Cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, Nhật Bản và Việt Nam là hai dân tộc đều rất coi trọng lời hứa. Tuy nhiên, sắc thái biểu hiện của sự coi trọng giá trị cao quý đó, bên cạnh những điểm tương đồng cũng có không ít nét khác biệt mà nếu không được hiểu đúng sẽ rất dễ đi đến những phiền toái trong quan hệ giao tiếp. Chúng tôi hi vọng bài viết này phần nào có thể giúp bạn đọc Việt Nam và Nhật Bản hiểu hơn về những điểm khác biệt và mức độ tương đồng trong lối nghĩ của người Nhật và người Việt về lời hứa thông qua nghiên cứu truyện cổ tích Nhật Bản và Việt Nam.
Năm 1854, Nhật Bản xoá bỏ chính sách “Bế quan toả cảng”. Tận dụng điều đó, ngay từ năm 1859, các tổ chức truyền giáo Âu - Mỹ đã gửi các nhà truyền giáo Tin Lành đến Nhật Bản để chuẩn bị cho ngày "khai giáo”. Theo điều khoản "tự do mậu dịch" của Hiệp ước Nhật - Mỹ thì người dân hai nước có thể trao đổi, buôn bán mà không có sự phân biệt, ngăn cấm nào và do vậy những sách báo, thư tịch của đạo Tin Lành cũng đưa tự do vào Nhật Bản thông qua sự giúp đỡ của chính những người Nhật Bản.
Sự ra đời của Chính quyền Minh Trị vào năm 1868 không chỉ đánh dấu bước tiến vượt bậc của Nhật Bản từ một nước phong kiến trì trệ, kém phát triển trở thành một cường quốc hùng mạnh mà còn mở ra một thời kỳ thống trị mới của một thế lực mới: thế lực Tây Nam. Thế lực Tây Nam chính là bốn phiên (han) đã có vai trò to lớn trong sự nghiệp lật đổ sự thống trị của chính quyền Mạc phủ Tokugawa, khôi phục lại quyền lực cho Thiên Hoàng. Bốn phiên đó gồm Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen. Sau khi phong trào đảo Mạc giành thắng lợi hoàn toàn, sự ảnh hưởng của các phiên này ngày càng phát triển và mở rộng trong hệ thống chính quyền mới. Chính vì điều này mà nhiều người gọi nó là Hanbatsu Seifu (Chính phủ Phiên phiệt), chính phủ nằm dưới sự điều khiển của của các phiên mà không ai khác hơn chính là các hùng phiên Tây Nam.
Văn học là sự tự ý thức văn hóa. Mỗi nhà văn muốn hay không trước hết phải là con đẻ của một nền văn hóa dân tộc, tự giác tiếp nhận lối tư duy, những mô thức ứng xử từ xa xưa đã trở thành truyền thống của dân tộc mình. Mặt khác, tùy điều kiện sống của thời đại, họ lại tiếp nhận được nhiều tinh hoa văn hóa của các cộng đồng dân tộc khác. Tất cả những giá trị văn hóa của thời đại này đã được nhào nặn thành các tín hiệu nghệ thuật trong văn bản tác phẩm. Vì vậy giải mã văn hóa trong tác phẩm văn học cần quan tâm tới việc lí giải các cấp độ khác nhau của tín hiệu nghệ thuật mà nhà văn sáng tạo ra.
Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia gần nhau về địa lý và có quan hệ chặt chẽ với nhau về văn hóa và lịch sử ngoại giao từ thời cổ đại. Trong những thế kỷ gần đây, hai quốc gia đã trải qua những giai đoạn lịch sử không mấy êm đềm, nhất là từ sau khi Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc (1910-1945). Từ năm 1965, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã được nối lại. Các chương trình tăng cường trao đổi du lịch song phương, trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã góp phần tăng cường hiểu biết và quan hệ hợp tác giữa nhân dân hai nước. Mỗi năm, có 3 triệu người Nhật Bản và Hàn Quốc qua lại giữa hai nước, đồng thời kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm đạt hơn 53 tỉ USD. Những con số này là minh chứng rõ ràng về mức độ quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai nước.
Du lịch nông thôn đã được quan tâm và phát triển mạnh tại nhiều quốc gia ở Châu Âu từ những năm 30 của thế kỷ trước. Trong thời gian gần đây, loại hình du lịch nông thôn được phát triển mạnh và phổ biến rộng ra nhiều nước ở Châu Á và phát triển thành một trào lưu. Nhật Bản và Thái Lan là 2 quốc gia ở Châu Á đã có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác và phát triển tài nguyên du lịch khu vực nông thôn để phát triển loại hình này. Trên cơ sở tổng hợp từ các nghiên cứu liên quan, bài viết này có mục đích giới thiệu một số kinh nghiệm về phát triển loại hình du lịch nông thôn của Nhật Bản và Thái Lan, từ đó rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc phát triển loại hình du lịch này.
Truyện cổ tích là một trong những thể loại văn học dân gian quan trọng, được phổ biến rộng rãi ở tất cả các dân tộc trên thế giới.Trong truyện cổ tích Nhật Bản, người việc thể hiện một cảnh rõ nét những con người trên xứ sở anh đào phổ biến mang đậm sắc thái dân tộc Nhật Bản.
Các nước Đông Bắc Á, trong đó có Nhật Bản vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) chủ yếu của Việt Nam. Bài viết này cố gắng phân tích thực trạng XKLĐ của Việt Nam sang Nhật Bản và nêu lên một số gợi ý về giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường quan trọng này hiện nay và trong thời gian tới. Nghiên cứu thị trường lao động của Nhật Bản hiện nay cho thấy nước này đang phải đối mặt với thực tế khó giải quyết, đó là trong khi tìm việc ở trong nước không dễ dàng thì nhiều lĩnh vực lại đang thiếu lao động mà không tuyển dụng được. Về mặt chủ trương Nhật Bản thực hiện bảo hộ thị trường trong nước và chỉ khuyến khích nhập khẩu lao động có trình độ cao.
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, các quốc gia đều muốn khẳng định vị thế và vai trò của mình trong cộng đồng quốc tế thông qua các hoạt động của Liên hợp quốc. Việc gửi quân tham gia vào lực lượng gìn giữ hoà bình của tổ chức này là phương tiện hữu hiệu để khẳng định vai trò của một quốc gia nào đó trong cộng đồng quốc tế. Nhật Bản cũng đang muốn khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế đặc biệt là muốn trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chính vì muốn đạt được mục đích đó mà Nhật Bản đã rất nỗ lực hoà vào xu hướng chung của thế giới. Cụ thể là cùng với việc hiện đại hoá Lực lượng Phòng vệ của mình thì về phương diện pháp lý, Nhật Bản cũng đã có những bước đi nhằm xây dựng căn cứ pháp lý cho phép lực lượng này có thể triển khai ra ngoài biên giới quốc gia để tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc. Thông qua việc tham gia vào đội quân đa quốc gia của Liên Hợp Quốc mà Nhật Bản có những đóng góp quốc tế nhiều hơn. Qua đó mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra thế giới và cũng là một trong những điều kiện giúp nước này giành được ghế thường trực của Hội Đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Cho đến nay, do nhu cầu công việc, nghiên cứu, học tập hoặc muốn tìm hiểu văn hóa Nhật Bản theo sở thích v.v… nên số người học tiếng Nhật ở Việt Nam tương đối đông và vẫn nằm trong xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, không ít người kể cả học sinh các trường chuyên ngữ gặp rất nhiều khó khăn khi học ngôn ngữ này. Nguyên nhân không phải chỉ do sự phức tạp của ngữ pháp mà còn do khó nhớ được chữ Kanji. Vì vậy, bài viết này tác giả muốn giới thiệu một số cách học chữ Kanji, cách suy đoán cách đọc và phân biệt chữ đó đọc theo âm ngắn hay âm dài thông qua âm Hán-Việt nhằm giúp những người đang học tiếng Nhật, nhất là những người muốn tham gia chương trình thi năng lực tiếng Nhật.