Vượt lên mọi trở ngại, quan hệ Trung Quốc - ASEAN đã và đang tiến triển tích cực. Điều này xác nhận chính sách cân bằng đa nguyên cường quốc trong khu vực của ASEAN vì nó phù hợp với mục tiêu tạo dựng một ASEAN thịnh vượng trong thế kỷ 21. Đồng thời chứng tỏ Trung Quốc đang theo đuổi một chính sách ngoại giao thân thiện và có niềm tin đối với các nước ASEAN. Thực tế cho thấy, từ giữa những năm 1990, Trung Quốc và ASEAN đã có những bước phát triển ngoạn mục trong các quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh. Hai đối tác tác này đang chia sẻ các giá trị Châu Á. Đây chính là cơ sở để Trung Quốc và ASEAN tiếp tục phát triển quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
I. Như đã biết, Trung Quốc bắt đầu thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN 6 vào năm 1991, đồng thời khôi phục quan hệ ngoại giao với Indonexia và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và sau đó đã thiết lập quan hệ song phương với Singapo. Đây là sự thay đổi có tính bước ngoặt trong nhận thức của Trung Quốc về ASEAN trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, vẫn còn những mối nghi kỵ trong các nước ASEAN về sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc cũng như những căng thẳng đối với khu vực biển Nam Trung Hoa([1]). Công bằng mà xét thì đã không ít hơn một lần Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ về Quần đảo Trường Sa cũng như việc nước này sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự đã làm tăng mối nghi ngờ về một chính sách có thể tin được của nước này đối với Đông Nam Á.
Theo chiều lịch sử, chúng ta đã thấy trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan hệ của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á vừa là bạn vừa là kẻ thù. Đầu những năm 1950 cho tới nửa đầu những năm 1960, Trung Quốc có quan hệ thân thiện với Indonexia, thậm chí giữ vai trò lớn trong diễn đàn Hội nghị Á - Phi tổ chức tại Bandung năm 1955. Trung Quốc cũng đã duy trì quan hệ anh em với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và họ đã ủng hộ chúng ta trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Lưu ý là năm 1950, cả Indonexia và Mianma đã công nhận Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa còn các nước khác không công nhận và Trung Quốc cũng không có quan hệ gì. Có người gọi đó là thời kỳ ghẻ lạnh của Trung Quốc với Đông Nam Á không cộng sản. Lo sợ về sự lan tỏa của chủ nghĩa cộng sản, được sự ủng hộ của Mỹ, các nước Đông Nam Á đã tham dự tổ chức liên minh khu vực SATO (1954-1977). Tổ chức này được sự bảo trợ của Mỹ. Bên cạnh đó, sự nghi ngờ về vai trò của Hoa kiều tại khu vực này cũng như chính sách ủng hộ phái tả của Trung Quốc thời ấy như lửa đổ thêm dầu cho nhận thức về sự đe dọa của Trung Quốc. Có thể nói, chỉ sau khi Trung Quốc và Mỹ phá tan tảng băng trong quan hệ giữa hai nước năm 1972 thì quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á mới được cải thiện. Tới giữa những năm 1970, Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Thái Lan, Malaysia và PhiliPin, còn với Indonexia và Singapo thì mãi tới những năm 1990 thì mới bình thường hóa quan hệ.
Thực tế cho thấy, trong những năm 1980, chính sách của Trung Quốc bắt đầu có những thay đổi quan trọng đối với Đông Nam Á. Điều này được đánh dấu bằng hai sự kiện: thứ nhất là Trung Quốc ưu tiên phát triển các quan hệ nhà nước chính thức với các nước và không tiếp tục ủng hộ các phong trào cộng sản của các nước này như trước đây nữa ([2]); thứ hai, vào năm 1989 Trung Quốc đã thông qua đạo luật về quốc tịch, ở đó yêu cầu Hoa kiều nhập tịch ở nước sở tại. Bằng cách làm này, Trung Quốc đã khai thông quan hệ song phương với các quốc gia Đông Nam Á mà trước đó họ không có quan hệ. Cần phải nhấn mạnh rằng, đó là điểm có tính đột phá để từng bước Trung Quốc can dự nhiều hơn vào các quan hệ quốc tế của Đông Nam Á.
Có thể nói Trung Quốc có quan hệ chính thức với ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực kể từ tháng 7 năm 1991 khi Trung Quốc được mời tham dự cuộc họp Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 24. Năm 1994, Trung Quốc tham gia diễn đàn khu vực ARF và trở thành một bên đối thoại tích cực của ASEAN. Tháng 12-1997, trong cuộc gặp thượng đỉnh của Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và các nguyên thủ các nước ASEAN tại Malaysia, hai bên đã ra tuyên bố chung về thiết lập quan hệ láng giềng thân thiện và tin cây lẫn nhau hướng tới thế kỷ 21. Điểm mốc quan trọng nhất đánh dấu sự thay đổi tính chất của mối quan hệ này thông qua văn bản là việc Trung Quốc và ASEAN ký tuyên bố chung “đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng”, vào tháng 10-2003. Có thể người ta chưa hiểu hết thâm ý đối tác chiến lược của người Trung Quốc song với văn bản này Trung Quốc đã tự mình khẳng định họ có tầm quan trọng lớn hơn trong tương quan so sánh với các thế lực khác trong quan hệ với ASEAN. Ít ra thì nhận định này cũng có lý cho đến hiện nay, bởi ngoài Trung Quốc thì cả Mỹ và Nhật Bản đều chưa ký một văn bản nào như vậy với ASEAN.
Rõ ràng việc Trung Quốc tăng cường hợp tác chính trị và anh ninh với các nước ASEAN là nhằm ngăn chặn xu hướng lãnh đạo của Mỹ và làm giảm khả năng gia tăng sức ép của Mỹ lên Trung Quốc. Chẳng hạn, một bài báo trên tờ Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng cộng sản, phát hành ngày 2/4/2002, nói rằng hợp tác khu vực có tác động nhất định trong việc kiềm chế chủ nghĩa đơn phương siêu cường. Ngoài ra, một chương trình nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của Đông Á, đặc biệt là ASEAN trong việc thúc đẩy phát triển chủ nghĩa đa phương. Trung Quốc nước coi vấn đề Đài Loan là chuyện nội bộ nên đã tìm cách ngăn cản Đài Loan tham gia vào hợp tác Đông Á. Người ta có thể nhìn thấy điều này trong chính sách của Trung Quốc nhằm kiềm chế Đài Loan thông qua việc thúc đẩy hợp tác chính trị, an ninh với các nước Đông Á và thông qua mở rộng hợp tác Đông Á. Tờ Nhân dân Nhật Báo nhấn mạnh tại cuộc gặp bộ trưởng ASEAN + 3 vào tháng 7/2004 rằng các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết của chính phủ họ ủng hộ chính sách một Trung Quốc.
II. Có thể nói, với những thay đổi trong chính sách của Trung Quốc đối với ASEAN thể hiện qua việc ký hiệp định đối tác chiến lược với nhóm này là một bước tiến dài nhằm thể hiện với đối tác về một Trung Quốc có thiện chí và thực thi chính sách chính trị đối ngoại hòa bình với các nước láng giềng. Tuy nhiên cần phải thấy rằng, chính sách của Trung Quốc đối với ASEAN được tiến hành dựa trên ưu thế của một thế lực lớn và buộc các nước nhỏ hơn trong một chừng mực nào đó phải chấp nhận. Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Nam Trung Hoa sau khi họ ký công ước quốc tế về biển năm 1982 cũng như việc sử dụng vũ lực khi cần để bảo vệ cái gọi là lợi ích trên vùng biển của họ tuyên bố chủ quyền (việc này đã diễn ra một số lần trong thập kỷ 1980, 1990 và những năm gần đây) đã đặt các đối tác ASEAN vào thế đã rồi! Theo một nguồn tin của Trung Quốc, với hơn 3 triệu km2 vũng lãnh thổ trên biển mà họ nói là chủ quyền của Trung Quốc bao gồm cả hải phận lãnh thổ của các nước ASEAN (bao gồm: 410.000 km2 của Philipin, 270.000 km2 của Malaysia, 70.000 km2 của Việt Nam, 50.000 km2 của Indonexia và một phẩn của Brunei) ([3]). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tham vọng về lãnh thổ trên biển của Trung Quốc là một nhân tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột. Nhận rõ nguy cơ này và nhằm thiết lập một môi trường thuận lợi cho hợp tác kinh tế, các quốc gia ASEAN đã sử dụng nguyên tắc đồng thuận và thương lượng để trao đổi với Trung Quốc về vấn đề nhạy cảm này. Cơ chế hợp tác đa phương và song phương tỏ ra có hiệu quả trong việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao và chính trị giữa Trung Quốc và ASEAN. Cùng với việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông với ASEAN, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc trao đổi song phương với Việt Nam và Philipin. Từ 1992 đến 2007 đã có hàng chục vòng thương lượng Việt Nam - Trung Quốc được tiến hành. Tháng 12/1999, Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định biên giới trên bộ, quốc hội hai nước đã phê chuẩn hiệp định này năm 2000. Tháng 12/2000, Trung Quốc và Việt Nam đã ký hai hiệp định khác. Đó là hiệp định phân giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa ở Vịnh Bắc Bộ; và hiệp định hợp tác đánh cá Vịnh Bắc Bộ. Cả 2 hiệp định này được quốc hội hai nước phê chuẩn năm 2004. Tháng 3/2005, các công ti dầu khí quốc gia của 3 nước Trung Quốc, Việt Nam và Philipin đã ký một văn bản cùng tiến hành thăm dò trên biển đông. Nhiều chuyên gia coi đây như là đột phá khẩu của chính sách tạm gác bất đồng, cùng khai thác và phát triển của Trung Quốc với các nước này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đây là thủ thuật của Trung Quốc nhằm thể hiện sự ảnh hưởng của họ trong cuộc cạnh tranh với các thế lực khác ở khu vực này.
III. Cùng với sự tiến triển của quan hệ chính trị - ngoại giao, hợp tác trong lĩnh vực an ninh cũng được xúc tiến. Từ 2002-2006, bộ trưởng quốc phòng và các nhà lãnh đạo quân sự cao cấp của Trung Quốc đã tới thăm 10 nước ASEAN. Đồng thời cách nhà lãnh đạo quân sự các nước ASEAN cũng đã tới thăm Trung Quốc trong thời gian đó. Trung Quốc cũng đã xúc tiến các cuộc đối thoại an ninh với các quốc gia thành viên ASEAN cũng như cả với khối này. Trung Quốc đã bán các thiết bị quân sự cho 6 nước ASEAN (Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonexia, Philipin) trong 5 năm qua. Tháng 4/2006, Trung Quốc và Việt Nam tổ chức tuần tra chung trên vịnh Bắc Bộ.
Như đã nói ở trên, theo tinh thần tuyên bố đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN ký năm 2004, một chương trình hành động 5 năm (2005-2010) đã được phác thảo và 2 bên chấp thuận, ở đó tập trung vào 5 nhóm vấn đề chủ yếu.
- Tin cậy lẫn nhau trong hợp tác quốc phòng - an ninh
- Tiến hành đối thoại, tư vấn và tọa đàm về lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
- Hợp tác, đào tạo quân đội
- Tổ chức tập trận chung
- Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình
Theo chương trình này, hội nghị về chính sách an ninh ARF được tổ chức lần thứ nhất tại Bắc Kinh vào tháng 12 năm 2004. Ở đó, cả hai phía đã thảo luận các vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh khu vực như: khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và vòng đàm phán 6 bên, an ninh hàng hải và sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố ở khu vực. Cuộc họp lần thứ hai đã được tổ chức tại Lào tháng 5/2005. Tại đây, người ta thảo luận các vấn đề an ninh phi truyền thống như: chống buôn lậu, cướp biển, rửa tiền,…Trung Quốc cũng đã trợ giúp quân sự cho Philipin, bao gồm 1 triệu USD cho trang thiết bị quân sự và 1 triệu USD cho việc xây dựng một trung tâm đào tạo tiếng Trung Quốc cho quân đội nước này. Tuy nhiên, người ta vẫn thấy, hợp tác trong lĩnh vực an ninh quân sự giữa Trung Quốc với ASEAN tiến triển chậm, chưa tương xứng với nhu cầu và quy mô hợp tác theo tinh thần đối tác chiến lược mà 2 bên đã thỏa thuận.
* *
*
Như vậy từ việc điểm qua những nét chủ yếu trong chính sách của Trung Quốc đối với ASEAN trên khía cạnh ngoại giao, chính trị và an ninh cho phép nhận định rằng, quan hệ song phương giữa hai thực thể này đang tiến triển thuận lợi, ở đó Trung Quốc đang thực thi một chính sách mang tính nhất quán và với những toan tính nhằm mở rộng ảnh hưởng của họ tới khu vực này, đồng thời mở đường cho việc xây dựng và phát triển các quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với ASEAN.
PGS. TS. NGÔ XUÂN BÌNH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kuala Lumpur Declation, 14 December 2005, www.aseansec.org/18098.htm (accessed 18 February 2006).
2. Melissa G. Curley and Nicholas Thomas (eds.), (2007). Advancing East Asian Regionalism. London, New York, Rouled
3. David Martin Jones, M.L.R. Smith, (2006). ASEAN and East Asian International Relations, Cheltenham, UK.
4. Paul B. Stares, (ed.,), (2000), Rethingking Energy Security in East Asia, Worldwide outside Japan by Brookings Institution Press.
5. Linus Hagstrom and Marie Soderberg, (eds.,), (2006), North Korea Policy: Japan and the Great Powers, New York: Routledge.
6. Edward Friedman and Sung Chull Kim, (eds.,), (2006), Regional Cooperation and Its Enemies in Northeast Asia: the Impact of Domestic Forces, New York: Routledge.
7. Nicholas Eberstadt and Richard J. Ellings, (eds.,), (2001), Korea’s Future and the Grat Powers, Seattle: National Bureu of Asian Research in association with University of Washington Press.
8. Dana R. Dillon, (2007), The China Challenge: Standing Strong Against the Millitary, Economic, and Political that Imperl America, Lanham, Md.: Rowma & Littlefield: Distributed by National Book Network.