1. Hoàn cảnh lịch sử của việc truyền bá đạo Tin Lành ở Nhật Bản
Năm 1854, Nhật Bản xoá bỏ chính sách “Bế quan toả cảng”. Tận dụng điều đó, ngay từ năm 1859, các tổ chức truyền giáo Âu - Mỹ đã gửi các nhà truyền giáo Tin Lành đến Nhật Bản để chuẩn bị cho ngày "khai giáo”. Theo điều khoản "tự do mậu dịch" của Hiệp ước Nhật - Mỹ thì người dân hai nước có thể trao đổi, buôn bán mà không có sự phân biệt, ngăn cấm nào và do vậy những sách báo, thư tịch của đạo Tin Lành cũng đưa tự do vào Nhật Bản thông qua sự giúp đỡ của chính những người Nhật Bản.
Vừa tỉnh giấc sau cơ mê dài của chính sách "Bế quan toả cảng", người Nhật không phân biệt rõ được sự khác biệt giữa đạo Tin Lành (Protestantis) và Công giáo (Catholicism), song suy nghĩ chung của chính quyền là nếu Kitô giáo được đưa vào Nhật Bản thì những giá trị của quốc gia vốn hình thành từ xưa có thể bị phá hoại. Chính vì vậy, năm 1854, khi ký Hiệp ước thân thiện Nhật - Mỹ thì phía Nhật Bản cũng đề cập đến các điều kiện về tôn giáo. Năm 1859, căn cứ vào danh mục gọi là "Việc trợ giúp hoạt động tín ngưỡng của người dân chính quốc", có 6 nhà truyền giáo Tin Lành đã đến Nagasaki. Những nhà truyền giáo này cư trú ở những đô thị gần cảng và rất nỗ lực học tiếng Nhật. Họ vừa dạy tiếng Anh vừa làm công việc chữa bệnh đồng thời bắt tay vào việc dịch kinh thánh để phục vụ cho công việc truyền giáo trong tương lai.
Tuy nhiên, những năm đầu thời kỳ Minh Trị (1868 - 1912), Thần đạo được coi trọng, trong khi Phật giáo và Kitô giáo bị khinh thị. Chính vì lẽ đó, những nhà truyền giáo Tin Lành không gặp thuận lợi bởi trong tâm thức nói chung của mọi người vẫn coi Kitô giáo và những tôn giáo ngoại lai là dị đoan, tà giáo. Với chủ trương tiếp thu văn minh phương Tây nhưng chính phủ Minh Trị lại không tiếp thu Kitô giáo dù đây là một yếu tố của nền văn minh này. Không dừng lại ở đó, năm 1868, chính phủ mới cho công bố lại lệnh cấm đạo của thời kỳ Edo (1600 - 1868) và bắt giam giữ những người theo Kitô giáo ở Urakami tỉnh Nagasaki. Hành động này ngay lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt của các phái đoàn ngoại giáo phương Tây. Do vậy, chính quyền Nhật Bản cho triệt hồi lệnh cấm đạo vào tháng 2 năm 1873 nhằm tạo nên mối quan hệ tốt đẹp với các nước Âu - Mỹ. Từ đây, các nhà truyền giáo đạo Tin Lành mới có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tích cực công việc của mình.
Ngoài 6 nhà truyền giáo đầu tiên thì tên tuổi của những nhà truyền giáo khác thường được nhắc đến trong thời kỳ đầu như Ballagh thuộc Công hội Yokohama, Janes là người đứng đầu tổ chức giáo viên ở tỉnh Kumamoto, Clark là người đứng đầu tổ chức giáo viên ở thành phố Sapporo... Các nhà truyền giáo Tin Lành đã nhanh chóng tiếp cận và giảng dạy cho những người làm nghề giáo dục để qua đó họ có thể nắm bắt, chỉ đạo giáo hội, nhà thờ của Nhật Bản. Trong những nhà truyền giáo không phải không có chủ trương phân chia các giáo phái, song nhìn chung những nhà truyền giáo Mỹ đã du nhập trực tiếp vào Nhật Bản và giữ nguyên mẫu giáo phái của chính quốc.
Các nhà truyền giáo đã đến Nhật Bản có rất nhiều người Mỹ với số lượng áp đảo, tiếp đó là người Anh, Canada, Đức. Điều đó cho thấy, Giáo hội Nhật Bản đã nhận được sự ảnh hưởng rất lớn từ các nhà truyền giáo Mỹ. Cùng với thời gian, những nhà truyền giáo Tin Lành cũng thành công bước đầu với công việc của mình ngay cả trong thời kỳ cấm đạo của chính quyền Minh Trị.
Năm 1865, James Hamilton Ballagh (1832 - 1920) đã làm lễ thụ giáo cho một người Nhật Bản là Yano Mototaka (? - 1865). Yano Mototaka là người dạy tiếng Nhật cho Ballagh và Brown, như vậy ông là người Nhật Bản đầu tiên trở thành tín đồ đạo Tin Lành. Năm 1866, Guido Herman Fridolin Verbeck (1830 - 1896) đã làm lễ rửa tội, nhập đạo cho Murata Masanori (1812 - 1872) và Murata Ayabe (không rõ năm sinh năm mất). Năm 1866, Channing Moore Williams (1829 - 1910) đã làm lễ thụ giáo cho Shomurasuke Uemon (1821 - 1903). Shomurasuke Uemon đã trở thành tín đồ Tin Lành đầu tiên của Hội Công thánh Nhật Bản.
Sau lệnh dỡ bỏ việc cấm đạo (1873), các hoạt động của đạo Tin Lành mặc nhiên được thừa nhận đã mở ra một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn trước. Thật vậy, những nỗ lực hoạt động từ trước đó cho đến lúc này (1873) của các nhà truyền giáo Tin Lành ở Nhật Bản đã đạt được những thành quả nhất định. Từ đây, Nhật Bản bước vào giai đoạn sùng bái phương Tây nhất là thập niên 80 của thế kỷ XIX, xu hướng phương Tây hoá trở nên thịnh hành đến mức thành trào lưu xã hội. Trong quá trình này, tại nơi cư trú của các nhà truyền giáo thường xuyên có nhiều người lui tới. Những nhà truyền giáo vốn có sẵn truyền thống tư tưởng tự do nhất là các nhà truyền giáo người Mỹ, họ thuyết giảng về tôn trọng cá nhân, chủ nghĩa dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, đồng thời trực tiếp đưa đến cho người Nhật Bản nhận thức về tính cách rõ ràng và sự lạc quan. Trong bối cảnh của hiện trạng xã hội đương thời như vậy thì thật dễ hiểu khi rất nhiều người có thiện cảm với người Mỹ. Trong trào lưu xã hội với tính chất mở cửa toàn diện ở giai đoạn này cùng những nỗ lực không mệt mỏi và nhiều khi không "khuất phục" của các nhà truyền giáo Tin Lành đã có được kết quả. Đặc biệt, ở thập niên 80 của thế kỷ XIX, phản ứng của mọi người là có thiện cảm với đạo Tin Lành. Sở dĩ như vậy là ngoài những ấn tượng như kể trên, khi mà chính quyền Minh Trị dốc toàn lực vào việc chỉnh sửa hiệp ước bất bình đẳng thì ngay cả những nhà truyền giáo cũng cùng lập trường với Chính phủ Nhật Bản. Theo đó, họ ủng hộ Chính phủ Nhật Bản về việc quyền tự chủ về thuế quan, triệt bỏ pháp quyền ngoại trị, bởi vậy quan niệm về "các nhà truyền giáo là tay sai của chủ nghĩa đế quốc nước ngoài" đã giảm bớt nhiều trong suy nghĩ của người Nhật Bản. Tổ chức và giáo hội của hệ phái Tin Lành đã lớn mạnh nhanh chóng và theo thống kê của cuốn "Niên giám Kitô giáo" thì năm 1873, những tín đồ đạo Tin Lành là người Nhật Bản chỉ là 59 người song đến năm 1891 đã tăng lên là 31361 người. Nguyên nhân của sự lớn mạnh nhanh chóng của giáo hội Tin Lành đương thời là do sự phục hưng liên tục theo hệ thống từ 1882 - 1885, qua đó qui mô được mở rộng với tính chất tập đoàn chứ không còn là cá nhân nữa. Mặt khác, từ 1885 - 1890 hình thành phong trào gọi là "chủ nghĩa Âu hoá" đã mở ra triển vọng sáng sủa cho việc truyền đạo.
Thập niên 90 của thế kỷ XIX chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc và cùng với đó là tư tưởng bài ngoại cũng phát triển rất mạnh, bởi vậy, ảnh hưởng của việc truyền đạo đã giảm đến mức thấp nhất. Trên thực tế, sự phát triển nhanh chóng của đạo Tin Lành cũng chỉ tập trung ở các đô thị là chủ yếu. Năm 1901 có 50785 tín đồ Tin Lành đã tăng lên là 123.222 người năm 1916 dù sao cũng là sự phát triển đáng khích lệ đối với đạo Tin Lành.
Sau thời kỳ đình trệ từ sau thập niên 90 của thế kỷ XX, giáo hội Tin Lành lại một lần nữa khôi phục hoạt động mạnh mẽ trở lại do những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi.
Chiến tranh Nhật - Thanh (1894 - 1895) rồi chiến tranh Nhật - Nga (1904 - 1905), đạo Tin Lành có cơ hội tuyệt vời để biểu thị lòng trung thành với quốc gia và đã hợp lực tích cực trong nhận thức đúng đắn về các cuộc chiến tranh này thông qua các cuộc vận động ái quốc diễn ra trên toàn Nhật Bản.
Nhìn chung, từ năm 1900 cho đến thập niên 30 của thế kỷ XX, sự phát triển, trưởng thành của các giáo phái Tin Lành vẫn còn tiếp tục, song thực tế đã bị chậm lại biểu hiện qua số lượng tín đồ trong 30 năm từ năm 1900 - 1930 chỉ tăng từ 50.785 người lên 193.937 người. Năm 1941, Giáo đoàn Kitô giáo Nhật Bản hình thành với tư cách của một thực tế liên hợp của 34 giáo phái dưới sự quản lý của chính phủ.
Từ năm 1950 đến thập niên 60 của thế kỷ XX, những người lao động với nhu cầu mong muốn cuộc sống tốt hơn đã rời bỏ nông thôn ra thành thị. Sự thay đổi về phân bố dân cư như vậy cùng quá trình công nghiệp hoá sau chiến tranh (1945) đã làm cho tình hình hoạt động truyền bá đạo Tin Lành có chiều hướng tốt lên. Sở dĩ như vậy là vì các tổ chức Tin Lành thường tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trên thực tế, tỷ lệ gia tăng trong năm từ sau thập niên 50 của thế kỷ XX cho thấy bắt đầu giảm đi theo một xu hướng chung của các giáo phái. Mỗi giáo hội lại có thông báo riêng về sự gia tăng số lượng tín đồ (qua bản thống kê hàng năm) và số người của các giáo hội trong thời gian hàng chục năm cũng chỉ chiếm 1% đến 2% dân số của Nhật Bản.
2. Đặc điểm của quá trình truyền bá và phát triển đạo Tin Lành ở Nhật Bản
a. Thiết lập giáo hội và giáo phái
Trong thời kỳ đầu của quá trình truyền bá và phát triển đạo Tin Lành ở Nhật Bản đã hình thành nên 3 tổ chức đoàn thể rất nổi tiếng gọi là Band (tiếng Nhật đọc là Bando). Bando còn bao hàm ý nghĩa là một tập đoàn được hình thành qua việc ký kết, thề ước với nhau. Ba tổ chức đó là Yokohama Bando, Kumamoto Bando và Sapporo Bando.
Từ sau năm 1873, trên cơ sở bãi bỏ lệnh cấm đạo, đã có những người tin theo đạo Tin Lành, đặc biệt là ở những nơi có người nước ngoài cư trú như cảng biển, đô thị. Những người nước ngoài được chính phủ thuê giảng dạy về kỹ thuật, văn hoá nước ngoài ở trường học và công sở. Tại đây, những tín đồ và nhà truyền giáo người nước ngoài tiến hành việc giới thiệu về đạo Tin Lành. Yokohama là nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống, đặc biệt nổi lên sự hoạt động của những nhà truyền giáo thuộc Giáo hội phải Cải cách Hà Lan ở Mỹ và Hội Uỷ viên truyền đạo nước ngoài của Giáo hội Trưởng lão Mỹ thuộc hệ phái Trưởng lão. Ở Yokohama có trường tư thục Anh ngữ của Ballagh cũng là nơi hình thành nên Yokohama Bando.
Yokohama Bando về sau có giáo hội riêng dưới sự lãnh đạo chủ yếu của người Nhật Bản. Đặc trưng của Yokohama Bando là lý giải tín ngưỡng, tôn giáo dựa trên sự chỉ đạo của các Mục sư hệ phái Trưởng lão, những người thuộc tổ chức này hầu hết chỉ đạo giáo hội phía bắc vùng Kanto.
Sự ra đời của Kumamoto Bando gắn liền với việc thành lập trường học phương Tây năm 1871 với mục đích tập trung sức lực để đào tạo, dưỡng dục thanh niên. Tháng 9 năm 1871, Loroy Lansing Janes (1837 - 1909) được mời tới Kumamoto (xưa kia là một lãnh địa tự trị của lãnh chúa phong kiến rồi trở thành tỉnh Kumamoto dưới thời kỳ Minh Trị) và khai trường phương Tây Kumamoto. Không lâu sau vì học sinh có nhu cầu và hứng thú với Tin Lành nên khoảng năm 1873, Janes đã mở tại nhà riêng Hội Cầu nguyện và Hội Nghiên cứu kinh thánh vào thứ bẩy hàng tuần. Từ cuối năm 1875, những người theo đạo Tin Lành có khoảng 30 - 40 người thông qua các việc nghiên cứu kinh thánh và lễ rửa tội. Đặc trưng của Kumamoto Bando là việc theo đạo Tin Lành là do ảnh hưởng của người nước ngoài, không phải nhà truyền giáo. Yếu tố tư tưởng, tinh thần dựa trên nền tảng của văn minh phương Tây là đạo Tin Lành và căn cứ vào tinh thần ấy để phụng sự tận lực cho quốc gia. Thông qua Kumamoto Bando mà phạm vi của giáo dục và Tin Lành được mở rộng với số người tham gia ngày càng nhiều.
Với mục đích khai hoang, di dân ở Hokkaido nên William Smith Clark (1826 - 1886) được mời đến và là người sáng lập Trường Nông nghiệp Sapporo. Ông chủ trương tập trung giáo dục nhân cách nên loại bỏ toàn bộ nội qui nhà trường và điều đó đã ảnh hưởng sâu đậm đối với học sinh. Tháng 3 năm 1877. Clark khởi thảo cuốn sách với tiêu đề "Khế ước của người tin theo chúa Jesus" với chữ ký của toàn bộ các thành viên tham gia, khiến nhiều thanh niên bị "kích thích" bởi tư tưởng mới của ông. Đặc trưng của Sapporo Bando là việc thụ giáo diễn ra ở trường công lập mà không có sự liên kết với giáo phái và giáo hội đặc biệt nào.
Ngoài ba tổ chức dẫn tới sự ra đời của giáo hội thời kỳ đầu ở Nhật Bản như kể trên, về sau còn có sự xuất hiện của các Bando khác như: Numatsu Bando, Shizuoka Bando v.v... Song có thể nhận định về đạo Tin Lành của Nhật Bản là sự hợp thành của 3 tổ chức đề cập ở trên, sự ra đời của các tổ chức đoàn thể như vậy cũng khiến cho ở các thành phố thuộc địa phương số người trẻ tuổi tin theo đạo Tin Lành liên tục tăng lên. Giáo đoàn Tin Lành đầu tiên ở Nhật Bản đã trở thành tổ chức chỉ đạo (năm 1872) trên cơ sở của các phái Cải cách Hà Lan, phái Trưởng lão. Tuy nhiên, giáo đoàn này "lảng tránh" tên hiệu của các giáo phái của phương Tây để tự mệnh danh là Công hội Kitô Nhật Bản.
Đoàn thể truyền đạo hải ngoại (Mission) của Âu - Mỹ có đặc trưng chủ yếu là hoạt động truyền giáo cho nên khi triển khai hoạt động đã tổ chức thu nhận tín đồ mới cùng với việc hướng dẫn tham gia vào các giáo hội và nhà thờ. Tuy nhiên, cũng có thể tuỳ theo tình hình cụ thể nơi nào đó được cho là quan trọng nhất, song mục đích chung của giáo hội là mở rộng hoạt động ở khắp mọi nơi nhất là ở các đô thị lớn. Năm 1887, thành lập Giáo hội Nhất trí Kitô Nhật Bản để rồi đến năm 1890 trở thành Giáo hội Kitô Nhật Bản và trên cơ sở này, quá trình tiến hành hoạt động của các giáo phái tự lập tuỳ theo từng giáo phái mà "mạnh, yếu" khác nhau. Trong bối cảnh đó, Giáo đoàn truyền giáo Tin Lành đã trở thành tổ chức giáo hội luôn đảm nhiệm việc thu nhận những tín đồ mới và cùng với đó là tiến hành giáo dục thông qua việc thành lập các trường học. Giáo dục còn bao gồm cả việc truyền đạo cho học sinh, giới trẻ và cùng với đó tiến hành chữa bệnh, hoạt động xã hội ở nhiều vùng miền. Thời gian đầu, Giáo hội Tin Lành Nhật Bản cũng xuất phát từ chủ nghĩa Công hội, song từ sau thập niên 80 của thế kỷ XIX ở Nhật Bản có 4 giáo phái Tin Lành đó là Giáo hội Kitô (thuộc phái Trưởng lão), Giáo hội Tổ hợp (thuộc phái Hội chúng), Giáo hội Methodist và Thánh công hội và dần hình thành quyền lực lớn của Giáo hội Tin Lành Nhật Bản sau này. Ngay trong thập niên 80 của thế kỷ XIX, người ta đã có kế hoạch hợp tác của hai giáo phái cơ bản nhằm tạo nên hai lưu phái lớn trong giáo hội Tin Lành Nhật Bản nhưng không thành công để rồi cuối cùng, dựa vào chủ nghĩa Công hội thành lập nên Giáo hội Tin Lành Nhật Bản. Giáo hội Tin Lành Nhật Bản trải qua các thử nghiệm và sự liên kết, hình thành giáo phái, tổ chức đại hội tín đồ v.v... đều nhằm mục tiêu là có một giáo hội thống nhất và tạo được nền tảng cơ bản.
b. Đặc điểm của giáo hội Tin Lành Nhật Bản
Đặc điểm rõ nhất của Giáo hội Tin Lành Nhật Bản là hoạt động truyền đạo tập trung ở các đô thị. Những nhà truyền giáo và giáo viên nước ngoài tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để tiến hành công việc của mình và nhìn chung hoạt động tại các đô thị có thể thấy là khá tự do. Tuy nhiên khi đi du lịch nhất thiết phải có hộ chiếu, do vậy những giáo viên nước ngoài hầu hết cư trú ở các đô thị của địa phương có cơ sở giáo dục công lập và đô thị gần cảng. Vả lại, những tín đồ Tin Lành thế hệ đầu tiên ở Nhật Bản thường chỉ giới hạn ở giới trí thức trẻ tuổi mong muốn học hỏi tri thức phương Tây và học ở các đô thị lớn và vừa.
Ngay từ giai đoạn đầu thời kỳ Minh Trị, từ đô thị, đạo Tin Lành đã chuẩn bị du nhập tới cả nông thôn. Sự "hà khắc" của thế chế xã hội nông thôn với tính chất phong kiến đã không ngăn cản được những người thuộc tầng lớp trung lưu, địa chủ (cũ) tiếp nhận đạo Tin Lành. Ở nông thôn, phụ nữ có chồng, nữ giới, trẻ em không phải là đối tượng của việc truyền giáo, cho nên giáo hội của nam giới trở thành khuôn mẫu trong thời kỳ đầu truyền đạo Tin Lành ở Nhật Bản. Đương nhiên, giáo hội hiện nay có nhiều tín đồ là nữ giới, song nam nữ tương đương vẫn là sự kỳ vọng của sự cân bằng trong giáo hội Tin Lành Nhật Bản bởi thực tế số lượng tín đồ nam giới thường chiếm tỷ lệ cao.
Giáo hội Tin Lành hầu hết không phải là cải đạo tập thể cho nên tín đồ Tin Lành ở Nhật Bản có thể chỉ là một người trong các cộng đồng như gia đình, nơi làm việc, làng xã v.v... tự tách ra để tin theo tôn giáo mới. Hiện tượng những người theo tôn giáo có thể là rất nhiều, song việc gọi là tôn giáo của toàn thể dân làng, gia tộc hầu như không nhìn thấy ở Nhật Bản. Mặt khác vì việc cải đạo mang tính chất cá nhân là cơ bản cho nên nhà truyền giáo phải chuẩn bị tư tưởng, tinh thần cho từng người về việc "thoát ly", thậm chí có thể bị bức hại của cộng đồng. Hiện trạng như vậy cho thấy rất rõ sự biểu hiện có tính chất cổ điển của việc truyền giáo giai đoạn đầu. Tín đồ Tin Lành ở đô thị khá nhiều nhưng những qui tắc, nguyên tắc của cộng đồng này chưa thật chặt chẽ bởi sự gắn kết trong quan hệ còn mờ nhạt, lỏng lẻo.
c. Các dạng thức của quá trình truyền bá đạo Tin Lành.
Cùng đến Nhật Bản để truyền bá, phát triển đạo Tin Lành, song phương cách chủ yếu để đạt được mục đích ấy lại không giống nhau, do vậy sự đa dạng chính là đặc trưng cơ bản nhất của quá trình này.
Dạng thứ nhất được đặc trưng bởi nhiệm vụ truyền đạo là chủ yếu. Về nhiệm vụ này thì Giáo đoàn hải ngoại đã đến Nhật Bản để truyền đạo Tin Lành. Các nhà truyền giáo của Mission kiêm nhiều công việc và chức vụ khác nhau như: ở bệnh viện, trường học, giáo hội... nhưng có thể xác nhận là họ rất tâm huyết với công việc truyền đạo trên phạm vi càng rộng lớn càng tốt.
Dạng thứ hai được gọi là "độc lập tự cấp" vì họ không phải có nhiệm vụ hoạt động truyền giáo đạt đến phạm vi rộng. Bởi vậy, họ chỉ truyền đạo ở vùng mà giáo hội được lập nên đồng thời chăm sóc, giáo dục, bồi dưỡng các hội viên với sự giúp đỡ của giáo hội là nhiệm vụ trọng yếu. Đối với các hội viên giáo hội thì độc lập, tự cấp của giáo hội và xây dựng giáo đường là nhiệm vụ chủ yếu của tín ngưỡng, lòng tin tôn giáo và vì điều đó họ đã đóng góp tiền vàng trong các nghi lễ cầu xin, làm từ thiện. Có nhiều tổ chức độc lập tự cấp song sự biến động, thay đổi là rất lớn trong lịch sử truyền đạo. Số lượng giáo hội độc lập thuộc Giáo hội Tổ hợp năm 1904 là có 40 giáo hội độc lập trong tổng số 111 giáo hội; năm 1918 có 82 giáo hội độc lập trong tổng số 113 giáo hội.
Dạng thứ ba đó là phát triển đạo Tin Lành ở các vùng miền. Đạo Tin Lành ở dạng này có nhiệm vụ chủ yếu là đề xuất, định ra những địa bàn hoạt động và phát triển tôn giáo qua các thông tin, hoạt động phúc lợi xã hội, văn hoá, giáo dục v.v... tới các vùng miền. Những người làm nhiệm vụ này chủ yếu là người có năng lực hoạt động và tri thức vì như vậy việc "phát tín" (phát triển tôn giáo qua hoạt động tuyên truyền) đến các vùng miền của đạo Tin Lành mới đạt hiệu quả tốt nhất. Kết quả là đến thập kỷ 20 của thế kỷ XX, giáo hội Tin Lành Nhật Bản đã mở rộng rất nhiều.
Đạo Tin Lành ở dạng thứ tư là tiến hành chỉ đạo việc bảo vệ giáo hội và nhà thờ. Một đặc điểm nổi trội của đạo Tin Lành dạng này là không mở rộng hoạt động ra nơi khác và như vậy, không truyền đạo ở phạm vi rộng lớn như dạng thứ nhất; không tiến hành hội họp truyền đạo vì sự hình thành giáo hội như dạng thứ hai và cũng không làm công việc "phát tín" ở các vùng miền như dạng thứ ba. Hệ quả là nhiều khi đạo Tin Lành bị chia cắt giữa các vùng miền với nhau.
3. Sự ảnh hưởng về tư tưởng, văn hóa, xã hội của đạo Tin Lành ở Nhật Bản.
a. Về tư tưởng
Sự ảnh hưởng của đạo Tin Lành đó là tính đa dạng trong tư tưởng của tầng lớp trí thức ở Nhật Bản bởi thu nhận từ nhiều "nguồn" khác nhau qua các nhà truyền giáo. Thật vậy, sự ảnh hưởng này thể hiện rất rõ qua tư tưởng của các Bando với các đại diện tiêu biểu của mỗi tổ chức này. Trước hết phải kể đến Uemura Masahisa (1858 - 1925) là nhà tư tưởng đạo Tin Lành thời kỳ đầu thuộc thể chế Thiên hoàng tối cao thống trị tất cả các lĩnh vực kể cả tôn giáo. Đối với ông, Tin Lành là con đường sinh ra ý chí, đồng thời trong quá trình học, gặp gỡ đạo Tin Lành rồi với tư cách nhà truyền đạo thì một lần nữa ý chí được tái sinh. Ông là một thành viên của Yokohama Bando nhập đạo thuộc phái Chính thống Tin Lành và trở thành lập trường tư tưởng xuyên suốt của mình.
Tiếp đến, Ebina Danzo (1856 - 1937) là nhà tư tưởng Tin Lành thuộc Kumamoto Bando. Từ năm 1872, ông chủ yếu giảng dạy về lòng trung thành với quốc gia cho những thanh niên Kumamoto nhập học ở trường này. Ngoài ra, ông còn dạy về Thần học trong đạo Tin Lành từ sự ảnh hưởng của nhà sư phạm Janes ở trường Kumamoto. Sau này, theo luận điểm "quan hệ đạo đức của quân thần" với ý nghĩa quân là nhà cầm quyền còn thần là dân, song thần linh là nhà cầm quyền còn cái tôi, bản thân là người dân để qua đó, ông cho rằng mình đã tiếp nhận đạo Tin Lành. Đạo Tin Lành trong quan điểm của ông cũng là căn cứ để nắm bắt được cá tính của mỗi người.
Một đại diện tiêu biểu về tư tưởng thuộc Sapporo Bando là Uchimura Kanzo (1861 - 1930). Năm 1877, ông vào học Trường Nông nghiệp Sapporo và tiếp xúc với đạo Tin Lành ở đây. Năm 1893, tại Kyoto ông hoàn thành tác phẩm "Niềm an ủi của tín đồ Kito giáo" .
Ảnh hưởng về tư tưởng của đạo Tin Lành đến tầng lớp trí thức, ngoài những đại diện tiêu biểu kể trên còn được thế hệ sau tiếp tục triển khai và nâng lên một bước mới. Có thể kể ra đây một vài nhân vật ưu tú nhất của thế hệ kế cận này.
Takakura Tokutaro (1885 - 1934) nhận lễ thụ giáo từ Uemura Masahisa và một trong những đặc điểm trong tư tưởng của ông là vấn đề "Tin Lành và bản ngã" khi ông nhận thấy trước hết ở thời thanh niên, bản ngã trở thành vấn đề lớn của giới trẻ Nhật Bản. Với bản ngã thì sự đau khổ, phiền muộn không phải chỉ của riêng ông và nếu nhấn mạnh điểm này thì vấn đề bản ngã của ông có thể "hoà tan" trong trào lưu của thời đại. Tuy nhiên, sự khổ não của mỗi người không thể biến thành cái chung vì vẫn bao hàm cá tính trong đó. Như vậy, sự khổ não mà ông bàn tới cũng có nghĩa bao hàm cá nhân của ông trong đó. Ngoài vấn đề này, ông còn muốn giải quyết vấn đề bản ngã trong Tin Lành và Kito giáo.
Cùng thế hệ với Takakura Tokutaro còn có Nakazima Shigeru (1888 - 1946) cũng là người rất nổi tiếng về vấn đề tư tưởng "Tình yêu với xã hội". Ông là người chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ebina DanJo nhất là khi chuyên tâm đến vấn đề xã hội. Đặc điểm trong tư tưởng của Nakazima là hướng cái nhìn tới xã hội và không chỉ giới hạn trong khuôn khổ của Tin Lành mà còn là phương pháp khảo sát để nắm xã hội rộng lớn. Ông cho rằng cả quan điểm của ông và chủ nghĩa Mác cũng cần thiết phải nghiên cứu, thảo luận, song ông vẫn tiếp thu thành quả học vấn, tri thức về quan điểm lịch sử của chủ nghĩa Mác. Về mặt thực tiễn, từ lập trường quan điểm của Tin Lành thì ông lại phản đối. Trong tư tưởng của ông thì cách giải quyết vấn đề là áp dụng quan niệm tiến hoá đơn giản. Tác phẩm tiêu biểu của ông là cuốn tổng thuật "Thần và cộng đồng xã hội" xuất bản năm 1929.
Hội nghiên cứu kinh thánh do Uchimura Kanzo sáng lập còn có tổ chức gọi là Mukyokai (Vô giáo hội). Từ tổ chức này, những người kế tục là Fuzii Takeshi (1888 - 1930), Tsukamoto Torari (1885 - 1973) . Trong số này, người kế tục tiêu biểu là Yanaihara Tadao, tham gia Hội Nghiên cứu Kinh thánh năm 1911. Năm 1925, phát triển thành Hội Nghiên cứu Kinh thánh Đại đế. Tại Đại học Đế quốc Tokyo, ông giảng về chính sách thực dân địa thuộc khoa kinh tế. Kế tục Uchimura Kanzo, ông triển khai tư tưởng Tin Lành và phê phán chính sách thực dân địa ở Đông Á.
b. Về xã hội
Ngoài công việc truyền giáo, những tổ chức đoàn thể của đạo Tin Lành đã tiến hành nhiều công việc như giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội và vẫn tiếp tục đến nay. Những hoạt động này đã góp phần ảnh hưởng lớn đến lịch sử Cận đại Nhật Bản (1868 - 1945) và có vai trò nhất định đối với xã hội Nhật Bản.
Đoàn thể truyền giáo hải ngoại Tin Lành (hay còn gọi Mission - Tin Lành) và những người có quan hệ với tổ chức này đã nỗ lực, chuyên tâm vào giáo dục với việc thành lập nên nhiều trường học. Chẳng hạn, trên cơ sở hoạt động truyền giáo của Giáo hội Tổ hợp (Gumiai) Imabari, Giáo hội Tổ hợp Matsuyama đã được thành lập năm 1885 với vị Mục sư đầu tiên là Ninomiya Kuniziro (1860 - 1926). Ngôi trường mang tên Trường Nữ Matsuyama do ông thành lập năm 1886.
Liên quan đến công việc xã hội của đạo Tin Lành có khá nhiều và đại diện tiêu biểu là Tomeoka Kosuke (1864 - 1934) với đề xuất xây dựng trường học gia đình. Tại trường này người ta nỗ lực gây ảnh hưởng của đạo Tin Lành cùng phương châm rõ ràng của trường là dựa trên nền tảng của thực tiễn. Tháng 9 năm 1888 ông trở thành Mục sư của Giáo hội Daichi Tanba. Tháng 3 năm 1891, từ nhiệm Giáo hội Tanba để làm những công việc, hoạt động sám hối liên quan tới những người bị hình phạt tù. Từ tháng 5 năm 1891 ở Karachi thuộc Hokkaido ông bắt đầu hoạt động về sự sám hối trên nền tảng của đạo Tin Lành. Khoảng thời gian này, có không ít người tham gia theo ý tưởng của ông khiến cho những hoạt động này đã được duy trì lâu dài. Năm 1899, để tập trung cho công việc ở nhà tù này, ông đã từ nhiệm chức Mục sư. Tháng 11 năm 1899, thành lập Trường Gia đình để thực hiện việc bảo vệ, giúp đỡ thiếu niên.
Qua dẫn chứng về trường hợp của ông có thể nhận thấy những con người như vậy tự giác tiến hành công việc xã hội suốt đời bằng thực tiễn đời thường và cả nghiên cứu.
Một trong những hoạt động của các nhà truyền giáo Tin Lành có ảnh hưởng sâu sắc về mặt xã hội đó là chữa bệnh. Chẳng hạn, bệnh Hansen (bệnh tê liệt thần kinh), ngày xưa là một trong những căn bệnh rất đáng sợ. Những người mắc bệnh này đều bị gia đình và xã hội xa lánh khiến cho cuộc sống trở nên bi thảm. Để cứu tế cho những người bệnh này, những tín đồ đạo Tin Lành đã rất nỗ lực trong công việc chữa trị ở các vùng. Một trong những trường hợp tiêu biểu là bệnh viện Koyamafukusei ở tỉnh Shizuoka với người đại diện là Iwashita Soichi (1889 - 1940).
Năm 1930, người Nhật Bản đầu tiên nhận chức Viện trưởng bệnh viện này là Iwashita Soichi. Ông làm công tác nghiên cứu, giáo dục và hoạt động truyền giáo. Tận tụy với việc chữa bệnh Hansen cho mọi người nên ông giành được sự kính trọng và ái mộ của mọi người. Qua đó, góp phần làm cho đạo Tin Lành có những ảnh hưởng không thể phủ nhận về mặt xã hội.
c. Về văn hoá
Trong các tôn giáo ở Nhật Bản, Thần đạo thường gắn liền với nghi lễ của sự sinh ra còn Phật giáo "độc chiếm" nghi lễ gắn liền với cái chết. Trong khi đó, với Kitô giáo nói chung, Tin Lành nói riêng, người Nhật Bản chỉ tìm thấy một vai trò xem ra chấp nhận được ở tôn giáo này là nghi lễ liên quan tới kết hôn. Hiện nay, trong giới trẻ Nhật Bản, việc tiến hành nghi lễ kết hôn theo nghi thức của Tin Lành rất được hâm mộ. Theo kết quả điều tra năm 1991, nghi lễ kết hôn có sự tham dự của giáo hội và theo nghi thức Tin Lành cho thấy ở vùng Kanto chiếm 35,9%, vùng Kansai là 23,8%. Cuộc điều tra tương tự một vài năm sau đó cho kết quả là 31% nghi lễ kết hôn trong nước được tiến hành theo nghi thức của Tin Lành. Không chỉ vậy, sự hâm mộ nghi lễ kết hôn theo nghi thức đạo Tin Lành còn lan rộng, xâm nhập tới cả những ngôi sao điện ảnh, diễn viên truyền hình nổi tiếng. Trên thực tế, đây là biểu hiện một trào lưu xã hội hiện đại hơn là sự xâm nhập của giáo lý tôn giáo trong các tầng lớp xã hội. Thật vậy, cá nhân người tiến hành nghi lễ kết hôn theo nghi thức của Tin Lành nhiều khi không phải là tín đồ mà đơn thuần họ chỉ làm theo nghi lễ một cách "vô thức" mà thôi. Về phương diện này nhận thấy ít có sự ràng buộc, liên quan giữa giới trẻ Nhật Bản và giáo hội Tin Lành. Tuy nhiên, những nhà truyền giáo và Mục sư có vị thế cũng vì mục đích truyền bá tôn giáo mà tiến hành nghi lễ kết hôn bởi lẽ nếu không có những cơ hội như thế này, có thể đối với nhiều người không biết gì về giáo hội Tin Lành. Hơn nữa, đây còn là một phương cách nhằm thể hiện quan điểm của đạo Tin Lành đối với việc kết hôn, gia đình và quan hệ con người với nhau. Không chỉ vậy, việc truyền bá nghi lễ kết hôn dù có tính thương mại nhưng cũng trở thành công việc quan trọng bởi lẽ đây là nguồn thu nhập đối với những khách sạn lớn đã chuẩn bị sẵn địa điểm tiến hành nghi thức hôn lễ theo phong tục phương Tây có sự tham gia của giáo hội, nhà truyền đạo và cả chức sắc tôn giáo nữa. Cách làm này được nhìn nhận rằng giáo hội Tin Lành rất kiên trì theo đuổi phương sách trường kỳ nhằm gia tăng tín đồ người Nhật Bản. Mặt khác, việc lựa chọn một phần trong nghi lễ của đạo Tin Lành gắn với cuộc sống được xem là sự ứng xử thích hợp của người Nhật Bản trong văn hoá tôn giáo của quốc gia này. Cho dù việc thực hiện không đúng qui định như truyền thống đạo Tin Lành trong việc lựa chọn những yếu tố tôn giáo như thế nào chăng nữa thì đó cũng bao hàm đặc trưng văn hoá ứng xử với tôn giáo mới của Nhật Bản.
*
* *
Như vậy, từ khi du nhập vào Nhật Bản đến nay, đạo Tin Lành ở Nhật Bản đã trải qua giai đoạn dài của lịch sử và đã xác lập được vị trí nhất định ở tại quốc gia đa tôn giáo này. Tuy có những bước thăng trầm, song về cơ bản, cho đến ngày nay, đạo Tin Lành cùng với các tôn giáo khác vẫn tồn tại bên nhau một cách hòa hợp, yên bình, bổ sung cho nhau. Hệ thống tôn giáo ở Nhật Bản không ngừng có những biến đổi, đôi khi phức tạp, song nhìn chung, đạo Tin Lành vẫn tiếp tục mở rộng qui mô, thích ứng xã hội nên đã góp phần làm cho diện mạo đời sống tôn giáo Nhật Bản hiện đại thêm phong phú, đa dạng.
HOÀNG MINH LỢI - NGUYỄN HỒNG VÂN
(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Edwind O. Reischaue, Nhật Bản quá khứ và hiện tại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.
2. George Sansom, Lược sử văn hóa Nhật Bản, Tập I, II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.
3. Joseph M. Kitagawa, Nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, 2002.
4. Noriyoshi Tamaru and David Reid, Religion in Japanese Culture - Where Living Traditions Meet a Changing World, Kodansha International, Tokyo- New York - London, 1996.
5. Winston Davis, Japanese Religion and Society - Paradigms of Structure and Change, State University of New York Press, 1992.
6. 土井かおる、よくうあかるキリスト教図書刷株式社会、東京、2007年。
7. 澤正彦、日本キリスト教史、株式会社平河工業社、東京、2004年。