Sự sụp đổ nhanh chóng của các tổ chức tài chính uy tín là một điều tồi tệ trong lịch sử tài chính của Mĩ. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang ông Alan Greenspan cho rằng đây là một “tai biến” về tài chính mà “100 năm mới có một lần”. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do sự thất bại của thị trường nhà đất và việc cho vay thế chấp tràn lan. Liệu Hàn Quốc có bị ảnh hưởng gì từ cuộc khủng hoảng này? Những ảnh hưởng ngắn hạn có thể không trầm trọng, nhưng trong dài hạn, sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu do cuộc khủng hoảng này chắc chắn sẽ gây hại đến sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc.
1. Thất bại của các tổ chức tài chính lớn và những hành động giải cứu
Lehman Brothers, một tổ chức tài chính lâu đời và lớn mạnh ở Mỹ ra đời cách đây 154 năm, đã tồn tại qua cuộc Nội chiến, hai cuộc Chiến tranh Thế giới và cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng 1929 ở Mĩ nay chính thức đệ đơn phá sản vào ngày 15/9/2008. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Lehman Brothers mới chỉ là dấu hiệu đầu tiên của cơn sóng thần đổ ập vào các thị trường tài chính trên toàn thế giới.
Cũng trong tuần lễ đó, Merrill Lynch, một tập đoàn tài chính khác đang trong cơn “hấp hối”, đã được bán lại cho Ngân hàng Trung ương Mĩ. Cuối năm 2007, Ngân hàng Trung ương-ngân hàng đầu tư lớn thứ ba nước Mĩ này có giá trị 100 tỷ USD nhưng hiện tại giá trị của nó chỉ còn là 50 tỷ USD. Cục Dự trữ Liên bang đã dành cho AIG - tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới, một khoảng vay là 85 tỷ USD để đổi lại 80% quyền sở hữu tập đoàn này. Hiện nay, AIG là tập đoàn tài chính có giá trị lớn nhất thế giới 239 tỷ USD. Nhiều người cho rằng, sự hỗ trợ của Chính phủ Mĩ đối với AIG là lớn nhất từ trước tới nay. Tiếp theo là hỗ trợ cho Ngân hàng Tiết kiệm Washington Mutual, chính phủ tiếp quản ngân hàng này và sau đó được bán lại cho JP Morgan Chase & Co với mức giá chỉ còn 15% so với giá trị của nó năm 2007. Những điều trên xảy ra là hậu quả của việc cho vay và bảo lãnh bất động sản lên tới 5,2 nghìn tỷ USD trên khắp nước Mĩ của Fannie Mae và Freddie Mac. Việc cho vay liều lĩnh và những quyết định thiếu suy nghĩ của hai tập đoàn chiếm giữ gần nửa thị trường cho vay bất động sản (trị giá 12 nghìn tỷ đôla của Mĩ), đã dẫn đến sự sụp đổ của hai trụ cột tài chính này. Trước đó sáu tháng, chính phủ liên bang đã trợ giúp 30 tỷ USD để giúp JPMorgan Chase & CO. thâu tóm ngân hàng đầu thứ lớn thứ 5 Hoa Kỳ là Bear Sterns. Nhà Trắng và các những người đứng đầu Quốc hội Mĩ đã ủng hộ việc này bằng cách đề nghị gói trợ giúp trị giá 700 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là Chính phủ sẽ mua lại những tài sản liên quan đến những khoản nợ xấu và sẽ bán lại chúng khi nào thị trường ổn định trở lại, tạo tính thanh khoản cho các khoản tín dụng đang cực kỳ khan hiếm trên thị trường và các ngân hàng có thể tiếp tục nghiệp vụ cho vay của mình.
2. Vậy đâu là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này?
Khủng hoảng tài chính Mỹ bắt nguồn từ việc các ngân hàng nước này quá “dễ dãi” khi cho khách hàng vay tiền để mua bất động sản qua các hợp đồng cho vay không đạt tiêu chuẩn. Các tổ chức cho vay còn “sáng chế” ra những hợp đồng bắt đầu với lãi suất rất thấp trong những năm đầu và sau đó điều chỉnh lại theo lãi suất thị trường. Hậu quả là, một số lớn hợp đồng cho vay không đòi được nợ. Nguy hại hơn nữa là các tổ chức tài chính phố Wall đã gom góp các hợp đồng cho vay bất động sản này lại làm tài sản bảo đảm, để phát hành trái phiếu ra thị trường tài chính quốc tế.
Các loại trái phiếu này được mệnh danh là “Mortgage backed securities – MBS”, một sản phẩm tài chính phái sinh được bảo đảm bằng những hợp đồng cho vay bất động sản có thế chấp. Các Tổ chức Giám định Hệ số tín nhiệm (Credit rating agencies) đánh giá cao loại sản phẩm phái sinh này. Và nó được các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí trên toàn thế giới mua mà không biết rằng các hợp đồng cho vay bất động sản dùng để bảo đảm là không đủ tiêu chuẩn. Trong vài năm trở lại đây thị trường bất động sản liên tiếp hạ nhiệt, người đi vay đã không có khả năng trả được nợ lại cũng rất khó bán bất động sản để trả nợ, và kể cả bán được thì giá trị của bất động sản cũng đã giảm thấp tới mức không đủ để thanh toán các khoản còn vay nợ.
Hậu quả là một số lớn hợp đồng cho vay bất động sản dùng để bảo đảm cho các trái phiếu MBS là nợ khó đòi, các trái phiếu MBS mất giá trên thị trường thứ cấp, thậm chí không còn mua bán được trên thị trường, khiến cho các ngân hàng, các nhà đầu tư nắm giữ những trái phiếu này không những bị lỗ nặng và mất cả khả năng thanh toán.
3. Tác động của khủng hoảng tài chính Mĩ tới Hàn Quốc
Các tổ chức tài chính của Hàn Quốc đã có những bài học đáng giá từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á năm 1997 xảy ra chủ yếu do sự quản lý tài chính yếu kém và nhiều rủi ro. Cuộc khủng hoảng tài chính 1997 có nhiều điểm giống với cuộc khủng hoảng tài chính Mĩ, đều bắt nguồn từ việc cho vay thế chấp thứ cấp, các ngân hàng Hàn Quốc đã liều lĩnh cho các công ty lớn vay tiền để rót vào những dự án đáng ngờ và bất động sản và đầu tư vào những kế hoạch có lợi nhuận dự tính cao nhưng đầy rủi ro. Hậu quả là, Hàn Quốc đã phải đóng cửa 14 ngân hàng thương mại và một số ngân hàng khác đã bị bán lại hoặc sáp nhập.
Tuy đã có những kinh nghiệm như vậy, Hàn Quốc vẫn bị ảnh hưởng dù ít hay nhiều bởi cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Những người đứng đầu Bộ Tài chính cũng như các nhà quản lý tài chính Hàn Quốc đã theo dõi sát sao tình hình và đang tính toán xem các công ty tài chính của quốc gia này đã đầu tư bao nhiều vào các tổ chức tài chính đã sụp đổ của Mĩ. Theo Uỷ ban Thanh tra Tài chính, các tổ chức tài chính Hàn Quốc đã đầu tư tổng cộng 2,72 tỷ USD vào Merrill Lynch, tập đoàn tài chính đã được Ngân hàng Trung ương Mĩ mua lại. Tập đoàn đầu tư Hàn Quốc (KIC) đã mua 2 triệu USD cổ phiếu ưu đãi của Merrill Lynch hồi tháng 1 năm nay, nhưng một phần trong số đó đã được đổi thành tiền mặt trị giá 88,5 triệu USD vào cuối tháng 7, và số cổ phiếu ưu đãi còn lại đã được quy đổi thành cổ phiếu thường, giá trị mỗi cổ phiếu là 25,5 USD. KIC là cổ đông lớn thứ ba của Merrill Lynch, theo sau tập đoàn đầu tư quốc gia Temasek của Singapore và tập đoàn đầu tư Kuwait. Ngân hàng Hana cũng đóng góp 50 triệu USD vào vốn của Merrilll Lynch, mỗi cổ phiếu trị giá 24USD. Hai trường hợp trên vẫn còn may mắn vì giá trị cổ phiếu này vẫn nhỏ hơn giá đề nghị của Ngân hàng Trung ương Mĩ với mỗi cổ phiếu của Merrill Lynch là 29 USD.
Tuy nhiên, các tổ chức tài chính khác của Hàn Quốc vẫn còn nhiều lo ngại, vì họ đã đầu tư tổng cộng 720 triệu USD vào Lehman Brothers. Theo Uỷ ban Thanh tra tài chính Hàn Quốc thì các công ty môi giới tài chính Hàn Quốc đã đầu tư 390 triệu USD vào Lehman Brother, còn các công ty bảo hiểm và các ngân hàng Hàn Quốc khác đã cho vay đối với các khoản vay thế chấp lần lượt là 210 triệu USD và 120 USD. Dù mỗi tổ chức tài chính và các công ty của Hàn Quốc có cách riêng để xử lý hậu quả của những khoản cho vay đầy rủi ro của mình song có điều chắc chắn rằng, các tổ chức và công ty này vẫn sẽ mất mát đáng kể.
Hệ thống trợ cấp quốc gia của Hàn Quốc cũng bị tổn hại nặng nề. Tổ chức này đã đầu tư 17% của tổng giá trị 228 triệu won vào các thị trường chứng khoán trong và ngoài nước, và 80% vào các trái phiếu trong và ngoài nước. Tổ chức này phải chịu mất đi 66% trên tổng giá trị là 72,2 triệu USD đầu tư vào Lehman Brothers, Merrill Lynch và AIG, bởi họ đã mua 42 triệu USD trái phiếu và cổ phiếu của AIG nhưng giờ đây 84% giá trị của AIG đã ở trong tay Cục dự trữ liên băng Mĩ.
4. Tác động dài hạn tới nền kinh tế Hàn Quốc
Mặc dù những tác động trực tiếp của khủng hoảng tài chính Mĩ đến Hàn Quốc có vẻ như rất ít nhưng nền kinh tế Hàn Quốc và thị trường tài chính nước này sẽ gánh chịu ảnh hưởng rõ ràng trong vài tháng sắp tới. Nền kinh tế Hàn Quốc đang đình trệ. Quĩ Tiền tệ Quốc tế đã thay đổi dự báo về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc từ 4,2% xuống còn 4,1 %. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD) cũng dự báo tỷ lệ tăng trưởng của nước này năm 2008 là 4,3%, chứ không phải là 5,2% như họ đã dự đoán hồi tháng 6 năm 2008. Mặc dù rất khó để dự đoán tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2009 của Hàn Quốc bởi còn có rất nhiều yếu tố tác động cần xem xét , nhưng hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc khó có thể bật dậy trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái.
Xuất khẩu của Hàn Quốc cũng sẽ giảm sút nghiêm trọng do tác động của khủng hoảng tài chính Mĩ. Lượng sản phẩm thô xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mĩ và các thị trường lớn khác có dấu hiệu tăng. Nhưng những ảnh hưởng của khủng hoảng sẽ khiến nền kinh tế của các quốc gia này ít nhiều suy giảm, từ đó cũng sẽ khiến họ giảm bớt nhập khẩu. Thêm vào đó, nếu nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn tiếp tục lún sâu thì giá chứng khoán nói chung sẽ giảm, các doanh nghiệp và các gia đình sẽ rất khó vay tiền từ các ngân hàng, từ đó hoạt động sản xuất nói chung và tiêu dùng tư nhân sẽ giảm sút nhanh chóng.
Khủng hoảng tài chính Mĩ còn gây tổn hại đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc. Hiện giờ, các ngân hàng địa phương đã mạnh tay trong việc quản lý tín dụng rủi ro và khiến các công ty, doanh nghiệp không thể dễ dàng vay vốn. Điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng xấu đến lĩnh vực sản xuất và đầu tư của cả nền kinh tế. Bên cạnh đó, các ngân hàng địa phương cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn khi muốn vay tiền từ các tổ chức tài chính nước ngoài do tình hình tồi tệ của tất cả các thị trường tài chính trên toàn thế giới, từ đó sẽ dẫn đến việc thiếu hụt tiền mặt cho các doanh nghiệp và các ngân hàng địa phương. Chưa hết, sẽ có tình trạng bán tống bán tháo cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc vì các nhà đầu tư nước ngoài muốn nhanh chóng rút tiền của họ. Chính phủ Hàn Quốc đã cảnh báo các nhà đầu tư trong nước đừng phản ứng quá mạnh trong lúc này, vì việc bán tháo các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ gây ra sự mất ổn định nghiêm trọng trên thị trường này.
ThS. NGÔ MINH THANH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. http://yonhapnews.org
2. ttp://korea.net
3. http://saigonnews.vn
4. http://hanquocngaynay.com
5. http://koreaherald.co.kr
6. Các tài liệu liên quan tới chủ đề nghiên cứu lưu tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á