Trang chủ

THẤY GÌ TRONG THÂM HỤT THƯƠNG MẠI CỦA HÀN QUỐC VỚI NHẬT BẢN TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

Đăng ngày: 18-03-2013, 11:09 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 1

Thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản đạt mức kỷ lục năm ngoái và năm nay lại tiếp tục tăng lên. Người ta cho rằng nguyên nhân của tình trạng này không phải do cơ cấu, nó bắt nguồn từ những nhân tố như gia tăng nhập khẩu nguyên liệu thô để tái xuất, sức cạnh tranh giá bán giảm do sự biến động của tỷ giá hối đoái won – yên và sự di chuyển địa điểm các cơ sở sản xuất ở nước ngoài.

Trong quá khứ, thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản chủ yếu là do gia tăng nhập khẩu hàng hoá trung gian, bao gồm thép và các sản phẩm hoá chất; nhập khẩu nguyên liệu tăng do giá cả hàng hoá leo thang trên các thị trường quốc tế; và gia tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng được hỗ trợ bởi đồng yên Nhật yếu. Tuy nhiên, những năm gần đây, lý do chính cho thâm hụt mở rộng là suy giảm nhanh xuất khẩu dầu mỏ và màn hình tinh thể lỏng (LCD). Đó là những mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai và thứ ba sang Nhật Bản. Cán cân thương mại về các mặt hàng linh kiện và phụ tùng, với tình trạng thâm hụt kinh niên, bắt đầu cho thấy dấu hiệu cải thiện gần đây, nhưng sự phụ thuộc lớn vào Nhật Bản về những linh kiện then chốt và nguyên liệu cần cho sản xuất sản phẩm mới đang phủ bóng đen lên triển vọng phá vỡ thâm hụt thương mại với Nhật Bản.

Suy giảm xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nhật Bản trùng khớp với sự lên giá đáng kể của đồng won so với yên, khoét sâu thêm lo ngại về tình hình thương mại quốc tế của nước này. Vì xuất khẩu của Hàn Quốc và Nhật Bản cạnh tranh trực tiếp trên các thị trường toàn cầu, nên sự lên giá của đồng won khiến các sản phẩm Hàn Quốc gặp bất lợi về giá bán.

Bài viết sau đây góp phần lý giải vấn đề: Liệu gia tăng thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản gần đây là do cơ cấu hay các nhân tố nhất thời cũng như triển vọng của tình hình này.

1. Nguyên nhân của thâm hụt thương mại

Thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản tăng chậm cho đến năm 2002 khi Nhật Bản cố gắng tìm cách thoát khỏi đình trệ kinh tế kéo dài. Kể từ đó, nó tăng với tốc độ nhanh hơn, lên đến mức cao chưa từng có là 25,4 tỷ USD năm ngoái. Năm 2006, thâm hụt thương mại là 25,39 tỷ USD và trong chín tháng đầu năm 2007 đạt tới 21,96 tỷ USD.


Bảng 1. Thương mại hai chiều Hàn Quốc – Nhật Bản và cán cân thương mại

Đơn vị: trăm triệu USD, %

Năm

Xuất khẩu

Tỷ lệ tăng trưởng

Tỷ phần

Nhập khẩu

Tỷ lệ tăng trưởng

Tỷ phần

Cán cân thương mại

1990

126,4

-6,1

19,4

185,7

6,5

26,6

-59,4

1995

170,5

26,1

13,6

326,1

28,4

24,1

-155,6

2000

204,7

29

11,9

318,3

31,8

19,8

-113,6

2002

151,4

-8,3

9,3

298,6

12,1

19,6

-147,1

2003

172,8

14,1

8,9

363,1

21,6

20,3

-190,4

2004

217,0

25,6

8,5

461,4

27,1

20,6

-244,4

2005

240,3

10,7

8,4

484,0

4,9

18,5

-243,8

2006

265,3

10,4

8,2

519,3

7,3

16,8

-253,9

2007 (Từ thỏng

1-9)

190,1

-3,2

7,1

409,7

6,1

16,0

-219,6

Nguồn: Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc

Ghi chú: Tỷ phần biểu thị tỷ lệ thương mại với Nhật Bản trên tổng kim ngạch thương mại


Thâm hụt thương mại mở rộng kể từ năm 2002 có thể chia thành hai giai đoạn: 2003-2004 và kể từ 2006. Trong giai đoạn đầu tiên, thâm hụt thương mại gia tăng từ 14,7 tỷ USD năm 2002 lên 24,4 tỷ USD năm 2004 do nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu. Trong giai đoạn thứ hai, tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu vẫn ở mức một con số, nhưng xuất khẩu tăng trưởng thậm chí chậm hơn.

1.1. Vấn đề cơ cấu sản phẩm hàng hoá xuất nhập khẩu

Xét theo ngành, người ta thấy duy nhất các sản phẩm hoá dầu có thặng dư lớn năm 2006 còn hầu hết các sản phẩm khác bị thâm hụt. Nhóm sản phẩm máy móc có thâm hụt lớn nhất, sau đó là các sản phẩm nguyên liệu trung gian, bao gồm thép và hoá chất. Các sản phẩm vi tính, dệt may và hoá dầu có thặng dư với Nhật Bản. Cần lưu ý rằng đây là hai nhóm ngành xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.


Bảng 2. Thương mại chi tiết của Hàn Quốc với Nhật Bản

Đơn vị: trăm triệu USD  1990 1995 2000 2003 2006 Máy móc -44,0 -80,7 -50,2 -49,7 -70,7 Hóa chất -19,9 -34,1 -32,8 -36,7 -64,1 Thép 0,3 -2,9 -14,6 -29,6 -51,8 Cơ khí chính xác -7,2 -22,4 -22,7 -32,0 -37,6 Hàng nhựa -1,1 -1,4 -1,2 -5,7 -13,6 Khoáng sản phi kim 0,9 -4,0 -2,6 -5,8 -12,5 Ô tô -4,6 -7,7 -5,7 -7,1 -10,8 Kim loại mầu -1,9 -4,6 -6,4 -5,5 -10,4 Thiết bị điện nặng -4,4 -9,3 -8,5 -6,0 -9,8 Đồ gia dụng -0,1 3,4 1,6 -4,6 -5,9 Đóng tàu -1,7 -4,7 -2,5 -3,1 -4,8 Linh kiện điện tử -16,1 -18,2 -37,3 -36,5 -2,3 Máy vi tính -3,9 -5,0 16,9 4,4 0,7 Thiết bị thông tin -2,0 -2,8 -8,2 -4,6 1,3 Dệt may 22,2 16,9 9,1 3,1 2,5 Sản phẩm hóa dầu 0,4 3,1 33,1 21,7 32,2
Nguồn: Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc,


Thực tế cho thấy, Hàn Quốc nhập khẩu nhiều bán thành phẩm từ Nhật Bản, nên thâm hụt thương mại với Tokyo có xu hướng tăng khi các nhà kinh doanh ở Hàn Quốc gia tăng đầu tư vào sản xuất các sản phẩm máy móc và thiết bị hoặc khi xuất khẩu của nước này ra thế giới tăng đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc vào Nhật Bản sẽ kéo theo tăng trưởng nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu và hàng hoá vốn từ Nhật Bản. Kể từ năm 2002, thâm hụt thương mại mở rộng chủ yếu trong lĩnh vực máy móc, hoá chất và thép bởi đây là thời kỳ bùng nổ xuất khẩu của Hàn Quốc. Cùng với nó là Hàn Quốc gia tăng nhập khẩu bán thành phẩm và hàng hoá trung gian liên quan từ Nhật Bản.

Tình hình này cũng thể hiện trong mối quan hệ qua lại giữa tăng trưởng xuất khẩu toàn diện của Hàn Quốc và thâm hụt thương mại với Tokyo. Trong thời kỳ 1993-1995, 1998-2000 và 2001-2004, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc và thâm hụt thương mại với Nhật Bản đi theo hướng tương tự. Hệ số tương quan giữa thâm hụt thương mại với Nhật Bản và tổng xuất khẩu của Hàn Quốc ở mức rất cao trong thời kỳ 1990-2006 với 0,875, thậm chí tăng hơn nữa lên 0,930 trong thời kỳ 1998-2006.


Bảng 3. Nhập khẩu hàng hoá tiêu dùng từ Nhật Bản

Đơn vị: triệu USD, %

 

2005

2006

 

Nhập khẩu

Gia tăng

Nhập khẩu

Gia tăng

Ô tô

304

29,5

419

38,1

Mỹ phẩm

136

24

164

20,5

Máy tính cá nhân

83

9,8

103

23,6

Câu lạc bộ Golf

131

6,1

153

17,1

Thiết bị chiếu sáng

428

41,3

599

40,0

Nguồn: Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc


1.2. Đồng Yên yếu

Kể từ năm 2004, đồng yên Nhật Bản có dấu hiệu suy yếu, trong khi won Hàn Quốc lên giá. Kết quả là tỷ giá hối đoán giữa yên và won bị hạ thấp đáng kể. Trong khi tỷ giá hối đoán yên – USD thay đổi từ 108,9 năm 2004 lên 110,2 năm 2005 và 116,3 năm 2006 thì tỷ giá sức mua won – yên (100 yên) thay đổi từ 1029,9 xuống 930,7 và 821,5 trong thời kỳ này.

Đồng yên yếu đã làm giảm tương đối giá nhập khẩu sản phẩm Nhật Bản, thúc đẩy đáng kể nhập khẩu sản phẩm nhạy cảm cao với thay đổi giá, bao gồm thiết bị chiếu sáng và xe ô tô chở khách. Tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu của các sản phẩm này tương ứng là 40% và 38,1%.

1.3. Giá nguyên liệu thô tăng vọt

Nhập khẩu thép và sản phẩm kim loại từ Nhật Bản gia tăng đáng chú ý, năm 2006 đạt 2,1 tỷ USD. Sự tăng mạnh nhập khẩu nguyên liệu một phần do nhu cầu gia tăng bắt nguồn từ tình hình xuất khẩu sáng sủa của Hàn Quốc và tăng đơn giá nhập khẩu của sản phẩm thép và kim loại màu kể từ nửa cuối năm 2006. Chỉ số đơn giá nhập khẩu của các sản phẩm thép tăng từ 100 vào tháng 12 năm 2005 lên 169,8 tháng 9 năm 2007, trong khi chỉ số của kim loại màu tăng từ 100 lên 146,3 trong cùng thời kỳ.


Bảng 4. Nhập khẩu nguyên liệu từ Nhật Bản tăng nhanh

Đơn vị: triệu USD, %

 

2005

2006

 

Giá trị nhập khẩu

Tỷ lệ tăng trưởng

Giá trị nhập khẩu

Tỷ lệ tăng trưởng

Sắt

880

3,4

1,147

30,4

Thép tấm mạ

88

53,1

118

34,8

Đồng thỏi

123

80,4

249

101,9

Niken thỏi chưa tinh chế

239

37,4

379

58,5

Thép hợp kim khác

181

11,6

406

123,8

Êtylen

93

-21,0

165

77,7

Toluen

90

155,1

146

61,4

Nguồn: Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc

 


1.4. Đình trệ các sản phẩm hoá dầu và LCD

Lý do lớn nhất của thâm hụt thương mại gia tăng  của Hàn Quốc đối với Nhật Bản trong thời gian gần đây là giảm mạnh xuất khẩu các sản phẩm hoá dầu và LCD, tương ứng là những mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai và thứ ba sang Nhật Bản. Xuất khẩu các sản phẩm hoá dầu và màn hình phẳng trong khoảng thời gian tháng Giêng đến tháng Chín năm 2007 giảm xuống tương ứng là 25,9% và 43,4%. Những mất mát xuất khẩu hai mặt hàng này trị giá 1,9 tỷ USD. Giảm mạnh xuất khẩu các sản phẩm hoá dầu và LCD góp phần làm hạ thấp xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nhật Bản năm 2007 khoảng3,2% trong khi tổng xuất khẩu hai mặt hàng này tăng 9,2%, cao hơn năm 2006 là 2,2%.

Theo đánh giá của Hiệp hội thương mại Hàn Quốc, giảm xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu chủ yếu là do những nhân tố nhất thời, như trì hoãn tạm thời sản xuất để đại tu các cơ sở tinh lọc, cũng như đảm bảo hàng dự trữ của các công ty trong nước để đáp ứng nhu cầu nội địa. Mặt khác, suy giảm xuất khẩu LCD chủ yếu bắt nguồn từ chuyển địa điểm sản xuất đồ gia dụng Nhật Bản sang Trung Quốc và Ba Lan. Những động thái này đã thay đổi đích đến xuất khẩu của những sản phẩm do liên doanh Samsung và Sony sản xuất sang các nước này. Tuy nhiên tình hình này không ảnh hưởng đến tổng xuất khẩu LCD của Hàn Quốc. Chỉ số tăng trưởng xuất khẩu của sản phẩm này đạt 33% năm 2007, trong khi đó xuất khẩu LCD sang Nhật Bản giảm 43,4% năm 2007.


 

Bảng 5. Xuất khẩu những mặt hàng then chốt của Hàn Quốc sang Nhật Bản

Đơn vị: triệu USD, %

 

2005

2006

 

Giá trị

Tỷ lệ tăng trưởng

Tỷ phần

Giá trị

Tỷ lệ tăng trưởng

Tỷ phần

Bán dẫn

36,2

23,2

13,6

32,2

23,5

6,1

Hàng hóa dầu lửa (A)

41,1

11,4

15,5

23,1

-25,9

-8,1

LCD (B)

30,9

115,9

11,7

14,5

-43,4

-11,1

Sắt tấm

13,9

-16,4

5,3

14

53,2

4,9

Thiết bị viễn thông không dây

8,4

121,1

3,2

6,4

33,1

1,6

Tổng kim ngạch xuất khẩu

265,3

10,4

100,0

190,1

-3,2

-6,3

(Ngoại trừ A+B)

(193,2)

(2,2)

(72,8)

(152,4)

(9,2)

12,9

Nguồn: Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc


1.5. Biến đổi  trong thị phần của Hàn Quốc tại Nhật Bản

Thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản trong những năm gần đây gây ra lo ngại về giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu từ Hàn Quốc. Kể từ bước ngoặt năm 2000, thị phần của Trung Quốc tăng đáng kể từ 14,5% năm 2000 lên 20,5% năm 2006, trong khi đó thị phần của Hàn Quốc lại giảm từ 5,4% xuống 4,7% trong thời gian này. Trừ một số sản phẩm thiết yếu hàng ngày và hóa dầu, thị phần của các sản phẩm công nghiệp Hàn Quốc ở Nhật Bản tăng từ 6,2% lên 6,5% trong cùng thời kỳ. Xét theo ngành, người ta nhận thấy,  dệt may, máy vi tính và đồ gia dụng, đã mất lợi thế cạnh tranh, sản phẩm thuộc các ngành này đang đối mặt với thách thức từ các đối tác Trung Quốc và họ đang chứng kiến thị phần của mình thu hẹp.

Chưa có phân tích chi tiết về tác động tương hỗ giữa suy giảm thị phần với thâm hụt thương mại, song suy giảm thị phần cũng là một hệ quả xấu của thâm hụt thương mại. Điều này đang là một cảnh báo với giới xuất khẩu Hàn Quốc.


Bảng 6. Thay đổi thị phần của Hàn Quốc và Trung Quốc ở Nhật Bản

 

Thị phần của Hàn Quốc(%)

Thị phần của Trung Quốc(%)

 

 

2000

2005

2006

2000

2005

2006

Sản phẩm hóa dầu

4,4

2,4

2,2

2,8

2,5

1,9

Dệt may

4,9

2,5

2,1

67,4

74,8

76,2

Hóa chất

4,9

5,4

6,5

8,3

14,8

16,5

Thép

27,4

25,0

23,6

22,0

31,2

33,7

Máy móc

5,0

7,5

7,4

8,9

21,4

23,1

Điện-điện tử

9,4

8,8

8,7

14,1

38,2

38,4

(Máy vi tính)

(9,2)

(5,5)

(4,1)

(9,6)

(50,9)

(54,5)

Cơ khí chính xác*

4,4

6,3

13,3

10,2

17,5

15,4

Hàng hóa sản xuất

6,2

6,2

6,5

19,2

31,4

31,7

Tất cả các ngành

5,4

4,7

4,7

14,5

21,0

20,5

Nguồn: Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc

*Cơ khí chính xác bao gồm LCD


2. Triển vọng

Không như trong quá khứ, sự gia tăng gần đây trong thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản là do những nhân tố kết hợp, bao gồm gia tăng nhập khẩu nguyên liệu thô để tái xuất, giảm sức cạnh tranh giá bắt nguồn từ giảm mạnh tỷ giá hối đoái won-yên, chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài, và một phần là do sức cạnh tranh suy yếu của các sản phẩm xuất khẩu Hàn Quốc sang Nhật Bản. Trước đó, thâm hụt thương mại mở rộng của Hàn Quốc với Nhật Bản chủ yếu là do vấn đề cơ cấu, do tăng nhập khẩu hàng hóa vốn giữa lúc bùng nổ kinh doanh với Hàn Quốc và Hàn Quốc phụ thuộc quá nhiều vào Nhật Bản về hàng hóa vốn, linh kiện và nguyên liệu. Tuy nhiên, nhập khẩu hàng hóa vốn tăng chậm thời gian này và thâm hụt thương mại trong nhóm hàng hoá linh kiện và nguyên liệu có nhiều dấu hiệu cải thiện.


Bảng 7. Thay đổi nhập khẩu của Hàn Quốc từ Nhật Bản

theo tiêu chí cơ cấu nhóm hàng hóa

Đơn vị: triệu USD, %

Nhóm hàng hoá

2005

2006

Thay đổi

 

Giá trị

Gia tăng

Giá trị

Gia tăng

 

Nguyên liệu thô

19.199

14,0

22.208

15,7

3.009

Hàng hóa vốn

24.771

-0,1

25.264

2,0

493

Hàng tiêu dùng

3.193

8,3

3.487

9,2

294

Tất cả sản phẩm

48.403

4,9

51.926

7,3

3.523

Nguồn: Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc


Thực tế cho thấy, những sản phẩm chính của Hàn Quốc xuất khẩu sang Nhật Bản trừ máy vi tính, đồ gia dụng và dệt may, có tỷ lệ gia tăng hai con số mặc dù tỷ giá hối đoái won-yên biến đổi theo hướng gia tăng không có lợi cho Hàn Quốc kể từ giữa năm 2002. Cần lưu ý rằng, đây là thời điểm nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu phục hồi. Ngoài ra, suy giảm xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nhật Bản trong thời gian vừa qua còn do những nhân tố riêng biệt, như giảm mạnh xuất khẩu sản phẩm hóa dầu và LCD.

Về phương diện nhập khẩu, thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản gần đây phần nhiều là do gia tăng nhập khẩu nguyên liệu trong bối cảnh bùng nổ xuất khẩu hơn là gia tăng nhập khẩu hàng hóa vốn. Nhập khẩu hàng hóa vốn từ Nhật Bản vẫn chậm là do các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ít vào máy móc và thiết bị, trong khi nhập khẩu nguyên liệu thô và hàng tiêu dùng  tăng tương đối mạnh, kết hợp với bùng nổ xuất khẩu của Hàn Quốc và tỷ giá ngang sức mua won-yên giảm.

Một số nhà phân tích Hàn Quốc cho rằng, trong trung hạn và dài hạn, nguyên nhân cơ bản gây ra thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản nằm ở chỗ Xêun phụ thuộc nặng nề vào Tokyo về linh kiện, nguyên liệu và hàng hóa vốn. Tuy nhiên, gần đây, sự phụ thuộc này đã giảm chút ít. Nhập khẩu hàng tiêu dùng đang tăng nhưng tỷ lệ nhập khẩu hàng tiêu dùng trong tổng kim ngạch nhập khẩu là nhỏ, chiếm 6,7% nhập khẩu từ Nhật Bản năm 2006, trong khi hàng hóa vốn giảm từ 61,7% năm 2000 xuống 48,7% năm 2006.

Trong khi đó, buôn bán linh kiện và nguyên liệu thô, chịu thâm hụt kinh niên kỷ lục với Nhật Bản do lợi thế cạnh tranh yếu của Hàn Quốc.Tuy nhiên, kể từ 2006, tình hình đã được cải thiện một phần. Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc về linh kiện và nguyên liệu thô sang Nhật Bản đã vượt nhập khẩu, thu hẹp thâm hụt thương mại trong lĩnh vực này xuống 15,6 tỷ USD năm 2006 so với 16,1 tỷ USD năm 2005.

Điều lưu ý là sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào Nhật Bản về một số nguyên liệu then chốt hầu như không cho thấy dấu hiệu thay đổi, và khó có thể đưa ra giải pháp căn bản nào cho thâm hụt thương mại với Nhật Bản trong thời hạn gần đến trung hạn. Hàn Quốc phụ thuộc nặng vào những linh kiện và thành phần cốt lõi cần có để phát triển những sản phẩm mới bắt nguồn từ khoảng cách lớn về trình độ công nghệ giữa hai nước. Hơn nữa, xuất khẩu LCD, góp phần thu hẹp thâm hụt thương mại trong lĩnh vực linh kiện và nguyên liệu, có thể không gia tăng nhiều nữa trong tương lai gần.

Theo một số nhà phân tích, để Hàn Quốc giải quyết căn bản thâm hụt thương mại với Nhật Bản, nước này cần thâm nhập tích cực hơn vào thị trường Nhật Bản, kết hợp với phát triển những sản phẩm xuất khẩu mới sang Nhật Bản. Hàn Quốc cần nỗ lực đặc biệt trong phát triển nhiều mặt hàng xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao nhằm tránh sự đình trệ của một sản phẩm cụ thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu tổng thể, như đã diễn ra ở trường hợp LCD kể trên. Ví dụ, trong lĩnh vực công nghệ IT mà Hàn Quốc có sức cạnh tranh tương đối, nước này phải cố gắng phát triển những loại sản phẩm riêng biệt và các mặt hàng liên quan đến y tế nhằm vào dân số đang già đi nhanh chóng ở Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như xâm nhập các thị trường còn để ngỏ.

Cần nhấn mạnh rằng sự thu hẹp  gần đây về thâm hụt thương mại linh kiện và nguyên liệu là kết quả của những giải pháp mà chính phủ Hàn Quốc áp dụng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong những lĩnh vực này. Một số nhà dự báo Hàn Quốc lưu ý rằng, trong trung hạn đến dài hạn, chính phủ nên tiếp tục thực thi những chính sách hiện hành nhằm nâng cao sức cạnh tranh ngành, bao gồm thúc đẩy các ngành nguyên liệu, thu hút thêm các nhà sản xuất linh kiện Nhật Bản.v.v...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc cần chú trọng hơn nữa hoạt động marketing ở Nhật Bản, bao gồm đào tạo các chuyên gia về thị trường Nhật Bản, bổ sung nhân lực trong các phòng ban liên quan đến Nhật Bản, khuyến khích các CEO quan tâm đến thị trường láng giềng khổng lồ và cải thiện hình ảnh nhãn hiệu bằng cách tăng cường cái gọi là "Làn sóng Hàn Quốc" và giải trí ra nước ngoài.

Với những giải pháp này, người ta hy vọng rằng, quan hệ thương mại Hàn Quốc – Nhật Bản tiếp tục được đẩy mạnh, thâm hụt thương mại sẽ được cải thiện và trong dài hạn biết đâu “thâm hụt sẽ đảo chiều”.

ĐẶNG QUÝ DƯƠNG

(ThS, Đại học Kinh tế Quốc dân)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. http://www.korea.net

2. http://www.koreaherald.co.kr

3. http://www.newsonjapan.com

4. http://www.japantoday.com

5. http://www.atimes.com

6. Korea – Japan economic relation, Korea Focus, No5/2008

7. Korean International Economics, Korea Focus, No6, 2007

8. Korea Times 25/12/2008


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0thảo luận