Từ trong quá khứ, mối quan hệ Nhật Bản – Nga đã là một mối quan hệ phức tạp. Cho đến ngày nay, cho dù đã được cải thiện song tính phức tạp đó vẫn còn hiện diện. Có lẽ tranh chấp lãnh thổ vẫn là nguyên nhân chính. Các quan hệ ngoại giao, chính trị, an ninh và kinh tế giữa hai quốc gia luôn xoay quanh vấn đề nhạy cảm đó. Bài viết sau đây tìm hiểu một số khía cạnh nhất định của quan hệ này.
1. Phức tạp từ trong quá khứ
Sự phát triển của Nga sang phía Đông và Nam trong thế kỷ 18 và 19 đưa đến mối tiếp xúc với Nhật Bản và khiến Nhật Bản chú ý đến đảo Ezo (Hokkaido) thưa dân và được đảm bảo an ninh yếu. Sau một thế kỷ diễn ra các trận chiến lẻ tẻ ở các đảo phía nam dãy Kurile và xung quanh Hokkado, biên giới giữa hai đế quốc lần đầu tiên được xác định ranh giới bằng Hiệp ước Shimoda năm 1855. Đường phân ranh giới đã được vẽ giữa đảo Etorofu và Urup. Trong hàng trăm năm sau, tranh chấp lãnh thổ giữa hai đế quốc tập trung vào Sakhalin và lục địa Châu Á, nơi họ tranh giành ảnh hưởng và kiểm soát. Bán đảo Triều Tiên bị Nhật thôn tính năm 1910 và Mãn châu trở thành một nhà nước bù nhìn của Nhật Bản năm 1931.
Lịch sử quan hệ Nga - Nhật bị chi phối bởi sự thù địch và xung đột vũ trang. Đầu tiên, những khó khăn giữa hai cộng đồng trên Sakhalin được giải quyết bằng Hiệp ước St. Petersburg năm 1875. Theo hiệp ước này, Nga nhận Sakhalin để Nhật được phần còn lại Quần đảo Kurile cho đến đỉnh Kamchatka. Điểm xung đột tiếp theo là đất liền, khi Nga tham gia một cách không khôn ngoan với Pháp và Đức để buộc Nhật Bản phải từ bỏ Bán đảo Liaotung đã bị Nhật thôn tính sau chiến thắng trước Trung Quốc (1894-1895). Cuộc chiến trả đũa chống lại Nga (1904-1905) chấm dứt bằng việc Nhật chiếm đóng nam Sakhalin và thống trị Bán đảo Triều Tiên.
Sau cách mạng Bonsevic, Nhật Bản tham gia với Mỹ, Anh, Pháp và Canada chiếm đóng tỉnh ven biển của Nga và đông Xi-bia, nơi Nhật ở lại sau khi các nước đồng minh rút đi năm 1920 và mở rộng chiếm đóng sang bắc Sakhalin. Nước này đã thiết lập quyền kiểm soát chính trị đối với một khu vực rất rộng lớn nhưng đã rút lui năm 1922, mặc dù bắc Sakhalin không trở về Liên Xô cho đến năm 1925. Những căng thẳng lại diễn ra sau khi Nhật Bản thôn tính Mãn Châu (1931) và cuối cùng dẫn đến chiến tranh trên biên giới Mãn Châu, trong đó Hồng Quân giành thắng lợi trước quân Quan Đông thiện chiến tại trận Nomonhan mùa hè năm 1939.
Mặc dù hợp tác với các cường quốc phe trục trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản tránh xung đột với Liên Xô vì những lý do chiến lược. Theo Hiệp ước Trung lập Xô - Nhật tháng 4 năm 1941, hai bên giữ lập trường trung lập nếu một trong hai bên dính líu vào xung đột với bên thứ ba. Nhật Bản quan sát hiệp định khi Đức tấn công Liên Xô hai tháng sau đó và Liên Xô hành động tương tự khi Nhật bắt đầu Chiến tranh Thái Bình Dương vào cuối năm. Nếu một trong hai bên muốn thông báo ý định không củng cố thêm hiệp định, nước đó phải thực hiện như vậy một năm trước ngày hết hạn hiệu lực tháng 4 năm 1946. Tuy nhiên, Stalin đã đồng ý tại Yalta tham gia chiến tranh chống Nhật sau khi đánh bại Đức. Tháng 4 năm 1945, khi chính quyền Đức Quốc xã sụp đổ và Đức đầu hàng không điều kiện, Chính phủ Liên Xô thông báo với Nhật Bản rằng họ sẽ không tiếp tục hiệp định. Một tuần trước khi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện ngày 15 tháng 8, Liên Xô tuyên chiến và Hồng Quân tiến qua Mãn Châu, Triều Tiên, Nam Sakhalin, Quần đảo Kurile, Shikotan và Habomais.
Trong tranh chấp lãnh thổ phía Bắc, người Nhật dựa trên một số quy kết. Thứ nhất, họ kết tội Liên Xô đã vi phạm Hiệp ước Trung lập và theo điều kiện hiệp định, Liên Xô có nghĩa vụ thực thi đầy đủ sau khi đưa ra thông báo trước một năm ý định không tiếp tục hiệp định. Lời lên án thứ hai là “sự phản bội”. Chính phủ Liên Xô đã tham gia cuộc chiến vì họ biết rằng người Nhật đang tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến này và quả thật đã tiếp cận với chính quyền Liên Xô đề nghị làm trung gian giữa họ và các cường quốc đồng minh. Toàn cảnh sự việc được coi là cú đâm sau lưng. Sự kết án thứ ba là việc đọa đày 600.000 lính Nhật với những điều kiện kinh sợ và đối xử tàn bạo trong các trại tù nhân chiến tranh Xibia, đã có 60.000 người chết.
Cuối cùng và quan trọng nhất, người Nhật lên án việc Liên Xô chiếm đóng vùng lãnh thổ phía Bắc là bất hợp pháp. Stalin và Roosevelt đã bí mật thảo thuận tại Yalta; lợi ích từ tham chiến, Liên Xô nhận nam Sakhalin và Quần đảo Kurile. Tất nhiên, Nhật Bản phớt lờ thảo thuận này khi họ đầu hàng. Họ làm điều này theo Tuyên bố Cairo 27/11/1943 của Roosevelt, Churchill và Tưởng Giới Thạch, được Stalin tán thành ở Tehran sau đó một vài ngày. Tuyên bố Cairo sau này được tái khẳng định trong Điều 8 của Tuyên bố Potsdam đối với Nhật Bản tháng 7 năm 1945.
Tuyên bố cho rằng, Nhật Bản sẽ phải từ bỏ tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này thôn tính và chiếm đóng kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Thế giới thứ nhất năm 1914. Nhật Bản cũng sẽ bị đánh bật ra khỏi các vùng lãnh thổ họ xâm chiếm bằng vũ lực và lòng tham.
Điều 8 của Tuyên bố Potsdam đối với Nhật Bản nêu rõ:
“Những điều kiện của Tuyên bố Cairo sẽ được thực hiện và chủ quyền của Nhật Bản giới hạn ở các đảo Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và những đảo nhỏ như chúng ta xác định”.
Bất luận ý nghĩa ra sao tuỳ thuộc cách dùng từ nguyên bản của Tuyên bố Cairo, không gì có thể ngăn cản các nước đồng minh sửa đổi sau đó. Đây là sự điều chỉnh mà Nhật Bản buộc phải chấp nhận. Rút cuộc, nước này đầu hàng vô điều kiện và Nhật Bản không có quyền khiếu nại về những quyết định đó. Nhật Bản đã thua trận và phải chấp nhận các hậu quả.
Theo người Nhật, có hai khía cạnh khác của hồ sơ pháp lý có tính thuyết phục cao hơn. Trong các cuộc thương lượng diễn ra trước hoà ước với Nhật Bản, người Mỹ tự nhận thấy mình ở thế phân tâm khó xử. Họ khá hài lòng về việc Liên Xô không phải là một bên trong hiệp ước và lo lắng biến Nhật trở thành một đồng minh trong cuộc chiến chống lại các cường quốc XHCN. Văn bản cuối cùng của Hiệp ước San Francisco phản ánh sự song hành trái ngược. Nhật Bản từ bỏ “tất cả các quyền, tên gọi và đòi hỏi đối với Quần đảo Kurile”, nhưng không chuyển giao chủ quyền cho Liên Xô một cách cụ thể. Vấn đề lãnh thổ được để mở và giải quyết thông qua thương lượng song phương hoặc trình trọng tài bởi bên thứ ba hay đưa lên Toà án Tư pháp Quốc tế.
Ngoài vấn đề chủ quyền, định nghĩa “Quần đảo Kurile” cũng được đặt ra. Về khía cạnh này, đòi hỏi của Nhật Bản với hai đảo lớn hơn trở nên kém mạnh mẽ hơn. Không lâu sau khi Hiệp ước San Francisco được ký kết, Nhật Bản coi Quần đảo Kurile bao gồm cả các đảo Kurile phía Nam và Bắc. Etorofu và Kunashiri là một phần của dãy Kurile, mặc dù người ta có lý về mặt địa chất nhóm Shikotan và Habomai không thuộc Quần đảo Kurile. Chính phủ Nhật Bản sau đó rút lại ý kiến này và loại trừ tất cả các vùng lãnh thổ phía Bắc ra khỏi điều kiện hiệp ước, dựa trên lập trường của hiệp ước Shimoda, rằng “chúng là một phần của Đế chế Nhật Bản”. Quả thật, Shikotan và Habomai không được đề cập trong hiệp ước đó. Chúng chưa bao giờ là một phần tranh chấp lãnh thổ như đã được xác định ranh giới năm 1855 và luôn được coi là một phần của Hokkaido. Người Nga cố gắng nắm bắt thực tế một cách không tâm phục và cho rằng những đảo nhỏ hơn này là “các đảo Kurile nhỏ”. Tuy nhiên, họ thừa nhận, ít nhất một cách ngấm ngầm, cách biện minh là một phần lãnh thổ Nhật Bản trong Điều 9 Tuyên bố Chung Xô - Nhật sau nỗ lực không thành nhằm tiến tới một hiệp ước hoà bình song phương năm 1955 - 1956. Nội dung điều khoản này như sau:
“Liên bang Cộng hoà XHCN Xô Viết và Nhật Bản đồng ý tiếp tục thương lượng để kết luận một hiệp ước hoà bình sau khi phục hồi quan hệ ngoại giao chính thức giữa Liên bang Cộng hoà XHCN Xô Viết và Nhật Bản.
Liên quan đến điều này, Liên bang Cộng hoà XHCN Xô Viết mong muốn đáp ứng nguyện vọng của Nhật Bản và tính đến những lợi ích của Nhà nước Nhật Bản, đồng ý chuyển giao cho Nhật Bản Quần đảo Habomai và đảo Shikoton, việc chuyển giao thực tế những hòn đảo này cho Nhật Bản phải diễn ra sau khi kết luận một hiệp ước hoà bình giữa Liên bang Cộng hoà Xô-viết XHCN và Nhật Bản”.
Kể từ năm 1989 và đặc biệt là cuối những năm thực thi chính sách mở cửa, các nhân vật then chốt bên phía Liên Xô thừa nhận Nhật Bản có sự biện hộ đối với các vùng lãnh thổ phía Bắc, trong khi không nhất thiết chấp nhận nó. Một sự chấp nhận công khai như vậy là điều không thể có dưới chính quyền của những người tiền nhiệm Gorbachev.
Theo sau sự tan rã của Liên Xô và việc Nhật Bản chính thức công nhận Cộng hoà Liên bang Nga là nhà nước kế thừa hợp pháp ngày 27 tháng 12 năm 1991, triển vọng một giải pháp cho tranh chấp hầu như không được cải thiện, mặc dù bầu không khí hai bên tiến hành đối thoại là tốt hơn - một bước phát triển đã gây chú ý trong những năm cuối của kỷ nguyên Gorbachev.
Điều rắc rối là vấn đề lãnh thổ tiếp tục chiếm vị trí trung tâm trong quan hệ Nga - Nhật, nó liên quan đến một nhóm các đảo nhỏ và không quan trọng về mặt kinh tế. Điểm nổi bật của điều khoản này nhắc nhở người ta về bản chất lâu bền, bất thường của những vấn đề như vậy, đặc biệt khi chúng liên quan đến dân cư và động chạm vào tinh thần dân tộc. Chúng ta chỉ cần nhìn vào cuộc tranh chấp Falkland/Malvinas giữa Anh và Achentina đột nhiên bùng nổ sau khoảng 150 năm cũng thấy được vấn đề này quan trọng như thế nào đối với Nhật Bản.
Những cư dân Nhật Bản cuối cùng bị trục xuất năm 1949 và ba đảo lớn hơn có hai thế hệ người Nga định cư kể từ đó. Lòng tự tôn dân tộc của người Nga tăng lên kể từ khi Liên Xô sụp đổ và không còn nghi ngờ gì nữa đây là lý do chính giải thích sự huỷ bỏ đột ngột chuyến thăm Nhật Bản đã lên kế hoạch của Tổng thống Yeltsin năm 1992 và tiếp tục trì hoãn vào tháng 5 năm 1993. Lần cuối cùng đến Tokyo tháng 10 cùng năm đó của Tổng thống Yeltsin vẫn không đạt được tiến bộ quan trọng mặc dù bầu không khí tiếp đón rất thân thiện và hai phía đề cập cụ thể tất cả 4 vùng lãnh thổ trong nội dung Tuyên bố Tokyo về quan hệ Nhật - Nga ngày 13 tháng 10 năm 1993, cũng như nói đến “đối thoại mang tính xây dựng” về hiệp ước hoà bình. Thực tế cho thấy, khả năng đạt được hiệp ước vẫn không đáng kể do gia tăng phong trào chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Zhirinovsky theo sau những cuộc bầu cử vào cuối năm. Về phía Nhật Bản, yêu cầu rộng rãi đòi trao lại tất cả bốn vùng lãnh thổ đã chính thức được khuyến khích và là chủ đề trọng tâm của lễ kỷ niệm hàng năm Vùng lãnh thổ phía Bắc ngày 7 tháng 2, ngày Hiệp ước Shimoda.
2. Cải thiện song còn nhiều thách thức
Cuối thập kỷ 1990 cho tới những năm đầu thế kỷ 21, người ta nhận thức rõ rằng, có thể tìm ra giải pháp một khi Liên Xô và sau đó là Nga tiến hành thương lượng với Nhật Bản, liên quan đến trao đổi ít nhất một số đảo để đổi lấy trợ giúp kinh tế và tài chính quan trọng. Người Nga quan tâm đến sự giúp đỡ của Nhật Bản trong phát triển cơ sở hạ tầng và khai thác các nguồn tài nguyên của vùng Viễn Đông và Xibia. Sự hỗ trợ như vậy bao gồm các khoản cho vay trị giá lớn với lãi suất thấp; tham gia các liên doanh để khai thác nguồn năng lượng và nguyên liệu thô khác, chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý và phát triển sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu.
Sức thu hút chủ yếu của Nga nằm ở nguồn tài nguyên thiên nhiên gần như vô tận và do đó nằm ở triển vọng thu lợi nhuận cao từ đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, mối quan tâm kinh tế của Nhật Bản đối với Liên Xô (Nga) không liên tục tồn tại và thường ngắn trong thời kỳ trong và sau Chiến tranh Lạnh. Thương mại song phương chưa bao giờ vượt quá 2% tổng kim ngạch ngoại thương của Nhật Bản và mặc dù có một số liên doanh nhưng hầu như không có hợp tác trên quy mô lớn và nhiều liên doanh chưa đạt được tiến bộ, mới ở giai đoạn thảo thuận sơ khởi với một lượng vốn nhỏ được cam kết trên thực tế.
Theo một số nhà phân tích Nhật Bản thì khả năng gia tăng ảnh hưởng của Nhật Bản trong nền kinh tế Nga phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính phủ, nếu không có sự trợ giúp này thì những bất trắc cho nhà đầu tư tư nhân là quá lớn. Rủi ro gia tăng kể từ năm 1991 với sự bất ổn chính trị và kinh tế tăng lên ở Nga và những nước cộng hoà khác thuộc Liên Xô cũ. Người ta nhận thấy một dấu hiệu tiến bộ trong quan hệ song phương, đó là sự nới lỏng lập trường cứng rắn của Chính phủ Nhật Bản đối với tính không thể tách rời giữa kinh tế và chính trị. Nước này chuyển sang đối thoại song song giữa viện trợ kinh tế và giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Nhân tố khác trong quan hệ Nga - Nhật là phương diện dân tộc, văn hoá. Thông tin về Liên Xô và Nga rất nghèo nàn ở Nhật Bản. Điều này một phần là do xung đột trong lịch sử giữa hai nước. Đã từ rất lâu, Nhật Bản chịu ảnh hưởng của truyền thông Châu Âu và Mỹ. Kể từ thế kỷ 19, những người Châu Âu chưa bao giờ ngừng cảnh bảo người Nhật chống lại người phương Bắc. Cách nhìn nhận người Nga khơi nguồn từ phương Tây này phản ánh sự song hành trái ngược, coi người Nga thuộc nền văn hoá của họ hay là người Châu Á bên ngoài.
Như đã biết, từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai cho đến khi Liên Xô sụp đổ, bầu không khí đã đổi chiều. Trái ngược với thái độ tích cực hơn của người Nga đối với Nhật Bản trong những năm gần đây, đặc biệt trong thế hệ trẻ, nhận thức phổ biến của người Nhật vẫn thường hoài nghi hoặc gièm pha. Thái độ này bắt nguồn từ lịch sử. Người Nhật nhìn thế giới theo phương diện cơ cấu thứ bậc. Điều này có nghĩa là nhiều khi họ coi Nga ngang hàng với các đế quốc Châu Âu khác nhưng chẳng bao lâu họ phát hiện ra rằng đó là một đến quốc có vỏ bọc bên ngoài cứng nhưng lõi bên trong lại mục nát. Ấn tượng này được minh chứng bởi thực tế chiến tranh 1904 - 1905. Tuy nhiên, không ít trí thức Nhật Bản ngưỡng mộ Tolstoy, Dostoyevsky, Pushkin và Chekhov. Bên cạnh đó, những người Nhật Bản bình thường có xu hướng nhìn nhận người Nga là những nông dân cục mịch. Sự lạc hậu của đất nước đã hạ thấp vị thế của Nga trong con mắt của người Nhật xuống hàng thứ hai trong số các quốc gia “được khai hoá”. Thái độ như vậy kéo dài cho đến hiện tại và tiếp tục hiện hữu bởi tình hình tụt hậu của nền kinh tế Nga.
Mối nghi ngờ và lo sợ về nước láng giềng là điều có thực. Mặc dù người Nga ngày nay có cách nhìn tích cực hơn nhiều về Nhật Bản so với người Nhật nhìn nhận nước Nga. Tuy vậy, người Nga vẫn e sợ những ý định của Nhật Bản nhất là trong việc theo đuổi yêu cầu lãnh thổ. Sự nghi ngờ như vậy có thể bắt nguồn từ những năm dài Nhật Bản xâm lược lục địa kể từ năm 1894 và đặc biệt là toan tính của Nhật Bản nhằm thành lập một nhà nước đệm thông qua ủng hộ phe thắng trong cuộc nội chiến (1918, 1922).
Thực tế cho thấy, người Nga nhận thức sâu sắc nhân tố Mỹ trong quan hệ của họ với Nhật Bản. Tuy nhiên, sự đánh giá cao của họ đối với vai trò của Mỹ trong khu vực đã thay đổi trong quá trình 150 năm qua. Nước Nga có xu hướng coi Mỹ là một đối thủ ở Đông Bắc Á. Những người Xô Viết đáng chú ý là Lênin kỳ vọng vào sự ganh đua đế quốc Mỹ - Nhật là một yếu tố quan trọng trong việc giảm mối đe doạ từ Nhật Bản. Trong những năm 1930 và Chiến tranh Thái Bình Dương, chính sách của Mỹ được coi là tạo thuận lợi cho Liên Xô. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản bị lo sợ là một khách hàng của quyền lực Mỹ. Nhưng đến thời hậu Chiến tranh Lạnh, mối quan ngại này đã biến mất, mặc dù Nga vẫn thừa nhận Mỹ là một nhân tố có ảnh hưởng lớn ở khu vực này.
Có thể nói, triển vọng giải quyết vấn đề lãnh thổ và quan hệ Nga - Nhật được cải thiện sẽ không phụ thuộc chủ yếu vào cân bằng Vùng lãnh thổ phía bắc được trả lại cho Nhật Bản với viện trợ kinh tế. Ý tưởng một giải pháp trên cơ sở cái giá Nhật Bản muốn trả để thu hồi các đảo không được thiết lập chắc chắn. Chủ nghĩa dân tộc Nga và thái độ của dân chúng trên các đảo khiến giải pháp “bán đứt” đơn giản là không thể chấp nhận được về mặt chính trị. Xem xét kỹ hơn nữa là tác động tiêu cực của thương vụ như vậy có thể tác động đến dân cư và các vấn đề khác trên biên giới của Nga. Những chính trị gia dân tộc chủ nghĩa ồn ào vào đầu những năm 1990 đã kết tội chính phủ Yeltsin phản bội người Nga và người dân Slavo bằng chính sách hợp tác với phương Tây. Đòi hỏi thiểu số người Nga ở các nước láng giềng không chỉ cần phải được bảo vệ mà còn được lập nghiệp ở tổ quốc, gợi ý rằng việc chuyển giao bốn vùng lãnh thổ cho Nhật Bản dù theo bất kỳ điều kiện nào sẽ không nhận được sự ủng hộ rộng rãi và nguy hiểm về mặt chính trị cho Chính phủ Nga.
Ngoài ra, về phía Nhật Bản, đề xuất thu hồi các đảo khi nó được coi là đã bị Nhật Bản xâm chiếm trước đây là rất nhạy cảm về chính trị. Sự náo động hiện hữu bởi đề xuất của một trong những nhân vật cao cấp trong LDP rằng Nhật Bản có thể mua lại một số nếu không phải là tất cả các hòn đảo đã bị phản đối ngay trong LDP. Điều này chứng tỏ mức độ khó khăn như thế nào khi thực hiện một đề xuất như vậy.
Hầu như không có nghi ngờ về việc Nga muốn Nhật Bản giúp đỡ kinh tế ở qui mô lớn. Cũng không có nhiều nghi ngờ rằng, ý muốn của Nhật hỗ trợ như vậy bắt nguồn nhiều hơn từ những tính toán kinh tế và chính trị dài hạn so với từ sức hút tức thì của vùng Viễn Đông Nga. Những khó khăn kỹ thuật và chi phí khổng lồ trong phát triển Xibia, sự phong phú của các nguồn năng lượng và nguyên liệu chủ yếu, bao gồm dầu lửa và khí thiên nhiên, bất trắc về những bước phát triển ở Nga, nội chiến và sự nổi lên của chủ nghĩa Xô Vanh nước lớn được coi là cơ sở để Nhật Bản tính toán kỹ lưỡng trong quan hệ với Nga.
Giới phân tích cho rằng, người Nga đã phải cố gắng chống lại sự e dè đáng kể từ phía Nhật Bản với kỳ vọng thúc đẩy hợp tác phát triển hơn nữa trong khu vực Biển Nhật Bản, gồm Viễn Đông, Đông Bắc Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ cũng cố gắng gây sức ép thông qua gợi ý họ có thể phát triển quan hệ với khu vực Đông Á mà không cần sự giúp đỡ của Nhật Bản, thay vào đó họ dựa vào Hàn Quốc, Đài Loan, Tây Âu và những nước tiên tiến khác.
Giới dự báo cho rằng, trong thập niên tới, viễn cảnh phát triển vùng Biển Nhật Bản là rất sáng sủa. Mậu dịch duyên hải và xuyên biên giới đã gia tăng và hy vọng điều này có thể tạo ra xung lực đủ mạnh để đổi mới nền kinh tế Nhật Bản và các nền kinh tế trong khu vực. Người ta cũng đặt câu hỏi liệu Hàn Quốc, Đài Loan hoặc những nền kinh tế công nghiệp mới khác (NIE) ở Đông Á có thể cung cấp đủ công nghệ cao và các nguồn lực tài chính như của Nhật Bản. Đức và những đối tác trong Liên minh Châu Âu tập trung chủ yếu vào nước Nga khu vực Châu Âu và Tây Xibia. Do vậy, Nga phải trông cậy vào hỗ trợ của các quốc gia trên vành đai Thái Bình Dương cho khu vực này. Nhật Bản sẽ là một đối tác cạnh tranh lớn của Nga trong tương lai.
*
* *
Điều cần nhấn mạnh là, Chiến tranh Lạnh chấm dứt đã không xoá bỏ được tính phức tạp của an ninh khu vực. Quan hệ Nga với Hàn Quốc và quan hệ giữa Bắc Kinh và Matxcova được cải thiện chính là những điểm nhấn chính sách tìm kiếm ảnh hưởng trở lại của Nga trên Bán đảo Triều Tiên và làm tăng nguy cơ Nhật Bản bị cô lập trong khu vực. Điều này được minh chứng bởi việc tăng cường các chuyến thăm của lãnh đạo Nga đến Hàn Quốc trong suốt thập niên qua. Khả năng ảnh hưởng gia tăng của Nga ở CHDCND Triều Tiên và một hình mẫu quan hệ Nga - Trung mới chắn chắn cảnh báo các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản. Trung Quốc rõ ràng không còn ủng hộ đòi hỏi của Nhật Bản trong tranh chấp lãnh thổ mà dự đoán công khai về một mối đe doạ mới từ Nhật Bản. Cuối cùng, không còn chắn chắn khi đảm bảo rằng Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Nhật vô điều kiện hoặc thậm chí đóng vai trò giữ ổn định trong khu vực như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Nói cách khác, trên đây là những thách thức mà Nhật Bản phải đối mặt trên con đường tìm kiếm một vị thế mới trong quan hệ với Nga nói riêng và với cả khu vực nói chung.
PGS.TS NGÔ XUÂN BÌNH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. The Asahi Shimbun, May 13(IHT/Asahi: May 14,2009)
2. Kimie Hara, (2005), Japanese-Soviet/Russian Relations Since 1945: Difficult Peace, Taylor and Francis e-Library
3. Takashi Inoguchi, (2005), Japanese politics: an introduction, Melbourne, Vic.: Trans Pacific Press.
4. Kimio Fujita. 2003. Japan’s International Cooperation Policy. URL (www.fasid.or.jp/daigakuin/sfc/fa sid/lec_note/1222p.p df).
5. Takashi Inoguchi, (ed.,), (2002), Japan’s Asian Policy: Revival and Response, New York: Palgrave Macmillan.
6. http://www.mofa.go.jp/region/europe /russia/index.html
7. Guy Faulconbridge and Christian Lowe. 2008. Key issues in Japan-Russia relations. URL (http://www.reuters.com /article/newsMaps/idUSGOR64245620080426?pageNumber=2&virtualBrandChannel=0).