Sự ra đời của Chính quyền Minh Trị vào năm 1868 không chỉ đánh dấu bước tiến vượt bậc của Nhật Bản từ một nước phong kiến trì trệ, kém phát triển trở thành một cường quốc hùng mạnh mà còn mở ra một thời kỳ thống trị mới của một thế lực mới: thế lực Tây Nam. Thế lực Tây Nam chính là bốn phiên (han) đã có vai trò to lớn trong sự nghiệp lật đổ sự thống trị của chính quyền Mạc phủ Tokugawa, khôi phục lại quyền lực cho Thiên Hoàng. Bốn phiên đó gồm Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen. Sau khi phong trào đảo Mạc giành thắng lợi hoàn toàn, sự ảnh hưởng của các phiên này ngày càng phát triển và mở rộng trong hệ thống chính quyền mới. Chính vì điều này mà nhiều người gọi nó là Hanbatsu Seifu (Chính phủ Phiên phiệt), chính phủ nằm dưới sự điều khiển của của các phiên mà không ai khác hơn chính là các hùng phiên Tây Nam.
1. Sự ảnh hưởng của các các phiên Tây Nam trong bộ máy dân sự của Chính quyền Minh Trị
Sau khi đánh bại hoàn toàn Chính quyền Mạc Phủ, Thiên hoàng Minh Trị đã hoàn toàn khôi phục lại quyền lực của mình và trở thành người đứng đầu nhà nước. Từ tháng 1 năm 1868, một chính phủ mới đã được hình thành để trợ giúp cho Thiên hoàng điều hành đất nước. Trong tổng số 162 người được chỉ định vào những chức vụ quan trọng trong chính quyền mới thì những người xuất thân từ các phiên Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen chiếm đến 82 người tức chiếm hơn 51.6% tổng số quan chức trong chính phủ. Cụ thể, Choshu có 24 người chiếm 14,8%, Satsuma có 21 người chiếm 13%, Tosa có 18 người chiếm 11,7% và cuối cùng là Hizen với 22 người chiếm 13,6%(1).
Về cơ cấu tổ chức, đứng đầu chính phủ Hanbatsu là một vị hoàng thân có tên là Asisugawa. Dưới ông này là một cơ quan gọi là Gijo (Nghị Định ) bao gồm 10 người với thành viên là những quý tộc triều đình mà đã ủng hộ Thiên hoàng chống lại Mạc Phủ và những lãnh chúa ở các địa phương đã dẫn đầu phong trào đảo Mạc là Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen. Những Gijo có vai trò như những người đứng đầu các cơ quan đầu não của chính quyền Minh Trị. Lúc mới thành lập, số lượng quý tộc triều đình trong cơ quan này chiếm khá đông nhưng sau đó thì giảm dần và thay vào đó là những người đến từ các lãnh địa Tây Nam như Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen. Trong số 22 người được chỉ định làm Gijo trong 14 tháng tiếp theo thì quý tộc triều đình chỉ còn 3 người, 19 người còn lại đến từ các lãnh địa địa phương trong đó người của bốn phiên Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen chiếm đến 15 người tức hơn 80%. Dưới Gijo là Sanyo (Tham Dữ) với số thành viên lúc đầu 19 người sau đó tăng dần lên 102 người. Trong số 102 Sanyo này thì 50 người xuất thân từ quý tộc triều đình, 53 người còn lại xuất thân từ các phiên ở địa phương trong đó Satsuma và Choshu là 14 người, các phiên Hizen, Kumamoto, Aki, Okayama, Tottori là 16 người, 15 người từ các phiên Tosa, Uwajima, Owari va Echizen. Tám người còn lại xuất thân từ các phiên khác nhưng có vai trò không quan trọng(2). Từ tháng 8 năm 1885 thì Sanyo được thay thế bằng Sangi (Tham Nghị). Không chỉ thay đổi về tên gọi mà quyền lực cũng như trách nhiệm của cơ quan này cũng tăng lên rất nhiều. Vào thời điểm này thì những Sangi có vai trò rất lớn. Họ trở thành những người ban hành và kiểm soát các chính sách của quốc gia trên mọi lĩnh vực. Do sự tăng cường về quyền lực và sức ảnh hưởng nên số thành viên Sangi cũng giảm còn 26 người trong số đó 9 người từ Satsuma, 7 người từ Choshu, 4 người từ Hizen và 5 người từ Tosa, chỉ có một người là ở ngoài bốn phiên này(3). Những người có vai trò quan trọng nhất trong số những Sangi là Saigo, Okubo (đến từ Satsuma), Kido, Ito (đến từ Choshu), Goto, Itagaki (đến từ Tosa) và Okuma (đến từ Hizen).
Qua việc xem xét hai cơ quan đứng đầu Chính phủ Minh Trị trong thời kỳ đầu, chúng ta có thể thấy rõ một đặc điểm là trong cả hai cơ quan Gijo và Sanyo số người xuất thân từ các phiên Tây Nam Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen lúc nào cũng chiếm tỉ lệ cao. Có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là: Thứ nhất, các phiên này là những địa phương có công rất lớn trong việc lật đổ Chính quyền Mạc phủ nên sau khi Chính quyền Minh Trị được thiết lập thì họ được ban thưởng những chức vụ cao trong chính phủ. Thứ hai, do mới được thành lập nên Chính quyền Minh Trị rất cần những quan chức có kiến thức sâu rộng để quản lý đất nước trong đó chính quyền đặc biệt xem trọng những người đã từng đi du học về cách thức tổ chức bộ máy hành chính, về kinh tế, chính trị hay quân sự ở các nước phương Tây. Có rất nhiều người ở các phiên Tây Nam đã đáp ứng được yêu cầu này nên đã được trọng dụng. Thứ ba, các phiên Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen là những phiên đầu tiên trong cả nước tiến hành cải cách kinh tế, quân sự, chính trị và đã thành công rực rỡ. Những phiên này đã đưa ra những chính sách công nghiệp hóa hết sức thiết thực và có hiệu quả. Chính vì thế để thực hiện phương châm “Phú quốc cường binh”, tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, chính quyền Minh Trị non trẻ rất cần những kinh nghiệm quý báu từ các phiên này. Cũng vì thế mà những người ở các phiên Tây Nam dễ dàng thâm nhập vào chính phủ và dần dần nắm giữ những chức vụ quan trọng. Có thể nói, chính các phiên Tây Nam đã đưa ra những kiểu mẫu đầu tiên giúp chính quyền mới xây dựng nhà nước cũng như tiến hành các cuộc cải cách trên tất cả các lĩnh vực.
Bảng 1 : Thành phần xuất thân của các quan chức trong chính quyền Minh Trị
Stt |
Nơi sinh |
Số người |
Tỉ lệ (%) |
Stt |
Nơi sinh |
Số người |
Tỉ lệ (%) |
1 |
Choshu |
24 |
14.8 |
16 |
Hiroshima |
2 |
1.2 |
2 |
Hizen |
22 |
13.6 |
17 |
Nagoya |
2 |
1.2 |
3 |
Satsuma |
21 |
13.0 |
18 |
Mito |
2 |
1.2 |
4 |
Kyoto |
19 |
11.7 |
19 |
Oita |
2 |
1.2 |
5 |
Tosa |
18 |
11.7 |
20 |
Mushashi |
2 |
0.6 |
6 |
Fukui |
6 |
3.7 |
21 |
Kanagawa |
1 |
0.6 |
7 |
Shizuoka |
5 |
3.1 |
22 |
Kurume |
1 |
0.6 |
8 |
Okayama |
4 |
2.5 |
23 |
Osaka |
1 |
0.6 |
9 |
Kumamoto |
4 |
2.5 |
24 |
Takanabe |
1 |
0.6 |
10 |
Wakayama |
4 |
2.5 |
25 |
Echigo |
1 |
0.6 |
11 |
Shonai |
3 |
1.9 |
26 |
Sado |
1 |
0.6 |
12 |
Tokyo |
3 |
1.9 |
27 |
Tochigi |
1 |
0.6 |
13 |
Shiga |
3 |
1.9 |
28 |
Niibaru |
1 |
0.6 |
14 |
Mie |
3 |
1.2 |
29 |
Ishikawa |
1 |
0.6 |
15 |
Tokushima |
2 |
1.2 |
30 |
Harima |
1 |
0.6 |
|
|
|
|
|
Tổng Cộng |
162 |
100.0 |
Nguồn: J.Mark Ramseyer & Frances M. Rosenbluth (1995), The politics of Oligarchy, Cambridge Universty Press, tr 113.
Không những có sức ảnh hưởng mạnh trong thời kỳ đầu Minh Trị, các hùng phiên Tây Nam còn mở rộng quyền lực của mình trong giai đoạn tiếp theo khi Nội các Nhật ra đời vào năm 1885 với số lượng thủ tướng xuất thân từ các phiên Satsuma và Choshu chiếm tỷ lệ cao nếu không muốn nói là tuyệt đối.
Bảng 2: Thủ tướng Nhật từ năm 1885 đến năm 1918
STT |
Họ tên |
Nơi sinh |
Nhiệm kỳ |
1 |
Ito Hirobumi |
Choshu |
22/12/1885 – 30/4/1888 |
2 |
Kuroda Kiyotaka |
Satsuma |
30/4/1888 – 24/12/1889 |
3 |
Yamagata Aritomo |
Choshu |
24/12/1889 – 6/5/1891 |
4 |
Matsukata Masayoshi |
Satsuma |
6/5/1891 – 8/8/1892 |
5 |
Ito Hirobumi |
Choshu |
8/8/1892 – 18/11/1896 |
6 |
Matsukata Masayoshi |
Satsuma |
18/11/1896 – 12/1/1898 |
7 |
Ito Hirobumi |
Choshu |
12/1/1898 – 30/6/1898 |
8 |
Okuma Shigenobu |
Hizen |
30/6/1898 – 8/11/1898 |
9 |
Yamagata Aritomo |
Choshu |
8/11/1898 – 19/10/1900 |
10 |
Ito Hirobumi |
Choshu |
19/10/1900 – 2/6/1901 |
11 |
Katsura Taro |
Choshu |
2/6/1901 – 7/1/1906 |
12 |
Saionji Kimmochi |
Kyoto |
7/1/1906 – 14/7/1908 |
13 |
Katsura Taro |
Choshu |
14/7/1908 – 30/8/1911 |
14 |
Saionji Kimmochi |
Kyoto |
30/8/1911- 21/12/1912 |
15 |
Katsura Taro |
Choshu |
21/12/1912 – 20/2/1913 |
16 |
Yamamoto Gonnohyoe |
Satsuma |
20/2/1912 -16/4/1914 |
17 |
Okuma Shigenobu |
Hizen |
16/4/1914 – 9/10/1917 |
18 |
Terauchi Masatake |
Choshu |
9/10/1916 – 29/9/1918 |
Qua bảng thống kê trên có thể thấy là trong tổng số thủ tướng Nhật Bản tại vị trong khoảng thời gian từ khi Nội các đầu tiên được thành lập vào năm 1885 cho đến khi kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất vào năm 1918 thì hơn 98% có xuất thân từ các phiên Tây Nam, trong đó có những người nắm giữ chức vụ thủ tướng trong rất nhiều nhiệm kỳ như Ito, Kuroda, Matsukata….Chính vì hai địa phương Satsuma và Choshu sản sinh ra rất nhiều thủ tướng Nhật nên dần dần chúng đã trở thành những vùng đất mang tính chất “địa chính trị” nổi tiếng. Trong giai đoạn này và kể cả về sau nữa khi nhắc đến cái tên Satsuma hay Choshu, mọi người dân Nhật đều rất kính trọng nể. Không những thế, những người có quê quán ở những địa phương này dù làm việc trong bất cứ lĩnh vực nào cũng được trọng dụng và ưu đãi hơn những người khác. Những người dân ở Satsuma và Choshu rất tự hào về danh tiếng của địa phương mình. Mỗi năm họ đều tổ chức những lễ hội lớn một mặt là để tưởng nhớ những vị anh hùng có công, mặt khác là để quảng bá và phô trương thanh thế của địa phương mình.
2. Sự ảnh hưởng của các hùng phiên Tây Nam trong bộ máy quân sự của Chính quyền Minh Trị
Thế lực Tây Nam không chỉ có sự ảnh hưởng lớn trong bộ máy chính quyền dân sự mà còn chi phối cả bộ máy quân sự trong giai đoạn Minh Trị. Sau khi đánh đổ được Mạc phủ vào năm 1868, chính quyền mới đã đề ra phương châm “Phú quốc cường binh” và bắt tay vào việc tiếp nhận những kỹ thuật quân sự tiên tiến từ các nước phương Tây. Do là những phiên hùng mạnh về quân sự cộng với những kinh nghiệm có được thông qua các cuộc cải cách quân sự trong nội bộ phiên trước đây, những người xuất thân từ các phiên như Satsuma, Choshu, Tosa được nắm giữ rất nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy quân sự quốc gia như Okuma Masujiro, Yamagata Aritomo (Choshu), Saigo Tsugimichi, Oyama Iwao (Satsuma)… Năm 1872 Bộ binh (hyobusho) được chia thành hai bộ là Bộ Lục quân và Bộ Hải quân. Trong suốt thời kỳ Minh Trị thì thế lực thống trị lĩnh vực quân sự là Choshu về lục quân và Satsuma về hải quân.
2.1. Lục quân
Nói thế lực Choshu chiếm lĩnh lục quân Nhật Bản vào giữa và cuối thời kỳ Minh Trị bởi vì phần lớn lực lượng quân đội đều xuất thân từ Choshu han. Lực lượng lục quân của Chính quyền Minh Trị vốn có xuất thân từ đội quân Kiheitai của Choshu han trước đây. Sau khi Mạc Phủ bị tiêu diệt, nó trở thành quân đội nòng cốt của chính phủ mới. Lục quân được tổ chức theo mẫu hình của lục quân Phổ. Thế lực Choshu điều khiển quân đội có ảnh hưởng lớn đến chính quyền dân sự vào giữa và cuối thời kỳ Minh Trị. Phần lớn các Bộ trưởng Lục quân Nhật Bản đều xuất thân từ Choshu trong đó nổi bật nhất là Takashima Tomonoke, Katsura Taro, Kodama Gentaro, Terauchi Masatake, Tanaka Giichi và Uehara Yusaku Trong số những người này, có nhiều người đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Lục quân trong nhiều nhiệm kỳ và ba trong số họ sau này đã trở thành là thủ tướng Nhật trong những năm 1901-1928, đó chính là Katsura Taro, Terauchi Masatake và Tanaka Giichi.
2.2. Hải quân
Thế lực Satsuma chiếm lĩnh hải quân Nhật Bản vào giữa và cuối thời kỳ Minh Trị chủ yếu là do truyền thống đánh cá và đi biển lâu đời của người dân xứ Satsuma cùng với những chiến công hào hùng của thủy quân Satsuma trong các trận hải chiến với quân Mạc phủ. Trong cuộc chiến tranh Boshin (Mậu Thân), hải quân Satsuma đã nhiều lần đánh bại hải quân của Mạc phủ cùng với đồng minh của nó. Do đó sau khi Chính quyền Minh Trị được thiết lập thì chính phủ mới đã quyết định lấy mô hình hải quân Anh mà Satsuma áp dụng để làm nền tảng xây dựng Bộ hải quân của mình. Những vị tướng đánh thủy tài ba của Satsuma theo đó cũng đã trở thành những người đứng đầu các cơ quan hải quân như Saigo Tsugumichi, Oyama Iwao, Yamamoto Gonohyoue, Kobayama Sukeori, Nire Kagenori
Bên cạnh đó thì trong thời kỳ Minh Trị còn có 5 tổng tư lệnh hải quân và 3 sĩ quan hải quân cấp cao người Satsuma được trao huân chương Nguyên sư hải quân đại tướng (元帥海軍大将,), cấp bậc cao nhất của giới hải quân Nhật trong thời kỳ Minh Trị.
Khi nghiên cứu bộ máy cầm quyền của Bộ Lục quân và Bộ Hải quân Nhật trong giai đoạn Minh Trị thì chúng ta có thể thấy rõ sự thay phiên nhau cầm quyền của những người xuất thân từ các phiên Tây Nam, đối với Bộ Lục quân là phiên Choshu còn Bộ Hải quân là phiên Satsuma. Lý do của tình trạng này là bởi vì trong bộ máy cầm quyền của hai bộ này hiện hữu một “truyền thống” bất di bất dịch. Đó chính là truyền thống bảo trợ cho nhau giữa những người xuất thân từ Satsuma hay Choshu để duy trì sự thống trị của thế lực Tây Nam. Ví dụ tiêu biểu nhất là Yamagata Aritomo, người đứng đầu Bộ Lục quân Nhật trong những ngày mới thành lập. Sau khi Yamagata từ chức, ông đã nỗ lực hết mình để bảo trợ cho người kế nhiệm do chính mình lựa chọn. Những người lần lượt được ông đề cử vào chức vụ của mình sau khi về hưu như Katsura Taro, Komada Gentaro, Terauchi Masatake và Tanaka Giichi đều là những người xuất thân từ Choshu han, quê hương của ông. Việc này tuy bảo đảm sự thống trị của thế lực Choshu trong giới quân đội nhưng qua đó cũng thể hiện tính độc tài cao độ.
*
* *
Tóm lại sau khi xem xét bộ máy dân sự và quân sự của Chính quyền Minh Trị thì có thể thấy rõ một thực tế rằng những người xuất thân từ các phiên Tây Nam đã chiếm lĩnh hầu hết các chức vụ quan trọng trong hai cơ quan đầu não này. Do nắm giữ những vị trí quan trọng trong Chính quyền Minh Trị nên các hùng phiên Tây Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để góp tay vào công cuộc xây dựng nhà nước mới cũng như trong công cuộc cải cách kinh tế, chính trị, quân sự.
Năm 1923 người được bảo trợ cuối cùng của Yamagata Aritomo là Tanaka Giichi đã hoàn tất nhiệm kỳ cuối cùng của mình với cương vị là Bộ trưởng Bộ Lục quân. Đây đồng thời cũng là sự kiện đánh dấu thời điểm kết thúc sự thống trị của thế lực Choshu đối với lực lượng vũ trang Nhật Bản. Về phía Bộ Hải quân thì những bộ trưởng xuất thân từ phiên Satsuma cũng đã dần dần được thay thế bởi những người tốt nghiệp từ Hàn lâm viện Hải quân hay Cao đẳng Hải quân. Truyền thống bảo trợ cho nhau hay thay phiên nhau nắm quyền trong các cơ quan chính phủ của thế lực Tây Nam đã chấm dứt.
Có thể nói những sự kiện trên đây là hồi chuông báo hiệu thời kỳ thống trị của những con người xuất thân từ các phiên Satsuma, Choshu, Tosa và Hizen đối với chính quyền trung ương đã kết thúc. Từ thời Taisho trở lại đây tuy cũng có những nhân vật chính trị lớn có xuất thân từ Kagoshima (Satsuma), Yamaguchi (Choshu), Kochi (Tosa) hay Saga (Hizen) nổi lên trên chính trường Nhật Bản nhưng tần số xuất hiện không nhiều và sự ảnh hưởng cũng không đáng kể. Tuy nhiên, “sự vang bóng một thời” của những vùng đất này vẫn mãi mãi in sâu vào tâm trí của người Nhật ở những thế hệ sau.
HUỲNH PHƯƠNG ANH
(Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản - Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Albert M.Craig (1961), Choshu in the Meiji Restoration, Harvard University Press.
2. Bernard S.Silberman,“Bureaucratic Development and the Structure of Decision – making in Japan: 1868 -1925”, The Journal of Asian studies, Volume XXIX, No 2, February 1970, p. 347-362.
3. E – Herbert Norman (2000), Japan’s Emergence as a modern state , Nxb Vancouver, Toronto.
4. Collected writings of W.G.Beasley (2001), Japan Library and Edition Synapse.
5. 羽仁五郎(1956), 明治維新研究, Iwanamu.
6. 服部之総(1972), 明治維, Aoki Bunko.
7. 田中彰(1995), 明治維新, Yoshikawa Kobunkan.