Trang chủ

TÌM HIỂU DẤU TÍCH TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC (SAENG SIK KI SIN ANG) Ở NGƯỜI HÀN

Đăng ngày: 18-03-2013, 10:47 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 1

1. Tín ngưỡng phồn thực (belief in fertility)([1]) - tục cầu sinh sôi, nảy nở, con đàn cháu đống, hòa cốc phong đăng,…. là một trong những hình thái tín ngưỡng sơ khai của các cộng đồng cư dân nông nghiệp thời tiền sử, từng tồn tại phổ biến ở các khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Biểu hiện dễ nhận thấy của hình thức tín ngưỡng này là tục “săn đầu – tế máu”([2]) (cùng các “biến thể” của chúng – “lễ đâm trâu”/chọi trâu) và các hình thức tôn thờ hành vi giao phối cũng như thờ sinh thực khí của nam và nữ (âm vật – dương vật /linga- yôni). Về sau, do ảnh hưởng của luân lý Khổng giáo, các hình thức tín ngưỡng phồn thực bị xem là “dâm bôn, bậy bạ([3]), chúng bị mai một dần và cho tới nay – về cơ bản, chỉ còn lại những dấu tích mờ nhạt, thậm chí – trong nhiều trường hợp, không phải bao giờ cũng dễ dàng nhận ra chúng([4]).

2. Ở Việt Nam, các cư dân thời văn hóa Đông Sơn vẫn còn có những biểu hiện khá rõ nét các hình thái tín ngưỡng phồn thực. Dấu tích là các cặp tượng nam nữ giao phối hồn nhiên trên nắp thạp đồng Đào Thịnh và gián tiếp là hình ảnh âm vật – dương vật qua mô típ ngôi sao nhiều cánh (mỗi cánh sao là linga) và hình xen kẽ giữa các cánh sao (yôni) được thể hiện ở trung tâm của mặt các trống đồng Đông Sơn kiểu A 1 (Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa)([5]). Ở người Chăm, hình ảnh linga-yôni vẫn đang hiện hữu trong các tháp Chăm dọc duyên hải miền Trung đất nước và cho tới đầu thế kỷ XX, các cư dân Cờ Tu vẫn còn được biết tới với danh hiệu les chasseurs de sang (“những kẻ săn máu”)([6]). Tín ngưỡng phồn thực và khát vọng tái sinh còn thể hiện sống động qua các mô típ nam nữ “khoe” sinh thực khí/giao hoan, đà bà bụng chửa,… trong “rừng tượng mồ” ở các tộc Ba na, Gia rai ở Tây Nguyên([7]). Tới giữa thế kỷ XV, khi vua Lê Nhân Tông về thăm quê ở Lam Kinh – Thanh Hóa, dân làng vẫn còn nghênh đón xa giá nhà vua bằng điệu múa “lý len” (rí ren) với nhiều động tác mô phỏng những chuyện chỉ diễn ra ở chốn buồng the([8]). Trải qua nhiều thế kỷ tiếp thu Nho giáo, song cho tới trước cách mạng tháng Tám 1945, một số làng Việt ở Bắc Bộ vẫn còn các tục lệ liên quan tới tín ngưỡng phồn thực như tục “tắt đèn” trong đêm rã hội làng La, tục “trai gái ôm nhau bắt chạch trong chum” ở làng Dưng, tục rước và cướp nõ nường ở làng Dị Nậu, thậm chí không ít làng Việt còn thờ Thành Hoàng là một vị  dâm thần([9])… Tín ngưỡng phồn thực ở người Việt còn thấp thoáng qua tục “giã cối đón dâu” hay sự hiện diện của cây chuối – trái chuối trong tang lễ và cúng tế([10]). Thế mới biết sức sống lâu bền của các hình thái tín ngưỡng dân gian - nói chung và tín ngưỡng phồn thực - nói riêng.

3. Không rõ lý do gì, trong các công trình giới thiệu về văn hóa Hàn Quốc bằng Việt ngữ của các nhà khoa học trong và ngoài nước trong hơn một thập kỷ qua - không một tác giả nào đề cập tới tín ngưỡng phồn thực ở người Hàn([11]). Theo dõi trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á từ số đầu tới nay vẫn chưa có một bài viết nào đề cập tới hiện tượng văn hóa độc đáo này ở Hàn tộc; dẫu rằng – cho tới nay, trong một chừng mực nào đó, tục thờ các “khí cụ sản xuất ra con người” ở người Hàn còn tỏ ra “lộ liễu” hơn nhiều so với tín ngưỡng cùng loại ở Việt tộc. Phải chăng vì quá quan tâm tới saman giáo – hình thái nổi trội trong văn hóa dân gian Hàn mà giới nghiên cứu đã sao nhãng tới một hiện tượng văn hóa không kém phần đặc sắc ở người Hàn? Không thể phủ nhận mối quan hệ giữa tín ngưỡng phương thuật/vu thuật/ma thuật (shamanisme) với tín tín ngưỡng phồn thực, song chúng vẫn là 2 phạm trù không thể đồng nhất. Cũng xin được nói thêm, trong cuốn Sex trong các nền văn hóa Thế giới của nhà nghiên cứu người Nga Zbighev Leb Stanôviv có đề cập tới văn hóa tình dục của nhiều dân tộc trên Thế giới, trong đó có cả người Hán, người Ấn Độ, người Nhật Bản,…, nhưng không hề đề cập tới hiện tượng này ở người Hàn ([12]).

4. Về phần mình, trong quá trình tìm hiểu văn hóa truyền thống ở người Hàn, rất may chúng tôi đã bắt gặp cuốn Văn hóa Hàn Quốc – những điều bí ẩn của Tiến sỹ Joo Kang Hyun – Viện trưởng Viện Dân tộc học Hàn Quốc([13]). Chúng tôi thực sự sững sờ vì  một khối lượng tư liệu phong phú về tín ngưỡng phồn thực (saeng sik ki sin ang) ở người Hàn, trong đó nổi lên là những tư liệu liên quan đến những phương thuật cầu mưa, cầu ngư, cầu sinh sôi nảy nở qua việc tôn thờ hành vi giao phối và các khí cụ “sinh thực”  của cả nam lẫn nữ.

4.1. nh xạ từ những di chỉ khảo cổ học đến những ghi chép trong sử sách

Tại di chỉ An-aop-ji liên quan tới tiểu vương quốc Tân La, các nhà khảo cổ học Hàn Quốc đã khai quật được rất nhiều sinh thực khí nam bằng gỗ. Người ta sử dụng những “của quý” này vào việc gì. TS. Joo Kang Hyun cho rằng, phải chăng đó là “công cụ” của các cung nữ thời đó giải quyết nhu cầu tình dục? Chúng tôi không đồng tình với cách lý giải này. Nếu quả chúng có tính “thực tiễn” lớn như vậy,  chúng không còn linh thiêng nữa, tức không liên quan gì tới tín ngưỡng phồn thực. Vả lại, dù sao “cái việc đó” cũng không tế nhị lắm và không dễ gì có thể “sản xuất’ hàng loạt “của quý” đó giữa chốn triều trung mà lại không bị dị nghị. Do vậy, những linga nói trên chỉ có thể liên quan tới tín ngưỡng thờ sinh thực khí .

Cũng tại một khu mộ cổ thời Tân La, người ta còn tìm thấy những chiếc bát (chôn theo người chết) có vẽ những hình ảnh miêu tả rất sống động, thậm chi có phần thái quá về sinh thực khí nam. Đó là hình ảnh người đàn ông đang chèo thuyền để lộ “cái ấy” to như tay chèo và cạnh đó là một nam nhân khác đang ôm “của quý” cứ như ôm quả đạn đại bác….  Cùng với những chiếc bát như vậy, giới khảo cổ học xứ Hàn cũng phát hiện khá nhiều pho tượng đất nung thể hiện phụ nữ với  bộ ngực nở nang, bụng thót, hông nở và bộ phận sinh dục được thể hiện có phần thái quá và những pho tượng đàn ông với những chiếc linga có kích cỡ trội vượt so với tầm vóc cơ thể, hừng hực khí thế. Khát vọng sinh sôi nảy nở, con đàn cháu đống còn “cháy bỏng” qua những bức tượng đất nung thể hiện nam nữ trong các tư thế giao hoan khác nhau, quá đỗi hồn nhiên. Ngoài ra, tại Bảo tàng Dân tộc học Hàn Quốc còn lưu giữ một đồng tiền hẳn là “độc nhất vô nhị” trong lịch sử tiền tệ nhân loại: 4 phía của đồng tiền có 4  hình khắc miêu tả 4 tư thế giao hợp của nam nữ vô cùng sống động.

Cùng với các di vật khảo cổ học, cuốn Tam quốc lưu sử có đề cập tới chi tiết 500 quân Bách Tế dựng lều tại thung lũng “âm vật” và nhà vua Chi –cheol-lo thứ 22 của Tân La có bộ phận sinh dục ngoại cỡ - dài tới 1 chớc 5 chôn (tương dương với  47,3 cm) nên rất khó tìm được bạn đời. Nhà vua rất đau khổ và quần thần phải đôn đáo khắp nơi để tìm ý trung nhân cho hoàng thượng. Một hôm quân lính đi tìm tới một khu rừng, họ phát hiện ra hai con chó đang giành nhau một cục phân to bằng cái trống (!) Hỏi ra mới biết, người có khả năng “sản xuất” ra cục phân “vĩ đại” đó là con gái của một vị quan trong vùng. Ngay lập tức họ tìm tới cô gái và nhận ra cô ta cao tới 7 chớc 5 chôn (tương đương với   2,28m) và được nhà vua chọn làm vợ. Không mấy khó khăn để nhận ra các loại chuyện phóng đại kiểu này cũng thể hiện khát vọng về những người có những bộ phận sinh dục vĩ đại để có thể sinh sản con đàn cháu đống, tầm vóc cao lớn, phi thường. Ở người Việt chúng ta cũng bắt gặp mô-típ  tương tự qua chuyện Nữ Oa – Tứ Tượng([14]).

4.2. Dấu tích của tín ngưỡng phồn thực ở Hàn quốc hiện nay

4.2. a. Tín ngưỡng phồn thực trong nghi lễ cầu mưa

TS. Joo Kang Huyn - cho chúng ta những thông tin rất độc đáo về một phương thức ma thuật (shamanisme, mà ông gọi là “chú thuật”) cầu mưa của những cư dân tên đảo Jin ngay trước ngày giải phóng Triều Tiên khỏi ách chiếm đóng của Nhật Bản (1945): Gặp những năm thời tiết hạn hán kéo dài, lại thêm dịch bệnh, một số người đã ngã xuống, các hình thức cầu đảo đã thực hiện mà vẫn không có hiệu quả, lúc đó đàn ông phải trốn tiệt trong nhà, để phụ nữ   sẽ “ra tay” theo cách của họ – tiến hành ma thuật to-khe-bi goot. Họ nổi trống chiêng, gõ muỗng, bát, xong chảo, la hét ầm ĩ lên… Giữa âm thanh hỗn tạp đó, những người phụ nữ cởi những chiếc băng kinh nguyệt dính máu quay tít mù lên trời. Rồi cứ thế, họ vừa đi, vừa quay, vừa la hét ầm ĩ với niềm tin việc làm đó sẽ buộc trời phải đổ mưa. Họ tin rằng kinh nguyệt càng đỏ (theo họ là của những cô dâu mới và những người đàn bà góa) sẽ càng linh nghiệm (!).

Không nghi ngờ gì nữa, đúng như TS. Joo Kang Hyun đã nhận định – đây là một hình thức “ma thuật giao cảm” (magie sympathique) thường gặp ở các cư dân nông nghiệp thời tiền sử. Về bản chất, nó cũng gần với tục săn đầu – tế máu hay tục đâm trâu ở những cư dân Đông Nam Á trước đây. Sở dĩ người ta phải đánh trống, nổi chiêng, gõ nồi, niêu, xong, chảo… là mô phỏng tiếng sấm, tiếng sét; còn hành vi quay những băng kinh nguyệt tít mù để máu bắn tung tóe là mô phỏng hiện tượng mưa rơi. Và máu – nhất là kinh nguyệt của phụ nữ – hàm chứa sức mạnh sinh sản (women power) - càng kích thích sự sinh sôi nảy nở.

Ngoài hình thức quá lộ liễu trên đây, Joo Kang Hyun còn giới thiểu một phương thuật cầu mưa khác ít nhiều “kín đáo” hơn – ăn trộm  cối dã.

Tương tự những cư dân trên đảo Jin, gặp những lúc thời tiết khô hạn, những người phụ nữ (và chỉ có phụ nữ) ở tỉnh Chung Cheong phải “trổ tài”. Họ tụ tập thành từng tốp sang các làng bên “ăn trộm” cối dã. Họ khiêng những chiếc cối  vừa “ăn trộm” được về những chỗ ngã ba, ngãy bảy – những nơi có đông người qua lại của làng mình, chôn nguợc nó lên. Sau đó, họ tháo băng kinh nguyệt ra và vắt  lên mõm cối, rẽ băng chéo ra hai phía và tin rằng, trời tất phải tuôn mưa.

Điều khá thú vị là việc “ăn trộm” và khiêng về làng mình những chiếc cối giã vừa to vừa nặng mà “không bị lộ”. Đương nhiên, việc làm đó không dấu nổi ai. Dân chúng làng bị “mất trộm” biết hết, song họ hiểu rõ “động cơ” của những người “ăn trộm”. Họ không hề ngăn cản, thậm chí  tỏ ra rất cảm thông và “lờ đi” để chia sẻ với  hoạn nạn mà láng giềng của họ đang phải gánh chịu.

“Cái lý” của hình thức ma thuật nói trên được Joo Kang Hyun giải thích cũng bằng ma thuật giao cảm. Theo ông,  chày – cối là tượng trưng cho quan hệ tình dục (theo chúng tôi là các bộ phận sinh thực khí của nam và nữ – lingayôni),  thậm chí – ông cho rằng, khi nàng Xuân Hương (một nhân vật trong câu chuyện cùng tên, tương tự nàng Kiều trong truyện Kiều ở người Việt) bị cậu ấm con quan đè ra và y đã hát – Em là cái lỗ, anh là cái chày. Đôi ta cứ giã suốt ngàn năm, vạn năm. Ngoài ra, trong khẩu ngữ người Hàn, câu “giã cối da” cũng là ám chỉ quan hệ tình dục.

4.2. b.  Tín ngưỡng phồn thực trong nghi lễ cầu ngư

Trong tác phẩm của Joo Kang Hyun hình ảnh của sinh thực khí quá phong phú và sống động, nhất là ở các làng Shin Nam và Po Goo thuộc xã Won Deok – thành phố Sam Cheok. Ở các làng này có He rang dang (miếu thờ Thành Hoàng ?), trong đó có vẽ một cô gái xinh đẹp và gọi cô là Seo Nang. Mỗi năm dân làng 2 lần cúng tế Seo nang bằng những chiếc sinh thực khí nam. Ngoài ra, họ còn đẽo những chuỗi sinh thực khí nam, kết với nhau và đem thả xuống biển. Kèm theo tục lệ này là cả một huyền thoại sinh động về nguồn gốc của nó: Ngày xửa, ngày xưa, dân chúng các làng này vẫn chèo thuyền ra đảo Bạch bắt nghêu. Bỗng nhiên có một cơn gió lớn nổi lên. 4 cô gái đồng trinh không vững tay chèo, thuyền bị lật và họ bị chết chìm. Sau đó, cứ mỗi lần các trai  làng đi biển đều bị gặp bão và chết hết (!)  Người ta không không hiểu nguyên do, sau rốt họ đã khám ra “bí mật” – đó là do 4 cô gái đồng trinh “nổi sóng”. Thế là họ đưa  ra “bí quyết”  thờ các cô gái đó và dâng sinh thực khí để “an ủi” họ. Từ đó, họ thường đẽo những chiếc dương vật bằng gỗ trầm to bằng nắm tay, sơn màu đất đỏ cho gần giống vật thật, rồi thả xuống biển – và thế là ngay lập tức “trời yên – biển lặng”(!). Từ đó, theo họ -  dân làng đi biển không gặp tai nạn nữa và đánh bắt  được nhiều cá ([15]).

Lý do được giải thích cho tục lệ nói trên rất giản dị, hồn nhiên: Ma gái chưa chồng được gọi là son-kak-si là đáng sợ nhất. Do 4 cô gái trẻ chết ở tuổi đầy sinh lực, sinh khí sung mãn, nhu cầu sinh lý rất cuồng nhiêt. Khi được gửi những “của quý” ấy tới, các cô được thỏa mãn, không còn lồng lộn, quậy phá nữa.

Ngoài chi tiết trên, theo tác giả cuốn sách, nhiều nơi trong thành Seoul còn có các “phủ quân đường” – nguyên là “phó căn đường” với 4 bức tường treo lủng lẳng những sinh thực khí nam. Kỳ lạ hơn, có nhiều nơi người ta còn lồng ghép tín ngưỡng thờ dương vật với thờ Phật Di Lặc dưới dạng là một tảng đá dựng giữa làng trông rất giống “cái đó” của đàn ông, thậm chí nếu tình cờ bắt gặp một tảng đá hao hao “cái đó”, người ta cũng gọi đó là tượng Phật Di Lặc. Nguyên nhân của hiện tượng “dương vật hóa Phật Di Lặc” được giải thích là do cuối thời kỳ Cho Son, do tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo, phụ nữ thường lên chùa cầu Phật Di lặc phù hộ sinh hạ con trai. Lâu dần để “linh nghiệm” hơn, họ thay tượng Di Lặc bằng tảng đá Di Lặc. Với thời gian, tảng đá Di Lặc cứ  ngày càng giống cái “của quý”  của nam giới.

4.2. c. Các hình thức thờ phụng liên quan tới cầu sinh sôi nảy nở.

Bên cạnh thờ sinh thực khí nam, sinh thực khí nữ cũng được người Hàn ở một số địa phương sùng bái. Đó là chuyện xảy ra tại thôn Mu-do thành phố Je-ceon, tỉnh Chung cheong.

Ở ven đường vào làng có một tảng đá tự nhiên hình tròn khoảng 5 thước, ở giữa lõm vào, trong đó lồi ra một tảng đá y như hình sinh thực khí nữ (nó giống đến nỗi cứ cho là nhân tạo cũng khó làm giống đến như vậy). Dân làng nói rằng, nếu đứng trên tảng đá ở thửa ruộng đối diện ném hòn đá vào trúng chỗ đó sẽ sinh con trai([16]). Họ còn nói rằng, nếu dùng gậy chọc vào lỗ đó, con gái trong làng sẽ cuồng lên và quan hệ với đàn ông có vợ. Và để tránh những việc không hay xẩy ra, hàng năm họ phải có lễ vật cúng cho hòn đá này.

Theo Joo Kang Hyun, không hiếm nơi ở Hàn Quốc, trong một làng người ta thờ cả hai thứ đó. Chẳng hạn ở am Won-beak, thành phố Jung-ub, tỉnh Jeol-la – nơi vẫn còn 12 điểm thờ thần thổ địa dưới dạng sinh thực khí nam và nữ. Họ gọi đó là tảng đá lường và xem đó như vị thần bảo vệ làng. Cũng tại ngọn  núi phía sau làng này, còn có một vách đá, ở giữa có một khe nước chảy róc rách, nom rất giống như sinh thực khí nữ. Dân chúng gọi đó là “tảng đá tè hè”. Người ta cho rằng, nếu làng đối diện trông thấy khe đá này, con gái trong làng sẽ chửa hoang. Để ngăn ngừa điều đó, họ phải dựng một sinh thực khí nam ở cổng làng để chặn đứng “dâm phong”.  Ngày nay, nhiều nơi ở Hàn Quốc, ngay cả ở thủ đô Seoul, không mấy khó khăn để gặp những “pho tượng” kiểu này. Có nơi người ta gọi nó bằng những tên gọi hoa mỹ (sinh thực khí nam/nữ, tảng đá trinh nữ, ngọc môn,…), nhưng cũng nhiều nơi người ta gọi thẳng chúng bằng những tên dân giã .

Ngoài ra, trong văn hóa Hàn Quốc vẫn còn nhiều tục lệ liên quan tới tín ngưỡng phồn thực như tục kéo co hay “gả chồng cho cây”

Tục kéo co trước đây rất phổ biến ở những cư dân trồng lúa ở miền Trung bán đảo Hàn. Trên một bãi rộng, người ta chia thành 2 phe (phe bên Đông và phe bên Đoài). Sợi dây để kéo gồm 2 loại – dây đơn và dây đôi (còn gọi là  “dây đực” và” dây cái”). Giữa 2 sợi dây đực – cái, người ta còn dùng một trâm đẽo bằng gỗ đâm xuyên qua (không mấy khó khăn để có thể hình dung ra người ta đang muốn diễn tả “chuyện ấy”). Trong 2 đội chơi, một đội chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Và người ta tin rằng, chỉ có năm nào đội nữ  thắng cuộc, năm đó mới được mùa. Do vậy, bao giờ người ta cũng “đạo diễn” cho phía đội nữ thắng cuộc, bởi phụ nữ  tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở.

Tục gả chồng cho cây thường áp dụng cho cây cối trồng đã nhiều năm không ra qủa. Người Hàn sử dụng phương thuật “gả chồng cho cây” bằng cách vào tháng Giêng họ đặt vào chạng cây hình chữ Y một hòn đá. Việc làm này rõ ràng có sự liên tưởng tới hình thức giao hợp nam nữ và về sau được xem như một “nông pháp” -  những cành càng sa xuống đất, khả năng ra quả nhiều hơn.

Nếu có dịp về các vùng nông thôn Hàn Quốc hôm nay sẽ gặp nhiều miếu thờ thành hoàng (thành hoàng từ) mà nhiều nơi gọi là seo nang đường và không ít những seo nang đường được xem là dâm từ (!) Đây cũng là điều thường gặp trong các loại hình kiến trúc công cộng truyền thống ở nhiều cư dân bản địa Đông Nam Á ([17]).

5. Do các nguồn tư liệu còn chưa nhiều và trong khuôn khổ một bài viết nhỏ, chúng tôi chỉ mới bước đầu phác ra một vài nét sơ khởi trong bức tranh về tín ngưỡng phồn thực ở Hàn tộc, chắc chắn là còn rất sơ lược; nhưng thiết nghĩ cũng đã có thể nhận ra những đặc điểm dễ nhận thấy của tín ngưỡng phồn thực ở tộc người này, dẫu rằng hôm nay người Hàn ở Hàn Quốc và trên cả bán đảo Triều Tiên nói chung – theo quan sát và tiếp xúc của chúng tôi, rất nghiêm túc.

Trước hết, khác với nhiều cộng đồng dân cư ở Đông Nam Á, tín ngưỡng phồn thực ở người Hàn hầu như không sử dụng tới các hình thức săn đầu – tế máu, nếu có chăng cũng chỉ là gián tiếp. Đây cũng chính là nét tương đồng giữa văn hóa truyền thống Hàn với văn hóa truyền thống Việt (bởi tục săn đầu tế máu ở các cư dân Việt cổ cũng chỉ có thể nhận thấy gián tiếp thông qua hình khắc các chiến binh đội mũ hóa trang lông chim trên các hiện vật văn hóa Đông Sơn và qua tục chọi trâu vẫn duy trì cho tới hôm nay ở Đồ Sơn).

Đặc biệt, trong các hình thức liên quan tới thờ sinh thực khí, cách biểu hiện ở Hàn tộc rất lộ liễu với những mô tả và thể hiện quá sống động, cứ như là “bê nguyên xi hiện thực” (ngay cả giới khoa học cũng ngần ngại khi phải đề cập tới những vấn đề quá tế nhị như vậy); song, chính điều đó đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa truyền thống Hàn trước văn hóa Hán, trong một chừng mực nào đó cũng có thể xem tín ngưỡng phồn thực như một phản ứng tự vệ của Hàn tộc phản kháng những đợt sóng đồng hóa của các luồng văn hóa ngoại sinh, là bản thông điệp về khát vọng trường tồn của cộng đồng cư dân trên bán đảo Triều Tiên. Phải chăng đó cũng là lý do mà TS. Joo Kang Hyun đã gọi một số phương thuật liên quan đến tín ngưỡng phồn thực là “nghi lễ phản loạn” (đối với Nho giáo Trung Hoa).

 

CAO THẾ TRÌNH

(PGS, TS, Đại học Đà Lạt)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Andrew C.Nahm (2005), Lịch sử và văn hóa bán đảo Triều Tiên, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

2. Toan Aựnh (1992), Nếp cũ: Hội hè, đình đám, Quyển Hạ, Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, (tái bản) .

3. Phan Kế Bính (1995), Việt Nam phong tục, Nxb TP. Hồ Chí Minh (tái bản).

4. Nguyễn Long Châu (2000), Tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc, Nxb Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh.

6. Ngô Văn Doanh (1993), Nhà mồ và tượng mồ  Gia rai, Bơhna, Sở Văn hóa – Thông tin – Thể thao tỉnh Gia Lai và Viện Đông Nam á xuất bản.

7. Đại Việt sử ký toàn thư (2003), Tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

8.  Hàn Quốc - Lịch sử và Văn hóa , Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

9. Joo Kang Hyun (2006). Văn hóa Hàn quốc – những điều bí ẩn, Nxb Hankire, Seoul (chữ Hàn). Bản dịch sơ thảo của Th.S. Thân Thị Thúy Hiền – giảng viên tiếng Hàn – Khoa Đông phương – Trường Đại học Đà Lạt.

10. Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh (in lần thứ 3).

11. Lê  Quang Thiêm (2005), Khái niệm văn hóa, văn minh & Văn hóa truyền thống Hàn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

12. Vũ Quang Thiên, Ngô Văn Doanh (1994),  Những phong tục độc đáo của  Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

13. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), Ka tu – Kẻ đầu sóng, ngọn nước, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2004,

14. Cao Thế Trình, Cây chuối với tín ngưỡng phồn thực trong tiềm thức của một số cư dân ở Đông Nam Á. Tạp chí Dân tộc học số 3 (141), 2006, tr. 9-12.

15. Cao Thế Trình, Dấu vết của một hình thái quần hôn trong các loại hình nhà  công cộng truyền thống ở Đông Nam Á. Tạp chí Dân tộc học số 2- 1999, tr. 70 - 79.

16. Zbighev Leb Stanôviv (1991), Sex trong các nền văn hóa Thế giới, Nxb Tư tưởng, Matxcơva (Tiếng Nga).

 

 



([1]) Các từ  phồn nghĩa là “nhiều”, thực – “nảy nở”.  Xem: Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr. 234 – 242.

([2]) Săn đầu – tế máu (The Blood Hunt) là một tục lệ phổ biến ở các cư dân Đông Nam Á lục địa thời tiền sử, có thể tóm lược như sau: Những chiến binh săn đầu ngủ tại nhà rông, vũ trang bằng giáo mác,  đầu đội mũ hóa trang lông chim, đang đêm bất thình lình tấn công vào một làng khác. Họ bắt  tù binh giải về thửa ruộng đầu làng mình, “chọc tiết” và chặt thủ cấp. Họ tin rằng, máu của những tù binh đó phun xuống thửa ruộng sẽ làm cho mùa màng tươi tốt. Họ còn lấy máu bôi lên cơ thể, rưới vào thóc giống…. Xem: Vũ Quang Thiên, Ngô Văn Doanh (1994), Những phong tục độc đáo của  Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

([3]) Chữ dùng của nhà Nho theo Tân học – cử nhân, học giả Phan Kế Bính. Xem: Phan Kế Bính (1995), Việt Nam phong tục, Nxb TP Hồ Chí Minh.

([4]) Chẳng hạn các trường hợp liên quan đến cây chuối/trái chuối ở một số cư dân Đông Nam Á. Xem: Cao Thế Trình (2006), Cây chuối với tín ngưỡng phồn thực trong tiềm thức của một số cư dân ở Đông Nam Á. T C Dân tộc học số 3 (141), tr. 9-12. Cũng cần nói thêm, tín ngưỡng phồn thực hoàn toàn khác về bản chất so với các cách tìm tòi nhằm thỏa mãn tình dục kiểu “phòng trung bí thuật” hay “vành ngoài bảy chữ, vảnh trong tám nghề”,… của từng lớp thượng lưu người Hán thời trung đại; khác với các trào lưu “cởi trói” với những tranh tượng khỏa thân tràn lan ở châu âu thời Phục Hưng và càng khác xa với các hình thức khiêu dâm, kích dục đồi trụy của cái gọi là “văn hóa sếx” thời hiện đại.

([5]) Trần Ngọc Thêm, Sách  đã dẫn, tr. 240.

([6]) Le Pichon, Les chassuers de sang, B.A.V.H, 1938. Dẫn theo: Nguyễn Hữu Thông (chủ biên) – Ka tu – kẻ sống đầu ngọn nước, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2004, tr. 373 – 392.

([7]) Ngô Văn Doanh, Nhà mồ và tượng mồ  Gia rai, Bơhna, Sở Vănhóa – Thông tin – Thể thao tỉnh Gia Lai và Viện Đông Nam Á xuất bản, 1993.

([8]) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, tr. 564.

([9]) Toan Aựnh, Nếp cũ – Hội hè – đình đám, Quyển Hạ, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh,2005 (tái bản) tr. 222-253.

([10]) Cao Thế Trình, Tài liệu dẫ dẫn.

([11]) Trong các công trình như : Hàn Quốc - Lịch sử và Văn hóa (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995); Tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc của Nguyễn Long Châu (Nxb Giáo dục, 2000); Khái niệm văn hóa, văn minh & Văn hóa truyền thống Hàn của Lê  Quang Thiêm (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, Lịch sử và văn hóa bán đảo Triều Tiên của Andrew C.Nahm (Nxb Văn hóa Thông tin, 2005) …, chúng tôi chưa bắt gặp trường hợp nào đề cập tới tín ngưỡng phồn thực ở Hàn tộc.

([12]) Zbighev Leb Stanôviv, Sex trong các nền văn hóa Thế giới, Nxb Tư tưởng, Matxcơva, 1991 (chữ Nga).

([13]) Xem:Joo Kang Hyun (2006). Văn hóa Hàn quốc – những điều bí ẩn, Nxb Hankire, Seoul, tr. 2 – 20 (tiếng Hàn). Bản dịch sơ thảo của Th.S. Thân Thị Thúy Hiền – giảng viên tiếng Hàn – Khoa Đông phương – Trường Đại học Đà Lạt.

([14]) Cần lưu ý, nhân vật Nữ Oa trong chuyện dân gian  Việt hoàn toàn khác với nhân vật Nữ Oa trong huyền thoại Trung Quốc.  Bà Nữ Oa trong câu chuyện ở người Việt không quan tâm tới chuyện Trời sập, mà chỉ sốt sắng  chuyện lấy chồng. Bà lấy ông Tứ Tượng và “tứ tượng” cũng không liên quan gì tới một phạm trù của Kinh Dịch, mà thuần túy chỉ là “4 voi”, bởi theo quan niệm dân gian Việt, “ấy của bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng, “ấy” của ông Tứ tượng bằng bốn con voi.

([15]) Xung quanh tục lệ này, GS,TS. Oh Jong Ho – hiện là giảng viên tình nguyện tiếng Hàn tại khoa Đông phương – Đại học Đà Lạt, còn cung cấp thêm một dị bản truyền thuyết  nói trên từ vùng Sam Cheok tỉnh Kang Won: Một cô gái đi  biển bị chết đuối. Sau đó có một chàng trai đi biển đã đi tiểu xuống biển và nhờ đó bắt được nhiều cá. Rút kinh nghiệm, các đàn ông đi biển đều làm như chàng trai nọ. Sau rốt, người ta đẽo sinh thực khí nam thả xuống biển và càng đánh bắt nhiều cá.

([16]) Tác giả Joo Kang Hyun cho biết, ông cũng đã mấy lần ném thử, song không trúng và phải vì thế mà ông chỉ có con gái.

([17]) Xem: Cao Thế Trình. Dấu vết của một hình thái quần hôn trong các loại hình nhà  công cộng truyền thống ở Đông Nam á. TC Dân tộc học số 2- 1999, tr. 70 - 79.

0thảo luận