Trang chủ

CHÍNH TRỊ ĐỐI NGOẠI ĐÔNG BẮC Á NĂM 2008: BỨC TRANH SÁNG TỐI HAI MÀU

Đăng ngày: 18-03-2013, 12:05 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 1

 

 

Đông Bắc Á  từ lâu đã được coi là khu vực phát triển năng động nhưng đầy kịch tính trong các quan hệ chính trị đối ngoại và luôn là một bức tranh với hai gam màu sáng-tối khác nhau. Năm 2008 tuy vẫn là bức tranh đó nhưng màu sáng đã đậm hơn. Dưới đây chỉ  điểm qua những động thái nổi bật nhất trong quan hệ đó giữa các quốc gia, lãnh thổ cùng khu vực và với Mỹ.

1. Những điểm sáng

1.1.  Nhật Bản - Trung Quốc tiến tới “mùa xuân ấm áp”

Nối tiếp những kết quả tốt đẹp khai thông trong quan hệ hai nước đã được tạo lập từ các chuyến công du đến Trung Quốc tháng 9/2006 của Thủ tướng Nhật Bản S. Abe và đến Nhật Bản của Thủ tuớng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tháng 4/2007, trong năm 2008 với cuộc công du chính thức thăm viếng Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tiếp tục mở ra bước phát triển mới trong quan hệ hai nước Nhật-Trung vốn đã được coi là mối quan hệ phức tạp nhất ở khu vực Đông Bắc Á và đã trải qua nhiều năm đóng băng trong các quan hệ chính trị dưới thời Thủ tướng Nhật Bản J. Koizumi do những bất đồng chủ yếu từ lịch sử để lại  bởi cuộc chiến xâm lược Trung Quốc của Nhật Bản trước đây.  Sau 10 năm kể từ chuyến thăm của người tiền nhiệm Giang Trạch Dân, chuyến thăm này của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào mới là chuyến thăm của Nguyên thủ Trung Quốc tiếp theo đến Nhật Bản. Chuyến thăm kéo dài 5 ngày này trong tháng 5/2008 của ông đã được coi là “bản tổng kết” cho mối quan hệ thăng trầm giữa hai nước suốt thập kỷ qua với những giai đoạn phá băng - đóng băng - tan băng và bây giờ là triển vọng của một “mùa Xuân ấm áp” như nhiều nhà phân tích đã đánh giá.

Trên thực tế, Nhật Bản và Trung Quốc đã trao đổi cho nhau rất nhiều “đặc sản” trên lĩnh vực kinh tế. Với thế mạnh về vốn, công nghệ, Nhật Bản đã trở thành một nguồn cung cấp dồi dào cho “công xưởng của thế giới” đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm tiêu dùng của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc là miền đất hứa với rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, là mảnh đất màu mỡ để vận hành các nhà máy sản xuất trong bối cảnh dân số Nhật Bản ngày càng già đi. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản và Nhật Bản là bạn hàng lớn thứ ba của Trung Quốc với kim ngạch thương mại song phương đạt 236 tỷ USD năm 2007, Nhật Bản cũng là nước có số vốn đầu tư trực tiếp lớn thứ hai tại Trung Quốc với 60,7 tỷ USD. Sự cạnh tranh về kinh tế trong bối cảnh toàn cầu suy thoái hiện nay đang trở nên bất hợp lý và nhu cầu tìm kiếm thêm những cơ hội hợp tác phát triển mới là rất mạnh mẽ khiến Trung Quốc, Nhật Bản phải càng xích lại gần nhau.

Về chính trị, mối quan hệ giữa Nhật Bản, Trung Quốc không chỉ ở vấn đề hạt nhân của Triều Tiên mà nó còn nằm trong sự đối trọng đảm bảo cân bằng ở khu vực Đông Á. Sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc về cả kinh tế lẫn quân sự, chính trị... đã khiến giới lãnh đạo Nhật Bản phải xem xét nhiều hơn đến khả năng hợp tác chứ không chỉ khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc tích cực gia tăng ảnh hưởng đối với các nước trong khu vực. Trong khi đó, tính thực dụng nắm bắt thời cơ của ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là điều kiện cơ bản để khởi động, duy trì và phát triển mối quan hệ với Nhật Bản. Không chỉ là vấn đề kinh tế mà việc thông qua sự thân thiết với Nhật Bản, Trung Quốc có khả năng tạo thêm thế đứng ở vùng Đông Á trong sự so sánh ảnh hưởng với Mỹ cũng như có thêm kênh đối thoại nhằm tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Đài Loan đang tiến triển rất sáng sủa kể từ sau khi người lãnh đạo mới của Đài Loan là Mã Anh Cửu vốn đã “thân thiện” với Bắc Kinh lên cầm quyền. Đồng thời, chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có lẽ còn là sự hài lòng của Trung Quốc đối với tiến trình cải thiện quan hệ với Nhật Bản dưới thời Thủ tướng S.Abe và Thủ tướng Fukuda hiện nay với chính sách duy trì quan hệ hữu nghị Trung - Nhật bên cạnh liên minh Nhật - Mỹ.

1.2.  Vượt qua trở ngại, Nhật Bản - Nga tăng cường hợp tác

Ngay từ đầu năm 2008 đã có một va chạm dẫn đến khẩu chiến giữa hai bên Nga-Nhật về sự kiện: Phía Tokyo cho biết vào ngày 9/2 máy bay ném bom của Nga vi phạm không phận nước này, nhưng Matxcơva bác bỏ tuyên bố đó và nói rằng không quân Nga tuân thủ các quy định quốc tế.

Trước sự kiện trên, dư luận quốc tế đã tưởng rằng sẽ xảy ra căng thẳng tiếp trong quan hệ hai nước mà nguyên nhân tiềm ẩn  là Nga và Nhật vẫn đang tranh chấp chủ quyền quần đảo Kuril trong suốt hơn 60 năm qua – lý do chính khiến hai quốc gia vẫn chưa ký được hiệp định hòa bình kể từ sau Thế chiến II.

Thế nhưng, thực tế đã diễn ra ngược hẳn lại. Tuy sự kiện đó khi đầu có làm “rộ lên” một không khí cũng khá căng thẳng giữa hai bên, song sau đó cũng chả có ai kiện ai và dần trôi đi trong im lặng. Thay vào đó là quan hệ hai nước đã ngày càng tăng cường hơn. Ngày 11/3/2008, Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda và Tổng thống sẽ đắc cử của Nga Dmitry Medvedev đã nhất trí nâng quan hệ Nhật - Nga lên tầm cao mới và nỗ lực để tiến tới ký kết Hiệp định hòa bình giữa hai nước. Tiếp đó, Thủ tướng Y. Fukuda cũng đã thăm chính thức Nga trong ba ngày đầu tháng 5/2008. Ðây là chuyến thăm Nga lần đầu của ông Fukuda kể từ khi được bầu giữ chức Thủ tướng Nhật Bản tháng 9 năm 2007.

Trong cuộc hội đàm hai bên, Thủ tướng Nhật Bản Y. Fukuda và Tổng thống đương nhiệm Nga V. Putin đều đã bày tỏ vui mừng trước sự cải thiện của mối quan hệ song phương và cùng cam kết tiếp tục đàm phán về một hiệp ước hòa bình giữa hai nước.

Trong các cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Y. Fukuda với Tổng thống đương nhiệm Nga V.Putin và Tổng thống mới đắc cử D.Medvedev, ngoài việc đạt được thỏa thuận thúc đẩy quá trình tiến tới ký hiệp ước hòa bình giữa hai nước, hai bên còn thảo luận các vấn đề tăng cường hợp tác kinh tế song phương, vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, kế hoạch Hội nghị cấp cao G-8 do Nhật Bản đăng cai tại đảo Hokkaido từ ngày 7 đến 9-7-2008, việc đơn giản hóa thủ tục thị thực nhập cảnh và mở rộng giao lưu, trao đổi giữa thanh niên, sinh viên và các nhà khoa học giữa hai nước...

Trong số những thỏa thuận này đáng chú ý có thoả thuận giữa hai bên về nhu cầu phải giải quyết tranh chấp 4 hòn đảo ở nam Kuril.

Liên quan đến vấn đề này, Nhật Bản hiện vẫn thể hiện một thái độ cứng rắn. Nhật khẳng định sẵn sàng ký kết hiệp ước hòa bình với Nga trên cơ sở giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo Tuyên bố chung Liên Xô - Nhật Bản từ năm 1956. Đây là cơ sở để Nhật Bản chính thức yêu cầu Nga trả lại cho họ 4 hòn đảo cực nam của quần đảo Kuril là Iturupa, Kunashira, Sikotan và Habomai.

Những rắc rối về lãnh thổ này có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử từ năm 1945, khi quân phiệt Nhật còn là đồng minh của phát xít Đức và đương nhiên là kẻ thù của Liên Xô. Theo cam kết với các nước trong khối đồng minh chống phát xít, Hồng quân đã đánh tan quân đội Nhật để chiếm quần đảo Kuril. Tuy nhiên từ đó tới nay, cả hai bên Nga - Nhật vẫn chưa chính thức ký kết một hiệp ước hòa bình.

Khu vực những hòn đảo đang tranh chấp có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả hai nước không chỉ về mặt lãnh thổ. Đây là khu vực có nhiều quyền lợi kinh tế quan trọng với những trữ lượng lớn về cá, tài nguyên biển, dầu mỏ và khí gas. Đối với Nga, quần đảo Kuril còn là nơi có ý nghĩa quân sự đặc biệt vì đây chính là cánh cửa mở ra biển của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.

Theo các nhà quan sát, tuy động thái giải quyết tranh chấp quần đảo Kuril đã có nhiều khả quan hơn nhưng vì đó là vấn đề rất nhạy cảm trong quan hệ Nga - Nhật nên vẫn rất cần những nỗ lực và cố gắng dài hơi của cả hai bên trước khi có thể giải quyết dứt điểm. Chính  vì thế, đã từ nhiều năm qua cả hai bên đều đã phải cùng thống nhất quan điểm là tạm gác bất đồng đó lại để hợp tác cùng phát triển các lĩnh vực khác có lợi cho cả hai, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế.

Chỉ riêng trong hai năm gần đây, giá trị hàng hóa trao đổi giữa hai nước đã tăng lên gấp đôi, tức là đạt mức kỷ lục 21,3 tỉ USD (tăng gấp 5 lần so với chỉ số năm 2002). Cũng trong năm 2008, hai nước đã bắt đầu hợp tác cung cấp dịch vụ thông tin theo một tuyến cáp quang mới kết nối giữa Nhật với châu Âu thông qua Nga. Hai bên cũng đang lên kế hoạch đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, trao đổi đào tạo thanh niên v.v...

Theo Tokyo, tiềm năng về quan hệ hợp tác Nga - Nhật hãy còn rất lớn, chẳng hạn như riêng trong lĩnh vực trao đổi hàng hóa phải phấn đấu phát triển bằng các chỉ số tương tự giữa Nhật với Trung Quốc và Mỹ. Nga hiện đang là thị trường quan trọng tiêu thụ các sản phẩm xe hơi, điện tử kỹ thuật cao của Nhật với một loạt công ty cho mở các nhà máy lắp ráp xe hơi tại Nga như Toyota, Nissan và Suzuki.

Ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế của Tokyo là tăng cường hơn nữa hợp tác với Nga trong việc khai thác các mỏ dầu và khí gas trên đất Nga. Theo đánh giá, những nguồn tài nguyên loại này ở khu vực phía tây nước Nga sẽ nhanh chóng cạn kiệt, khiến nước này phải chuyển hướng sang tìm kiếm và khai thác các mỏ ở phía đông Siberi và vùng Viễn Đông.

Từ cuối năm 2008, Nhật đã bắt đầu nhập khẩu khí gas thiên nhiên hóa lỏng từ Sakhalin của Nga, đưa tỉ lệ xuất khí gas của Nga sang thị trường Nhật từ 0% thành 8,5%. Nhật đang có ý định cạnh tranh với Trung Quốc để trở thành bạn hàng số một về tiêu thụ những nguồn năng lượng này của Nga.

1.3.  Nhật Bản - Triều Tiên xích lại gần hơn

Cho đến nay,  CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) và Nhật Bản chưa từng thiết lập mối quan hệ ngoại giao song phương. Ngoài những bất đồng vốn đã tiềm ẩn từ phía Triều Tiên vì những mâu thuẫn lịch sử do cuộc xâm lược Triều Tiên trước đây của Nhật Bản, về phía Tokyo luôn yêu cầu Bình Nhưỡng phải thừa nhận trách nhiệm trong vụ công dân Nhật bị thành viên Đảng Cộng sản bắt cóc để huấn luyện gián điệp vào những năm 1970 và 1980. Trong khi đó, Bình Nhưỡng vẫn gây áp lực về phía Nhật Bản, yêu cầu được bồi thường những thiệt hại mà chế độ thực dân Nhật đã gây ra ở Bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945.

Năm 1998, người Triều Tiên lần đầu tiên khiến cả nước Nhật và thế giới phải “giật mình” khi bất ngờ bắn thử nghiệm một quả tên lửa bay qua hòn đảo chính của Nhật Bản…

Sự kiện Triều Tiên và Nhật Bản đạt được kết quả tích cực trong đàm phán bình thường hóa quan hệ ngày 11-12/6/2008 tại Bắc Kinh đã phát đi một tín hiệu tích cực hiếm hoi về khả năng quan hệ Triều Tiên và Nhật Bản được khai thông. Theo kết quả đàm phán, Triều Tiên cam kết sẽ tiến hành điều tra lại vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc những năm 1970, 1980; hợp tác với Nhật Bản trong việc dẫn độ những kẻ bắt cóc máy bay Nhật Bản năm 1970. Đổi lại, Nhật Bản hứa sẽ dỡ bỏ một phần những lệnh trừng phạt được áp dụng đối với Triều Tiên kể từ sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân, tháng 10/2006, trong đó có việc cho phép tàu biển Triều Tiên cập cảng Nhật Bản để vận chuyển hàng nhân đạo; dỡ bỏ hạn chế đối với các chuyến bay thuê bao và cho phép công dân hai nước tự do đi lại, thăm viếng lẫn nhau.

Từ trước đến giờ, vấn đề người bắt cóc là một trở ngại lớn đối với đàm phán bình thường hóa giữa Triều Tiên và Nhật Bản. Triều Tiên liên tục bác bỏ đề nghị của Nhật Bản đòi xem xét lại vấn đề người bắt cóc và cho rằng vấn đề này đã được giải quyết và rằng Nhật Bản cố tình tạo cớ hòng thúc đẩy quá trình quân sự hóa. Về phía Nhật Bản, vấn đề các thường dân Nhật Bản bị bắt cóc tại Triều Tiên vào những năm 1970-80 đã trở thành một vấn đề xã hội và chính trị lớn tại Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua. Bất kỳ chính quyền Nhật Bản nào lên nắm quyền đều cam kết giải quyết triệt để vấn đề này để làm hài lòng các gia đình có nạn nhân bị bắt cóc và cử tri Nhật Bản. Câu hỏi đặt ra là tại sao Triều Tiên lại có sự thay đổi quan điểm như vậy và tại sao lại có sự thay đổi này vào thời điểm hiện nay?

Nhượng bộ của Triều Tiên có thể được nhìn nhận như một mũi tên bắn trúng nhiều mục đích. Mục đích sát sườn nhất là Triều Tiên muốn khai thông quan hệ với Nhật để tiếp tục được nhận viện trợ từ Nhật trong lúc  Triều Tiên đang thiếu lương thực trầm trọng. Theo dự tính của Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên Hợp quốc, năm 2008, có khả năng Triều Tiên sẽ thiếu 1,66 triệu tấn lương thực, mức thiếu gấp đôi so với năm 2007 do ảnh hưởng của trận lụt tháng 8/2007 đối với mùa màng và khó khăn kinh tế. Chương trình lương thực Thế giới khuyến cáo nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ bên ngoài có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Triều Tiên trong năm nay. Hiện tại, theo một số nguồn tin 6,5 triệu trong tổng số 23 triệu dân Triều Tiên không đủ lương thực.

Lý do khác dài hơi hơn là Triều Tiên mong muốn giải tỏa một trở ngại nữa trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Để đạt được điều này, trước hết Triều Tiên phải được Mỹ đưa ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố và bỏ cấm vận thương mại với Triều Tiên (thông qua Đạo luật buôn bán với kẻ thù). Trong thời gian qua, mặc dù quá trình đàm phán Triều-Mỹ đạt được nhiều tiến bộ nhưng Mỹ liên tục được Nhật Bản cảnh báo là chừng nào vấn đề người bắt cóc chưa được giải quyết thì Mỹ không nên đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố và có các bước đi tiến tới bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên. Chấp nhận giải quyết vấn đề người bắt cóc với Nhật Bản là Triều Tiên đã giúp giải tỏa một trở ngại đối với Mỹ từ phía người đồng minh thân cận của mình.

Đạt được một số kết quả tích cực trong quan hệ với Mỹ và Nhật Bản và tiếp tục duy trì mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Bắc Kinh, Triều Tiên sẽ có lợi thế rất lớn trong quan hệ với người anh em của mình là Hàn Quốc. Bởi lẽ, trong trường hợp quan hệ Triều-Nhật, Triều-Mỹ, Triều-Trung được cải thiện thì quan hệ hai miền xấu đi sẽ là một bất lợi chính trị rất lớn đối với Tổng thống Lee Myung-bak nhất là trong bối cảnh chính quyền của ông liên tục gặp phải nhiều khó khăn nội bộ như vấn đề nhập khẩu thịt bò từ Mỹ và đang phải đối phó với tình hình kinh tế xấu đi.

Tình hình này cũng sẽ tạo thuận lợi cho thành công của đàm phán 6 bên gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật và Nga trong thời gian tới. Kết quả đàm phán 6 bên thuận lợi cũng là nhân tố gây sức ép với Hàn Quốc phải có một số điều chỉnh về sách lược theo hướng hòa dịu hơn đối với Triều Tiên.
Mặc dù quan hệ Triều-Nhật và Triều-Mỹ có xu hướng hòa dịu và bản thân Triều Tiên cũng thể hiện thái độ thiện chí và có bước đi bài bản trong quan hệ với các nước liên quan, nhưng vẫn khó có thể dự đoán chắc chắn về chiều hướng diễn biến của tình hình. Dù còn rất nhiều khó khăn và phức tạp đang ở phía trước, dư luận thế giới vẫn đang hy vọng bước sang năm 2009 này sẽ sớm có một kết quả khả quan hơn trong đàm phán 6 bên dẫn đến qúa trình bình thường hóa thực sự giữa Triều Tiên với các nước liên quan, mở ra thời kỳ 23 triệu người dân Triều Tiên được hưởng một cuộc sống bình thường, no ấm và hạnh phúc như bao người dân khác trên thế giới.

2. Những điểm tối

2.1.  Vấn đề hạt nhân ở Bán đảo Triều Tiên vẫn còn nan giải

Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trong năm 2008 vừa qua như nhận định của nhiều nhà phân tích, rút cục vẫn là bế tắc, đầy nan giải tuy động thái đã diễn ra trong 6 tháng đầu năm có vẻ như rất suôn sẻ, với việc Bình Nhưỡng giao nộp bản báo cáo về chương trình cũng như tài liệu hạt nhân của mình vào ngày 26/6. Và ngay ngày hôm sau, 27/6, Triều Tiên đã cho phá hủy tháp làm lạnh của cơ sở hạt nhân chính của mình tại Yongbyon.  Nhưng giống như sự sụp đổ của tháp làm lạnh, mọi nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân cũng sụp đổ khi Washington và Bình Nhưỡng bất đồng về việc kiểm chứng. Vấn đề phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên, những tưởng sang năm 2008 sẽ được khai thông, lại bất ngờ đảo cực. Sau 4 ngày thương lượng căng thẳng với nhiều chỉ trích giữa các bên bất đồng quan điểm mà tập trung nhiều nhất là Mỹ với Triều Tiên, tiếp theo là Hàn Quốc với Triều Tiên và Nhật Bản với Triều Tiên; đến ngày ngày 11/12, vòng đàm phán mới của sáu bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên  tại Bắc Kinh đã kết thúc thất bại sau khi các bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào do Triều Tiên không chấp nhận kế hoạch kiểm chứng các hoạt động giải trừ hạt nhân của nước này.
Nguyên nhân chính là những bất đồng liên quan đến vấn đề viện trợ mà các bên tham gia đàm phán cam kết với Bình Nhưỡng và phương thức thanh tra các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên.

Mỹ khăng khăng rằng kiểm chứng là một phần nằm trong bản công bố hạt nhân của Triều Tiên trong khi Triều Tiên luôn giữ vững quan điểm coi kiểm chứng là một vấn đề riêng rẽ, nằm ngoài bản báo cáo hạt nhân của họ. Các trưởng đoàn đàm phán hạt nhân sáu bên ngày 8/12 đã nhóm họp với hi vọng có thể đạt được một thỏa thuận cho vấn đề kiểm chứng, nhưng kết cục là thất bại. Kết quả, những nỗ lực cuối cùng của chính quyền Tổng thống Mỹ Bush nhằm để lại “tên tuổi” trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã thất bại và đành phải đẩy vấn đề cho chính quyền tiếp theo của Obama cho dù có một động thái mới  là ngày 11/12/2008 đã tuyên bố rút Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố. Theo thoả thuận mới đạt được, Triều Tiên sẽ nối lại hoạt động tháo dỡ các cơ sở hạt nhân và cho phép các thanh sát viên LHQ cùng Mỹ giám sát.

Những bế tắc của cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên trên đây đã không chỉ phản ánh sự nan giải trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên mà còn là tác nhân tiêu cực trực tiếp đến quan hệ hai miền nam-bắc Triều Tiên trong suốt cả năm 2008 vừa qua mà sau đây ta sẽ cùng nhìn lại.

2.2.  Hàn Quốc - Triều Tiên căng thẳng nhưng lại lóe sáng hy vọng

Mối quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng đã trở nên xấu đi sau khi ông Lee Myung-bak lên làm Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 2 đầu năm. Ông đã làm Bình Nhưỡng “nổi giận” khi tuyên bố sẽ cắt nguồn viện trợ “miễn phí”, đặt điều kiện viện trợ với tiến triển phi hạt nhân của Bình Nhưỡng…

Những tháng cuối năm 2008, thế giới lại chứng kiến Bán đảo Triều Tiên tiếp tục bước vào chu kỳ căng thẳng mới khi tuyến đường sắt xuyên biên giới của hai miền Triều Tiên ngừng hoạt động, dẫn tới việc hạn chế đi lại tới khu công nghiệp Kaesong và khu du lịch núi Kim Cương - vốn được coi là biểu tượng xích lại gần nhau của hai miền. Những biện pháp mà Triều Tiên áp dụng là để trả đũa chính sách cứng rắn của ông Lee - Tổng thống Hàn Quốc.

Đỉnh điểm căng thẳng mới đã diễn ra ngày 24/9 với việc Bình Nhưỡng chính thức tuyên bố đã gỡ bỏ một số niêm phong và camera quan sát tại khu phức hợp Yongbyon. Động thái này được Bình Nhưỡng mô tả là một bước đi tiến tới việc tái khởi động chương trình hạt nhân đã bị đóng băng từ đầu năm 2008.

Vấn đề là tại sao Bình Nhưỡng lại gỡ niêm phong và đòi tái khởi động chương trình hạt nhân?

Giới chức Mỹ đã “kết tội” cho Bình Nhưỡng “bội ước” khi cho gỡ niêm phong. Nhưng dư luận thì không nghĩ như vậy. Ngay như tờ báo Time của Mỹ còn viết rằng lý do để Bình Nhưỡng gỡ bỏ niêm phong và chuẩn bị tái khởi động chương trình hạt nhân chính là vì Washington đã không thực hiện lời cam kết của mình.

Theo cam kết đã được 2 bên nhất trí vào tháng 10/2007 (nhằm thực thi thỏa thuận 6 bên ngày 13/2/2007) là Triều Tiên sẽ đóng băng chương trình hạt nhân đồng thời trao bản danh mục liệt kê tất cả các chương trình hạt nhân trong quá khứ cho đến hiện tại.

Đổi lại, Mỹ và các đối tác 6 bên sẽ thực hiện việc cung cấp viện trợ lương thực và nhiên liệu phục vụ cho việc sản xuất năng lượng, đồng thời Mỹ phải rút tên Triều Tiên ra khỏi danh sách “các quốc gia tài trợ khủng bố”.

Tháng 6/2008, Triều Tiên đã nộp cho Trung Quốc - nước chủ nhà hội nghị 6 bên  bản danh mục liệt kê các chương trình hạt nhân, đồng thời cho nổ tung tháp làm lạnh của lò phản ứng hạt nhân Yongbyon. Tiếp sau đó, Triều Tiên còn cho phép các thanh sát viên IAEA vào giám sát việc tháo dỡ các thiết bị hạt nhân do các chuyên gia Mỹ, Nga tiến hành.

Sau tất cả những hành động đầy thiện chí đó, Triều Tiên chỉ nhận được vài chuyến hàng viện trợ nhân đạo. Theo cam kết, 45 ngày sau khi Triều Tiên trao danh mục các chương trình hạt nhân cho các đối tác 6 bên xem xét, Mỹ sẽ phải thực hiện phần cam kết của mình là rút tên nước này khỏi danh sách tài trợ khủng bố.

Thế nhưng, 45 ngày đã trôi qua từ lâu rồi mà vẫn không thấy động tĩnh gì từ phía Washington. Cần biết rằng, việc rút tên khỏi “danh sách tài trợ khủng bố” có tầm quan trọng sống còn đối với Triều Tiên, vì nó không chỉ “rửa sạch” hình ảnh nước này trên trường quốc tế mà còn là điều kiện mở ra cơ hội tiếp cận các khoản vay phát triển kinh tế của các định chế tài chính thế giới như World Bank, IMF, ADB...

Đầu tháng 9/2008, căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên bắt đầu bùng phát trở lại sau khi Washington tuyên bố chuyện rút tên Triều Tiên khỏi danh sách tài trợ khủng bố còn tùy thuộc vào việc Bình Nhưỡng giao nộp đầy đủ danh sách các chương trình hạt nhân theo yêu cầu của Mỹ, đồng thời Triều Tiên phải cho các thanh sát viên vào nước này bất cứ lúc nào và đi bất cứ đâu họ muốn.

Điều này nằm ngoài các thỏa thuận đã ký, do vậy không được Triều Tiên chấp nhận, cho nên tên tuổi nước này vẫn nằm nguyên trong danh sách “tài trợ khủng bố” cho đến trước khi xảy ra sự kiện ngày 11/12, Mỹ đã đột ngột tuyên bố rút Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố như đã nêu trên.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia hiện Triều Tiên sẽ có nhiều cơ hội giao thương với quốc tế hơn, sau khi Mỹ quyết định đưa nước này ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố.

Chính phủ của Tổng thống Lee cũng đã đề nghị đàm phán song phương với Triều Tiên và nối lại các dự án nhân đạo như đoàn tụ hàng ngàn gia đình bị ly tán sau cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953. "Chính quyền Seoul sẵn sàng có phản ứng tích cực nếu nhận được yêu cầu cứu trợ nhân đạo từ  Triều Tiên", Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Moon Tae-Young nói. Tổ chức “Những người bạn tốt” còn dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc đảng Công nhân cầm quyền cho hay hiện trạng lương thực hiện nay ở Triều Tiên cũng tồi tệ như những năm xảy ra nạn đói khủng khiếp hồi thập niên 1990. Kể từ đó, Triều Tiên phải dựa vào viện trợ quốc tế để giúp nuôi sống 23 triệu dân trong nước.

Trong mấy năm gần đây, Seoul đã cung cấp cho Bình Nhưỡng khoảng 400.000 tấn gạo và 300.000 tấn phân bón mỗi năm theo một thỏa thuận viện trợ song phương.

Ngày 12/10, Triều Tiên đã tuyên bố nước này sẽ nối lại việc tháo dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon và cho phép các thanh sát viên quốc tế làm nhiệm vụ để đổi lại quyết định của Mỹ nhằm loại bỏ Triều Tiên ra khỏi danh sách hỗ trợ khủng bố.

Đồng thời Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Ho-nyeon cho biết, Chính phủ Hàn Quốc có thể cân nhắc việc điều chỉnh lại lập trường của nước này về một loạt các vấn đề và rằng “viện trợ lương thực hoặc viện trợ thép đang được cân nhắc”.

Hàn Quốc đã lên kế hoạch chuyển cho CHDCND Triều Tiên 3.000 tấn thép vào khoảng tháng 9 vừa rồi theo đúng thỏa thuận 6 bên. Tuy nhiên, Seoul đã hoãn kế hoạch này sau khi Bình Nhưỡng có những động thái tái xây dựng lại cở sở hạt nhân Yongbyon.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap trích dẫn nhiều nguồn tin cho hay, hiện Seoul chưa quyết định khi nào sẽ gửi viện trợ thép nhưng nhiều khả năng chuyến hàng này sẽ được chuyển cùng thời điểm Bình Nhưỡng chính thức nối lại quá trình vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân Yongbyon…

Tuy nhiên, dư luận đang cho rằng, dù có loé lên những tia sáng đó nhưng vẫn rất mong manh hy vọng vì còn khá nhiều ràng buộc của Mỹ trong vấn đề kiểm chứng hạt nhân Triều Tiên mà Bình Nhưỡng khó có thể chấp nhận suôn sẻ, mà đó cũng là điều không chỉ Mỹ, Hàn Quốc mà kể cả Nhật Bản đều tỏ ra phải “cứng rắn” với Bình Nhưỡng - bởi lẽ cơ bản như nhiều nhà phân tích đã nhìn thấy từ lâu: cả 3 đối tác phức tạp nhất trong các thành viên của vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên dù đã có thiện chí xích lại  nhưng vẫn còn thiếu lòng tin vào nhau.

2.3.  Nhật Bản – Hàn Quốc chưa kịp nồng ấm đã giá lạnh

Tuy đều là đồng minh của Mỹ, song do những bất đồng tồn đọng trong quá khứ lịch sử chưa giải quyết được do cuộc chiến xâm lược Triều Tiên của  Nhật Bản trước đây nên quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc cũng đầy kịch tính nhiều năm qua. Vì thế, trước sự kiện cuộc hội đàm thượng đỉnh Nhật-Hàn tại Tokyo tháng 4/2008, Thủ tướng Nhật Bản  Yasuo Fukuda đã kỳ vọng "mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước". Còn Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã cho rằng: "Chúng tôi không lãng quên quá khứ, nhưng cũng không để quá khứ ngăn cản bước tiến đến tương lai trong quan hệ Hàn-Nhật"; ông còn  ví quan hệ Nhật-Hàn "giống như một cái cây cắm rễ sâu dưới lòng đất và có thể trụ vững bất chấp dông bão".

Cuộc hội đàm đã diễn vào ngày 21.4 tại Tokyo, nhân chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đến Nhật Bản. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Hàn đầu tiên kể từ năm 2005, sau khi Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Roh Moo-hyun đơn phương ngừng đàm phán để phản đối chuyến thăm đến ngôi đền chiến tranh tại Tokyo của Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Fukuda cảm ơn Tổng thống Lee Myung-bak đã chọn Nhật Bản là một trong hai điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. "Điều đó chứng tỏ chính sách ưu tiên của Hàn Quốc trong quan hệ với Nhật Bản" - ông Fukuda đã nhận định như vậy. Hai nhà lãnh đạo Nhật-Hàn còn đồng ý nối lại các cuộc gặp ngoại giao con thoi song phương, khôi phục đàm phán kinh tế, thành lập các kênh tham vấn tư nhân về đầu tư và hợp tác kinh tế…

Thế nhưng, nồng ấm trở lại chưa kịp thì giá lạnh đã đến ngay. Vào đầu tháng 7, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã tuyên bố tái xác nhận chủ quyền đối với quần đảo mà họ gọi là Takeshima, trong khi Hàn Quốc gọi là Dokdo. Bộ Giáo dục nước này thì cho biết sẽ hướng dẫn các giáo viên trung học dạy cho học sinh rằng, quần đảo này thuộc về Nhật Bản.

Động thái trên lập tức khiến Seoul nổi giận và ra quyết định triệu hồi đại sứ từ Tokyo. "Chúng tôi không thể chấp nhận điều đó và cực lực phản đối chính phủ Nhật Bản, đồng thời yêu cầu họ có biện pháp hiệu chỉnh ngay lập tức", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Moon Tae-young nhấn mạnh.

Quần đảo gồm hai hòn đảo nhỏ không có cư dân nói trên tọa lạc giữa vùng biển giáp ranh hai quốc gia Đông Á và đang nằm dưới sự kiểm soát của Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bày tỏ sự "thất vọng sâu sắc" đối với tuyên bố chủ quyền của Tokyo. Trước đó ông từng có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ với Nhật ngay sau khi lên cầm quyền.

Quần đảo Dokdo hay Takeshima nằm giữa vùng giàu tài nguyên hải sản và có thể có trữ lượng khí đốt chưa được khai thác. Các hòn đảo nhỏ nằm chơ vơ giữa đại dương này cùng với Bán đảo Triều Tiên từng bị sáp nhập vào Nhật Bản dưới chế độ thực dân đầu thế kỷ 20.

Tranh chấp quần đảo bắt đầu nổ ra kể từ khi Nhật chấm dứt cai trị Bán đảo Triều Tiên năm 1945. Trong khi đó, Hàn Quốc bắt đầu đưa người đồn trú tại đây từ năm 1953. Quần đảo này nằm cách cảng Samchok của Hàn Quốc 220 km và cách Matsue, phía tây Nhật Bản, một khoảng cách tương tự.

Và thế là liên tục từ đó, một loạt các động thái  phức tạp đã xảy ra trong quan hệ hai nước do bất đồng quan điểm về vấn đề tranh chấp chủ quyền hòn đảo trên đây. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn, gây bức xúc hơn cho Tokyo kể từ đầu tháng 8/2008 đến nay, sau khi Mỹ - một đồng minh thân cận của cả Nhật Bản và Hàn Quốc đã ra tuyên bố công nhận khu vực đảo tranh chấp đó giữa Hàn Quốc và Nhật Bản là thuộc chủ quyền của Hàn Quốc.

3.  Xích lại gần nhau đang là xu thế phát triển của Đông Bắc Á

Tuy còn nhiều bất đồng, thậm chí cả những nan giải về những lợi ích liên quan kinh tế, chính trị, chủ quyền lãnh thổ… khiến cho Đông Bắc Á cho đến nay vẫn chưa thể hết những nguy cơ tiềm ẩn có thể bùng phát thành các xung đột chính trị và an ninh đối ngoại giữa các quốc gia, lãnh thổ trong khu vực này. Song, vẫn có thể nói rằng từ bức tranh chung của chính trị Đông Bắc Á như đã mô tả khái quát nhất trên đây đã cho thấy xu hướng chung là tất cả các thành viên khu vực này dù vẫn cạnh tranh quyết liệt về nhiều mặt, nhất là về kinh tế nhưng đều đang cố xích lại gần nhau hơn trong hợp tác cùng giải quyết những khó khăn, bất ổn chung và hỗ trợ nhau để cùng phát triển mạnh hơn. Những diễn biến hợp tác Trung-Nhật-Hàn gần đây có thể tác động ít nhiều đến vai trò của ASEAN và cả ASEAN+3 tại châu Á đã là minh chứng rõ nét.

Ra đời  tháng 7 năm 1967, nhưng phải đến hơn 41 năm sau, vào ngày 15/12/2008 mới đây, ASEAN mới đạt tới lợi thế có được một cơ cấu hợp tác hoàn chỉnh, sau khi đã chính thức  thông qua Hiến chương ASEAN trở thành một thực thể pháp lý thống nhất.

Tuy nhiên, khu vực Đông Bắc Á mới đây đã có một bước tiến quan trọng trong cải thiện quan hệ, với cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên tại Nhật Bản ngày 13/12/2008. Tại đây, “bộ ba” này đã nhất trí họp thường niên – một bước ngoặt vì từ năm 1999 đến nay, lãnh đạo ba nước Đông Bắc Á vẫn gặp nhau nhưng chủ yếu bên lề hội nghị thượng đỉnh hàng năm của ASEAN.

Do những quan hệ căng thẳng mang tính truyền thống, “bộ ba” Đông Bắc Á đã để ASEAN đóng vai trò đi đầu trong việc xây dựng, mở rộng các cộng đồng ở khu vực bằng những sáng kiến như ARF (Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN) hay EAS (Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á của ASEAN+6 gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, 3 quốc gia Đông Bắc Á cộng thêm Úc, Ấn Độ và New Zealand). Tuy nhiên, vai trò lãnh đạo của ASEAN trong những sáng kiến khu vực có thể sẽ khác đi nếu “bộ ba” Đông Bắc Á tiếp tục cải thiện quan hệ hợp tác. Sức mạnh của những quốc gia này là điều không phải bàn cãi. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 75% GDP của Châu Á. Kết hợp lại sẽ giúp họ có một ảnh hưởng khổng lồ trong việc định hình cho toàn khu vực Đông Á nói riêng và cả Châu Á nói chung.

Từ sự tăng cường liên kết trên đây đã làm các nước Châu Á bỏ qua bất đồng, đồng tâm, hiệp lực vượt qua khó khăn cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay. Điển hình là kế hoạch thiết lập hệ thống hối đoái đa phương trị giá 80 tỉ USD cho khu vực Châu Á của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao ba nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tại các hội nghị này, lãnh đạo của các nước thành viên đều nhất trí tiếp tục kích thích kinh tế và đề ra các biện pháp hợp tác chặt chẽ hơn trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Riêng trong nội bộ Nhật-Hàn-Trung, ngay trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao  Trung Quốc và Nhật Bản đã mở rộng thoả thuận trao đổi tiền tệ với Hàn Quốc, giúp Hàn Quốc – vốn đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính – có thêm quỹ dự phòng lên tới 48 tỉ USD để bảo vệ đồng won khi cần thiết…

Năm 2008 cũng chứng kiến mối quan hệ xích lại gần nhau giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có hai cuộc tiếp xúc lịch sử lần đầu tiên trong gần 60 năm qua với lãnh đạo Đài Loan. Đó là cuộc gặp với Chủ tịch Quỹ Thị trường chung hai bờ eo biển Đài Loan, Tiêu Vạn Tường và với Chủ tịch Quốc Dân Đảng, Ngô Bá Hùng tại Bắc Kinh. Cùng với hai cuộc tiếp xúc nói trên là một loạt các hoạt động giao lưu khác góp phần tạo bước đột phá trong quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.

Năm 2008 có một động thái chính trị mới về vai trò siêu cường của Mỹ. Đó là tình hình ở các “điểm nóng” không có diễn biến mang tính đột phá có lợi theo ý đồ của Mỹ. Sự rút lui và nhân nhượng của Mỹ trong một số vấn đề, đối với một số quốc gia, nói lên nhiều điều, trong đó có một điều là siêu cường duy nhất đang trên đà suy yếu, và tỏ ra mất uy tín trên trường quốc tế.

Với Iran, sau nhiều năm từ chối, năm 2008, Mỹ đã phải chấp nhận đối thoại trực tiếp với Teheran về chương trình hạt nhân của Iran. Với Triều Tiên, Washington từ chỗ một mực bác bỏ khả năng đối thoại riêng rẽ với Bình Nhưỡng trong các cuộc đàm phán 6 bên, đã chấp nhận tiến hành đàm phán trực tiếp với đại diện của Triều Tiên và đồng ý đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách “các quốc gia tài trợ khủng bố”. Với Iraq, bằng hành động ký kết Hiệp ước an ninh với Iraq, Mỹ đã từng bước rút lui khỏi quốc gia này trong danh dự, còn Tổng thống G. Bush đã phải thừa nhận, việc phát động chiến tranh nhằm vào Iraq là sai lầm. Sai lầm đó đã kịp lấy đi bao mạng sống của dân thường và tàn phá cả một quốc gia. Với Apganixtan, năm 2008 là năm đẫm máu nhất đối với Mỹ và liên quân Taliban không những không bị tiêu diệt mà còn giành được quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn, có ảnh hưởng ngày càng mạnh ở Apganixtan.

Như vậy, năm 2008 với những gì mà Mỹ đã mang lại, thế giới đang đang có nhu cầu thiết lập một trật tự toàn cầu mới. Với ý nghĩa này, năm 2008 được coi như cột mốc quan trọng, đánh dấu một thời kỳ quá độ có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm để chuyển từ trật tự thế giới “nhất nguyên siêu cường” sang trật tự thế giới mới dân chủ hơn, trong đó lợi ích của các quốc gia được tôn trọng và bảo đảm hơn.

Tóm lại, nếu như năm 2007, Đông Bắc Á vẫn được coi là khu vực năng động về kinh tế, còn chính trị vẫn là bức tranh “mãn tính” gam màu sáng-tối thì năm 2008 vừa qua trong bức tranh chung của khủng hoảng tài chính toàn cầu, Đông Bắc Á cũng không phải là ngoại lệ khi mà hầu hết các nền kinh tế khu vực đều bị suy giảm tăng trưởng kinh tế, kể cả Trung Quốc vốn nhiều năm qua tăng trưởng cao liên tục mặc dù vẫn là đầu tầu khu vực này song cũng đã phải suy giảm, trong khi Nhật Bản một đầu tàu khác của kinh tế Châu Á thì tồi tệ hơn, đã chính thức tuyên bố lâm vào khủng hoảng ngay từ những tháng cuối năm 2008… Còn bức tranh chính trị Đông Bắc Á thì như đã nêu trên, rõ ràng vẫn còn nguyên gam màu sáng-tối khác nhau tuy sáng màu vẫn là nét đậm hơn.

Hy vọng rằng, trong khó khăn hoạn nạn của suy thoái dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang là điều khó tránh khỏi hiện nay, nhưng những điểm sáng về sự xích lại gần nhau để liên kết, hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia, lãnh thổ Đông Bắc Á sẽ tăng cường hơn nữa để có thể vượt qua những thách thức về kinh tế - tài chính đang hiện hữu, khiến bức tranh của Đông Bắc Á của năm mới 2009 này sẽ chuyển sang gam màu tươi sáng hơn.

 

TS TRẦN ANH PHƯƠNG

(Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Anh Phương (Chủ biên): Chính trị khu vực Đông Bắc Á từ sau Chiến tranh Lạnh; Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.

2. Các tạp chí có bài viết liên quan từ năm 2007-2008: Nghiên cứu Đông Bắc Á; Nghiên cứu Trung Quốc; Nghiên cứu Châu Âu; Nghiên cứu Châu Mỹ; Những vấn đề kinh tế vầ chính trị thế giới

3. Các báo liên quan năm 2008: Quân đội Nhân dân; Hà nội mới; Thế giới & Việt Nam; Thanh niên; Tuổi trẻ…

4. Các tài liệu liên quan của TTXVN năm 2007-2008: Tài liệu tham khảo đặc biệt; Tài liệu chuyên đề, Tin Thế giới…

5. Các trang web liên quan năm 2007-2008…

 

0thảo luận