Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển đội ngũ nghiên cứu về Hàn Quốc tại Việt Nam, ngày 30/7/2020, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, tọa đàm khoa học đầu tiên trong năm 2020 dành cho nhà nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam đã được tổ chức. Đây là chương trình do TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên làm chủ nhiệm, với sự tài trợ của Quỹ Korea Foundation. Chương trình gồm 4 buổi tọa đàm được tổ chức trong các tháng 7, 8, 9 và 10 năm 2020.
Buổi tọa đàm do PGS.TS Phạm Quý Long, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á chủ trì, với sự tham gia của đại diện Quỹ Korea Foundation tại Hà Nội, các đại biểu đến từ Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, lãnh đạo và các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tại buổi tọa đàm, Thạc sĩ Nguyễn Thủy Giang, giảng viên ngành Hàn Quốc học, Khoa Đông phương học, nghiên cứu sinh khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, đã trình bày các kết quả nghiên cứu về “Không gian xã hội của cộng đồng người Hàn Quốc ở Hà Nội”.
Thạc sĩ Nguyễn Thủy Giang phát biểu tại tọa đàmBài phát biểu là kết quả chắt lọc từ quá trình nghiên cứu trong khoảng thời gian từ cuối năm 2014 đến nửa đầu năm 2020 của tác giả. Với phương pháp nghiên cứu tổng hợp, phân tích và điền dã dân tộc học, ThS. Nguyễn Thủy Giang đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh đầy màu sắc về không gian xã hội của cộng đồng người Hàn Quốc ở Việt Nam với những đặc điểm riêng biệt.
Từ nửa cuối thế kỷ XIX, người Hàn Quốc đã bắt đầu di cư sang các quốc gia khác như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản,… để xây dựng một cuộc sống mới. Tổng số Hàn kiều trên toàn thế giới tính đến cuối năm 2018 là gần 7,5 triệu người, phân bố nhiều nhất theo thứ tự lần lượt là Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 8 trong danh sách 194 quốc gia có người Hàn Quốc sinh sống. Hiện tại, người Hàn Quốc chủ yếu phân bố tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sự hình thành cộng đồng người Hàn Quốc được bắt nguồn từ một số nhân tố: i) chính sách đổi mới đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước năm 1992; ii) Về kinh tế: Gia tăng hoạt động đầu tư và thương mại giữa hai nước; iii) Về văn hóa: Sự tương đồng, giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa hai quốc gia. Trải qua gần ba thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, cộng đồng người Hàn Quốc trở thành cộng đồng người nước ngoài chiếm tỷ lệ cao nhất so với các cộng đồng người nước ngoài khác ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cộng đồng Hàn kiều cũng có những biến đổi về tỷ lệ thành phần, không gian cư trú trong thời gian sinh sống ở Việt Nam. Diễn giả cũng đã chỉ rõ những đặc trưng trong hoạt động kinh tế, quan hệ xã hội, đời sống tinh thần của cộng đồng người Hàn Quốc ở Hà Nội.
Toàn cảnh buổi tọa đàmBài phát biểu của ThS. Nguyễn Thủy Giang đã nhận được nhiều câu hỏi và ý kiến đóng góp từ các đại biểu tham dự. PGS. TS. Nguyễn Văn Sửu - Trưởng khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - đánh giá cao phần trình bày của tác giả và đóng góp một số ý kiến nhằm giúp tác giả hoàn thiện thêm kết quả nghiên cứu. TS. Hoàng Minh Lợi, Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, đã bổ sung thêm một số khái niệm liên quan đến cơ sở lý thuyết của công trình nghiên cứu và góp ý chỉnh sửa một số đề mục. TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc – Triều Tiên, đã chia sẻ một số thông tin hữu ích để tác giả bổ sung thêm tính thuyết phục và tính khoa học của kết quả nghiên cứu, hướng đến hoàn thiện luận án tiến sĩ. TS. Ngô Văn Vũ, Quyền Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của báo cáo viên và đưa ra các gợi ý nhằm hoàn thiện bản thảo bài tạp chí khoa học để có thể gửi đăng theo đúng thể lệ.
Các đại biểu tại tọa đàmÔng Woo Hyoung-min, đại diện Quỹ Korea Foundation tại Hà Nội, đã đánh giá cao những nỗ lực của tác giả trong công tác nghiên cứu và gợi mở thêm một số hướng phân tích để làm rõ thêm đặc điểm của cộng đồng người Hàn Quốc ở Hà Nội. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh ý nghĩa của buổi tọa đàm trong việc chia sẻ và đồng hành cùng với các nhà nghiên cứu trẻ, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu Hàn Quốc học tại Việt Nam./.
Tống Thùy Linh