1988, Thủ tướng Nobora Takeshita khi thăm Trung Quốc đã hứa cung cấp cho Trung Quốc 810 tỷ Yên tài khoản chính phủ mới. Ngày 26 tháng 8 khi tiếp Thủ tướng Nhật Bản, Đặng Tiểu Bình đã biểu thị: tặng phẩm mà ngài mang tới lần này không nhẹ, chúng tôi hoan nghênh, cám ơn! Giới truyền thông Nhật đã đưa tin về việc này như sau: đây là lần đầu tiên Đặng nói lời cám ơn với người đứng đầu nước ngoài.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Giang Trạch Dân, Chu Dung Cơ, Ôn Gia Bảo… cũng đều có những đánh giá xác đáng và lời cảm ơn về viện trợ ODA của Nhật Bản đối với Trung Quốc.
Vào lúc Trung Quốc cực kỳ thiếu vốn và kỹ thuật, viện trợ ODA của Nhật cho Trung Quốc đã phát huy tác dụng “cho than khi rét”. Ngày nay, viện trợ ODA của Nhật cho Trung Quốc đã gần tới hồi kết. Tổng kết toàn diện, khách quan giai đoạn lịch sử này, nêu rõ mối liên hệ nội tại giữa cải cách mở cửa Trung Quốc và viện trợ ODA của Nhật Bản, viết những điều đó vào lịch sử quan hệ Trung Nhật, đã trở thành vấn đề chung của hai nước.
KIM HY ĐỨC
Người dịch: Dương Danh Dy
Nguồn: Tạp chí “Ngoại giao Trung Quốc” số 1 năm 2009 tr 21-24