Trang chủ

TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC NHẬT Ở SHIZUOKA

Đăng ngày: 2-01-2013, 10:57 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 9

Trang phục truyền thống là thành tố không thể tách rời trong văn hoá vật chất, bởi lẽ cùng với ăn, ở, phương tiện đi lại, vận chuyển… qua nghiên cứu sẽ lý giải được nhiều vấn đề về lịch sử tộc người, kinh tế, văn hoá, xã hội của dân tộc Nhật nói chung, ở Shizuoka nói riêng. Như vậy, nghiên cứu trang phục truyền thống của dân tộc Nhật ở Shizuoka không chỉ giúp chúng ta hiểu biết đầy đủ và sâu sắc hơn về nền văn hoá truyền thống của dân tộc Nhật mà còn thấy được những sắc thái văn hoá mang tính địa phương của cộng đồng người Nhật nơi đây. Sở dĩ như vậy là bởi Shizuoka là vùng lãnh thổ không những tiêu biểu cho văn hoá Nhật Bản mà còn bao hàm nhiều nét độc đáo về lịch sử - văn hoá. Do vậy, qua trang phục truyền thống của dân tộc Nhật ở Shizuoka sẽ góp một cái nhìn toàn diện, thấu đáo hơn về văn hoá Nhật Bản nói chung, văn hoá vật chất của dân tộc Nhật nói riêng.

1. Quá trình tạo ra trang phục

Để tạo ra trang phục, người Nhật ở Shizuoka từ xa xưa đã sử dụng nhiều loại nguyên liệu khác nhau song tựu chung chúng đều có nguồn gốc thực vật và động vật. Nguyên liệu thu được từ thực vật khá đa dạng là các loại sợi lấy từ vỏ, cuống, thân của những loài cây mọc hoang dã như gai (Asa), đậu tía (FuJi), sắn dây (Kuzu), một số loài cây thân leo (Tsuru)…và cây canh tác được là cây bông (Wata). Nguyên liệu có nguồn gốc động vật đã được sử dụng từ rất lâu rồi, đó là đồ mặc và đồ đi ở chân làm từ lông, da của các loại động vật như: gấu (Kuma), lợn rừng (Inoshishi), hươu (Shika)… Song càng về sau này, đồ mặc như thế dần ít đi nhưng không hoàn toàn biến mất mà vẫn được giữ lại và sử dụng trong những dịp đặc biệt cho đến ngày nay. Nguyên liệu từ động vật quan trọng bậc nhất đối với người Nhật nói chung, ở Shizuoka nói riêng là sợi tơ tằm. Bên cạnh những loại nguyên liệu dệt thu được từ các loài cây hoang dã kể trên thì nguồn nguyên liệu chủ yếu là sợi bông, gai bởi chúng ngày càng chiếm vị trí quan trọng nếu không muốn nói là không thể thay thế so với các nguồn nguyên liệu khác. Đây là những loài cây được trồng ở nương, vườn từ xưa để dệt vải mặc và theo sử sách ghi lại thì cây bông du nhập vào Nhật Bản khoảng từ năm 1532 - 1555 hay khoảng cuối thời kỳ Muromachi (1333- 1573) cây bông đã được trồng ở Nhật Bản, sau đó trồng rộng rãi ở các địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp mà Shizuoka là một trong những địa phương đó. Nhìn chung, điều kiện tự nhiên thích hợp với cây bông nên sản phẩm dệt của Shizuoka cũng được đánh giá rất chất lượng. Sợi bông được sử dụng để tạo ra các loại sản phẩm liên quan đến y phục phù hợp với giới tính, công việc, chức năng xã hội, thời tiết trong năm… Do đó, sợi bông là nguồn nguyên liệu dệt quan trọng trong đời sống tự cấp tự túc trước kia và trở thành hàng hoá trong các giai đoạn phát triển xã hội sau này. Nhìn chung, việc trồng bông, gai cùng thu hoạch, chế biến hầu hết do nữ giới đảm nhiệm, nam giới chỉ gánh vác ở một vài công đoạn khá nặng nhọc như tước vỏ gai, vận chuyển về nhà.

Từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX, có thể nói trồng dâu, nuôi tằm tuy chỉ là nghề phụ của nông nghiệp song đã có một quá trình tồn tại và phát triển phồn thịnh ở vùng nông thôn Nhật Bản mà Shizuoka cũng không phải là ngoại lệ. Thời kỳ Taisho (1912- 1926) được xem như là giai đoạn cực thịnh của nghề trồng dâu nuôi tằm vậy và bức tranh chung là cho đến trước năm 1945, hầu hết ở nông thôn đều tồn tại nghề này. Việc nuôi tằm có thể khác nhau ít nhiều ở các vùng và tuỳ từng nơi mà tên gọi cũng khác nhau song phổ biến là tằm xuân (Harugo, Haruko), tằm hạ (Natsugo), tằm thu (Shuko), ngoài ra còn có tằm đêm thu (Banshusan). Việc nuôi tằm ở nông thôn miền núi thông thường không chỉ 2-3 vụ mà còn nhiều hơn nhất là vào mùa hạ và mùa thu, do đó hầu như khoảng 30 ngày tiến hành một vụ nuôi tằm. Tơ tằm (Keba) lấy ra từ các loại kén tuỳ theo chất lượng để phân loại từ cao xuống thấp. Thông thường, người ta gọi là "kén thượng", "kén đại" và "kén trung" song cũng có nơi phân ra làm "kén thượng", "kén trung", "kén nhỏ", "kén thường". Như tên gọi "kén thượng" là loại tốt nhất nên sẽ thu được loại tơ tương ứng và trở thành hàng hoá bán "chạy nhất". Các loại kén còn lại thường có khiếm khuyết nên cho loại tơ chất lượng kém hơn, do vậy cũng khó bán hoặc bán rẻ và các gia đình sử dụng để dệt các loại vải may y phục cho các thành viên trong gia đình. Mặc dù vậy, Shizuoka vẫn là địa phương nổi tiếng về nghề dệt vải tơ tằm chất lượng cao để bán ở nhiều nơi khác, nhất là các địa phương vùng Kanto. Nhìn chung, nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải trải qua những bước thăng trầm nhưng ngày càng tiến bộ và cùng với đó là một số thay đổi theo thời gian song dường như có sự phân công lao động tự nhiên khá rạch ròi đó là nam giới thường chuyên tâm vào việc trồng dâu, còn nữ giới thì đảm nhiệm việc nuôi tằm dệt vải.

Khi nói đến nghề dệt, dụng cụ quan trọng bậc nhất có liên quan là cái khung cửi (Hata) song để phù hợp với từng loại sản phẩm mà người ta sử dụng những loại khung cửi khác nhau. Nhìn chung, nữ giới trước kia phải gánh vác nhiệm vụ là người làm ra đồ mặc cho gia đình nên họ "nghiễm nhiên" trở thành thợ dệt như lẽ đương nhiên. Vả lại, khung dệt hầu như có ở các gia đình cho nên quá trình trở thành người thợ không phải là quá khó khăn. Có thể nói, nghề dệt là quá trình tiếp nối giữa các thế hệ trong gia đình qua người mẹ truyền dạy cho con gái hoặc bà truyền lại cho cháu gái, điều đó cứ tiếp tục và là một khuynh hướng không thay đổi khi nhìn từ góc độ truyền thống. Trên thực tế, từ 13 - 14 tuổi, nữ giới đã bắt đầu học dệt, để khi 16 - 17 tuổi có thể lĩnh hội nghề một cách cơ bản. Để đạt tới trình độ tay nghề cao như dệt được lụa phải mất thêm vài năm nữa tức khoảng 19 -20 tuổi hoặc hơn. Người con gái phải đảm nhiệm tất cả các công đoạn và nếu bộ y phục sang trọng của bản thân tự hoàn thành được để có thể tự tin diện trong các dịp lễ hội thì đó là minh chứng đã khẳng định được nghề

Khung dệt thường đặt ở một vị trí dành cho nữ giới trong gia đình nhằm tạo thuận lợi cho việc học và làm ra y phục. Tất cả không chỉ nhằm mục đích hoàn thiện nghề nghiệp mà còn muốn khẳng định vai trò, thậm chí phẩm hạnh của người con gái đến tuổi trưởng thành. Với nghề dệt cho thấy nữ giới chính là chủ nhân của vấn đề kỹ thuật với tất cả sự phong phú, đa dạng hàm chứa trong đó. Điều đó biểu hiện qua sự khác nhau về sản phẩm dệt, các giải pháp kỹ thuật, công cụ liên quan không chỉ với mỗi cá nhân mà còn giữa các vùng miền với nhau. Điểm chung dễ nhận thấy về người quản lý nguyên liệu, dự trữ, cung cấp trang phục trong gia đình chính là người vợ, do đó, họ cũng nắm luôn kỹ thuật dệt trong cộng đồng. Không quá khi cho rằng trang phục ngày xưa chính là sức mạnh của nữ giới được ẩn trong đó. Tuy nhiên, kỹ thuật dù có như nhau song sản phẩm dệt vẫn có thể khác nhau bởi còn phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu, tay nghề của người thợ. Không chỉ vậy, kỹ năng tạo ra sản phẩm là kết quả của quá trình truyền bá, truyền thụ lâu dài từ nhiều nguồn khác nhau như của tổ tiên, của khu vực khác, từ quốc gia khác… cùng với đó còn là quá trình giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau tạo nên những giải pháp kỹ thuật mới nhiều khi khác với nguồn gốc ban đầu. Ngoài ra, kỹ thuật bí truyền cũng là một khía cạnh tồn tại trong nghề dệt nên đã tạo ra những sản phẩm có giá trị mà độc đáo trong xã hội.

Như vậy, nghề dệt truyền thống có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội ở Shizuoka xưa kia, đồng thời nói tới nghề dệt tức gắn liền với vai trò của nữ giới trong gia đình và xã hội. Không chỉ vậy, nghề dệt, cụ thể hơn là kỹ năng dệt còn được xem là thước đo, là tiêu chuẩn đánh giá tài năng và đạo đức của nữ giới trong quan niệm xã hội truyền thống. Theo đó, bà chủ nhà là người có vai trò chính trong việc quản lý đồ mặc của gia đình vốn được xem là tài sản của gia đình trước kia.

Liên quan tới trang phục không thể thiếu các giải pháp tạo mầu nền của y phục bởi đây là công việc thật sự quan trọng nhất là với y phục của nữ giới. Sản xuất vải xưa kia là tự cấp tự túc nên hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường xung quanh, do đó, con người nơi đây đã hiểu biết rất rõ việc khai thác cây cỏ trong thiên nhiên để tạo thuốc nhuộm cho y phục của mình. Như vậy, chất liệu nhuộm hầu hết có nguồn gốc thực vật là lá, quả, hoa, vỏ, cành, rễ… bao gồm cả cây hoang dã và cây trồng được. Nhìn chung, vải được nhuộm từ các loại nguyên liệu từ thực vật đều cho mầu sắc đẹp, bền theo thời gian. Hơn nữa, việc nhuộm sợi hay vải còn phụ thuộc vào từng loại thuốc nhuộm, thậm chí là tập quán, kinh nghiệm của mỗi vùng miền. Thật ra, cách pha mầu, cách nhuộm cùng các công đoạn xử lý kỹ thuật đối với mỗi loại sản phẩm còn phụ thuộc vào từng nơi, thậm chí với mỗi gia đình bởi còn bao hàm yếu tố kinh nghiệm và bí truyền trong đó nữa.

Đối với trang phục, ngoài việc tạo mầu nền của vải cần phải kể đến hoa văn (Moya) bởi đây là yếu tố không thể tách rời trong trang phục truyền thống. Tuy nhiên, để tạo hoa văn trên vải không phải là công việc đơn giản cho nên những mầu cơ bản như đen, chàm, nâu vẫn chiếm phần chủ đạo của y phục, còn hoa văn chỉ là điểm xuyết. Để tạo ra hoa văn người ta sử dụng một số phương pháp chính như dệt, thêu, nhuộm mà hầu hết do nữ giới đảm nhiệm song cũng chỉ giới hạn ở một số người có chuyên môn, tay nghề cao mà thôi. Với tầng lớp bình dân, hoa văn kẻ hoa, lốm đốm trắng, đen và cách thức tạo ra luôn được bảo vệ khá nghiêm ngặt cho nên tính phổ cập hạn chế nhiều cùng với người biết sử dụng phương pháp này rất ít. Những mô típ hoa văn về động vật, thực vật phức tạp rõ ràng không dành cho tầng lớp bình dân mà thuộc về các tầng lớp, đẳng cấp thống trị trong xã hội xưa kia. Điều đó phản ánh quan hệ xã hội trong trang phục truyền thống của dân tộc Nhật ở Shizuoka.

2. Các hình thái của trang phục

Trang phục khi làm việc có xu hướng chung là che kín hầu hết thân thể nhất là với nông dân phải làm việc hầu hết ở ngoài trời nên càng dễ nhận rõ hơn điều này. Hình ảnh dễ nhận thấy nhất khi người dân làm việc trên cánh đồng, trong núi rừng, nương vườn của họ về cơ bản như sau đây.

Nam giới, bên trong mặc áo Jiban hay Juban (là áo bó sát người), ngoài mặc áo Shatsu (tương tự như áo sơ mi), áo khoác ngắn (Haori) hoặc áo Hanten (áo khoác dài, ống tay rộng, không có khuy mà vắt chéo vạt áo rồi thắt dây lưng). Nếu không mặc Hanten thì mặc Nagaki (áo tương tự như Hanten nhưng dài hơn). Loại áo khoác ngắn Mimishirobanten được nhiều tầng lớp như thương nhân, viên chức, ngư dân sử dụng khi làm việc. Chất liệu của các loại áo thường là từ vải bông hoặc vải kẻ hoa, vân hoa song nhìn chung ít sử dụng vải sáng mầu. Mùa hạ, người ta thường chỉ mặc một áo khi làm việc, còn mua đông mặc thêm áo khoác bông (Norahanten) hoặc áo khoác dày (MoJiribanten). Phần thân trên không thể thiếu dây thắt lưng (Obi) thường làm bằng vải dày, bền ngoài việc giữ thân áo còn là nơi gài dao và dụng cụ lao động liên quan. Vào mùa đông người ta còn dùng Haragake là tấm vải buộc quấn ở vùng ngực cho ấm (tương tự như tạp dề). Thân dưới, nam giới thường quấn tấm vải Fundoshi (một dạng quần lót), ngoài mặc quần lao động ống hẹp gọi là Momohiki hoặc Hakama (một loại váy liền quần). Tuy nhiên, mặc quần bình thường (Zubon) là một xu hướng ngày càng phổ biến về sau này.

Về đồ đội đầu, khăn đội đầu khá đa dạng có thể là quấn khăn đầu rìu, quấn quanh đầu bằng khăn tay (Tenugui). Nhìn chung, họ thường đội nón (Kasa) làm từ tre nhưng có nhiều loại và tên gọi khác nhau tuỳ theo từng vùng và loại nón như Tonbogasa, Ootongasa, Kotongasa, Nogasa... nhưng tên gọi phổ biến và thông dụng nhất là Sugegasa và Tegasa. Các thứ phụ trợ trong trang phục lao động như bao tay (Udenuki), găng tay (Tetkou, Teko) được sử dụng thường xuyên trong lao động hàng ngày ở các vùng miền. Khi làm việc nhằm bảo vệ bắp chân, người ta còn sử dụng xà cạp (Kyakuhan, Habaki), đồ đi ở chân như dép cỏ (Kusahaku), dép rơm (WaraJi), giầy vải xỏ ngón (Chikasokufukuro, Chikaashihan). Những nơi không trồng lúa, người ta có thể không sử dụng dép rơm nhưng lại tận dụng những nguyên liệu thực vật khác để sáng tạo ra như vỏ một loài cây gọi là Shira, sợi của một loài cây leo là Akebi... Trước năm 1945, người ta còn sử dụng da lợn nuôi và lợn rừng để làm ra dép khi làm việc gọi là Shiramuki. Khi làm việc gần nhà người ta thường đi guốc gỗ (Geta), dép cỏ lót vải gai bởi dép cỏ nhiều khi chỉ sử dụng được khoảng một tuần.

Với nông dân, khi làm việc không thể không kể đến một vật dụng thiết yếu đó là áo tơi (Semino) được làm từ rơm, lá cây, vỏ cây, cói... song đều với mục đích bảo vệ cơ thể khi làm việc dưới trời mưa hoặc nắng nóng. Có một số loại áo mưa truyền thống gọi là Mino được làm từ rơm (Waramino) với tên gọi phổ biến là Yurota, từ cỏ Chigaya (Kusamino), sợi của lá cây Shuro (Shuromino) song áo cỏ và áo Shuro có ống tay áo. Trước năm 1945 còn có áo mưa làm từ vải bông trắng, ngoài sơn dầu nên tránh mưa rất tốt.

Trang phục khi làm việc của ngư dân về cơ bản giống như các vùng khác song ở những khu vực lạnh giá về mùa đông, họ thường mặc trang phục với các tên gọi khác nhau tuỳ theo từng nơi như Donda, Botko, Ponchin, Zonza... Vùng ven biển, nam giới thường mặc Donda là loại áo làm từ vải bông nhưng gồm 2 -3 lớp, thắt đai, không có ống tay, có nhiều túi để đựng dụng cụ hoặc cá câu được để tạm trong đó và đây được xem là áo điển hình trong trang phục của ngư dân làm việc trên biển. Ngoài áo khoác ngắn Mimishirobanten, nam giới vùng ven biển còn mặc loại áo khoác MoJirisode cũng tương tự như áo khoác Hanten. Cư dân ven biển cũng sử dụng đồ đội đầu là quấn khăn, các loại nón, đồ đi ở chân là dép cỏ, rơm và nhiều loại áo mưa.

Nữ giới khi làm việc cũng mặc áo trong bó sát người (HadaJiban), bên ngoài là áo khoác ngắn (Hanten) hoặc áo khoác dài (Nagaki), áo khoác có tay áo dài (Genrokusode). Mùa hè thường mặc một áo, thắt dây lưng nhỏ hoa văn đốm đen, trắng, mùa đông mặc áo bông (Norabanten), áo khoác dày (Awase), thắt dây lưng to bản để giữ ấm hoặc mặc Ponshin (áo khoác bông không có ống tay áo).

Bộ y phục lao động hầu hết phải thắt dây lưng (Okashi, Obi) nhất là thắt Tasuki (là băng vải hẹp quàng ở hai vai, bắt chéo nhau ở sau lưng dùng để giắt vạt áo dài lên lúc lao động) với mầu sắc khá nổi bật như mầu đỏ chẳng hạn. Thân dưới mặc Koshimaki (váy thắt dây lưng), khi làm việc thì gấp phần đuôi áo giắt vào dây lưng, đai (Botko) cho gọn. Mùa hè mặc váy vải thường, vải bông, mùa đông là vải bông dày, vải len. Về cơ bản, nữ giới cũng sử dụng các loại nón, bao tay, xà cạp, giày vải xỏ ngón, dép cỏ, rơm, các loại áo mưa, áo tơi, áo cói như nam giới, song điểm khác là về hình thức, màu sắc. Nữ giới còn dùng khăm trùm đầu và mặt (Denchuo) để chống gió mùa đông và nắng gắt.

Trang phục của nữ giới làm ngư nghiệp về cơ bản như các vùng chỉ có một vài nét khác biệt nhỏ. Nữ giới làm việc ngoài bờ biển mặc áo dài bó sát người, thắt dây lưng, mặc váy, đầu quấn khăn.

Trang phục ngày thường, gọi một cách chung nhất là Tsunegi không khác nhiều với trang phục khi làm việc là mấy. Thật vậy, đối với tầng lớp bình dân, nếu chỉ lược bỏ một vài chi tiết phụ thuộc thì y phục lao động cũng gần như là y phục ngày thường. Nhìn chung, nam giới mặc Kimono của giới mình gồm áo và váy, thắt dây lưng, ngoài khoác áo Hanten. Người lớn thường thích hoa văn sẫm mầu, còn trẻ em thích hoa văn sặc sỡ. Có thể ngày thường họ không đội nón nhưng vẫn quấn khăn, không dùng găng tay, xà cạp nhưng vẫn mặc y phục lao động, xỏ dép cỏ, rơm. Tuỳ theo hoàn cảnh, theo mùa mà áo sử dụng có mấy loại là áo khoác dài hay ngắn, có ống tay áo hoặc không có ống tay áo, có lót bông và không lót bông. Nữ giới về cơ bản trong ngày thường mặc Kimono không quá cầu kỳ, thắt dây lưng Okoshi hoặc loại dây tương tự là Botkoobi. Đội khăn khi ở nhà cũng trở thành thói quen của nhiều người trong nữ giới vì họ thường quấn khăn rồi đội nón lên trên. Y phục ngày thường của nữ giới cho thấy người lớn thường mặc vải có hoa văn đơn giản, thiếu nữ ưa thích mầu trà, xanh dương. Những loại vải kẻ, vân hoa cũng được nữ giới ưa chuộng nhất là kẻ hoa, vân hoa mầu chàm, xanh lơ, xanh lơ pha với đỏ tía. Về mùa hạ, thường khi ở nhà nữ giới chỉ mặc y phục là áo liền váy, thắt dây lưng đơn giản.

Dép sử dụng khi ở nhà ngày thường cũng làm từ cỏ, rơm nhưng không bền chắc như khi làm việc. Loại dép như vậy chỉ được sử dụng ở phòng nuôi tằm hay phòng vệ sinh. Ngoài ra còn có dép lê dùng trong gian phòng nền đất không lát ván sàn. Guốc gỗ (Geta) cũng được sử dụng chủ yếu trong ngày thường với guốc đế cao hoặc guốc gỗ xỏ ngón (Tsumagake) trừ người già vẫn đi dép cỏ, rơm.

Về y phục của trẻ em, trước kia trẻ sơ sinh thường mặc đồ được may sửa từ y phục cũ song khi đến chùa làm lễ sẽ mặc bộ đẹp may cắt từ vải tốt có hoa văn. Qua tuổi sơ sinh, trẻ em trai và gái đều mặc Kimono thắt dây lưng (Nuiage, Shinmosu, FuJimosu) dài khoảng 90 cm. Hầu hết các bé trai mặc vải hoa văn lốm đốm trắng, các bé gái ngoài vải đó còn mặc các loại khác phong phú hơn về hoạ tiết hoa văn. Ngay từ nhỏ, trẻ em đã được cho đội mũ, nón và đi guốc gỗ, dép rơm, cỏ khi ở nhà và ở trường học. Như vậy, trẻ em hầu như quanh năm mặc y phục thường ngày, chỉ trong những dịp đặc biệt mới được mặc y phục mới như trong dịp Tết, lễ hội Obon, ngày lễ của trẻ em 3 - 5 - 7 tuổi và khi đi học… các bé trai được mặc Hakama (một loại váy liền quần), áo khoác Haori thắt lưng mầu xám đen, các bé gái mặc Kimono thắt lưng đỏ, chân đi tất vải, guốc gỗ mới.

Trang phục liên quan đến các dịp đặc biệt trong đời người có khá nhiều như khi mới sinh, cưới xin, tang ma, lễ chúc mừng, lễ hội, Tết… Trong các dịp này, trang phục của mỗi thành phần xã hội, lớp tuổi, giới tính… đều có nét chung và riêng phù hợp với từng đối tượng.

Trước hết là y phục cho trẻ sơ sinh, khi vừa chào đời đứa trẻ sẽ được quấn, bọc trong Jipan (một kiểu áo bó sát người của nữ giới) đã sử dụng của người mẹ. Hầu hết đồ mặc dùng cho trẻ sơ sinh làm từ vải bông, gai hoặc vải len gọi là Ubugi hay Obugi. Mầu sắc của đồ mặc với bé trai phổ biến là mầu nhạt vì không được quá đậm hay quá sặc sỡ, với bé gái là mầu hoa đào, còn lại là mầu trắng giữ nguyên hình dạng hoa văn lá của vải gai. Trẻ em sau khi sinh được 30 (hoặc 31 ngày), 51 ngày và 101 ngày là những dịp đến đền làm lễ cầu may mắn và khi đó đều có đồ mặc riêng mới và đẹp cho đứa trẻ gọi là y phục chúc mừng. Lễ chúc mừng lên 3 tuổi là lần đầu tiên mặc Kimono (thông thường là vải bông) có thắt dây lưng. Tiếp đó, khi 5 tuổi, 7 tuổi đều phải thực hiện nghi lễ chúc mừng và mỗi dịp này phải may y phục mới và đến đền làm lễ. Thông thường, y phục làm từ vải bông, nam giới ở phố mặc vải đốm trắng còn ở nông thôn mặc vải kẻ hoa, vân hoa. Y phục của nữ giới với hoa văn đa dạng hơn, kể cả vải đốm trắng cũng được sử dụng ở nông thôn.

Trong lễ kết hôn, cô dâu (Hanayome) mặc trang phục mầu sáng, nhất là mầu trắng luôn được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Mầu trắng thể hiện rõ từ khăn đội đầu, váy áo cho đến tất tay, chân, thậm chí dép, guốc cũng một mầu như vậy. Trang phục truyền thống của cô dâu rất cầu kỳ về kiểu dáng từ đồ đội đầu, kiểu tóc, trâm cài, đồ đi ở chân, các đồ trang sức v.v… Chẳng hạn, cô dâu mặc áo hai lớp có hoa văn trắng, áo trong (Jiban) may từ lụa, vạt áo nhuộm hoa văn. Tiếp đó, áo khoác dài bên ngoài bó sát người thắt đai lưng gắn thêm đồ trang sức bằng cách dùng dây nhỏ buộc nhẹ lại. Ngoài ra, sự khác nhau giữa gia đình thượng lưu và bình dân biểu hiện rất rõ qua bộ trang phục cưới từ đồ đội đến chất liệu vải, đồ trang sức, đồ đi ở chân v.v… Tuy là vậy nhưng trang phục cưới không chỉ là một bộ và một kiểu trang điểm duy nhất mà phải thay đổi tuỳ theo trình tự trong lễ cưới song dù thế nào thì mầu trắng vẫn là cơ bản nhất. Chính vì lẽ đó, trước khi vào nhà chồng, cô dâu phải mặc trang phục thuần khiết mà không phải là mầu khác. Trong lễ kết hôn, trang phục của chú rể (Hanamuko) cũng khác biệt so với ngày thường bởi tính chất long trọng của nghi lễ. Với gia đình thượng lưu, giầu có thì chú rể mặc áo khoác dài (Hanten) có hoa văn màu đen, thắt dây lưng cứng dệt bằng sợi tơ tằm (Kakuobi), mặc váy liền quần truyền thống của nam giới (Hakama), bên ngoài mặc áo khoác ngắn hoa văn mầu đen. Trường hợp gia đình bình thường, nhìn chung mặc váy liền quần truyền thống, áo trong kẻ hoa, vân hoa, áo khoác ngắn hoa văn mầu đen. Điểm khác biệt để nhận thấy là nguyên liệu may trang phục của chú rể thuộc tầng lớp thượng lưu, giầu có đắt và hiếm cùng sự cầu kỳ hơn so với tầng lớp bình dân. Điểm chung ở trang phục chú rể là trong ngày này không mặc vải hoa văn đốm trắng. Trong lễ kết hôn, những người có quan hệ họ hàng thân thuộc và bạn hữu của cô dâu, chú rể cũng mặc lễ phục còn về phía khách, nhìn chung mặc trang phục ngày thường nhưng mới hơn.

Một nghi lễ cũng rất cần lưu ý và trân trọng trong cuộc đời mỗi người là lễ lên lão (Kanreki) khi bước vào tuổi 60. Người đến tuổi lên lão, trong lễ này được ngồi trên đệm bông, vận trang phục với nét đặc trưng là đầu đội khăn mầu đỏ, ngoài khoác áo Chanki (một kiểu áo không có ống tay) hay còn gọi với tên phổ biến khác là Ponshin. Nhìn chung, trang phục của lễ lên lão với gam mầu chủ đạo là mầu đỏ.

Trong các dịp lễ hội (Matsuri), Tết (Oshogatsu), trang phục của mọi người khác với ngày thường song điều đó còn phụ thuộc vào tính chất, mục đích của từng lễ hội và vị trí của người tham gia. Nhìn chung, trang phục của nữ giới trong lễ hội là bộ Kimono, ống tay áo rộng, hoa văn đa dạng hoặc lốm đốm trắng, thắt dây lưng to bản, đầu có thể đội khăn, mũ hoặc làm đẹp bằng các kiểu tóc cầu kỳ, chân đi guốc gỗ trang trí đẹp, bít tất trắng hoặc đi dép cỏ. Nam giới mặc trang phục kẻ hoa, vân hoa, thắt dây lưng cứng (thường dệt bằng tơ tằm), đơn giản hơn là bộ Kimono hoa văn đốm đen, áo khoác ngắn, đội mũ rơm hoặc quấn khăn, chân đi guốc gỗ hoặc dép rơm. Trong dịp Tết, mọi người mặc trang phục mới với nhiều loại hoa văn đã được chuẩn bị, mua sắm từ trước đó nhất là với trẻ em. Dù bộ Kimono không mới nhưng guốc, giày vải xỏ ngón, dây lưng đều phải mới trong những ngày Tết.

Trong tang ma, mầu của trang phục là mầu trắng và trang phục của người đã khuất gọi là Shinishozoku. Sau khi tắm rửa cho người đã khuất, dùng vải bông trắng khâm liệm rồi mặc trang phục Kimono mầu trắng, mặc mặt trái và từ bên trái trước. Tóm lại, trang phục của người chết hoàn toàn mầu trắng, cả thắt lưng (Otsutatemusubu), mũ, bao tay, bít tất chân cũng vậy. Những người trong hội tang lễ mặc bộ trang phục riêng là Yamatakebo với đặc trưng là mỹ có chóp cao. Trong khi đó, những người đến tham dự, phúng viếng hầu hết mặc trang phục mầu trắng còn trong tang lễ, nữ giới đội khăn trắng bằng vải mỏng. Đặc biệt, những người có quan hệ mật thiết, thân thuộc với người đã khuất phải mặc đồ trắng từ mũ cho đến dây lưng và bít tất đều mầu trắng. Người phúng viếng tang lễ đi dép cỏ (Ashinaka) khi về đến gần nhà thì cởi vứt bên lề đường để thay bằng đôi dép mới hoặc đi chân trần về.

Ngoài những loại hình trang phục đã đề cập, thiết nghĩ không thể thiếu y phục khi đi ngủ và đồ dùng liên quan. Về mùa hè, thường chỉ mặc một áo lót mỏng (Jiban) cùng y phục phù hợp, còn mùa đông mặc thêm áo dày dù có thể là đồ cũ. Song, bộ đồ ngủ phổ biến cả nam giới và nữ giới sử dụng là áo liền váy dài đến bắp chân hoặc cổ chân, vạt bắt chéo, thắt dây lưng nhỏ. Ngoài ra còn dùng loại áo ngủ vải bông dày vào mùa đông gọi là Yogi. Bộ đồ mặc này còn được sử dụng khi đi tắm và trở nên thịnh hành cho đến ngày nay. Chăn (Futon), đệm (Yagu) thường do các gia đình tự làm và do nữ giới đảm nhiệm. Ngoài chăn bông còn có chăn nhồi rơm, tuy chất lượng không cao nhưng cũng được cho là mềm và ấm rất phù hợp với hoàn cảnh đương thời. Gối ngủ (Makura) thường làm bằng vải bông mầu chàm, đen, hình trụ tròn, nhồi vỏ trấu, vỏ kiều mạch hoặc vỏ đỗ. Gối vuông cũng được sử dụng trong trường hợp nữ giới buộc tóc khi ngủ.

3. Sự biến đổi của trang phục

Trước hết, trong trang phục thường ngày và khi làm việc cho thấy bộ trang phục truyền thống cũng thay đổi theo thời gian, giới tính, tuổi tác và thời đại bởi đồ mặc không phải là bất biến. Những thay đổi về kinh tế - xã hội và văn hoá mà cụ thể là nguồn nguyên liệu (từ sợi dây leo đến sợi bông, tơ tằm rồi sợi nhân tạo), kỹ thuật (từ dệt thủ công đến dệt máy bán tự động rồi tự động), quá trình giao lưu, ảnh hưởng trong và ngoài nước v.v... là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự biến đổi của trang phục.

Nữ giới xưa kia thường mặc váy loại Koshimaki (tuỳ theo tầng lớp, đẳng cấp mà độ dài đến ống chân, cổ chân hoặc trùm kín chân quét đất) trong ngày thường và khi làm việc. Tuy nhiên, theo thời gian một loại quần mới hình thành bắt đầu từ đô thị rồi du nhập, ảnh hưởng đến nông thôn gọi là Monpe (hay Motpe, Monpee). Monpe tương tự như quần lao động (Momoohiki) của nam giới nhưng ống dài hơn đến bắp chân hay cổ chân do đó có thể buộc vào ống chân khi làm việc và giữ ấm cho cơ thể. Sự xuất hiện của Monpe từ khi nào vẫn chưa có câu trả lời chính xác, chỉ biết rằng thời kỳ du nhập mạnh mẽ của kiểu quần này tới các làng quê là từ thời kỳ Taisho (1912 - 1926) đến năm 1936 song chậm nhất là đối với các làng chài, cũng năm này học sinh mới bắt đầu mặc Monpe.

Trong trang phục thường ngày tiếp tục hình thành những xu hướng mới do ảnh hưởng của thời đại. ở phố phường, đến thời kỳ Taisho, nam giới đã mặc âu phục song phải cần nhiều thời gian âu phục mới "xâm nhập" được ở nông thôn. Trước năm 1945, những người mặc âu phục thường là giáo viên phổ thông, công chức và quân nhân. Đối với nữ giới, thời gian đầu họ không dám mặc khi tiếp xúc với người khác mà chủ yếu "diện" vào ban đêm. Song, cùng với thời gian, âu phục đơn giản để mặc nhà đã dần được chấp nhận. Một khi được nhiều người ủng hộ, âu phục trở nên "bình thường" thì việc sử dụng đã phổ biến hơn vào mùa hè và cả khi lao động nữa. Mặc dù vậy, âu phục vẫn giữ vị trí "khiêm tốn" bởi đến thập niên 1950, nữ giới ngày thường vẫn mặc Kimono. Đến thập niên 1960, nữ giới mới mặc áo ngắn, áo khoác bên ngoài Monpe rồi ngày thường cũng mặc âu phục để rồi cuối cùng âu phục thay thế trang phục hàng ngày xưa kia. Qua đó "xác nhận" quá trình từ tự cấp tự túc đến bán tự cấp rồi cuối cùng là chủ yếu mua bán trang phục trên thị trường. Có thể nói, âu phục trở nên phổ biến bắt đầu từ trẻ em, cụ thể là với các bé trai mặc âu phục từ khoảng đầu thập niên 1930. Tuy mặc âu phục nhưng trẻ em vẫn đi guốc, dép cỏ, rơm bởi đi giày chưa phổ biến mà chủ yếu là giày cao su. Cũng thời gian này đã xuất hiện những cửa hiệu, cửa hàng may và bán âu phục, giày da nhưng chỉ đáp ứng cho số ít người bởi chưa phổ biến lại quá đắt đỏ. Chính vì vậy, âu phục trẻ em phần nhiều tự may cắt ở nhà từ vải mua ngoài thị trường. Từ âu phục dẫn tới việc phổ biến giày, dép da và cao su gắn với trang phục của nam nữ song không vì thế làm cho trang phục truyền thống ở Shizuoka và việc đi guốc, dép rơm nhanh chóng mất đi như người ta lầm tưởng. Trái lại, phải một đến hai thập niên sau khi Nhật Bản bước vào thời Hiện đại (1945 - nay) thì âu phục mới phổ biến cho tới ngày nay. Những thay đổi về trang phục như kiểu dáng, chất liệu, kỹ thuật may cắt... cũng tác động đến các khía cạnh khác như đồ đội đầu, kiểu tóc, quản lý và bảo quản trang phục. Chất liệu tạo ra trang phục không bó hẹp với sợi bông mà mở rộng hơn với lụa (Chirimen), đũi (Meisen), vải thêu chỉ vàng (Kinshu) và nhất là vải dệt công nghiệp ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống xã hội, chẳng hạn ngoài vải bông đã xuất hiện người mặc Kimono bằng chất liệu vải dệt công nghiệp. Sự phát triển kinh tế cũng làm phong phú, đa dạng đồ trang sức, đồ mỹ phẩm cho trang điểm (son, phấn, kem dưỡng da, xà phòng thơm để hoá trang, dầu thực vật bôi tóc, da v.v...) và bảo quản trang phục (các loại xà phòng giặt) đã tác động  không nhỏ đến sự biến đổi của trang phục nhất là từ sau năm 1945. Không chỉ trang phục ngày thường, khi làm việc mà ngay cả trang phục trong tang lễ cũng biến đổi theo thời gian. Trang phục của những người đi phúng viếng đến thời kỳ Taisho không còn thuần mầu trắng nữa khi mà nam giới mặc áo dài Nagaki mầu đen, ngoài là áo khoác ngắn có hoa văn (Haori), nữ giới thắt dây lưng đen bên ngoài áo dài (Nagaki) cũng mầu đen. Thế nhưng do ảnh hưởng của trang phục phương Tây ngày càng tăng cho nên đến khoảng trước sau năm 1956, nam giới hầu hết mặc trang phục đen, nữ giới mặc áp liền váy cũng mầu đen (Wanpisu) như vậy. Những loại hình trang phục trên đều có sự biến đổi ít nhiều thì trái lại trang phục trong những địp đặc biệt (lễ hội, cưới xin, lễ chúc mừng, Tết) nhìn chung chỉ thay đổi về tiểu tiết còn hầu như vẫn duy trì, bảo lưu yếu tố truyền thống từ xưa.

4. Kết luận

Trang phục truyền thống là lĩnh vực không thể thiếu được trong văn hoá vật chất bởi qua đó góp phần dựng nên bức tranh toàn cảnh về một nền văn hoá đầy bản sắc với tất cả những nét chung và riêng của dân tộc Nhật Bản. Từ đó để thấy rằng trang phục truyền thống của dân tộc Nhật ở Shizuoka chính là mảnh ghép quan trọng và tất yếu trong bức tranh về văn hoá đó. Quá trình tạo ra trang phục truyền thống nơi đây không đơn thuần chỉ là nguồn nguyên liệu và cái khung dệt mà qua đó thấy được truyền thống kỹ thuật, sự sáng tạo và nhất là vị trí vô cùng quan trọng của nghề dệt trong đời sống xã hội Nhật Bản từ xưa đến nay. Đương nhiên, sự du nhập, ảnh hưởng của yếu tố bên ngoài là không thể phủ nhận song chính vì thế càng làm phong phú, đa dạng hơn nữa sản phẩm của nghề dệt, đồng thời khẳng định vị trí "độc tôn" của nữ giới trong lĩnh vực này. Chức năng đó còn là sự "thẩm định" chính xác nhất tài năng và đạo đức của người phụ nữ trong quan niệm của người Nhật xưa kia.

Trang phục truyền thống của dân tộc Nhật ở Shizuoka vừa có nét chung song vẫn tạo nên sự độc đáo, đặc trưng của vùng đất này. Thật vậy, dù xét dưới bất kỳ góc độ nào như: theo lớp tuổi, nghề nghiệp, giới tính, chức năng xã hội... cũng đều đi đến nhận định nhất quán rằng trang phục chính là sự thích ứng của con người với điều kiện môi trường, hoàn cảnh lịch sử - xã hội ở Shizuoka. Sự thích ứng đó được thể hiện rõ qua các giải pháp tạo mầu nền và hoạ tiết hoa văn của trang phục truyền thống. Các giải pháp đó khẳng định trình độ kỹ thuật khá hoàn hảo nếu so sánh với các khu vực khác cùng thời. Ngoài ra, sự thay đổi tương thích của trang phục truyền thống ở Shizuoka với hoàn cảnh lịch sử là sự vận động và phát triển tự thân. Chính vì lẽ đó, trang phục truyền thống chỉ có thể thay đổi về tiểu tiết mà không mất đi yếu tố bản sắc đích thực ví như bộ Kimono, chiếc áo liền váy (của nam và nữ giới) hay chiếc váy liền quần của nam giới còn lưu giữ đến ngày nay.

Qua trang phục truyền thống của dân tộc Nhật ở Shizuoka còn bao hàm tính giai tầng và sự biến đổi theo thời đại. Thật vậy, loại hình, chức năng, kiểu dáng... của trang phục nói chung, phục sức nói riêng đều dựa trên cơ sở của phong tục, tập quán ở các vùng miền và được qui định bởi không chỉ khả năng kinh tế của mỗi gia đình mà còn hàm chứa tính giai tầng xã hội trong đó.

Trang phục của dân tộc Nhật ở Shizuoka còn phản ánh khá rõ nét về sự thay đổi và "mẫn cảm" với yếu tố thời đại. Chẳng hạn, bước vào thời Cận đại (1868 - 1945), trang phục từng bước biến đổi theo thời đại mới bởi chịu ảnh hưởng của phương Tây hoá, đô thị hoá, khoa học kỹ thuật mới v.v... Bởi vậy, từ trang phục Nhật Bản đến trang phục phương Tây là một sự thay đổi lớn lao nhất là từ sau năm 1945, quân đội có quân phục, người dân nhìn chung là thường phục, học sinh có đồng phục... tất cả đều liên quan tới trang phục phương Tây khá rõ ràng. Tuy nhiên, sự thay thế của trang phục thời hiện đại không đồng nghĩa với sự biến mất hoàn toàn của trang phục truyền thống ở Shizuoka. Trái lại, trang phục truyền thống của dân tộc Nhật ở Shizuoka vẫn hiện hữu và trở thành những giá trị trường tồn không chỉ của hiện tại mà cho cả tương lai.

 

HOÀNG MINH LỢI

(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dáng hình Shizuoka 2003, Phòng thống kê, Ban kế hoạch tỉnh Shizuoka, năm 2003.

Tiếng Nhật.

2. Lễ hội, tập quán của Shizuoka, Hội Uỷ ban giáo dục tỉnh Shizuoka, Công ty cổ phần

Kurofuna xuất bản, năm 2001. Tiếng Nhật.

3. Lịch sử tỉnh Shizuoka, Quyển 24, Tỉnh Shizuoka biên soạn và xuất bản, năm 1993.

Tiếng Nhật.

4. Lịch sử tỉnh Shizuoka, Quyển 25, Tỉnh Shizuoka biên soạn và xuất bản, năm 1991.

Tiếng Nhật.

5. Sugiyama Motoe, Tỉnh Shizuoka, Nxb Shohei, năm 1982. Tiếng Nhật.

6. Takeori Naokichi, Shizuoka Dân tộc Nhật Bản, Nxb Dainihon, năm 1972. Tiếng

Nhật.

7.  Văn hoá dân gian miền núi, Hội Nghiên cứu văn hoá dân gian môi trường tỉnh Shizuoka, Công ty

trách nhiệm hữu hạn Hanei xuất bản, năm 1997. Tiếng Nhật.

8. Làng Nhật Bản và cuộc sống quê hương, Công ty cổ phần Miraisha xuất bản, năm 1984. Tiếng Nhật.

0thảo luận