Theo chương trình sinh hoạt khoa học định kỳ, ngày 24/7/2020, tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, ThS. Nguyễn Ngọc Mai, nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên đã trình bày một số kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 với nhan đề “Nghiên cứu so sánh chính sách công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc giai đoạn tăng trưởng cao”.
Báo cáo trình bày khái quát bối cảnh ra đời chính sách công nghiệp ở Nhật Bản và Hàn Quốc cả ở trong nước và quốc tế, trên cơ sở đó, đi sâu phân tích các đặc điểm chính trong chính sách công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu của Nhật Bản (1955-1970) và Hàn Quốc (1963-1995). Báo cáo cũng đưa ra một vài đánh giá về những điểm tương đồng và khác biệt giữa chính sách công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu của Hàn Quốc và Nhật Bản, từ đó đưa ra một vài gợi ý cho Việt Nam.Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản bị tàn phá nặng nề. Khi đó, công nghiệp được coi là lĩnh vực sản xuất then chốt giúp vực dậy nền kinh tế Nhật Bản. Nhờ vào các chính sách hợp lý của chính phủ và sự hỗ trợ từ bên ngoài của Mỹ, công nghiệp phát triển nhanh chóng góp phần giúp nền kinh tế Nhật Bản đuổi kịp các nền kinh tế tiên tiến của thế giới. Mặc dù ban đầu mô hình phát triển công nghiệp Nhật Bản chủ yếu ưu tiên thị trường trong nước nhưng sau đó tình trạng cạnh tranh quá mức đã khiến Chính phủ nước này thực hiện một loạt chính sách khuyến khích xuất khẩu, giúp cho các ngành công nghiệp củng cố khả năng cạnh tranh của mình và gia tăng tỷ trọng xuất khẩu so với GDP từ 10% vào năm 1955 lên 15,5% vào năm 1968.
Vào thời điểm năm 1960, Hàn Quốc là một quốc gia nghèo trên thế giới với tổng thu nhập bình quân là 79 USD, 50% ngân sách quốc gia phụ thuộc vào nguồn viện trợ bên ngoài, đặc biệt là Mỹ. Tuy nhiên với sự lãnh đạo quyết đoán của Tổng thống Park Chung Hee và các chính sách mạnh mẽ của chính phủ, sự quyết tâm của toàn dân, cùng với sự hỗ trợ của Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế bình quân đáng kinh ngạc, lần lượt là 10,3% và 8,6% vào thập niên 70, 80 của thế kỷ XX, rồi nhanh chóng đạt tới giai đoạn tăng trưởng tự lực vào năm 1986. Đồng thời, do quy mô nền kinh tế nhỏ, chính sách công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu là một trong số các chính sách ưu tiên hàng đầu của nước này. Việc thực hiện chính sách này đã mang lại những kết quả tích cực, giúp cho cán cân thanh toán quốc tế Hàn Quốc chuyển sang trạng thái dương vào năm 1986.
Cũng giống như kinh tế Hàn Quốc và kinh tế Nhật Bản trong hai giai đoạn trên, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường có sự điều hành và quản lý của nhà nước. Kể từ sau khi cải cách mở cửa vào năm 1986, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và nhiều năm đạt mức tăng trưởng trên 9%. Tuy nhiên hơn 20 năm trôi qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế này không hề tăng mà lại giảm xuống duy trì ở mức 5%-6%, lạm phát tăng cao, các ngành công nghiệp vẫn chỉ dừng lại ở việc sản xuất nguyên liệu thô, các ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất như không đạt được bước tiến vượt bậc nào… Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu so sánh chính sách công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc giai đoạn tăng trưởng cao sẽ giúp đưa ra những kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế cũng như phương pháp phù hợp để phát triển xuất khẩu của quốc gia.
Phương Hoa