Trang chủ

KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ CỦA NHẬT BẢN

Đăng ngày: 20-09-2013, 16:05 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 6

Ở các nước công nghiệp phát triển, hiện nay hầu hết các ngành, kể cả công nghiệp nặng, đều đã duy trì một tỉ lệ quan trọng cả về lượng và chất các xí nghiệp cỡ vừa và nhỏ. Trong nhiều ngành nghề, các xí nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh đạt hiệu quả cao như công nghiệp nhẹ, nông nghiệp, thương nghiệp. Sự thành công của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) phải kể đến trường hợp Nhật Bản. Bài viết này sẽ đề cập đến một số kinh nghiệm trong phát triển loại hình DNVVN ở Nhật Bản. Từ đó có một số gợi ý vận dụng vào thực tiễn của nước ta hiện nay.

1. Thực tiễn và kinh nghiệm Nhật Bản về phát triển DNVVN

1.1. Lịch sử phát triển của các DNVVN Nhật Bản đã có từ rất lâu.

Thời kỳ giữa hai cuộc Đại chiến Thế giới, các DNVVN Nhật Bản đã tham gia mạnh mẽ vào các quá trình cạnh tranh, do đó đã phát triển nhanh về số lượng. Sự tăng nhanh số lượng của DNVNN thời kỳ này là nhờ có sự hỗ trợ của các ngân hàng. Với việc cho vay vốn và tạo điều kiện mở rộng hệ thống kinh doanh ngân hàng, đã giúp cơ sở này tăng nhanh sức cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn và tồn tại lâu dài trong nền kinh tế Nhật Bản. Vai trò và vị trí quan trọng của các  DNVVN Nhật Bản trong nền kinh tế chỉ được nói đến nhiều kể từ khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc. Trong tình hình các ngành khai thác, chế tạo giảm xuống chỉ còn bằng 1/10 so với trước chiến tranh, các doanh nghiệp lớn hoặc bị phá sản hoặc giải thể thì hàng hóa do các DNVVN sản xuất ra tiêu thụ rất nhanh và các DNVVN Nhật Bản đã đóng góp rất lớn vào khôi phục kinh tế.

Vào đầu những năm 1950, Nhật Bản đã hoàn thành công cuộc khôi phục kinh tế. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt mức trước chiến tranh. Đến cuối những năm 1950, Chính phủ tập trung vào phát triển công nghiệp hóa học và công nghiệp nặng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn. Do vậy, DNVVN có lúc bị lãng quên. Tuy nhiên, bước sang thập kỷ 1960, nhờ có tiến bộ kỹ thuật, cơ cấu công nghiệp thay đổi các DNVVN bắt đầu nhận khoán gia công lắp ráp sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế tác. Tình hình này buộc các DNVVN phải tổ chức lại cơ cấu sản xuất, trang bị máy móc thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng kịp thời những sự thay đổi của thị trường. Do vậy số lượng DNVVN bắt đầu tăng lên nhanh chóng. Phần lớn các DNVVN đã được hiện đại hóa và rút ngắn khoảng cách so với các doanh nghiệp lớn. Sức hút lao động vào trong các doanh nghiệp loại này tăng lên đáng kể. Đặc biệt luật cơ bản về DNVVN được ban hành năm 1963 đã xác định các tiêu chí của DNVVN cũng như mục tiêu chính sách phát triển kinh doanh nhỏ, do vậy đã khẳng định tầm quan trọng và có biện pháp phát triển khu vực doanh nghiệp này, góp phần làm tăng đáng kể số lượng DNVVN. Số lượng DNVVN thuộc lĩnh vực thương mại và dịch vụ cũng tăng lên nhanh chóng, hình thành các mạng lưới cung cấp hàng hóa (bán buôn và bán lẻ) và dịch vụ phạm vi trên cả nước và tham gia xuất khẩu.

Năm 1973, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng, đặc biệt là cú sốc dầu mỏ, buộc Nhật Bản (nước nghèo tài nguyên thiên nhiên) phải cấu trúc lại nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản không chỉ nhìn nhận lại nền kinh tế mà còn phải thay đổi cả cách nhìn nhận về các DNVVN. Họ không thể coi các DNVVN như những “van sả” của nền công nghiệp lớn, hoặc những cơ sở được thành lập dựa trên cơ sở tiền lương thấp, mà là chiếm ưu thế của loại hình doanh nghiệp này so với các doanh nghiệp lớn cả về chức năng, giá thành và trình độ công nghệ. Trong khoảng những thời gian cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu chuyển ưu tiên sang sản xuất các sản phẩm có kỹ thuật cao như ô tô, ti vi, đồng hồ điện tử, máy ảnh, máy vi tính, máy điều khiển kỹ thuật số, rô bốt công nghiệp… Những sản phẩm này phần lớn thuộc dạng lắp ráp và gia công, nên các công đoạn gia công đều do các DNVVN đảm nhận, các doanh nghiệp lớn chỉ thực hiện hoạt động lắp ráp sau cùng. Vị trí của các DNVVN được nâng cao do chúng có thể sản xuất theo từng đơn hàng số lượng sản phẩm ít nhưng đa dạng và phong phú về mẫu mã và chủng loại, được đánh giá cao trên thị trường thế giới.

Nhìn một cách khái quát, ở Nhật Bản tỷ trọng các DNVVN trong nền kinh tế so với các nước là khá cao. Nếu như không kể đến sự tác động của các tập đoàn công ty lớn ở nước ngoài thì kinh tế Nhật Bản hầu như được duy trì bởi các DNVVN. Số lượng các DNVVN Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng cùng với sự phát triển kinh tế.

Tính đến hết năm 1998, Nhật Bản có trên 5 triệu DNVVN (trong đó có khoảng 4,48 triệu doanh nghiệp nhỏ), chiếm 99,7% số doanh nghiệp của cả nước. Số doanh nghiệp này thực hiện kinh doanh ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, tập trung lớn nhất ở lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ và chế tác(1). Số lao động làm việc trong các DNVVN  chiếm tỷ lệ lớn. Kết thúc chiến tranh, Nhật Bản vẫn là một nền kinh tế nông nghiệp với hơn 70% dân số làm nghề nông, một nền kinh tế mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu, lại bị tàn phá nặng nề sau chiến  tranh. Chủ trương của Chính phủ Nhật Bản là dựa vào các DNVVN để khôi phục nền kinh tế. Các doanh nghiệp này không những đóng góp to lớn vào việc tăng mức tiêu dùng, bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của dân cư, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm và giải quyết nạn thất nghiệp. Các ngành công nghiệp truyền thống như: sản xuất tơ, dệt… là những ngành đã góp phần xuất khẩu thu ngoại tệ lớn cho Nhật Bản và đồng thời còn là nơi mà 76,3% công nhân Nhật Bản có công ăn việc làm. Trong khu vực thương mại, dịch vụ, các DNVVN chiếm tới 60% doanh số bán ra của ngành bán buôn và gần 80% doanh số ngành bán lẻ. Tỷ trọng các doanh nghiệp loại hình này trong khu vực dịch vụ không ngừng gia tăng. Từ những năm 80 lại đây, vai trò của các DNVVN Nhật Bản không những tăng lên về mọi mặt đối với nền kinh tế trong nước, mà còn tăng nhanh khối lượng buôn bán và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Đầu tư trực tiếp của DNVVN Nhật Bản ra nước ngoài tăng từ 30% những năm 80 lên hơn 60% trong những năm 90.

1.2. Điều đáng lưu ý ở đây là ngay từ khi đất nước ra khỏi cuộc chiến tranh, Nhật Bản đã coi các doanh nghiệp này như là các công cụ đắc lực cho việc tái thiết nền kinh tế. Từ những ngành công nghiệp thủ công truyền thống của hơn 500 vùng khác nhau, các DNVVN Nhật Bản đã thực hiện thành công “tích lũy ban đầu” cho quá trình công nghiệp hóa đất nước; làm tiền đề cho việc tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế Nhật Bản trong cả một thời kỳ dài sau này. Không phải ngẫu nhiên mà ở Nhật Bản các loại hình luật về doanh nghiệp kiểu này xuất hiện rất sớm và liên tục được bổ sung và hoàn thiện. Cũng ở Nhật Bản, các tổ chức tài chính và ngân hàng, thực hiện việc hỗ trợ toàn diện các DNVVN xuất hiện sớm hơn so với lịch sử kinh tế các nước. Các cơ quan này hợp thành một “hệ thống xã hội” hoàn chỉnh, đáng tin cậy và là chỗ dựa vững chắc cho sự phát triển của các DNVVN.

Từ đó cho thấy, việc nhận thức sớm và đúng đắn vai trò của các DNVVN trong nền kinh tế là nguyên nhân đầu tiên góp phần làm gia tăng tỷ trọng các doanh nghiệp loại hình này trong nền kinh tế và trong các ngành nghề khác nhau ở Nhật Bản. Đó là bài học kinh nghiệm đầu tiên và quan trọng nhất trong việc phát triển DNVVN ở Nhật Bản.

1.3. Quan hệ mật thiết, gắn bó giữa các DNVVN với các doanh nghiệp lớn đã tạo nên nét cấu trúc độc đáo trong cơ cấu công nghiệp Nhật Bản - cơ cấu hai tầng.

Nếu ở đặc điểm về quy mô và phạm vi hoạt động của các DNVVN Nhật Bản không có gì khác biệt lớn so với loại hình doanh nghiệp này ở các nước, thì đặc điểm về sự liên kết gắn bó mật thiết giữa các DNVVN với doanh nghiệp lớn, lại là đặc điểm nổi bật, khác biệt hẳn so với hầu hết các nước. Chính sự phối hợp có hiệu quả giữa các loại hình doanh nghiệp ở Nhật Bản được coi là động lực cho sự phát triển kinh tế sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II đến nay và là “bí mật” sức sống của các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung, của DNVVN Nhật Bản nói riêng.

Ở Nhật Bản, hầu hết các doanh nghiệp lớn (chiếm 3/4) sử dụng hàng trăm xí nghiệp gia công chế biến trở lên. Một doanh nghiệp lớn có thể hợp đồng gia công tới 50% số lượng sản phẩm gia công của nó. Ngược lại, hầu hết các DNVVN thực hiện các hợp đồng gia công với các doanh nghiệp lớn. Sự phối hợp các ưu thế về quy mô tạo nên mô hình mới trong cơ cấu công nghiệp Nhật Bản. Mô hình này có thể phác họa như sau: công ty lớn- công ty nhận gia công đầu tiên- công ty nhận gia công thứ hai- công ty nhận gia công thứ ba- công ty nhận gia công thứ tư…

Sự phân công lao động theo kiểu này cho phép khai thác tiềm năng không chỉ của các cá nhân, mà còn cả tiềm năng trong sự hiệp tác giữa các tổ chức. Sự phối hợp các loại hình doanh nghiệp cho phép tạo ra sản phẩm với chi phí đầu vào thấp, chất lượng sản phẩm cao đáp ứng được nhu cầu phong phú và đa dạng trên trên bất kỳ thị trường nào của nền kinh tế. Sự phối hợp các kiểu quy mô doanh nghiệp trong sự điều tiết của Chính phủ có thể được coi là đặc trưng vô cùng quan trọng của mô hình kinh tế Nhật Bản và là bài  học đáng kể các quốc gia quan tâm nghiên cứu và vận dụng trong chiến lược lựa chọn cơ cấu kinh tế của quốc gia mình.

1.4. Thành công của các DNVVN trong sự đóng góp và quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh của Nhật Bản không thể không kể đến vai trò của Chính phủ trong việc thực hiện hỗ trợ toàn diện đối với các loại hình doanh nghiệp này.

Trong giai đoạn đầu của công cuộc tái thiết nền kinh tế, những biện pháp cơ bản đối với các DNVVN là tìm đường thoát khỏi tình trạng khó khăn bằng cách lập ra những hội hợp tác, qua đó Chính phủ thực thi hỗ trợ tài chính và thiết lập các hệ thống tiếp cận cho DNVVN. Bước vào thời kỳ tăng trưởng cao, do có sự chênh lệch giữa các doanh nghiệp này so với các doanh nghiệp lớn, Chính phủ tiến hành mạnh mẽ những biện pháp hợp lý hóa theo từng khu vực, hướng dẫn các doanh nghiệp chủ chốt hiện đại và hợp lý hóa theo từng khu vực, hướng dẫn các doanh nghiệp chủ chốt hiện đại và hợp lý hóa tổ chức - quản lý bằng kế hoạch đầu tư và các điều luật bảo hộ quyền lợi của các DNVVN trong cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp lớn.

Khi quá trình tăng trưởng nhanh bộc lộ các mâu thuẫn, Chính phủ thông qua các chính sách hướng dẫn các DNVVN đáp ứng những thay đổi trong cơ cấu công nghiệp, chú trọng sản xuất những mặt hàng giá trị phụ gia cao có thể cạnh tranh cùng các doanh nghiệp lớn trong, ngoài nước. Các chính sách và các biện pháp mà Chính phủ Nhật Bản thực thi đối với các DNVVN đã hình thành một “hệ thống xã hội đa phương” thực hiện sự hỗ trợ toàn diện, có hiệu quả cho các doanh nghiệp loại hình này trong việc vươn lên tự khẳng định vai trò trong nền kinh tế. Đó cũng là đặc trưng riêng có trong quá trình phát triển các DNVVN ở Nhật Bản.

2. Thực trạng phát triển DNVVN ở Việt Nam và một số gợi ý từ kinh nghiệm Nhật Bản

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (năm 1986) đã xác định đường lối đổi mới toàn diện của nước ta, trong đó trọng tâm là đổi mới kinh tế, chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế hàng hóa, nhiều thành phần. Thừa nhận sự tồn tại lâu dài của các hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh. Những quy định đó đã tác động trực tiếp đến nhận thức và chính sách đối với các DNVVN. Theo các số liệu đã được công bố, tính đến tháng 6/1996, cả nước có khoảng 35.236 doanh nghiệp với số vốn là 83.900 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân là 20.000, công ty trách nhiệm hữu hạn 8.300, công ty cổ phần là 186, doanh nghiệp đoàn thể 350, doanh nghiệp nhà nước 6.400. Phần lớn các doanh nghiệp đều là các DNVVN, trong đó có hơn 90% doanh nghiệp nhà nước …Tốc độ tăng lên của các DNVVN trong những năm 90 thế kỷ XX từ 10- 12%.

Hiện nay, cả nước có trên 200.000 doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp; 2,6 triệu hộ kinh doanh cá thể và hơn 18.000 hợp tác xã. Trong đó các DNVVN chiếm tới 96% số doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp và 99% tổng số hộ kinh doanh cá thể. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hoạt động theo Luật Doanh nghiệp hiện mỗi năm đã thu hút được 450.000 lao động với thu nhập bình quân 1,05 triệu đồng / tháng; các hộ kinh doanh cá thể mỗi năm tăng thêm từ 120.000 đến 150.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 400.000 lao động với thu nhập bình quân từ 350.000 đến 500.000 đồng /tháng.

Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Bộ kế hoạch và Đầu tư đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2010 sẽ có khoảng 320.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập, trong đó số doanh nghiệp nhỏ và vừa trực tiếp tham gia xuất khẩu chiếm 3%  đến 6%. Theo Cục phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, riêng từ năm 2000 đến năm 2004 cả nước đã có gần 120.000 doanh nghiệp được thành lập, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Song, nhiều ý kiến cho rằng khó khăn lớn nhất của các DNVVN nước ta là thiếu các chính sách vĩ mô của Chính phủ. Do chưa chuyển biến kịp hoặc còn nhiều lý do khác mà ở nước ta hiện nay hệ thống chính sách, luật pháp và các tổ chức cho các DNVVN chưa hoàn thiện. Đây không phải là khó khăn của riêng DNVVN, nhưng đối với loại hình doanh nghiệp này còn thiếu các thực lực kinh tế, có thể coi là khó khăn nhất. Nếu giải quyết tốt khó khăn này, cơ hội phát triển các DNVVN sẽ tăng mạnh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước. Từ kinh nghiệm phát triển DNVVN của Nhật Bản, theo chúng tôi để nâng cao hiệu quả các DNVVN ở nước ta trong thời gian tới cần có sự chú ý thích đáng hơn nữa trên một số phương diện sau:

+ Cần đổi mới nhận thức về vai trò của loại hình doanh nghiệp này có thể được coi là việc khuyến khích, hỗ trợ các DNVVN Việt Nam. Ở nước ta đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều hợp tác nghiên cứu về loại hình DNVVN, song nếu đến nay gần như vẫn chưa có các văn bản pháp lý chính thức về loại hình doanh nghiệp này. Vấn đề còn đang dừng lại ở thuật ngữ và những định hướng chung (mặc dù Chính Phủ đã có những văn bản như: Nghị định 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chỉ thị số 27/2003/CT-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính Phủ về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện luật doanh nghiệp nhỏ và vừa;…) Vì vậy, việc đầu tiên là cần phải khẩn trương xúc tiến đầu tư kinh phí và lực lượng để nghiên cứu và ban hành ngay các văn bản luật hoặc nghị định Chính phủ về vị trí, vai trò, tiêu chí đánh giá, cũng như các chính sách hỗ trợ cho DNVVN.

+ Sự thành công của các DNVVN Nhật Bản còn có sự gắn bó phối hợp hoạt động với các doanh nghiệp lớn. Chúng ta cần đẩy việc sắp xếp lại các doanh nghiệp lớn, còn là tấm gương cho các doanh nghiệp nhỏ và là chỗ dựa cho họ trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó không chỉ đơn thuần là việc kết hợp các lợi thế qui mô để làm năng động nền kinh tế, mà còn là con đường tất yếu để định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

+ Củng cố lại các tổ chức hỗ trợ các DNVVN hiện có và mở rộng hệ thống đó càng nhanh càng tốt (Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản về vấn đề này như quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 12/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2003 về chức năng, nhiệm vụ và thành viên Hội đồng khuyến khích phát triển doạnh nghiệp nhỏ và vừa). Về nguyên tắc, cần phân định rõ chức năng của các cơ quan này trong việc hỗ trợ các DNVVN. Đồng thời phối hợp các hoạt động giữa các tổ chức này, tạo nên sự hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp phát triển.

+ Ở Việt Nam, hiện có Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xúc tiến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; đăng ký kinh doanh; khuyến khích đầu tư trong nước và sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước. Cục cần sớm chủ trì hoặc tham gia sọan thảo các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế quản lý và chính sách hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đăng ký kinh doanh, ưu đãi đầu tư không phân biệt các doanh nghiệp đó, thuộc thành phần kinh tế nào, miễn là nó hoạt động có lợi cho “quốc kế dân sinh” để Bộ kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền.

+ Nhật Bản là quốc gia thành công trong việc tích lũy vốn ban đầu cho quá trình công nghiệp hóa dựa vào các DNVVN, các doanh nghiệp sản xuất hàng mỹ nghệ thủ công truyền thống ở 500 vùng khác nhau. Là một nước có nhiều điểm tương đồng với Nhật Bản và cũng có nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng, Việt Nam nên chú trọng đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống ở nông thôn. Điều đó không chỉ góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thực hiên chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo sự phát triển đồng đều bền vững, mà còn là biện pháp hữu hiệu thực hiện tích lũy vốn cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa  như Nhật Bản đã làm và Trung Quốc đang làm hiện nay. Trước mắt cần đẩy mạnh phát triển các DNVVN sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của nhân dân và cho chiến lược xuât khẩu, thực hiện viêc tích lũy cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay và chặng đường tiếp theo.

 

NGUYỄN THỊ THU BĂNG

(Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Văn Hà (chủ biên), Điều chỉnh cơ cấu kinh tế Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 2003.

2. Lê Văn Sang, Kinh tế Nhật Bản giai đoạn thần kỳ, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội – 1988.

3. Vũ Văn Hà, Trần Quang Minh, Trần Anh Phương (chủ biên), Quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản trong những năm 1990 và triển vọng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 2000.



(1) Ngô Văn Giang- Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 2 (44)4-2003.

0thảo luận