Trang chủ

QUAN ĐIỂM CỦA PHÙNG HỮU LAN VỀ TRIẾT HỌC VÀ LỊCH SỬ TRIẾT HỌC

Đăng ngày: 18-03-2013, 11:30 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 1

Phùng Hữu Lan là một trong những người có đóng góp to lớn cho sự phát triển của triết học và nghiên cứu triết học Trung Quốc trong thế kỷ XX. Ông là người có công lớn trong việc hình thành Tân Lý học, cùng với Tân Tâm học và Tân Khí học cấu thành ba dòng tư tưởng triết học cơ bản ở Trung Quốc hiện đại với đặc trưng cơ bản là tiếp nối, dung hợp những tinh hoa của triết học truyền thống Trung Quốc với tinh hoa của triết học thế giới(1). Trong số các công trình triết học của Phùng Hữu Lan, những công trình nghiên cứu về lịch sử triết học Trung Quốc có một vị trí rất quan trọng. Trong số các bộ lịch sử triết học Trung Quốc đương thời của các tác giả như Hồ Thích, Lã Trấn Vũ, Hồng Khiêm, v.v., và các tác giả sau này như Nhiệm Kế Dũ, Trương Đại Niên, v.v., các bộ lịch sử triết học của Phùng Hữu Lan được giới nghiên cứu lịch sử triết học Trung Quốc và thế giới đánh giá cao.

Phùng Hữu Lan đã xây dựng nhiều bộ lịch sử triết học Trung Quốc. Trong những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, Phùng Hữu Lan đã viết khá nhiều về lịch sử triết học và triết học Trung Quốc, trong đó có bộ Trung Quốc triết học sử (Thượng Hải 1930 - 1933) đã được Derk Bodde dịch sang tiếng Anh với khoảng 1000 trang. Trong những năm 1946-1947, khi đang giảng dạy tại trường đại học Pennsylvania, Phùng Hữu Lan đã viết cuốn A Short History of Chinese Philosophy (Đại cương lịch sử triết học Trung Quốc) bằng tiếng Anh (bản dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Văn Dương, Nxb Thanh niên, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Tp Hồ Chí Minh, 1999). Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công (tháng 10 năm 1949), Phùng Hữu Lan đã nghiên cứu triết học và lịch sử triết học theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, từ đó dự định xây dựng một bộ Trung Quốc triết học sử tân biên, nhưng công việc không hoàn thành do Đại cách mạng văn hoá nổ ra. Sang những năm 70, mong muốn của Phùng Hữu Lan lại một lần nữa không được thực hiện như ý bởi ông bị cuốn vào phong trào cực đoan “bình Pháp phê Nho”. Những lần thất bại này đã giúp ông xây dựng một lập trường triết học thực sự của mình. Trên tinh thần: “chỉ viết những gì mình hiểu được trên cơ sở trình độ hiểu biết chủ nghĩa Mác của mình..., không dựa vào cách hiểu của người khác”, ông đã tiến hành xây dựng lại bộ Trung Quốc triết học sử tân biên và công việc được hoàn thành vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX.

Nghiên cứu lịch sử triết học của nhân loại là một phương thức đặc biệt quan trọng để xây dựng tư duy lý luận. Nhưng điều này chỉ có thể được thực hiện nếu có được phương pháp luận và những phương pháp nghiên cứu đúng đắn. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã đưa lại những nguyên tắc phương pháp luận khoa học cho việc nghiên cứu lịch sử triết học. Tuy nhiên bản thân những nguyên tắc phương pháp luận này không phải được xây dựng nên một cách tư biện, rồi có thể áp vào mọi đối tượng khác nhau, mà ngược lại, là những nội dung khách quan được rút ra từ bản thân quá trình vận động của lịch sử triết học - quá trình vận động của một hình thái ý thức xã hội. Như thế, có thể thấy rằng, việc nhận thức và vận dụng các nguyên tắc phương pháp luận lịch sử triết học không thể tách rời khỏi nhận thức cơ thể tự nhiên của nó - lịch sử triết học. Đây là một quá trình nhận thức kép. Với quan niệm như vậy, chúng tôi muốn tìm hiểu một số quan điểm cơ bản của Phùng Hữu Lan về triết học và lịch sử triết học vốn được đúc kết nên từ những nghiên cứu của ông về lịch sử triết học Trung Quốc, thể hiện trong bộ Trung Quốc triết học sử tân biên (1980) là trước tác ở giai đoạn chín muồi nhất trong tư duy triết học sử của ông. Trong tác phẩm này, Phùng Hữu Lan đã đề cập đến một loạt vấn đề rất cơ bản trong nghiên cứu triết học và lịch sử triết học như: phân biệt lịch sử khách quan và lịch sử viết, sự thống nhất giữa lôgích và lịch sử, v.v..

1. Lịch sử khách quan và lịch sử viết

Phùng Hữu Lan phân biệt hai lớp nghĩa của khái niệm lịch sử. Theo lớp nghĩa thứ nhất, “lịch sử là tên chung của những sự việc phát sinh trong quá khứ của xã hội loài người”(2). Lịch sử theo nghĩa này là lịch sử khách quan, vốn có. Lịch sử khách quan được Phùng Hữu Lan mô tả một cách hình tượng như một dòng sông dài bị đông kết. Dòng sông này vốn trong trạng thái động, cuộn chảy không ngừng, nhưng hiện tại nó đã bất động, trải dài tĩnh lặng, dường như thời gian không có bất cứ ảnh hưởng nào đến nó, nó và thời gian không có bất cứ quan hệ nào. Ví dụ như sự đại biến động, đại cải tổ thời Xuân Thu - Chiến Quốc, sự thống nhất Trung Quốc thời Tần Hán và sự thiết lập chính quyền thống nhất của chế độ chuyên chế tập quyền trung ương là những sự thực lịch sử, đã là sự thực và vĩnh viễn là sự thực lịch sử, không thể thay đổi được. Sự bất động của lịch sử được nói tới ở trên không có nghĩa là xã hội loài người không có biến đổi, mà chỉ có nghĩa là những gì đã là sự thực lịch sử thì không thể biến đổi, nó đã thoát ly quan hệ với thời gian.

Bất cứ sự vật nào cũng đều có lịch sử, thế nhưng nói chung khái niệm lịch sử được dùng để chỉ xã hội loài người. Sử gia nghiên cứu sự việc của xã hội loài người đã phát sinh trong quá khứ, trình bày những kết quả nghiên cứu, mô tả lịch sử khách quan vốn có, làm cho những cái vốn đã thuộc về quá khứ lại hiện ra trước mắt mọi người. Đây chính là lịch sử viết, là lớp nghĩa thứ hai của khái niệm lịch sử mà Phùng Hữu Lan nói đến.

Lịch sử khách quan và lịch sử viết theo Phùng Hữu Lan không phải là một. Lịch sử viết là hình ảnh của lịch sử khách quan, lịch sử khách quan là nguyên bản. Quan hệ giữa chúng là quan hệ giữa nguyên hìnhánh phản. Lịch sử khách quan tồn tại khách quan, còn lịch sử viết là nhận thức chủ quan. Nhận thức chủ quan không thể hoàn toàn phù hợp với đối tượng khách quan của nó cũng như lịch sử viết không thể hoàn toàn phù hợp với lịch sử khách quan. Cũng vì thế mà lịch sử viết mãi mãi phải viết lại, viết tiếp, và vì thế công việc của nhà sử học không bao giờ kết thúc chừng nào con người còn tồn tại.

2. Sự thống nhất giữa lôgích và lịch sử

Theo Phùng Hữu Lan, mục đích của lịch sử viết là tái hiện lại lịch sử khách quan, nó không cần và cũng không thể tái hiện đầy đủ tất cả các chi tiết của lịch sử khách quan. “Điều quan trọng trong nghiên cứu lịch sử là phát hiện ra những vấn đề có tính then chốt, những vòng khâu quan trọng và những quy luật phát triển trong quá trình lịch sử khách quan”(3). Đây chính là yêu cầu về sự thống nhất giữa lôgích và lịch sử trong nghiên cứu lịch sử triết học.

Phùng Hữu Lan đã chỉ ra rằng, bản thân các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lôgích và lịch sử trong các nghiên cứu lịch sử triết học của mình. Cái lôgích - theo quan điểm mác-xít, là tính tất nhiên của quá trình lịch sử, còn cái lịch sử là quá trình thực tế của lịch sử, và chúng thống nhất với nhau. Ông khẳng định sự thống nhất giữa lôgích và lịch sử là sự thống nhất của mâu thuẫn. Cái lôgích trong lịch sử biểu hiện tính tất nhiên của quy luật phát triển lịch sử. Biểu hiện này không tách rời khỏi tính ngẫu nhiên. Sự thống nhất giữa tính tất nhiên và tính ngẫu nhiên là ở chỗ tính tất nhiên chỉ có thể biểu hiện ra trong tính ngẫu nhiên, cũng như cái chung phải biểu hiện thông qua cái riêng. Không có cái mang tính ngẫu nhiên trong lịch sử thì không thể có cái mang tính tất nhiên trong lịch sử.

Sự quan tâm của Phùng Hữu Lan đối với vấn đề thống nhất lôgích và lịch sử là để đi tới xác định nhiệm vụ cụ thể của khoa học lịch sử triết học. Phùng Hữu Lan đã so sánh khoa học lịch sử nói chung với các khoa học xã hội khác. Theo ông, nhiệm vụ của các khoa học xã hội khác là “rút ra cái chung từ cái riêng, rút ra cái tất nhiên từ cái ngẫu nhiên”(4). Phân tích luận điểm nổi tiếng của Mác trong Lời bạt viết cho lần xuất bản thứ hai của Bộ Tư bản: “Cố nhiên, về mặt hình thức, phương pháp trình bày phải khác với phương pháp nghiên cứu. Nghiên cứu thì phải nắm lấy vật liệu với tất cả những chi tiết của nó, phải phân tích các hình thái phát triển khác nhau của nó và phải tìm ra được mối liên hệ bên trong của những hình thái đó. Chỉ sau khi hoàn thành công việc đó rồi mới có thể mô tả sự vận động thực tế một cách thích đáng được. Một khi đã làm được như thế và khi đời sống của vật liệu đã được phản ánh vào trong ý niệm rồi, thì người ta có thể tưởng tượng đó là một kết cấu tiên nghiệm”(4), Phùng Hữu Lan khẳng định, cái gọi là “kết cấu” được nói đến ở đây chính là kết cấu lý luận của khoa học, mục đích của nó là phản ánh vào trong ý niệm quá trình phát triển lịch sử của sự vật. Ví dụ như nhiệm vụ của chủ nghĩa duy vật lịch sử là bàn về quá trình phát triển của lịch sử, nhưng không phải là quá trình phát triển của một dân tộc nào đó, một xã hội nào đó, mà là quá trình phát triển của lịch sử nói chung, dù rằng nó cũng phải lấy quá trình phát triển của dân tộc cá biệt, xã hội cá biệt làm tài liệu. Hay như Kinh tế chính trị học cũng vậy, nghiên cứu của nó cũng bắt đầu từ những sự vật ngẫu nhiên, nhưng khi nó đã nắm được mẫu hình chung của những sự vật này, thì nó đã rũ bỏ được tính ngẫu nhiên. Ở phương diện này, khoa học lịch sử khác với các khoa học xã hội khác. Nhiệm vụ của khoa học lịch sử là mô tả quá trình phát triển cụ thể của một dân tộc, một xã hội nào đó đúng như nó vốn có. Mà trong quá trình này đầy cái ngẫu nhiên. Nguyên tắc là “Lịch sử viết không rũ bỏ những cái ngẫu nhiên này, mà phải mô tả quá trình phát triển của chúng”(5). Nó đương nhiên không dừng lại ở sự mô tả, mà còn phải tiến hành phân tích nhằm phát hiện ra quy luật phát triển lịch sử của quá trình này. Nó đương nhiên không phải là muốn thoát khỏi những sự việc cá biệt mang tính ngẫu nhiên để chuyên bàn về những quy luật chung mang tính tất nhiên, mà là tái hiện những quy luật biểu hiện trong những sự việc này. Nó không phải là “phản ánh vào trong ý niệm” những quy luật này để rồi trở thành một kết cấu lý luận, bởi như thế, nó sẽ không còn là một bộ sách lịch sử, mà là một bộ sách triết học về lịch sử.

Lịch sử triết học cũng là một bộ môn của khoa học lịch sử. Do đó, nguyên tắc trên cũng đúng với nó. Theo Phùng Hữu Lan, lịch sử triết học vẫn có quy luật chung của nó, đó chính là sự chuyển hoá và đấu tranh của các mặt đối lập giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, giữa phép biện chứng và phép siêu hình với sự thắng lợi không ngừng của chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng. Thế nhưng, trong lịch sử triết học của những dân tộc khác nhau, hay ở những giai đoạn khác nhau trong lịch sử triết học của một dân tộc, sự đấu tranh và chuyển hoá này có những nội dung và hình thức khác nhau. Điều này có nghĩa là những quy luật chung của lịch sử triết học, khi ở trong lịch sử cụ thể, có nội dung cực kỳ phong phú và hình thức biến ảo vô cùng. Cần phải thông qua những nội dung và hình thức này, quy luật chung mới có thể biểu hiện ra đầy đủ. Cần phải nhận thức một cách đầy đủ những nội dung và hình thức này mới có thể hiểu đúng nhất ý nghĩa của những quy luật chung. Điều này đặt ra vấn đề phải có thái độ đúng đắn đối với sử liệu.

Lịch sử đã qua không bao giờ có thể trở lại, nhưng dấu tích của nó thì vẫn còn đó, trong sử liệu. Chỉ có căn cứ vào sử liệu đầy đủ mới có thể nhận thức được quá trình quanh co phức tạp của sự phát triển lịch sử. Những sử liệu tốt nhất mà nghiên cứu lịch sử triết học có thể dựa vào đương nhiên là trước tác của các nhà triết học trước đây. Những điều mà họ viết ra chính là tư tưởng của họ. Nhưng việc hiểu được những gì mà họ viết ra lại không dễ dàng. Điều này được thực hiện thông qua hai con đường. Con đường thứ nhất là thông qua ngôn từ. Nhưng bản thân ngôn từ cũng là sản phẩm mang dấu ấn của thời đại, vì thế để có thể hiểu được ngôn từ cũng là chuyện không dễ, hơn nữa, việc hiểu được ngôn từ không có nghĩa là hiểu được ý nghĩa mà ngôn từ biểu đạt. Vì thế không chỉ phải thông qua ngôn từ còn phải thông qua ý nghĩa, nghĩa là phải hiểu và lãnh hội được ở một mức độ nhất định ý nghĩa của các trước tác triết học cần nghiên cứu. Theo Phùng Hữu Lan, hiểu ở đây là nắm được kết cấu lôgích của hệ thống triết học cần nghiên cứu; lãnh hội ở đây là kinh nghiệm được trên một trình độ nhất định tầm tư tưởng mà triết học của những triết gia đi trước đã đạt đến, hay nói cách khác là có thể dùng sự thể nghiệm của mình để kiểm chứng tư tưởng triết học của họ(6). Chỉ có như thế mới có thể được coi là hiểu triết học của một nhà triết học.

3. Triết học là gì?

Nếu lịch sử viết được quan niệm là ánh phản của lịch sử khách quan, và nghiên cứu lịch sử triết học chính là nghiên cứu triết học trong sự phát triển lịch sử của nó, thì câu câu hỏi căn bản tiếp theo cần phải trả lời là: Triết học là gì?

Theo Phùng Hữu Lan, “triết học là sự phản tư của tinh thần nhân loại”(7). Phản tư là tinh thần nhân loại quay trở lại lấy chính mình làm đối tượng để tư duy. Bộ phận chủ yếu trong đời sống tinh thần của nhân loại là nhận thức, cho nên có thể nói rằng, triết học là nhận thức về nhận thức. Nhận thức về nhận thức là nhận thức quay trở lại lấy nhận thức làm đối tượng nhận thức.

Phùng Hữu Lan phân biệt triết học và nhận thức luận. Theo ông, nhận thức luận và triết học không phải là một. Cái mà nhận thức luận bàn tới là hình thức chung của nhận thức, trong đó bao gồm các vấn đề năng lực nhận thức, đối tượng nhận thức, quá trình nhận thức, quan hệ giữa chủ quan và khách quan, v.v., nhưng không bao gồm nội dung của nhận thức. Nội dung của nhận thức là tri thức và sự phản tư về đời sống tinh thần nhân loại tất phải bao gồm nội dung của nhận thức. Triết học của mỗi triết gia lớn trong mỗi thời đại đều được xây dựng lên trên căn cứ tri thức về nhiều phương diện.

Phùng Hữu Lan cũng phân biệt triết học và khoa học. Ông cho rằng, triết học và khoa học tuy cùng là những bộ phận cấu thành đời sống tinh thần của nhân loại, nhưng diện mạo của chúng khác hẳn nhau. Sự khác nhau này bắt nguồn từ hai lý do, lý do thứ nhất là các khoa học chỉ đề cập đến một bộ phận của sự vật, còn triết học đề cập đến sự vật trong tính chỉnh thể. Đây là lý do phụ. Lý do chính là các khoa học là sự nhận thức thế giới, còn triết học là sự phản tư của tinh thần nhân loại, là nhận thức về nhận thức.

Sự phản tư của tinh thần nhân loại là sản phẩm ở trình độ phát triển rất cao của đời sống tinh thần nhân loại, là một đặc trưng phân biệt con người với các loài động vật khác. Đời sống tinh thần của nhân loại rất rộng lớn. Sự phản tư của tinh thần nhân loại tất nhiên phải đề cập đến các vấn đề trên các phương diện, phải tiến hành những thảo luận rộng lớn về các vấn đề rộng lớn, trong đó, khái quát nhất có ba vấn đề: Tự nhiên, xã hội và con người. Sự phản tư của tinh thần nhân loại bao gồm cả ba phương diện trên và mối quan hệ giữa chúng. Đó đều là đối tượng của sự phản tư của tinh thần nhân loại, là đối tượng của triết học.

4. Tư duy lý luận và tư duy hình tượng

Triết học là sự phản tư của tinh thần nhân loại, tức là gắn liền với hoạt động tư duy. Vậy tư duy là gì? Đây là câu hỏi đề cập đến vấn đề phương pháp của triết học.

Theo Phùng Hữu Lan, “đối tượng của triết học là cực kỳ rộng lớn, vì thế, khái niệm mà nó sử dụng cũng cực kỳ trừu tượng, điều này quyết định phương pháp của triết học là tư duy lý luận”(8).

Tư duy lý luận không mang thành phần cảm tính. Có thể thấy điều này qua ví dụ về những nghịch lý của Dênông về vận động. Nhận xét về nghịch lý vận động của Dênông, V.I. Lênin viết: “Dênông hoàn toàn không có ý nghĩ phủ nhận vận động coi như “tính xác thực cảm tính”; vấn đề chỉ là vấn đề về “nach ihrer (của vận động) Wahr-heit” - (tính chân lý của vận động)”(9). Tiếp sau đó, nhận xét về giai thoại do Hêghen nêu ra về việc Điogien (nhà triết học theo phái Xiních ở thành phố Xinôpơ) đã đánh học trò khi người học trò này dễ dàng chấp nhận cách ông dùng một hình thức vận động là đi bộ để bác bỏ nghịch lý của Dênông, Lênin đã viết: “Vấn đề không phải là sự vận động có tồn tại không, mà là thể hiện nó như thế nào trong lôgích của những khái niệm”(10). Toàn bộ những tranh biện, nhận định nêu ra ở trên nói lên rằng, “vận động” mà Dênông chứng minh rằng không thể có được là một vấn đề của lý tính, là vấn đề năng lực phản ánh thế giới của tư duy, tức là làm thế nào để biểu đạt sự vận động trong lôgích của khái niệm, và vì thế, sự bác bỏ nó không thể bằng cách phân tích những hình thức “vận động” cảm tính. Cách bác bỏ như thế thực chất không nhằm vào đúng đối tượng, và vì thế, không thể thực sự bác bỏ được nghịch lý của Dênông. Tư duy theo cách của Dênông là một hình thức của tư duy lý luận. Đó là tư duy sử dụng lôgích của khái niệm.

Tư duy lý luận gắn liền với trừu tượng hoá, “bất cứ lý luận nào cũng đều không thể tách rời trừu tượng, tách khỏi trừu tượng thì không những không thể có lý luận, mà ngay cả việc nói về một điều gì đó cũng không thể thực hiện được”(11). Nhận thức của con người đi từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính, cũng tức là đi từ cảm giác đến khái niệm. Đó là bước phát triển nhảy vọt, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con người - sự phong phú về mặt chất lượng. Platông so sánh bước phát triển này giống như sự thay đổi của một người đi ra khỏi hang động tối om, nhìn thấy ánh sáng của mặt trời.

Triết học với tư cách sự phản tư của tinh thần nhân loại không chỉ chú ý đến hình thức chung của nhận thức, mà còn chú ý đến nội dung của nhận thức; không chỉ chú ý đến nhận thức với tư cách là hoạt động, mà còn chú ý đến tri thức với tư cách là sản phẩm của hoạt động nhận thức. Nếu như gọi sự phản tư này là lôgích, thì như Hêghen đã nói, đó là lôgích nhằm mang lại bản chất mang tính phong phú, mang lại bản tính nội tại của tinh thần và thế giới; không chỉ là cái phổ biến trừu tượng, mà còn là cái phổ biến tự thân bao hàm tính phong phú của những cái đặc thù. Cái phổ biến này chính là khái niệm hay là cái “chung cụ thể” theo cách nói của Hêghen. Cái chung cụ thể là sự thống nhất giữa nội hàm và ngoại diên của danh từ đại biểu cái chung hoặc khái niệm. Nội hàm của danh từ chính là cái chung hay khái niệm mà danh từ đại biểu, còn ngoại diên của danh từ là toàn bộ những đối tượng cùng loại mà danh từ đó đề cập. Sự thống nhất của nội hàm và ngoại diên tạo nên cái chung cụ thể, vì thế nội dung của nó cực kỳ phong phú, không những bao hàm toàn bộ những cá thể của đối tượng cùng loại, mà còn bản chất của những đối tượng này. Ví dụ vật chất với tư cách một cái chung cụ thể không những là tính chất mà tất cả tồn tại khách quan đều có, mà còn là bản thân tất cả tồn tại khách quan.

Phùng Hữu Lan đối lập với tư duy lý luận và tư duy hình tượng. Trong đời sống thường nhật, tư duy mà con người thường dùng là tư duy hình tượng, nó tương đối dễ hiểu so với tư duy lý luận. Ông lấy ví dụ, có người hễ nói tới khái niệm “hồng” thì lập tức cảm thấy có một cái gì đó hồng, hoàn toàn hồng, không hề có tạp sắc, và cho rằng khái niệm “hồng” là như thế, rằng đó là tư duy lý luận. Thực ra đó không phải là tư duy lý luận, mà là tư duy hình tượng. “Hồng” với tư cách là một khái niệm hoàn toàn không phải là một cái gì đó hồng, và về mặt ý nghĩa mà nói, nó hoàn toàn không hồng. Nếu như hiểu khái niệm “hồng” hoàn toàn không hồng, cũng như hiểu khái niệm “vận động” hoàn toàn không động, hiểu khái niệm “biến” hoàn toàn không biến, v.v., thế mới là hiểu khái niệm và vận động, hiểu sự phân biệt giữa cái phổ biến và cái đặc thù. Khái niệm “phổ biến cụ thể” mà Hêghen phân tích trong so sánh với khái niệm “phổ biến trừu tượng” chính là sự vượt bỏ cái cá biệt. Ông cho rằng, “trừu tượng cụ thể” là cách nói khó hiểu, đã là trừu tượng thì không là cụ thể và không thể là cụ thể, làm sao lại có thể có trừu tượng cụ thể? Thực ra, thế giới vốn là như thế. Sự vật vốn là như thế. Trừu tượng là cái chung, cụ thể là cái đặc thù. Cái chung ngụ trong cái đặc thù, cái đặc thù không thể tồn tại nếu rời bỏ cái chung đang hàm chứa trong nó, cái chung không thể tồn tại nếu rời bỏ cái đặc thù hàm chứa nó. Nói tới cái chung phải chú ý đến cái đặc thù hàm chứa nó; nói tới cái đặc thù phải chú ý đến cái chung hàm chứa trong nó. Nói tới cái chung đồng thời lại chú ý đến cái đặc thù hàm chứa nó thì cái chung này chính là cái “trừu tượng cụ thể”.

5. Triết học và thế giới quan

Theo Phùng Hữu Lan, tư duy triết học là tư duy lý luận. Tư duy khoa học cũng là tư duy lý luận, thế nhưng, triết học là sự phản tư của tinh thần nhân loại đối với một hoạt động tinh thần - nghiên cứu khoa học, cho nên, là sự phát triển cao nhất, là hình thức cao nhất của tư duy lý luận.

Văn hoá của một dân tộc là sự kết tinh hoạt động tinh thần của dân tộc ấy. Triết học của một dân tộc là sự phản tư của tinh thần dân tộc đối với hoạt động tinh thần của nó. Trên ý nghĩa này mà nói, triết học của một dân tộc là thành tựu cao nhất của văn hoá của một dân tộc, và cũng là sự phát triển cao nhất của tư duy lý luận của nó.

Từ đó, Phùng Hữu Lan cho rằng, học tập triết học là “tiến hành phản tư về hoạt động tinh thần của con người, và trong sự phản tư này, rèn luyện năng lực tư duy lý luận của con người”(12).

Trong hoạt động phản tư này, con người có thể có được sự lý giải về tự nhiên, xã hội và con người, mà có lý giải, tức là có quan điểm; có quan điểm tức là có thái độ. Lý giải, quan điểm, thái độ, nói tóm lại, chính là thế giới quan của bản thân con người. Con người luôn hành động theo thế giới quan của mình. Nếu như anh ta có một thế giới quan rõ ràng, chính xác và tin tưởng sâu sắc vào nó, thì thế giới tinh thần của anh ta sẽ trở nên phong phú, hành động của anh ta sẽ trở nên dũng cảm. Anh ta có thể “tâm an lý đắc” mà sống. Tuy có khó khăn, anh ta cũng khắc phục được; tuy có nguy hiểm, anh ta cũng không sợ hãi. Cảnh giới tinh thần này quyết không thể có được chỉ dựa trên việc nhớ mấy luận điểm, thuộc mấy câu cách ngôn. Ý nghĩa của những câu cách ngôn này có thể rất chính xác, người nhắc lại nó có thể hiểu nó rất đúng đắn, nhưng đối với người ỷ lại mà nói, đó vẫn chỉ là những lời trống rỗng, không thể làm cho cảnh giới tinh thần của anh ta có bất cứ biến đổi nào.

Học triết học không phải là nhớ luận điểm, thuộc cách ngôn. Nó đòi hỏi người học phải có sự phản tư đối với hoạt động tinh thần của con người. Qua phản tư mà lĩnh hội, tăng cường lý giải, hiểu thêm đạo lý. Chính điều này sẽ làm cho cảnh giới tinh thần của anh ta tăng lên, nâng lên.

Từ những phân tích như trên, Phùng Hữu Lan khẳng định: triết học có hai tác dụng: “một là, phát triển năng lực tư duy lý luận của con người; hai là, làm phong phú và nâng cao cảnh giới tinh thần của con người”(13).

6. Triết học và lịch sử triết học

Phùng Hữu Lan định nghĩa vắn tắt: “triết học sử là lịch sử phát triển của triết học”(14).

Triết học sử đã là lịch sử phát triển của triết học, có nghĩa là không thể đồng nhất nó với triết học. Phùng Hữu Lan phân biệt lịch sử triết học khách quan (như nó vốn có) và lịch sử triết học viết. Lịch sử triết học viết là kết quả nghiên cứu của nhà nghiên cứu về lịch sử triết học khách quan, là sự tái hiện lịch sử triết học khách quan.

Các nhà triết học tiến hành phản tư về đời sống tinh thần của nhân loại, rồi lại dùng ngôn ngữ của tư duy lý luận biểu hiện sự phản tư của họ, hình thành nên hệ thống tư tưởng. Đó chính là hệ thống triết học của họ. Vậy, họ nghĩ thế nào, nói thế nào, viết thế nào, hệ thống của họ hình thành như thế nào, đây chính là những điều mà nhà nghiên cứu lịch sử triết học phải nghiên cứu đầu tiên.

Phương pháp mà nhà lịch sử triết học cần sử dụng tuyệt nhiên không thể là chỉ dựa vào ngôn từ của nhà triết học rồi đoán định anh ta luận bàn về cái gì, và cuối cùng là phê phán. Đây là cách làm “chụp mũ” phản khoa học.

Triết học sử dụng tư duy lý luận, vì thế việc phê bình triết học của một triết gia cũng cần dùng tư duy lý luận.

Chủ nghĩa Mác đã phát hiện ra phép biện chứng - quy luật chung nhất của sự phát triển tự nhiên, xã hội và tư duy con người. Quy luật này cũng chính là phương pháp nghiên cứu tự nhiên, xã hội và tư duy của con người.

Lịch sử triết học là lịch sử chuyên ngành. Nói tới lịch sử của một sự vật nào đó là nói tới sự phát triển của sự vật ấy. Phát triển có quy luật nhất định, không thể rối loạn; lịch sử có đường hướng nhất định, không thể tiền hậu bất nhất. Phát triển tất có những giai đoạn nhất định, có những vòng khâu nhất định. Sự phát triển của một sự vật thường không cô lập, nó tất nhiên phải chịu ảnh hưởng và chế ước của những sự vật xung quanh và quay trở lại ảnh hưởng và chế ước các sự vật xung quanh. Đây là những điều mà lịch sử viết về một sự vật cần phải làm rõ. Với lịch sử triết học cũng như thế. Triết học biểu hiện trong lịch sử thành các trường phái khác nhau. Những trường phái này biểu thị đường hướng phát triển của triết học. Những trường phái này cùng với chính trị, kinh tế đương thời có sự ảnh hưởng qua lại, chế ước qua lại. Theo Phùng Hữu Lan, “những ảnh hưởng qua lại, chế ước qua lại là nội dung vốn có của trong lịch sử phát triển khách quan của triết học. Lịch sử triết học viết đều phải viết ra điều đó, đặc biệt là phải nói rõ vai trò của những trường phái triết học khác nhau là thúc đẩy lịch sử tiến lên hay cản trở sự phát triển của lịch sử”(15).

*

*     *

Tóm lại, có thế thấy, Phùng Hữu Lan đã nêu ra một loạt các vấn đề rất căn bản, có quan hệ chặt chẽ với nhau về mặt lôgíc, đóng vai trò xuất phát trong nghiên cứu lịch sử triết học của ông. Việc phân biện những vấn đề này một cách tường minh có vai trò quan trọng trong việc định hướng tư duy về lịch sử triết học.

Một cách khái quát nhất, có thế thấy, Phùng Hữu Lan đã khẳng định rằng, nội dung của triết học là sự phản tư của tinh thần nhân loại. Phương pháp của nó là tư duy lý luận, vai trò của nó là rèn luyện, phát triển tư duy lý luận của con người, làm phong phú và phát triển cảnh giới tinh thần của con người. Tuy nhiên, các triết gia trong lịch sử triết học do chịu sự hạn chế về nhận thức, của giai cấp, của dân tộc, v.v., cho nên có các quan điểm khác nhau. Họ đã đề xuất những thế giới quan khác nhau, mang lại căn cứ lý luận cho những hành động khác nhau của nhân loại, từ đó tạo nên cục diện bách gia tranh minh, đấu tranh tư tưởng trong lịch sử triết học. Lịch sử triết học với tư cách là một lịch sử chuyên ngành có nhiệm vụ tái hiện bằng tư duy lý luận lịch sử triết học khách quan như nó vốn có, bao gồm cả những bước quanh co phức tạp trong quá trình vận động của triết học và cả quy luật nội tại bên trong quá trình ấy.

Đối với công cuộc đổi mới tư duy nhằm thực hiện thành công công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, việc đẩy mạnh nghiên cứu lịch sử triết học có một vai trò rất quan trọng. Trong tổng thể công việc cần thực hiện, việc nghiên cứu các quan điểm về triết học và lịch sử triết học trên thế giới cũng có một vị trí không nhỏ.

 

LẠI QUỐC KHÁNH

(Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phùng Hữu Lan, Trung Quốc triết học sử tân biên, tập 1, Nxb Nhân Dân, Bắc Kinh, 1998 (Tiếng Trung).

2. Phùng Hữu Lan, Đại cương triết học sử Trung Quốc, Nxb Thanh Niên, Tp. Hồ Chí Minh, 1999.

3. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 29, Nxb Tiến bộ, M, 1981.

4. Các Mác, Tư bản, tập thứ nhất, phần 1, Nxb Tiến bộ, M - Nxb Sự thật, H, 1988.

5. Trương Lập Văn, Hoà hợp học và ý thức Đông Á, Nxb Đại học Sư phạm Hoa Đông, 1999 (Tiếng Trung).

 

 

 



(1) Trương Lập Văn: Hoà hợp học và ý thức Đông Á. Nxb Đại học Sư phạm Hoa Đông, 1999 (Tiếng Trung), tr.70.

 

(2) Phùng Hữu Lan: Trung Quốc triết học sử tân biên, tập 1, Nxb Nhân Dân, Bắc Kinh, 1998 (Tiếng Trung), tr.1.

 

(3) Phùng Hữu Lan: Trung Quốc triết học sử tân biên, tập 1. Nxb Nhân Dân, Bắc Kinh, 1998 (Tiếng Trung), tr.3.

(4) Phùng Hữu Lan: Trung Quốc triết học sử tân biên, tập 1. Nxb Nhân Dân, Bắc Kinh, 1998 (Tiếng Trung), tr.5.

(4) Các Mác: Tư bản, tập thứ nhất, phần 1, Nxb Tiến bộ, M - Nxb Sự thật, H, 1988, tr.27,28.

(5) Phùng Hữu Lan: Trung Quốc triết học sử tân biên, tập 1, Nxb Nhân Dân, Bắc Kinh, 1998 (Tiếng Trung), tr.6-7.

(6) Phùng Hữu Lan: Trung Quốc triết học sử tân biên, tập 1, Nxb Nhân Dân, Bắc Kinh, 1998 (Tiếng Trung), tr.9.

(7) Phùng Hữu Lan: Trung Quốc triết học sử tân biên, tập 1, Nxb Nhân Dân, Bắc Kinh, 1998 (Tiếng Trung), tr.10.

(8) Phùng Hữu Lan: Trung Quốc triết học sử tân biên, tập 1, Nxb Nhân Dân, Bắc Kinh, 1998 (Tiếng Trung), tr.18.

(9) V.I. Lênin: Toàn tập, tập 29, Nxb Tiến bộ, M, 1981, tr.271.

(10) Sách dẫn trên, tr.271

(11) Phùng Hữu Lan: Trung Quốc triết học sử tân biên, tập 1, Nxb Nhân Dân, Bắc Kinh, 1998 (Tiếng Trung), tr.21.

 

(12) Phùng Hữu Lan: Trung Quốc triết học sử tân biên, tập 1, Nxb Nhân Dân, Bắc Kinh, 1998 (Tiếng Trung), tr.29.

 

(13) Phùng Hữu Lan: Trung Quốc triết học sử tân biên, tập 1, Nxb Nhân Dân, Bắc Kinh, 1998 (Tiếng Trung), tr.20.

(14) Phùng Hữu Lan: Trung Quốc triết học sử tân biên, tập 1, Nxb Nhân Dân, Bắc Kinh, 1998 (Tiếng Trung), tr.36.

 

(15) Phùng Hữu Lan: Trung Quốc triết học sử tân biên, tập 1, Nxb Nhân Dân, Bắc Kinh, 1998 (Tiếng Trung), tr.39.

 

0thảo luận