Là nhà văn hiện đại thực sự đầu tiên của Nhật Bản như đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới, Oe Kenzaburo (1935) chịu ảnh hưởng nhiều từ các nhà văn lớn của văn học phương Tây thế kỉ XX, đặc biệt là triết gia, tiểu thuyết gia vĩ đại Jean Paul Sartre. Ông tiếp thu Sartre từ tinh thần hiện sinh, quan niệm nghệ thuật đến phong cách viết tiểu thuyết hiện đại, độc đáo. “Với Sartre, văn chương trở thành một tác động cứu rỗi của con người đã mất niềm tin nơi Thượng đế, trở thành câu giải đáp có tính cách siêu hình của con người trước cái phi lý của cuộc đời, nó trở thành cái tuyệt đối khi chính cái tuyệt đối không còn”([1]). Thời đại hậu chiến của Oe quá nhiều cú sốc khiến con người ngày càng hoài nghi vào một trật tự do Thượng đế xác lập. Và con người ngày càng xác tín niềm tin Thượng đế đã chết, cuộc đời không có Thượng đế mà chỉ còn trơ lại sự hiện sinh, chỉ còn lại những con người trơ trọi, cô đơn, lơ ngơ đi tìm bản thể của chính mình.
1. Nỗi sợ hãi thường trực
Thế giới nhân vật của tiểu thuyết Một nỗi đau riêng chìm đắm trong nỗi sợ hãi một cách ý thức và vô thức. Nếu sợ hãi là tâm lý bình thường của con người khi chịu tác động của một nỗi đe dọa nào đó thì thường trực trong sợ hãi, ngay cả khi không có chút dấu hiệu nào của sự đe dọa lại là trạng thái tâm lý bất bình thường đeo đuổi các nhân vật của Oe.
Điểu- nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết này thường xuyên nếm trải các trạng thái khác nhau của cảm giác sợ hãi, lúc tỉnh cũng như lúc mơ, ở mọi địa điểm không gian khác nhau: từ con đường, trong ngôi nhà của Điểu, căn phòng của Himiko đến trường học hay bệnh viện. Nỗi sợ hãi đeo đuổi Điểu như một thứ bệnh nan y. Dường như, nhân vật luôn cảm thấy có một bầu không khí bất an bao quanh, đe dọa mình. Mọi hành động của Điểu chịu sự chi phối của cảm giác này, vì thế trở nên dè dặt. Ngay cả khi băng qua một con đường rộng có đường dành cho xe điện chạy theo dây cáp, Điểu cũng hết sức đắn đo và thận trọng. Tính thận trọng quá đáng ấy “làm cho Điểu lên một cơn co thắt dữ dội, gợi lên hình ảnh một chú chim nhỏ bé mất hồn vì sợ hãi”([2]). Với Điểu, mọi bất trắc đang đón chờ ở mọi ngóc ngách, mọi khoảnh khắc của hiện hữu. Từ biển lá xanh mênh mông khiến Điểu có cảm giác bị rừng cây đe dọa đến những giọt nước mưa rơi tới tấp như những viên đạn làm Điểu run rẩy. Con người trong tác phẩm của Oe đã đánh mất đi tâm trạng hoà hợp với tự nhiên vốn có của tâm thức phương Đông, chỉ còn lại tâm lí e sợ bao trùm. Và nỗi sợ hãi ấy tuy mơ hồ nhưng lại vô cùng sâu sắc. Cả khoảng không gian rộng lớn nơi giảng đường đại học cũng mang màu sắc đe dọa đối với nhân vật đến nỗi “tự nhiên, Điểu không thể nào không co rúm người lại”([3]). Thế giới đồ vật cũng góp phần tăng cường cảm giác sợ hãi trong nội tâm nhân vật của Oe. Căn phòng bừa bộn đồ đạc của Himiko trong hiện tại gợi nhắc cho Điểu nhớ đến lần viếng thăm sau cùng cách đây một năm, “Điểu đã đạp nhằm một mảnh gương và ngón chân cái của anh bị cắt chảy máu. Anh rùng mình khi nhớ lại cái đau và nỗi sợ hãi”([4]). Đồ vật vốn do con người tạo ra thì nay lại có sức mạnh đe dọa con người, tạo nên nỗi ám ảnh sợ hãi trong Điểu.
Không chỉ chịu sự tác động của thiên nhiên và thế giới đồ vật, nhân vật trong Một nỗi đau riêng sợ hãi trước những sự kiện bất thường của đời sống. Việc con trai Điểu chào đời đã tác động dữ dội đến tâm lí của Điểu và các bác sĩ trong bệnh viện. Trước khi biết đứa trẻ sinh ra dị thường, Điểu đã mang trong lòng dự cảm đầy sợ hãi. Bầu không khí tĩnh lặng, u ám như trong phòng xử án mà nhóm ba bác sĩ với ánh mắt thận trọng của quan toà, bức họa đồ giải phẫu in màu treo trên tường giống như quốc kì của căn phòng bệnh viện cộng hưởng với cơn mưa dữ dội trên đường đi đã làm Điểu run lập cập, giống như một con gà mắc nước yếu ớt. Đứa trẻ mang hình thù kì dị, dường như có tới hai chiếc đầu đã làm vị giám đốc bệnh viện cất lên tiếng cười ghê rợn để che dấu sự bối rối. Các bác sĩ trong bệnh viện co rúm người lại trước lời giới thiệu mình là cha của đứa bé của Điểu. Những âm thanh ấy vang vọng trong đầu họ với sắc thái đáng sợ- “tôi là cha của con quái vật”([5]). Sự kiện bất thường đẩy Điểu vào hố thẳm của nỗi e sợ, “Điểu quay mặt, chiến đấu với cơn lốc khẩn cấp của nỗi tức giận và sợ hãi đang dấy lên trong lòng”([6]). Nỗi bất hạnh lớn lao ập đến bất ngờ buộc Điểu phải đối mặt khiến Điểu có cảm giác đang đứng lơ lửng trên mép một tấm ván nhào lộn. Anh ớn lạnh xương sống, cảm thấy “mình bị tách ra khỏi mặt đất, hoàn toàn cô lập. Và anh tê cóng như một tảng đá, như một chú côn trùng yếu đuối dưới cái nọc độc của con bọ cạp”([7]). Nỗi sợ hãi đã và đang tràn ngập lòng Điểu. Nỗi sợ hãi đã ngấm sâu thăm thẳm trong lòng anh cho đến tận lúc Điểu ngồi trong tiệm cắt tóc. Trong ý thức của anh, đứa trẻ sẽ chết khi mới sống trên cõi đời vài tiếng đồng hồ và dưới sự phán xét của Thần Chết, “có thể tôi sẽ được gọi ra toà như một nhân chứng và tôi sẽ không thể nhận ra con tôi trừ khi tôi nhận ra cái khối u trên đầu nó như một bằng chứng”([8]). Dòng ý thức miên man chảy một cách tự nhiên, xen lẫn giữa những đoạn trần thuật từ điểm nhìn khách quan tạo nên vẻ độc đáo trong văn phòng của Oe. Dòng ý thức là phương tiện đưa người đọc vào chuyến phiêu lưu khám phá những bí ẩn trong thế giới tâm trạng của nhân vật Điểu, khi nỗi e sợ sôi sùng sục trong lòng anh lấn át mọi cảm giác bình thường khác. “Ngày mai, ngày kia hoặc có thể là sau một tuần lẩn tránh, khi vợ tôi biết được cái chết của đứa con bất hạnh của mình, cả hai chúng tôi sẽ bị nhốt kín trong chốn tù ngục của kẻ điên loạn”([9]). Đứa trẻ dị thường không chỉ khiến tâm lí của Điểu và các bác sĩ biến động mà còn tác động đến cả những người dân đi đường. Với họ, chiếc xe cứu thương hú còi ầm ĩ như một vết rạn không trông đợi trên mặt phẳng của cuộc sống hàng ngày và “điều trông thấy làm họ tràn ngập nỗi sợ hãi ngây ngô”([10]).
Sự sợ hãi không chỉ đeo bám lấy Điểu mà còn trở thành nỗi ám ảnh tận cùng ý thức của Himiko. Himiko luôn đóng chặt cửa ngôi nhà, cho dù ban ngày hay ban đêm bởi một nỗi sợ mơ hồ nhưng thường trực trong tâm hồn cô. “Em cảm thấy sợ. Em có cảm tưởng một con yêu quái mang điều bất hạnh khủng khiếp đang chờ em bên ngoài”([11]). Mối đe dọa hiểm nguy dù chưa hiện rõ hình nhưng lại có sức mạnh to lớn đối với các nhân vật. Nhân vật đón chờ mọi biến động, mọi nỗi bất hạnh trong tâm thế đầy sợ hãi. Cậu bé Kikuhiko trong cái đêm của quá khứ, thời kì chiến tranh cũng đã trải qua cảm giác kinh khủng ấy. Kikuhiko đã sợ khiếp vía trước biến cố ngột ngạt, bất trắc của chiến tranh, “người ta thường kể về chuyện những người buôn bán nô lệ đã bắt nam sinh Nhật Bản và bán họ làm lính chiến, rồi có những lời đồn đại rằng chính phủ sẽ đưa chúng ta xuống tàu qua Triều Tiên- lúc ấy, tôi sợ kinh khủng”([12]). Himiko lại có một phản ứng dữ dội, lạ lùng, tột cùng đau khổ trước hành động tự tử của người chồng trẻ. Himiko đã leo lên giường, chẳng một phương tiện bảo vệ với một thằng đàn ông có thể đang mắc bệnh, và cô thấy mình có dấu hiệu nhiễm bệnh giang mai. Cô “chịu đựng nỗi sợ hãi đó trong một thời gian rất lâu”([13]). Mọi biến cố bất hạnh đều chực đổ sụp lên đầu các nhân vật, hạnh phúc trở nên vô cùng mong manh.
Nỗi sợ không chỉ ám ảnh nhân vật trong lúc thức mà còn theo họ vào trong giấc mơ. Giấc mơ như một biểu tượng cho thế giới đổ vỡ của tiềm thức, vô thức đã đi vào tác phẩm của Oe một cách mới mẻ, hiện đại. Giấc mơ với tư cách là một thủ pháp nghệ thuật trong tiểu thuyết Một nỗi đau riêng chịu ảnh hưởng rõ rệt quan niệm của những bậc thầy về phân tích tinh thần như S.Frued, E.Fromm. Fromm từng viết, “giấc mơ là sự diễn đạt ý nghĩa và tầm quan trọng của tất cả các hoạt động tâm lý trong trạng thái ngủ”([14]). Giấc mơ không vô nghĩa mà trái lại nó giúp con người dễ dàng nhìn rõ chân tướng của linh hồn, rõ ràng hơn cả khi thức. Bởi lúc thức, con người suy nghĩ, tư duy dưới áp lực của cộng đồng, của thói quen, của luân lý đạo đức. Trong Một nỗi đau riêng, giấc mơ xuất hiện nhiều lần, với nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong số đó, có hai lần, giấc mơ biểu trưng cho nỗi sợ hãi tột cùng của nhân vật. Giấc mơ của Điểu về chuyến phiêu lưu tới châu Phi được hiển hiện bằng sự đan xen hỗn loạn của dòng ý thức. Điểu mơ mình đang đứng trên cao nguyên phía đông bờ hồ Chad, phía tây nước Nigeria. “Thình lình một con phacochoere khổng lồ nhìn thấy anh. Con vật ác độc tấn công, cát bụi tung lên mù trời…nhưng anh không có vũ khí để chiến đấu với con phacochoere. Tôi đến châu Phi không trang bị và không qua một cuộc huấn luyện nào, anh nghĩ, và nỗi sợ hãi khích động anh…Tôi đã đến châu Phi không được trang bị và không qua một cuộc huấn luyện nào, tôi không thể trốn thoát. Điểu thất vọng, nhưng nỗi sợ hãi thôi thúc anh. Vô số cặp mắt của những kẻ an toàn sau cái đường xanh xiên xẹo nhìn Điểu đang chạy như bay về phía họ. Những chiếc răng kinh tởm của con phacochoere gần táp trúng mắt cá Điểu”([15]). Dòng ý thức của nhân vật chảy hỗn loạn, nỗi sợ hãi vốn ẩn náu trong tiềm thức, nay sống dậy mạnh mẽ. Hình ảnh của con phacochoere là dự cảm cho những nỗi bất hạnh, những điều bất trắc đang chực giáng xuống đầu nhân vật. Nỗi sợ hãi còn ám ảnh giấc mơ của Himiko khiến Himiko cất lên tiếng kêu ai oán. Himiko đang ngủ trên sàn nhà, “nàng rên hừ hự như một con dã thú, những tiếng kêu đến từ trong mơ. Dấu hiệu của sự sợ hãi”([16]). Vẻ đau đớn, mệt mỏi hằn lên trên khuôn mặt trẻ, tròn trịa, tái xanh của Himiko. Lũ yêu quái đe dọa sự bình yên của Himiko trong giấc mơ cũng chính là cuộc sống với sự vây bọc của những điều bất an.
Nỗi khiếp sợ đã biến đổi nhân vật thành một người khác hẳn, một Himiko không dám mở cửa phòng vì những mối đe dọa thường trực bên ngoài, chỉ chực ập đến. Không còn một Điểu ở tuổi 20- “không biết sợ là gì”, “chưa hề thấy anh ấy sợ bất cứ điều gì”([17]). Kikuhiko tinh tế nhận ra sự thay đổi quan trọng này ở Điểu sau mấy năm không gặp, “dường như có điều gì đó làm anh khiếp sợ và anh đang cố trốn chạy nó…tối nay trông anh có vẻ hoảng hốt quá mức, giống như anh sợ đến nỗi không còn biết đầu mình nằm ở đâu nữa”([18]). Điểu cũng thừa nhận nỗi khiếp sợ đang nằm chầu chực trong ý thức và tiềm thức của anh, “tôi đã kiệt sức rồi. Tôi sợ. Tôi đang chạy trốn”([19]).
Có thể nói, sợ hãi là một trong những cảm giác bao trùm lên con người hiện đại. Tâm trạng ấy là hậu quả tất yếu của một thời đại nhiều biến động dữ dội, của một nước Nhật sau chiến tranh, của xã hội Nhật Bản hiện đại đa nghĩa tột độ.
2. Cô đơn- định mệnh của hiện sinh
Cô đơn được đề cập đến trong tiểu thuyết Một nỗi đau riêng như một trạng thái hiện sinh của con người Nhật Bản thời hiện đại. Trong thời hiện đại, cô đơn đã hiện hữu như một định mệnh của hiện sinh, bất kì bản thể nào hiện hữu trong thế giới loài người đều mang sẵn định mệnh cô đơn ấy. Giống như Sartre khi bước lên văn đàn, từng tham vọng đề cập tới “vấn đề của con người khi không còn Chúa, Chúa đã chết. Chỉ còn con người tự cứu rỗi lấy mình”([20]), Oe phản chiếu những tâm trạng của con người Nhật Bản hiện đại trong thời đại mất Chúa, loay hoay lựa chọn một phương hướng sống nhưng bế tắc, bất lực. Hình ảnh thần Plague trong bức tranh của William Blake chính là hình ảnh tượng trưng cho thân phận của con người thời hiện đại: đau buồn, sợ hãi, ngạc nhiên, mệt mỏi, cô đơn.
Giấc mơ của Điểu và Himiko chính là biểu hiện cho nỗi cô đơn bản thể ngập tràn trong thế giới nội tâm của con người Nhật Bản hiện đại. Trong giấc mơ của Điểu, “anh thấy một quả tên lửa đặt trên mặt trăng và chiếc nôi của thằng bé nằm một mình trên những tảng đá cô đơn một cách khủng khiếp kia”([21]). Thằng bé cô đơn giữa những tảng đá cô đơn tạo thành một khối đông đặc cô đơn, và khối cô đơn ấy nhuốm màu bi đát vì thân phận con người trở nên vô cùng bé nhỏ, mong manh trước quả tên lửa đang sẵn sàng phát nổ. Giấc mơ của Himiko là một thanh âm vang dội cộng hưởng làm thành bản giao hưởng cô đơn mãnh liệt và sâu sắc. Himiko mơ thấy Điểu “nằm co ro như một đứa trẻ, hai bàn tay nắm chặt và khóc oa oa. Miệng anh rộng toác”([22]). Trong giấc mơ của Himiko, Điểu hoá thân thành đứa trẻ, bởi nỗi cô đơn nằm sâu trong ý thức và tiềm thức khiến Điểu trở nên yếu đuối và đáng thương, không khác gì đứa con tật nguyền của mình.
Bên cạnh lối thể hiện bằng giấc mơ, Oe Kenzaburo còn vận dụng một cách tài tình và linh hoạt sự đan xen giữa miêu tả của người kể chuyện khách quan và dòng ý thức của nhân vật. Dòng ý thức chảy tràn ngẫu hứng, không dấu hiệu báo trước là nét đặc sắc trong nghệ thuật tự sự của Oe. Tuy trước đó, dòng ý thức đã từng là một thủ pháp được sử dụng trong tác phẩm của Kawabata Yasunari nhưng phải đến Oe Kenzaburo, dòng ý thức mới tìm được vị trí quan trọng, đặc biệt thích đáng của mình. Với dòng ý thức lan tràn, xen kẽ một cách tự nhiên, linh hoạt, Oe là một kiểu James Joyce của nước Nhật. Dòng ý thức góp phần khẳng định vai trò là cách tân của Oe Kenzaburo, “người đã đưa tiểu thuyết Nhật Bản ra khỏi dòng chảy truyền thống trì trệ, hòa nhập vào nền văn học thế giới hậu chiến”([23]). Dòng ý thức lột tả những suy tư tận đáy bản thể, mà cảm thức cô đơn làm nên một trong những sắc màu chủ đạo. Điểu- nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, cô đơn và khát khao chia sẻ một cách mãnh liệt, đáng thương. Ngay trước khi đứa con tật nguyền chào đời, Điểu đã thèm có một người bạn để chia sẻ tất cả mong muốn và mơ ước của anh trong hiện tại và tương lai. Và nỗi khát khao đẩy cao đến mức ngay với một anh chàng giả gái mà Điểu tình cờ thấy trên đường cũng khiến Điểu lập tức nảy ra suy nghĩ muốn tâm sự, dù đó chỉ là trong tưởng tượng. “Tôi phải nói cho anh chàng biết rằng tối nay vợ tôi sanh, rồi có lẽ tôi nên thú nhận rằng mấy năm nay tôi muốn đi châu Phi, và một trong những điều mộng ước của tôi là, khi trở về nhà, viết một thiên kí sự về những cuộc phiêu lưu mạo hiểm ở đó với tựa đề Bầu trời Châu Phi. Tôi phải nói luôn rằng chuyện một mình tôi đến châu Phi không thể thực hiện được nếu tôi bị nhốt trong bốn bức tường của gia đình khi đứa con chào đời…Tôi sẽ nói đủ mọi chuyện trên đời, anh chàng sẽ chịu khó chọn lọc từng tình tiết một những chuyện làm cho tôi mất ăn mất ngủ, tập trung lại dần, và chắc chắn anh chàng sẽ hiểu ra”([24]). Hiển hiện đằng sau khát vọng ấy là khối cô đơn khổng lồ trong thế giới ý thức và tiềm thức của Điểu. Và từ khi biết tin về đứa con mới chào đời đã bị dị tật thì khối cô đơn ấy ở Điểu càng lúc càng hiện lên với những đường nét và gam màu bi đát sắc nét. Trong khoảnh khắc, Điểu “cảm thấy mình bị tách ra khỏi mặt đất, hoàn toàn cô lập” và “nhận ra tất cả nỗi cô đơn và không nơi nương tựa mà anh đã có từ lúc hừng đông”([25]). Tâm trạng cô đơn có khi được ý thức, nhưng cũng có lúc chỉ được thức tỉnh bằng sự soi chiếu của một trái tim đồng cảm, nhân hậu. Himiko với sự nhạy cảm, tinh tế đã khám phá ra chiều sâu cô đơn trong thế giới nội tâm của Điểu, và của chính mình. Phát hiện của Himiko, “anh Điểu, có thể là chúng ta cần nhau đấy”, khiến Điểu “sững người như bất ngờ nghe một người câm cất tiếng khóc than”([26]). Cô đơn như bản chất của hiện sinh đã có trong Điểu từ khi Điểu còn là một cậu bé học tiểu học, “Lúc ấy anh bị bỏ lại phía sau, lạc đường và đã lãnh đủ một trận mưa như trút và lạnh ngắt. Một sự cô đơn khủng khiếp và cảm giác tủi nhục của tuyệt vọng xâm chiếm lấy anh”([27]). Càng ngày, Điểu càng ý thức sâu sắc hơn về khối cô đơn đậm đặc trong cái “Tôi” hiện hữu, càng cô đơn, Điểu càng khao khát được chia sẻ, “vào khoảng nửa đêm, Điểu lại thức giấc, anh cảm thấy căng thẳng như một tên tội phạm giết người trong thời gian tạm hoãn án hành quyết. Và anh khám phá ra mình có được nguồn động viên sâu xa, mãnh liệt khi có Himiko bên cạnh suốt đêm chứ không phải một mình. Từ khi trưởng thành đến giờ, anh chưa một lần cần một người khác đến như vậy”([28]). Và trước thực tại với những biến cố nghiệt ngã, tâm trạng cô đơn càng bộc lộ rõ nét, “Điểu cảm thấy mình như một cầu thủ đơn độc dẫn quả bóng vào cầu môn đang được cả đội đối phương trấn giữ”([29]).
Không chỉ Điểu, Himiko và con Điểu mang trong mình định mệnh cô đơn, hình ảnh của mẹ vợ Điểu và vợ Điểu cũng được khắc họa bằng một màu sắc bi đát. Cùng một biến cố là đứa trẻ dị tật nhưng Điểu, mẹ vợ Điểu và vợ Điểu không thể chia sẻ với nhau tâm sự u uất trong lòng. Mẹ vợ Điểu “với tiếng thở dài cô quạnh”, thể hiện nỗi buồn khổ không thể sẻ chia. Vợ Điểu bằng dự cảm bất an của một người mẹ, lại cất lên giọng nói “như người bị bỏ rơi. Điểu biết rằng con quỉ hoài nghi đã xui khiến vợ anh thốt lên cùng một câu nói trong cùng một giọng vô vọng như thế này cả trăm lần”[30]. Cùng với sợ hãi, cô đơn chính là một trong những kiểu thức sinh tồn cơ bản ở chủ nghĩa hiện sinh.
Nhật Bản thời hậu chiến của Oe Kenzaburo là nước Nhật Bản đầy biến động, với những hồi ức đau buồn. Thiên tai, chiến tranh, xã hội kĩ trị với sức mạnh huỷ diệt dữ dội cả về thể xác và tâm hồn là nguyên nhân sâu xa lí giải trạng thái hiện sinh của con người Nhật Bản hiện đại trong tác phẩm Một nỗi đau riêng của Oe Kenzaburo.
ÔN THỊ MỸ LINH
(ThS, Đại học Sư phạm Thái Nguyên)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Erich Fromm (2002), Ngôn ngữ bị lãng quên, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội
2. Howard Hibbet (ed, 1997), Contemporary Japanese literature: an anthology of fiction, film and other writings since 1945, Alfres
3. Đỗ Đức Hiểu (1994), Lịch sử văn học Pháp thế kỉ XX, Nxb Thế giới, Hà Nội
4. Jean Paul Sartre (Nguyên Ngọc dịch) (1991), Văn học là gì?, Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội
5. Lộc Phương Thuỷ (chủ biên) (2007), Lí luận- phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, Nxb Giáo dục