Trung Quốc được cả thế giới biết đến bởi nó là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại. Ngày nay, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia đi đầu thế giới về kỳ tích cải cách – mở cửa, phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt trong thời đại toàn cầu hoá, hội nhập mạnh mẽ hiện nay, Trung Quốc vừa phát triển kinh tế đất nước, vừa hội nhập sâu sắc vào nền kinh tế thế giới, vừa giữ vững bản sắc văn hoá dân tộc. Phạm vi bài viết này muốn đi sâu phân tích những kinh nghiệm ứng xử của Trung Quốc đối với sự du nhập của văn hoá Tây Âu – Bắc Mỹ.
1. Những giá trị của văn hoá phương Tây (văn hoá Tây Âu – Bắc Mỹ)
a. Văn hoá được xem xét dưới khía cạnh cấu trúc
Khái niệm “văn hoá” được xuất hiện từ thời La mã cổ đại. Bản thân từ “văn hoá” (Culture) xuất phát từ gốc tiếng La tinh, “Culture” có nghĩa là làm đất, gieo trồng, chăn nuôi. Tới đầu thế kỷ thứ I trước công nguyên, nó bắt đầu mang thêm ý nghĩa tư tưởng, trí tuệ.
Cho đến nay, trên thế giới đã có hàng trăm định nghĩa về văn hoá. Xem xét dưới khía cạnh cấu trúc, văn hoá bao gồm: 1) văn hoá tinh thần (ngôn ngữ, tôn giáo, tư tưởng…); 2) Văn hoá vật thể (nhà cửa, công trình…); 3) Văn hoá xã hội (lối sống, sinh hoạt… bao gồm cả văn hoá quản lý: quản lý xã hội, quản lý kinh tế, quản lý hành chính, quản lý doanh nghiệp…).
Những ảnh hưởng, tác động của văn hoá phương Tây đến Trung Quốc, sẽ được chúng tôi xem xét phân tích dưới khía cạnh cấu trúc như đã trình bày ở trên.
b. Những giá trị của văn hoá phương Tây (Tây Âu – Bắc Mỹ)
Văn hoá phương Tây có rất nhiều những giá trị đặc biệt, cao quý, trong đó bao gồm những giá trị điển hình sau:
1. Văn hoá Hy – La bao gồm triết học Hy Lạp và luật pháp nhà nước La Mã
2. Những truyền thống tôn giáo (thiên chúa giáo, cải cách tin lành)
3. Những tư tưởng khai sáng (truyền thống nhân văn, giải phóng, tự do, nhân bản, động lực vì cá nhân con người…).
4. Sự phát triển của khoa học (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội trong đó đặc biệt chú ý đến khoa học quản lý kinh tế, tư duy sáng tạo, tỷ lệ trí thức cao…).
5. Sự bùng nổ của công nghiệp hoá (sự phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, sự ra đời và phát triển giai cấp tư sản – vô sản, hình thành các chính đảng chính trị, có sự tham gia đông đảo của người dân và các nghiệp đoàn…).
Những giá trị điển hình của văn hoá Âu – Mỹ kể trên đã tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hoá Trung Hoa.
c. Tác động (ảnh hưởng) của văn hoá phương Tây đến Trung Quốc
Trung Quốc là tổng hợp của nhiều quốc gia và nền văn hoá đã từng tồn tại và nối tiếp nhau tại Đông Á lục địa, cách đây khoảng 5.000 năm. Với một trong những giai đoạn văn minh liên tục dài nhất của thế giới và hệ thống chữ viết tiếp tục được dùng cho đến ngày nay, lịch sử Trung Quốc được đặc trưng bởi những chia tách và thống nhất lặp đi lặp lại qua các thời kỳ hoà bình xen kẽ chiến tranh, trên một lãnh thổ đầy biến động. Vào thế kỷ XVIII, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể về công nghệ so với các dân tộc ở Châu Á, tuy nhiên lại tụt hậu hẳn so với Châu Âu. Từ thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, ảnh hưởng kinh tế, chính trị, quân sự của Trung Quốc bị sút giảm nghiêm trọng do tác động của sức mạnh phương Tây, cũng như sức mạnh của Nhật Bản. Cuối thế kỷ thứ XIX, nhiều khu vực tại Trung Quốc đã bị chia cắt hoặc nhường cho nước ngoài làm tô giới, nhượng địa, thuộc địa và phần lớn nước này đã bị Nhật Bản xâm chiếm vào Thế chiến thứ II. Có nghĩa là từ sau cuộc Chiến tranh Nha phiến (Chiến tranh Thuốc phiện) 1840, Trung Quốc đã chuyển từ xã hội phong kiến thành “xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến”. Sự tác động ảnh hưởng của văn hoá phương Tây vào Trung Quốc trong giai đoạn “nửa thực dân, nửa phong kiến” này là mạnh mẽ, mang tính cưỡng bức, ép buộc.
Cho đến sau này, trong giao lưu, tác động ảnh hưởng của văn hoá Âu – Mỹ đến Trung Quốc mới dần dần có sự thay đổi từ ép buộc, cưỡng bức (của kẻ xâm lược) sang tiếp nhận, giao lưu, hội nhập (sau khi Trung Quốc giành được độc lập 1-10-1949, đặc biệt là khoảng thời gian sau khi Trung Quốc tiến hành công cuộc cải cách – mở cửa từ tháng 12-1978 đến nay). Điều đó đã thể hiện sự giao thoa văn hoá giữa các nền văn hoá phương Tây (Âu - Mỹ) và phương Đông (điển hình là Trung Quốc)
2. Những kinh nghiệm ứng xử của Trung Quốc đối với văn hoá Âu – Mỹ
Trung Quốc tiến vào con đường phát triển – hội nhập, giàu mạnh hôm nay, chính là con đường mà nhân dân Trung Quốc đã từng khát vọng, trăn trở hơn mười thập kỷ qua kể từ khi nước này tiếp xúc với thế giới phương Tây (1840).
Sự tiếp nhận văn hoá phương Tây (Âu - Mỹ) dù là dưới hình thức cưỡng bức, ép buộc bị động (109 năm từ 1840 đến 1949 dưới chế độ xâm lược thực dân) hay dưới hình thức chủ động hội nhập, giao lưu (30 năm cải cách mở cửa từ 1978), thì Trung Quốc luôn luôn đề ra những nguyên tắc ứng xử phù hợp với từng giai đoạn trong tiến trình phát triển lịch sử đất nước. Các nguyên tắc ứng xử đó là:
Thứ nhất: Trong tiếp nhận, giao lưu, đối thoại với văn hoá Âu – Mỹ, văn hoá Trung Hoa sẽ không bao giờ tiếp nhận toàn bộ hệ thống giá trị của văn hoá ngoại lai, mà chỉ thâu tóm những giá trị phù hợp với truyền thống văn hoá đất nước. Lấy những ví dụ trong lịch sử để chứng minh cho những nhận định trên. Trong giai đoạn bị thực dân đô hộ (1840-1949), xét trên khía cạnh tinh thần, mặc dù các nước phương Tây đem chữ viết la tinh phương Tây du nhập vào Trung Quốc, nhưng cho đến nay,Trung Quốc vẫn chỉ dùng văn tự chữ vuông truyền thống, nhưng để dễ đọc, dễ hiểu, dễ viết, Trung Quốc đã sử dụng chữ La tinh của Âu – Mỹ làm công cụ để phiên âm. Hay ví dụ khác về tôn giáo: Ki tô giáo phương Đông du nhập vào Trung Quốc từ thế kỷ thứ VII, nhưng sau khi nhà Nguyên bị lật đổ, giáo hội Công giáo ở Trung Quốc hầu như biến mất. Vào các thế kỷ thứ XVI và XVII, giáo hội Công giáo có bước tiến lớn ở Trung Quốc và thích nghi với văn hoá Trung Hoa nhờ sự nỗ lực của các giáo sĩ Dòng tên, do các giáo sĩ Dòng tên, mà sự giao lưu văn hoá giữa các nước Âu – Mỹ với Trung Quốc mới có sự phát triển mạnh mẽ. Khi Chiến tranh Nha phiến nổ ra (1840), các nhà truyền giáo phương Tây đã trở lại Trung Quốc để truyền bá phúc âm cho người Trung Quốc. Mặc dù có sự bảo hộ của triều đình phong kiến, nhưng giáo hội Công giáo Trung Quốc vẫn không ổn định. Sau năm 1949, đặc biệt sau giai đoạn cải cách – mở cửa (12-1978) giáo hội Trung Quốc mới phát triển dựa trên nguyên tắc “tam tự” (tự quản, tự nuôi mình, tự truyền), đã phát động phong trào công giáo yêu nước chống đế quốc, tự quyết định công việc của mình, độc lập tự chủ đóng góp vào công cuộc hiện đại hoá Trung Quốc, bảo vệ hoà bình thế giới, giữ vững tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Một ví dụ nữa về tư tưởng: Sau khi bị thực dân phương Tây đô hộ, các nước phương Tây truyền bá vào Trung Quốc nhiều trào lưu tư tưởng phương Tây, đặc biệt là tư duy triết học duy vật phương Tây. Trung Quốc một mặt tiếp nhận phương pháp tư duy triết học phương Tây, nhưng mặt khác vẫn bảo lưu, giữ gìn và phát triển mạnh mẽ tư duy triết học âm dương phương Đông. Đó cũng chính là nét đặc thù nổi bật của văn hoá Trung Hoa. Nó được biểu hiện phong phú trong mọi mặt của đời sống xã hội, văn hoá Trung Quốc ngày nay.
Thứ hai: Trong ứng xử với văn hoá Âu – Mỹ, có khi Trung Quốc tiếp nhận cả hệ thống, nhưng Trung Quốc đã sắp xếp lại theo các bậc thang giá trị khác nhau.
Một ví dụ: giá trị của văn hoá Âu – Mỹ luôn luôn coi “con người là trung tâm”, được Trung Quốc tiếp nhận trong việc đề cao giáo dục, có chiến lược khôn khéo trong việc sử dụng nguồn nhân lực, sử dụng vốn con người, vốn xã hội… Nhưng giá trị này của phương Tây là đề cao vai trò về sự chủ động của con người, tôn vinh con người, con người chinh phục tự nhiên, đặc biệt trong việc đối xử với thế giới xung quanh. Vì thế nhiều khi đã xảy ra những quan điểm tiêu cực, như làm huỷ hoại môi trường, làm mất cân bằng tự nhiên… Nhưng với Trung Quốc, khi tiếp nhận nó (giá trị con người là “Trung tâm” của văn hoá Âu – Mỹ), Trung Quốc đã sắp xếp lại theo theo văn hoá truyền thống Trung Hoa “Nhân thân tiểu vũ trụ” (con người là một vũ trụ nhỏ), con người phải hoà hợp vào trời đất, để tạo ra “thiên - địa – nhân” (tam tài), và con người muốn trở thành vua để cai trị đất nước, phải biết hoà hợp được cả ba yếu tố đó (thiên - địa – nhân) để trở thành vua (vương). Như thế triết lý của văn hoá Trung Hoa là con người hoà hợp với tự nhiên (chứ không phải là triết lý của phương Tây: con người chinh phục tự nhiên). Một ví dụ khác, Trung Quốc tiếp nhận học thuyết Mác – Lênin, nhưng không giáo điều, chỉ tiếp thu tinh thần, sắp xếp lại cho phù hợp với điều kiện Trung Quốc. Đó là việc xây dựng “chủ nghĩa xã hội có đặc sắc Trung Quốc”, đó là việc “chuyển từ đấu tranh giai cấp sang xây dựng và phát triển kinh tế ”, đó là xây dựng lý thuyết “ba đại diện” (Đảng cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến nhất, đại diện cho nền văn hoá tiên tiến nhất, đại diện cho quảng đại quần chúng nhân dân), hoặc lý thuyết xây dựng chủ nghĩa xã hội hài hoà, khoa học…
Hoặc, trong công cuộc cải cách kinh tế, Trung Quốc đưa ra lý luận cải cách: cải cách nông thôn trước, cải cách thành phố sau; cải cách kinh tế trước, cải cách chính trị sau; cái dễ làm trước, cái khó làm sau; vừa cải cách kinh tế làm sống động nền kinh tế trong nước, vừa mở cửa hội nhập với thế giới bên ngoài. Trong chiến lược mở cửa kinh tế đối ngoại, Trung Quốc đầu tiên xây dựng các đặc khu kinh tế, mở cửa vùng ven biển, sau đó mở cửa vùng ven sông, tiếp tục mở cửa vùng ven biên giới, dần dần mở cửa vùng phía Tây, tạo thành những làn sóng mở cửa từng bước, từng bước một, vừa phát triển, vừa ổn định nhịp nhàng.
Cũng là tiếp thu theo thang bảng giá trị của riêng mình. Trung Quốc đã sớm đề ra xây dựng văn minh, đó là văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Văn minh vật chất là xây dựng những cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội: tiến hành công cuộc công nghiệp hoá, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… Văn minh tinh thần là những lĩnh vực về hình thái ý thức, xây dựng lý tưởng xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa, xây dựng văn hoá Trung Hoa, các quan điểm chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng, xây dựng niềm tin vào thắng lợi của con đường cải cách – mở cửa hiện nay ở Trung Quốc… xây dựng văn minh vật chất và văn minh tinh thần phải cùng nhịp bước, như con người phải cùng đi cả bằng hai chân…
Thứ ba: Trung Quốc tiếp thu và cải biến hình thức mới về văn hoá, tư tưởng, nghệ thuật của phương Tây để biểu đạt nội dung về các giá trị đặc sắc của văn hoá Trung Hoa.
Câu chuyện về lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 vừa qua là một minh chứng rõ ràng về việc tiếp thu, cải biến văn hoá phương Tây để thể hiện nội dung, phô trương sức mạnh văn hoá Trung Hoa. Trung Quốc đã tiếp thu cách dàn dựng nghệ thuật của phương Tây, ánh sáng hiện đại laze của phương Tây, âm thanh màu sắc của phương Tây, bài hát từ ba thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, trên nền piano phương Tây … Các biểu tượng quả cầu (trái đất), kiến trúc sân vận động kiểu tổ chim, hình tượng tháp truyền hình viên ngọc Minh Châu (Thượng Hải) đều xuất phát từ ý tưởng của phương Tây (Âu - Mỹ) và rất nhiều những nguyên liệu khác của phương Tây, song màn biểu diễn đặc sắc ấy đã được lồng ghép thật kỳ tài, gắn bó chặt chẽ với các đặc trưng văn hoá truyền thống và hiện đại Trung Hoa, nhằm quảng bá văn hoá Trung Hoa ra thế giới, biểu dương sức mạnh ghê gớm (mà có người bình luận: muốn phô trương sức mạnh của “con cháu Viêm Hoàng”), đưa truyền thống 5.000 năm với những phát minh vĩ đại như: giấy, thuốc súng, la bàn, truyền thống nho giáo, với sức mạnh chiến lược biển (hải dương) và chiến lược biển người…). Người phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam đều cho rằng màu sắc y phục của Thiên tử (bậc vua chúa) phải là màu vàng. Và y phục ấy đã được hơn 600 vận động viên Trung Quốc sử dụng. Người Trung Quốc và phương Đông đều có quan niệm số 8 là số “phát”, rất đẹp. Trung Quốc đã chọn thời khắc khai mạc là 8 giờ 8 phút tối ngày 8-8-2008, để hy vọng điều tốt đẹp đó sẽ đem lại hạnh vận mới cho dân tộc Trung Hoa ở thế kỷ 21. Cách sắp xếp chữ theo kiểu đếm nét trong triết tự chữ Trung Quốc cổ, để sắp xếp thứ tự tên nước cho các đoàn diễu hành trong đêm khai mạc, thể hiện sự độc đáo của văn hoá Trung Hoa, biểu dương quảng bá chữ viết khối vuông, độc nhất vô nhị trên thế giới của Trung Quốc.
Như thế là sự tiếp biến văn hoá với những ý tưởng đổi mới, cách tân từ tư tưởng “tân thư” của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, của các nhà duy tân đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng nhân quyền, tư tưởng của khế ước xã hội, tư tưởng pháp quyền của các nhà tư tưởng tiến bộ phương Tây (Diderot, Montesquieu, Rousseau…) của những nét tiến bộ, dân chủ của các nhà khởi mông, triết học thời sự như Thomas Henry Huxley đều được phản ánh trong các cuốn sách, các tấu thư, các cuốn sách dịch của phương Tây sang chữ Trung Quốc với mục đích đề cao sự duy tân, cải cách, tự cường của Trung Quốc Với sự tiếp nối của phong trào “Duy Tân Mậu Tuất (1898)” mà Trung Quốc đã tiếp thu được các giá trị tinh thần của văn hóa phương tây, nhằm thay đổi tư duy, nhận thức, muốn thử nghiệm xây dựng một mô hình mới cho Trung Quốc, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cụ thể, Trung Quốc muốn đổi mới về kinh tế – xã hội với các chủ trương lớn: “Dĩ thương lập quốc” “thượng công” (lấy thương nghiệp để xây dựng phát triển đất nước; coi trọng phát triển công nghiệp), muốn cải cách giáo dục và nhân tài đất nước với phương châm “sư di trường kỹ dĩ chế di” (học cái sở trường (cái mạnh) của phương Tây (đó là kỹ thuật, khoa học) để chống lại phương Tây)…
Và sự tiếp nối của “chủ nghĩa Tam Dân” (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc) của Tôn Trung Sơn với cuộc cách mạng Tân Hợi đã đánh đổ chế độ phong kiến, thành lập nhà nước Cộng hòa (1911). Rõ ràng Tôn Trung Sơn đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những tư tưởng, giá trị đặc sắc của phương Tây, vận dụng vào việc xây dựng đất nước Trung Quốc mới, tạo ra những bản sắc Trung Hoa với các ý tưởng như: phác thảo một mô hình về nước Trung Hoa mới với 3 nội dung chiến lược lớn: 1) Chiến lược lớn 1: Xây dựng đất nước – tâm lý con người; 2) Chiến lược lớn 2: xây dựng đất nước – kiến thiết xây dựng với kế hoạch phát triển công nghiệp; 3) Chiến lược lớn 3: xây dựng đất nước – xây dựng xã hội mới. Đến nay, những ý tưởng nhân văn sáng ngời cao đẹp trong chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn vẫn mãi mãi là mục tiêu phấn đấu, xây dựng của nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới.
Tiếp đến là công cuộc cải cách – mở cửa từ tháng 12/1978 đến nay ở Trung Quốc, đó là sự tiếp biến văn hóa, sáng tạo, cách tân từ tư tưởng “Tân thư”, phong trào “Duy tân Mậu Tuất”, đến “chủ nghĩa Tam Dân”. Nó thể hiện quan niệm ứng xử độc đáo, sáng tạo, cách tân của các thế hệ con người Trung Quốc đối với việc tiếp nhận cải biến các giá trị văn hóa của phương Tây.
Về công cuộc cải cách mở cửa hiện nay ở Trung Quốc, đã có nhiều những đánh giá, phân tích về nó. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đi sâu phân tích về kinh nghiệm ứng xử trong việc tiếp nhận và cải biến những tư tưởng, hình thức, nội dung giá trị văn hóa phương Tây để áp dụng vào công cuộc cải cách - mở cửa xây dựng đất nước Trung Quốc ngày nay.
Ai ai cũng biết, để thành công trong công cuộc cải cách - mở cửa, Trung Quốc phải hội đủ rất nhiều yếu tố. Đầu tiên cần phải có lý luận về cải cách - mở cửa. Đó là hệ thống những lý luận của phương Tây, rút ra từ bài học thành công của các nhà kinh tế học phương Tây.
Trong sự tiếp nhận những kinh nghiệm về lý luận, tư tưởng văn hóa phương Tây, Trung Quốc đã có những cải biến phù hợp với điều kiện đặc thù đất nước.
Trong kho tàng những cơ sở lý luận cải cách kinh tế của phương Tây, có rất nhiều những học thuyết, lý luận, nhưng Trung Quốc đã lựa chọn những lý luận cải cách vừa tiên tiến vừa phù hợp với đặc thù đất nước, lấy đó làm cơ sở lý luận phục vụ cho công cuộc cải cách - mở cửa. Theo chúng tôi, đó là cơ sở lý luận kinh tế học phát triển của trường phái “Tân Cổ điển” của John Maynard Keynes (nhà kinh tế học người Anh (1889-1946)), những lý thuyết của ông đã có ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài đến kinh tế – chính trị học thế giới. Toàn bộ lý thuyết kinh tế học phát triển của ông được thu gọn lại trong ba luận điểm quan trọng:
Thứ nhất: Tổng cầu có vai trò quyết định đến quy mô sản xuất trong nước. Mọi quá trình sản xuất đều bắt đầu từ tổng cầu, chứ không phải là tổng cung. Nói cách khác, phải tìm hiểu thị trường cần cái gì, để tiến hành sản xuất.
Thứ hai: Vốn là điều kiện tiên quyết cho mọi quá trình sản xuất. Vốn được hình thành từ hai nguồn: 1) Tiết kiệm trong nước, liên quan đến chính sách tài chính, ngân hàng nhằm huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân; 2) Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA).
Thứ ba: Vai trò can thiệp của Nhà nước đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngoài ba luận điểm trên của học thuyết “Tân Cổ điển” mà Keynes là đại diện, Trung Quốc còn tiếp thu quan điểm về phân kỳ phát triển của nhà kinh tế học Mỹ: Rostow. Lý thuyết 5 giai đoạn của quá trình phát triển đã trình bày lịch sử phát triển kinh tế từ xã hội truyền thống (phong kiến, nửa phong kiến) sang xã hội tiêu dùng của quảng đại quần chúng ở mức độ cao, quá trình chuyển hóa dài, ngắn tùy thuộc ở nỗ lực của mỗi quốc gia, nó tuần tự phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp.
Giai đoạn 1: Giai đoạn “xã hội truyền thống” với đặc trưng cơ bản về kinh tế có một nền nông nghiệp cổ truyền với hơn 75% lực lượng lao động làm nông nghiệp, hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập kém.
Giai đoạn 2: Giai đoạn “chuẩn bị những tiền đề để cất cánh”, nó được đặc trưng bởi 3 khía cạnh then chốt về nông nghiệp và phi nông nghiệp:
+ Đã hình thành được hạ tầng cơ sở để thiết lập thị trường lao động;
+ Thực hiện công cuộc cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp;
+ Giải quyết nguồn tài trợ cho nhập khẩu, bằng cách tổ chức sản xuất hướng về xuất khẩu
Giai đoạn 3: Giai đoạn “cất cánh” được đặc trưng bởi 3 điều kiện:
+ Tỷ lệ đầu tư cho sản xuất trong thu nhập quốc dân từ 7% đến 10%;
+ Phải có sự phát triển của một hoặc nhiều ngành chế tạo công nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao;
+ Xác lập được mạng lưới chính trị xã hội, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế không ngừng.
Giai đoạn 4: Giai đoạn “Tiến đến độ trưởng thành về mặt kỹ thuật”. Đây là thời kỳ mà xã hội có đủ khả năng để áp dụng một cách hòan thiện những kỹ thuật hiện đại, nhằm khai thác triệt để các nguồn lực.
Giai đoạn 5: Giai đoạn “thời kỳ tiêu dùng cao của quảng đại quần chúng”. Xã hội vươn lên đến độ trưởng thành về kỹ thuật thì cơ cấu, chất lượng lực lượng cũng phải thay đổi, cải thiện thu nhập của dân chúng, là tiền để chuyển sang giai đoạn tiêu dùng cao cho quảng đại quần chúng.
Những tư tưởng hiện đại về kinh tế học phát triển, nhằm hình thành chiến lược phát triển kinh tế thị trường do các nhà kinh tế học phương Tây đưa ra, đã được Trung Quốc tiếp thu, cải biến đưa vào vận dụng một cách sáng tạo trong công cuộc cải cách – mở cửa ở Trung Quốc hiện nay, đã phát huy tác dụng, đem lại những thành tựu to lớn, được thế giới thừa nhận và đánh giá cao. Đó là việc Trung Quốc xây dựng mô hình cải cách kinh tế: vừa cải cách làm sống động nền kinh tế trong nước, vừa mở cửa mạnh mẽ tích cực hội nhập với nền kinh tế thế giới. Cải cách trong nước, ưu tiên cải cách nông nghiệp, nông thôn, nông dân trước; sau đó cải cách thành thị với việc khoán sản phẩm, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, xây dựng chế độ xí nghiệp hiện đại, cải cách chế độ thị trường: thị trường sản xuất, thị trường lao động, thị trường tài chính; cải cách chế độ giá cả: giá nhà nước, giá thị trường, giá điều tiết; cải cách chế độ tiền lương; cải cách chế độ việc làm; cải cách hành chính v.v… Về kinh tế đối ngoại: xây dựng các đặc khu kinh tế, mở cửa và xây dựng chiến lược vùng ven biển, mở cửa kinh tế vùng ven sông, mở cửa kinh tế vùng ven biên giới, mở cửa kinh tế và xây dựng kinh tế vùng phía Tây. Cải cách và xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, vừa tuân theo quy luật phát triển của thị trường, vừa có sự điều tiết nghiêm của nhà nước, giữ nhịp điệu tăng trưởng ổn định, bảo đảm cuối cùng nâng cao đời sống của nhân dân… Việc tiếp thu lý luận cải cách của phương Tây, áp dụng có chọn lọc, cải biến nhằm đạt hiệu quả cao nhất cho đất nước, đó chính là mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc trong việc xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa cái bên ngoài với bên trong.
Trong việc tiếp thu, cải biến những tư tưởng, thành tựu trên mọi lĩnh vực chính trị – kinh tế – văn hoá của phương Tây nhằm áp dụng vào Trung Quốc, chúng ta đặc biệt quan tâm đến đường lối và phương pháp cải cách từ tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá tới phát triển hài hoà, khoa học. Đây là một vấn đề lớn, có ý nghĩa không chỉ cho Trung Quốc, mà còn cho các quốc gia khác trong việc đề cao sự phát triển bền vững đất nước. Học tập rất nhiều từ mô hình phát triển bền vững của Âu – Mỹ, trải qua 30 năm cải cách – mở cửa, Trung Quốc đã dần dần xây dựng cho mình đường lối phát triển hài hoà, khoa học. Phải công nhận, 30 năm cải cách – mở cửa vừa qua đã đưa Trung Quốc từ một nước nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình, từ một nền kinh tế có qui mô không thể so sánh với các nước phát triển, đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới (xét theo GDP), từ một nền sản xuất lạc hậu, trở thành “công xưởng của thế giới”, từ một nền kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp (mô hình công xã nhân dân: nhất đại, nhị công; chính xã hợp nhất) trở thành nền kinh tế chiếm 10% kim ngạch ngoại thương của thế giới năm 2007… Tuy vậy, trong khi tập trung cao độ cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đã phát triển chưa hài hoà, bền vững: phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền đất nước (phân hoá sâu sắc giữa miền Đông và miền Tây); chênh lệch thành thị và nông thôn, chênh lệch giữa phát triển công nghiệp và nông nghiệp; phân hoá giàu nghèo sâu sắc; vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề; tình trạng tha hoá, đặc biệt là tệ tham nhũng, lãng phí ngày càng gia tăng; chỉ chú ý đến tăng trưởng kinh tế chưa đề cao đến các vấn đề phát triển xã hội, văn hoá; cải cách kinh tế mạnh mẽ nhưng cải cách chính trị còn chưa theo kịp… Vì vậy mà Trung Quốc phải đề cao vấn đề phát triển hài hoà, bền vững, khoa học… Nghĩa là Trung Quốc phải đề cao các qui luật khách quan trong xây dựng đất nước, phát triển hài hoà, bền vững giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, giữa miền ven biển phía Đông và miền núi phía Tây, giữa kinh tế và chính trị – xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế và giữ gìn môi trường… Cả dân tộc Trung Hoa cùng nhau xây dựng một chữ hoà, như đêm mở màn đại hội thể thao Olimpic Bắc Kinh 2008 đã đưa ra cho toàn thế giới biết rõ thông điệp này.
Như mọi người đều biết, Trung Quốc là một quốc gia đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, do một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính là học thuyết Mác – Lênin. Mà học thuyết này được ra đời từ Châu Âu, nhưng khi tiếp thu các giá trị của học thuyết Mác – Lênin trong xây dựng Đảng Cộng sản, Trung Quốc đã tiếp thu cải biến, làm sao cho Đảng Cộng sản có sức sống mới, phù hợp với đặc sắc, bản sắc Trung Hoa. Trung Quốc lập luận khi đưa ra học thuyết “ba đại diện” trong việc xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền như sau: thế kỷ XXI là thế kỷ thế giới phát triển trên nền tảng của nền kinh tế tri thức, với sự phát triển như vũ bão về khoa học – công nghệ, với sự lớn mạnh của tầng lớp trí thức, những người sẽ là “chủ nhân ông” lãnh đạo thế giới. Để phát triển tiến kịp với thời đại, xây dựng Trung Quốc trở thành siêu cường, cạnh tranh với Mỹ trong thế kỷ XXI, Trung Quốc nhất thiết phải thay đổi lại nhận thức, trước hết là nhận thức về Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đảng phải là đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến nhất. Mà lực lượng sản xuất tiên tiến nhất ở thế kỷ XXI là khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến với tầng lớp lãnh đạo tiêu biểu là trí thức. Vì vậy đảng phải đại diện cho nền kinh tế tri thức, cho nên không ngạc nhiên khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kết nạp hàng triệu những chủ doanh nghiệp, những nhà kỹ trị, mà trước kia họ bị qui là giai cấp tư sản, là giai cấp bóc lột .
Đảng Cộng sản Trung Quốc là đại biểu cho nền văn hoá tiên tiến nhất, nền văn hoá đó chẳng những là các giá trị tinh hoa của văn hoá nhân loại, mà còn mang theo những giá trị đặc sắc của văn hoá Trung Hoa. Điều đó cho thấy Trung Quốc đã rất đề cao việc học tập những tinh hoa văn hoá Âu – Mỹ và cải biến, cộng sinh với văn hoá đặc sắc Trung Hoa, mà Đảng cộng sản là hình mẫu tiêu biểu đại diện cho nền văn hoá đặc sắc đó.
Đảng Cộng sản còn là đại biểu cho phần đông quần chúng nhân dân Trung Quốc, có nghĩa rằng Đảng là của dân tộc, của nhân dân, vượt lên trên cả về số lượng, chất lượng những gì mà đảng đã có trước kia. Từ nội dung của Lý thuyết “ba đại diện” đã chứng tỏ Trung Quốc đã kế thừa và phát huy đến đỉnh cao lý luận Mác – Lênin , lý luận được ra đời ở Châu Âu, đã tồn tại hàng trăm năm qua.
Trong lịch sử mở cửa kinh tế đất nước trên thế giới từ xưa đến nay có lẽ hiếm có trường hợp mở cửa hội nhập nào được diễn ra lại độc đáo như ở Trung Quốc, với chủ trương đường lối rất rõ ràng, thể hiện “một nhà nước, hai chế độ”. Tinh thần của đường lối đó thể hiện tính thực dụng cao độ. Ông Đặng Tiểu Bình đã từng nói rằng: “mèo trằng, mèo đen đều bắt được chuột” có nghĩa là ông đã lĩnh hội và nhận thức sâu sắc triết lý thực dụng của văn hoá Âu – Mỹ trong việc quản lý đất nước, nhưng đã sáng tạo, cải biên triết lý đó trong việc thực hiện hoà hợp dân tộc, giải phóng đất nước bằng con đường hoà bình và phát triển kinh tế đất nước. Đại lục tiếp nhận hai mảnh đất Hồng Kông và Ma Cao một cách rất êm thấm, vừa giữ vững ổn định, hoà bình, vừa tôn trọng sự độc lập, phát triển đường lối kinh tế riêng của hai mảnh đất này.
3. Thay cho lời kết:
Trong câu chuyện tạo nên “thần kỳ” 30 năm cải cách – mở cửa kinh tế đất nước vừa qua (1978-2008), nét đặc sắc của văn hoá Trung Hoa là cách “đi bằng hai chân”: văn minh phương Tây và văn minh Trung Hoa, trên tất cả lĩnh vực trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá , xã hội… của đất nước, đều có sự tồn tại song song và đan xen nhau giữa yếu tố “Tây” và “Đông”, “Ngoài” và “Trong”. Trung Quốc làm chủ những thể thức quản lý phương Tây, nhưng không coi nhẹ những mưu lược hiệu quả truyền thống, về ngoại giao họ biết cách ứng xử trăm phần trăm phương Tây, nhưng vẫn nhớ đến cội nguồn với phương pháp ứng xử riêng của họ. Họ hướng về dịch lý, hướng về tinh thần thực dụng, hướng về sự điều tiết quá trình thực tại hơn là sự phát lộ chân lý (lý thuyết phương Tây), hướng về sự thương lượng thoả đáng hơn là sự tranh cãi đúng sai, hướng về cách vận dụng nguyên lý hơn là bản thân nguyên lý, hướng về quá trình biến hoá hơn là mục đích (cuối cùng). Đó là triết lý văn hoá phương Tây hướng về lý thuyết, chân lý, chân lý là một và duy nhất, chân lý tuyệt đối; còn văn hoá phương Đông hướng về dịch lý, là sự điều tiết, quá trình, biến hoá. Sự tôn trọng những nguyên lý chưa đủ, Trung Quốc phải biết cách vận dụng chúng một cách có hiệu quả. Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế người Pháp là F.Jullien và Andre Chieng đã nhận định “phương Tây hướng về chân lý (lý thuyết), Trung Hoa hướng về sự biến hoá”, “phương Tây hướng về chân lý” còn “Trung Hoa hướng về đạo” (đạo là con đường của sự biến hoá). Trong 30 năm cải cách, Trung Quốc đã liên tục tạo ra những biến hoá, và biến hoá đó còn quan trọng hơn cả mục đích cuối cùng. Hai ông đã nói: bằng cách tiến hành các cải cách lớn, nhỏ, Trung Quốc thực sự đã đi rất xa, rất nhanh, hơn bất cứ lời tiên đoán nào, chẳng cần phải đề ra những mục tiêu, mục đích cao xa đó…
ĐINH CÔNG TUẤN
(PGS, TS, Viện Nghiên cứu Châu Âu)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Andre Chieng, Bàn về thực tiễn của Trung Hoa với Francois Jullien, Nxb Đà Nẵng 2007.
2, Nguyễn Văn Hồng, Mấy vấn đề lịch sử Châu Á và lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội 2001.
3. Daniel Burstein và Arne De Keuzer, Trung Quốc con rồng lớn của Châu Á, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2008.
4. Đinh Công Tuấn, Quá trình cải cách kinh tế – xã hội của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (từ năm 1978 đến nay), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1998.
5. Phạm Xuân Nam, Sự đa dạng văn hoá và đối thoại giữa các nền văn hoá - một góc nhìn từ Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 2008.
6. Hồ Sĩ Quý, Giá trị và giá trị Châu Á, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005.
7. Yến Khả Giai, Giáo hội công giáo Trung Quốc, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2007.
8. Trần Thị Phương Hoa, Một số nét cơ bản về diện mạo, đặc trưng và vai trò của văn hoá Châu Âu, đề tài cấp Bộ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, năm 2008.