Trang chủ

KINH TẾ NHẬT BẢN NĂM 2008

Đăng ngày: 18-03-2013, 10:42 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 1

Khái quát

Những dấu hiệu kinh tế tăng trưởng chậm lại xuất hiện từ cuối năm 2007 thể hiện rõ hơn từ quý I năm 2008 và sau đó là nền kinh tế chính thức rơi vào suy thoái từ quý II. Mức giá chung của nền kinh tế, vốn có mức tăng gần 0% trong suốt thời kỳ dài từ năm 2003 đến giữa 2007 và bắt đầu cao hơn trong quý IV năm 2007, giảm đi do giá cả các mặt hàng đều giảm. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý I là 0,6% trong đó nhu cầu trong nước tạo ra 0,2 điểm phần trăm và xuất khẩu ròng tạo ra 0,4 điểm. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới (nhất là Mỹ) chậm lại đã ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của các doanh nghiệp và đầu tư nhà ở, vốn bắt đầu tăng chậm từ giữa năm 2007, bắt đầu giảm từ quý I. Luật Tiêu chuẩn Xây dựng cũng đã bắt đầu tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới đầu tư nhà ở.

Quý II mở đầu thời kỳ suy thoái mới của Nhật Bản khi nhu cầu trong nước thì giảm còn xuất khẩu ròng thì không tăng. Nhu cầu trong nước giảm so với quý I tới 0,9% và tạo ra sự sụt giảm GDP thực tế 0,9%. Lâu lắm rồi, người ta mới thấy tất cả các chỉ số tốc độ tăng trưởng của chi tiêu dùng cá nhân, đầu tư vào nhà ở, đầu tư máy móc thiết bị của doanh nghiệp, đầu tư lưu kho của doanh nghiệp đều mang dấu âm. Đặc biệt, chi tiêu của chính phủ cũng giảm do chính phủ cắt giảm vì nguồn thu từ phụ phí xăng không còn được Quốc hội cho phép kéo dài sau 30/3/2008.

Xuất khẩu ròng của Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng bằng 0, nhưng nhìn vào cơ cấu bên trong thì mới thấy cả nhập khẩu lẫn xuất khẩu đều giảm. Xuất khẩu giảm do các thị trường quan trọng của Nhật Bản tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy thoái, trong khi yên có xu hướng lên giá liên tục so với đôla Mỹ kể từ giữa tháng 8/2008. Ngày 17/12/2008, tỷ giá yen/đôla xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua là 87,95.

Nhu cầu trong nước tăng trở lại trong quý III, nhưng xuất khẩu ròng lại giảm dù cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều gia tăng (song nhập khẩu lại gia tăng mạnh hơn xuất khẩu). Xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 10 có mức giảm lớn nhất trong vòng 7 năm lại đây và lần đầu tiên kể từ năm 2002 xuất khẩu của Nhật Bản sang châu Á giảm. Tính chung, GDP thực tế của Nhật Bản trong quý III giảm 0,1%.

Các nhà kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) dự báo tốc độ tăng trưởng trong quý IV/2008 sẽ là -0,2%. Tính chung cả năm dương lịch 2008, tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế Nhật Bản là 0,3%, thấp hơn hẳn mức 2,2% của năm 2007.

Tác động của cuộc khủng hoảng ở Mỹ

Sự suy giảm của nền kinh tế Nhật Bản có nguyên nhân cơ bản là do những tác động của cuộc khủng hoảng tín dụng và tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ từ năm 2007. Thứ nhất, khủng hoảng tài chính ở Mỹ tác động trực tiếp tới các nhà đầu tư Nhật vào các tổ chức tài chính của Mỹ. Các nhà đầu tư này chia làm 2 loại. Loại thứ nhất là những người đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của các tổ chức tài chính Mỹ niêm yết tại thị trường chứng khoán của Nhật Bản. Khi có tổ chức tài chính lớn của Mỹ bị phá sản, thì giá cổ phiếu và chứng khoán của các tổ chức tài chính nói chung đều bị ảnh hưởng tiêu cực dẫn tới mất giá. Vì thế, về lý thuyết, các nhà đầu tư người Nhật bị giảm tài sản. Những người Nhật mua dịch vụ bảo hiểm của các công ty bảo hiểm Nhật Bản cũng có thể bị ảnh hưởng. Loại thứ hai là những người đầu tư vào các quỹ tín thác của Mỹ.

Thứ hai, không ít tổ chức tài chính của Nhật Bản sở hữu cổ phiếu và trái phiếu của các tổ chức tài chính Mỹ. Nhiều chi nhánh của các tổ chức tài chính Nhật Bản tại Mỹ tham gia cho vay mua nhà ở có thế chấp. Khi khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp của Mỹ nổ ra từ năm 2006 và phát triển thành khủng hoảng tài chính từ giữa năm 2008, đương nhiên các tổ chức tài chính của Nhật Bản bị ảnh hưởng tiêu cực, như trường hợp phá sản của Công ty cổ phần bảo hiểm nhân thọ Yamato. Khi điều này xảy ra, sẽ có ba ảnh hưởng tiêu cực kế tiếp: 1) Các nhà đầu tư vào các tổ chức tài chính Nhật Bản bị ảnh hưởng; 2) Những người gửi tiền vào các ngân hàng của Nhật Bản, những người mua dịch vụ bảo hiểm của các công ty bảo hiểm Nhật Bản bị ảnh hưởng; và 3) Lượng cung tín dụng trên thị trường tiền tệ của Nhật giảm (tình trạng thiếu thanh khoản hay đói tín dụng) do các tổ chức tài chính Nhật Bản trở nên thận trọng hơn.

Sự thận trọng của các tổ chức tài chính ở Nhật Bản trước tình hình khủng hoảng tài chính ở Mỹ dẫn tới môi trường tín dụng cho doanh nghiệp Nhật Bản xấu đi. Cũng theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về tín dụng đã tăng từ 30% trong quý II dương lịch lên khoảng 73% trong quý III dương lịch; dự báo lên tới khoảng 88% trong quý IV. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng bắt đầu thấy môi trường huy động vốn của mình trở nên khó khăn. Tình hình này khiến cho các doanh nghiệp phải tăng cường huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Khó khăn trong tiếp cận tín dụng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Cho đến nay, các nhà đầu tư vào các tổ chức tài chính của Nhật Bản không bị ảnh hưởng gì đáng chú ý. Sau chương trình cải cách mạnh mẽ trong những năm 1990 bao gồm cả sáp nhập, xử lý nợ đọng và củng cố bảng cân đối tài sản, củng cố các tiêu chuẩn kế toán và tiêu chí tài sản, các tổ chức Nhật Bản đã trở nên vững vàng hơn nhiều. Khi khủng hoảng bùng phát dữ dội ở Mỹ vào tháng 10/2008, Mitsubishi UFJ Financial Group của Nhật đã nhân cơ hội mua lại 21% cổ phần (khoảng 9 tỷ đôla Mỹ) của Morgan Stanley và cùng với một số công ty Nhật Bản khác mua lại chi nhánh công ty chứng khoán Morgan tại Nhật Bản. Trước đó ít lâu, Mitsubishi UFJ cũng đã bỏ ra 3,5 tỷ đôla Mỹ để mua lượng lớn cổ phần của Union Bank of California. Trong khi đó Nomura Holding Inc. đã mua lại các bộ phận nghiệp vụ của Lehman Brothers Holding Inc. Ở Châu Á (trừ Hàn Quốc), Úc và Châu Âu. Mizuho thì chi 1,2 tỷ đôla để mua cổ phần của Merrill Lynch. Điều đó cho thấy các tổ chức tài chính của Nhật Bản dù chịu tác động tiêu cực nhưng vẫn khá mạnh; và khủng hoảng tài chính ở Mỹ đã không kéo theo khủng hoảng tài chính ở Nhật Bản. Tuy nhiên, vẫn có tổ chức tài chính của Nhật Bản bị phá sản, như trường hợp của công ty bảo hiểm nhân thọ Yamato.

Thứ ba, sự phát triển từ khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp thành khủng hoảng tài chính ở Mỹ tạo ra một hiệu ứng tâm lý tiêu cực tới thị trường bất động sản của Nhật Bản. Hiệu ứng tâm lý tiêu cực của khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp và khủng hoảng tài chính ở Mỹ tới thị trường bất động sản thể hiện rõ qua việc số vụ phá sản doanh nghiệp trong ngành bất động sản và xây dựng tăng lên trong tháng 10/2008. Ngoài 2 khu vực này, còn có 7 trong 8 khu vực khác của nền kinh tế đều thấy tình trạng số lượng các vụ phá sản gia tăng.

Một hiệu ứng tâm lý tiêu cực khác, đó là ảnh hưởng từ sự sụt giảm các chỉ số chứng khoán quan trọng của thế giới tới giá chứng khoán của Nhật Bản. Bên cạnh đó là hiệu ứng tâm lý tiêu cực của việc yên lên giá tới giá chứng khoán. Trên thị trường chứng khoán, cả chỉ số Nikkei 225 lẫn chỉ số TOPIX có xu hướng giảm bắt đầu từ giữa tháng 7/2008 đến nay, và giảm đột biến từ đầu tháng 10/2008. Đợt sụt giá chứng khoán từ 4 đến ngày 8/10/2008 được giới báo chí Nhật gọi bằng cái tên “Tuần lễ đen tối”. Tuy nhiên, đợt sụt giá chứng khoán lớn nhất là vào ngày 27/10 khi giá chứng khoán bình quân Nikkei tụt xuống mức 486,18 yên, thấp nhất trong vòng 26 năm qua.

Thứ năm, cuộc khủng hoảng ở Mỹ đã tác động tiêu cực tới xuất khẩu của Nhật Bản. Từ năm tài chính 2002 đến cuối năm tài chính 2007, kinh tế Nhật Bản ở giai đoạn hồi phục. Một động lực quan trọng cho sự hồi phục này là xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên từ năm 2007, xuất khẩu sang Mỹ tăng chậm lại và được cho là nguyên nhân chính gây ra cục diện suy thoái từ quý I của năm tài chính 2008 (tháng 4-6/2008) với tốc độ tăng trưởng GDP thực tế là -0,6%. Xuất khẩu sang Mỹ giảm do nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất có thể là do người Mỹ giảm tiêu dùng và do yên lên giá (có thời điểm tỷ giá yên/đôla là chưa đến 90) khiến cho hàng Nhật nhập khẩu tại thị trường Mỹ lên giá. Nguyên nhân khiến yên lên giá là: 1) các nhà đầu tư điều chỉnh danh mục đầu tư của mình khi thấy bất ổn tài chính và kinh tế ở Mỹ, họ bán đôla đi và mua yên vào; 2) lãi suất ở Mỹ được giảm nhanh và liên tục so với lãi suất ở Nhật Bản. Đáng chú ý là yên không chỉ lên giá so với đôla Mỹ, mà còn lên giá cả so với euro, Bảng Anh, … nên xuất khẩu của Nhật Bản sang Châu Âu cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng của Nhật Bản, nhưng từ năm 2008 tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại rõ rệt do xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm và do chính sách thắt chặt tiền tệ của chính quyền Trung Quốc, nên nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đối với hàng Nhật giảm đi.

Theo tài liệu của Văn phòng Nội các Nhật Bản, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực trừ thép đều tăng trưởng chậm lại trong quý III. Trong khi đó, nhập khẩu lại có xu hướng tăng lên nhanh, chủ yếu do giá hàng nhập khẩu nói chung giảm (vì yên lên giá so với đôla), vì giá hàng nguyên vật liệu giảm trước tình hình kinh tế thế giới xấu đi. Xuất khẩu của Nhật Bản trong quý III/2008 chỉ tăng 0,7% trong khi nhập khẩu tăng 1,9%. Kết quả là xuất khẩu ròng của Nhật Bản giảm dần từ tháng 10/2007 và giảm mạnh từ tháng 6/2008. Liên tiếp hai tháng 8 và 9/2008, Nhật Bản bị thâm hụt thương mại.

Tóm lại, cả tiêu dùng nội địa (thông qua hiệu ứng tài sản), đầu tư trong nước (thông qua tiếp cận tín dụng), lẫn nhu cầu nước ngoài của Nhật Bản đều bị tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính ở Mỹ.

Phản ứng của chính phủ

Trước thực tế kinh tế lâm vào suy thoái và tác động của cuộc khủng hoảng từ Mỹ tới kinh tế Nhật Bản là rõ rệt, chính phủ Nhật Bản bắt đầu có những phản ứng chính sách tích cực từ tháng 9.

Từ 16/9/2008 đến 10/10/2008, Ngân hàng Nhật Bản đã giúp các ngân hàng của nước này tăng vốn với số tiền tổng cộng là 30,9 nghìn tỷ yên nhằm cải thiện bảng cân đối tài sản của các ngân hàng này và sẵn sàng đối phó với đột biến rút tiền gửi, đồng thời tăng tính thanh khoản nói chung của toàn bộ hệ thống tài chính.

Hôm 29/8/2008, chính phủ Nhật Bản đã thông báo kế hoạch thực hiện một gói kích thích kinh tế tổng hợp trị giá 11,7 nghìn tỷ yên để kích thích nền kinh tế vượt qua tác động của khủng hoảng tài chính Mỹ. Gói kích thích này được xem như khoản bổ sung cho ngân sách năm tài chính 2008 và được Quốc hội thông qua hồi giữa tháng 10/2008; hiện nay đang được triển khai.

Đến giữa tháng 9, khủng hoảng tài chính ở Mỹ phát triển thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu, nên vào ngày 30/10/2008, chính phủ Nhật Bản lại đề nghị Quốc hội cho thực hiện một gói kích thích kinh tế khác trị giá 27 nghìn tỷ yên (khoảng 275 tỷ đôla), xem như khoản bổ sung thứ hai cho ngân sách năm tài chính 2008. Đến ngày 19/12/2008, chính phủ Nhật Bản lại quyết định phải thực hiện một gói kích thích kinh tế tổng hợp nữa có giá trị lên tới 37 nghìn tỷ yên và đã đưa khoản tài chính này vào dự toán ngân sách năm tài chính 2009. Phần để kích cầu trong gói này trị giá khoảng gần 10 nghìn tỷ yên được giành cho công tác hỗ trợ việc làm, bổ sung ngân sách cho các địa phương cũng với mục tiêu chính là tạo việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, củng cố cơ sở hạ tầng, giảm thuế (nhất là thuế cho vay thế chấp, thuế khấu hao các thiết bị tiết kiệm năng lượng, thuế doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuế chứng khoán). Phần trị giá 33 nghìn tỷ yên còn lại được sử dụng để mua lại cổ phiếu của các tổ chức tài chính và còn cho các tổ chức này vay nhằm giúp họ tăng vốn qua đó ổn định thị trường tài chính, cho các doanh nghiệp – gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa lẫn doanh nghiệp lớn  vay để giúp họ vượt qua tình trạng đói tín dụng, kích thích thị trường bất động sản và ngành xây dựng.

Tổng giá trị của cả 3 gói kích thích nói trên lên tới 75,5 nghìn tỷ yên. Theo kế hoạch, gói kích thích 27 nghìn tỷ yên sẽ được đệ trình lên Quốc hội vào đầu tháng 1/2009 và gói 37 nghìn tỷ yên sẽ được đệ trình lên Quốc hội vào cuối tháng 1/2009. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Tự do của ông Aso lại là phe thiểu số trong quốc hội. Vì thế, chưa rõ liệu hai gói này có được triển khai được hay không.

Phản ứng của Ngân hàng Nhật Bản

Từ tháng 2/2007, Ngân hàng Nhật Bản nâng lãi suất chính sách (lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng không cần thế chấp) lên 0,5% và đã có nhiều nhận định rằng Nhật Bản đã thật sự thoát khỏi tình trạng lãi suất gần 0%. Tuy nhiên, vào hôm 31/10/2008, sau 7 năm, lãi suất chính sách của Nhật Bản lại được cắt giảm. Mức cắt giảm là 0,3 phần trăm, làm cho lãi suất xuống còn 0,2%. Đồng thời, lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhật Bản cho các ngân hàng thương mại cũng được giảm 0,25 phần trăm xuống còn 0,5%. Việc cắt giảm cả 2 lãi suất này có hiệu lực ngay. Sau đó, giữa tháng 12, lãi suất chính sách lại giảm tiếp xuống còn 0,1%. Ngoài ra, từ tháng 11/2008 đến tháng 3/2009, Ngân hàng Nhật Bản sẽ tạm thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 0,3% xuống còn 0,1% để tăng mức thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.

Ngân hàng Nhật Bản còn thực hiện các nghiệp vụ hỗ trợ các tổ chức tài chính Nhật Bản huy động tài chính bằng đôla Mỹ ngay sau khi Lehman Bros. Ở Mỹ phá sản hồi giữa tháng 9/2008. Giữa tháng 12/2008, Ngân hàng Nhật Bản quyết định nâng mức mua công trái Nhật Bản hàng năm từ 14,4 nghìn tỷ yên lên 16,8 nghìn tỷ yên nhằm hỗ trợ các tổ chức Nhật Bản trong việc huy động tài chính dài hạn.

Đặc biệt, hôm 2/12/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản đã quyết định cho phép các tổ chức tài chính của Nhật Bản được nhận trái phiếu doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn BBB trở lên làm thế chấp để cho các doanh nghiệp vay. Trước đây quy định là chỉ được phép nhận trái phiếu doanh nghiệp tiêu chuẩn A trở lên. Quyết định này sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 9/12/2008. Đồng thời, Ngân hàng Nhật Bản sẽ cho các tổ chức tài chính nước này vay 3 nghìn tỷ yên để họ cho các xí nghiệp vay lại. Đây là đợt hỗ trợ tín dụng quy mô lớn cho các xí nghiệp đầu tiên kể từ năm 1998 đến nay.

 

NGUYỄN BÌNH GIANG (TS, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)

PHẠM ĐÌNH PHÙNG (TS, Học viện Tài chính)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bank of Japan (2008), “Monthly Report of Recent Economic and Financial Developments December 2008,” December 24.

2. Cabinet Office (2008), “Comprehensive Immediate Policy Package,” August 29.

3. Cabinet Office (2008), “Outline of the Economic Policy Package: Measures to Support People's Daily Lives,” October 30.

4. Cabinet Office (2008), “Summary of the "Immediate Policy Package to Safeguard People's Daily Lives",” December 19.

5. Cabinet Office (2008), “Economic Countermeasures: A Three-stage Rocket,” December 24.

6. CNN.com International Edition (2008), “Japan unveils $275 billion package to shore up economy,” on-line available at http://edition.cnn.com/2008/BUSINESS/10/30/japan.economy.stimulus.ap/index.html?eref=edition_business, truy cập ngày 10/12/2008.

7. Ito, Takatoshi (2008), “Can Japan survive and overcome global recession?” công khai tại http://eastasiaforum.org/2008/12/01/can-japan-survive-and-overcome-global-recession/ truy cập ngày 10/12/2008

8. Nottage, Luke (2008a), “Tables turned in Japanese and US financial markets,” on-line available at http://eastasiaforum.org/2008/09/29/tables-turned-in-japanese-and-us-financial-markets/, truy cập ngày 10/12/2008

9. Nottage, Luke (2008b), “The financial crisis - and loansharks in Japan and NZ”, on-line available at http://eastasiaforum.org/2008/10/09/financial-crisis-and-loansharks-in-japan-and-nz/, truy cập ngày 10/12/2008

10. Shirakawa Masaaki (2008), “Global Financial Crisis and Policy Responses by the Bank of Japan,” speech at the meeting with the Board of Councillors of Nippon Keidanren (Japan Business Federation) in Tokyo on December 22.

11. The Japan Times Online (2008), “October saw 13.4% rise in bankruptcies”, available at http://search.japantimes.co.jp/cgi-bin/nb20081112a1.html, truy cập ngày 10/12/2008

12. UPI, "Japan stimulus package reaches $716B," December 20, 2008. On-line available at http://www.upi.com/Top_News/2008/12/20/Japan_stimulus_package_reaches_716B/UPI-85761229791211/ truy cập ngày 25/12/2008.

13. Số liệu công bố nhanh lần thứ hai của Văn phòng Nội các (Nhật Bản) công khai bằng tiếng Nhật tại http://www.esri.cao.go.jp/en/sna/qe083-2/rshihankie.pdf, truy cập ngày 10/12/2008.

14. Thông báo tình hình kinh tế số 901 của Văn phòng Nội các Nhật Bản, công khai bằng tiếng Nhật tại

http://www5.cao.go.jp/keizai3/shihyo/2008/1027/901.html, truy cập ngày 10/12/2008.

15. Thông báo tình hình kinh tế số 904 của Văn phòng Nội các Nhật Bản, công khai bằng tiếng Nhật tại http://www5.cao.go.jp/keizai3/shihyo/2008/1110/904.html truy cập ngày 10/12/2008

16. Thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhật Bản, công khai bằng tiếng Nhật tại http://www.boj.or.jp/en/type/release/adhoc/k081031.pdf, truy cập ngày 10/12/2008.

 

 

 

 

 

 

0thảo luận