Trang chủ

ĐỂ NHẬT BẢN KHÔNG "SỤP ĐỔ"

Đăng ngày: 12-08-2014, 11:57 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 4

Có một sự thúc đẩy đối với tình trạng khủng hoảng tài chính ở Nhật Bản. Nguồn ngân sách chi cho việc đối phó với khủng hoảng kinh tế và vấn đề già hóa dân số ngày càng phình to, trong khi nguồn thu ngân sách từ thuế lại giảm mạnh do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng. Số tiền vay vẫn tiếp tục tăng. Liệu nền tài chính của Nhật Bản còn tiếp tục tình trạng “leo dây” mạo hiểm này đến bao giờ? Vấn đề này ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế và đời sống người dân? Và, phải làm gì để nước Nhật khỏi “sụp đổ”? Bài phỏng vấn sau đây trên báo Asashi ngày 7/3/2010 sẽ phần nào cho thấy hiện trạng nền kinh tế Nhật Bản.

Vay tiền liệu có sao? Nhật Bản đang rơi vào tình trạng trầm trọng nhất trong các nước phát triển. Sau 10 năm nước Nhật liệu có còn tiền không?

Hỏi: Nghe nói tình hình tài chính quốc gia đang lâm vào tình trạng rất khó khăn, vậy tình trạng đó như thế nào?

Đáp: Dự toán ngân sách năm 2010 mà trong đó bao gồm các dự án công cộng và an sinh xã hội ước tính phải chi khoảng 92 ngàn tỉ yên, nhưng số tiền thu được từ nguồn thuế chỉ vào khoảng trên 37 ngàn tỉ yên. Kinh tế suy giảm khiến cho nguồn thu từ thuế cũng sụt giảm. Để bù lấp vào phần tiền thiếu hụt, nhà nước đã phát hành 44 ngàn tỉ yên trái phiếu chính phủ vốn là “sổ tín dụng” của Nhật Bản.

Hỏi: Vậy sao? Thế tức là số tiền vay còn nhiều hơn nguồn thu từ thuế?

Đáp: Đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng khó khăn như thế này, kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Theo tính toán của Bộ Tài chính: nếu tình hình  tài chính tiếp tục như năm 2010, thì năm 2011 đến 2013, mỗi năm sẽ vẫn tiếp tục thâm hụt khoảng trên 50 ngàn tỉ yên nguồn thu từ thuế.

Hỏi: Thế thì số tiền vay sẽ ngày càng tích tụ nhiều lên phải không?

Đáp: Ngay đến cuối năm 2010, số công nợ của Chính phủ sẽ vào khoảng 949 ngàn tỉ yên. Con số này tương đương 1,97  tổng thu nhập quốc nội GDP, có thể nói rằng, đây là số công nợ lớn nhất trong các quốc gia phát triển. Và có thể nhẩm tính rằng trung bình mỗi người dân đang phải gánh trên vai khoản nợ là 7,5 triệu yên (75.000 USD). Nếu lấy giá trị số nợ trừ đi giá trị số tài sản đang có thì vẫn còn khoản “nợ thuần” cao gấp 1,05 lần GDP, một khoản nợ cao hơn cả Italia.

Hỏi: Tại sao chúng ta lại lâm vào tình trạng bi đát này?

Đáp: Xã hội già hóa làm cho chi phí lương hưu và phúc lợi y tế tăng lên. Ngay từ những năm 1990 trở đi, nguồn ngân sách để ứng phó với vấn đề này đã không ngừng phình to. Lại cộng thêm việc thuế giảm. Nền kinh tế bị đình đốn trong một thời gian dài khiến cho nguồn thu từ thuế không tăng, chúng ta đã lâm vào tình trạng phải vay từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đã vay thì phải trả, và còn phải trả cả tiền lãi nữa, cho nên càng vay thì số tiền chúng ta được sử dụng trong tương lai sẽ càng ít đi. Có thể nói rằng khoản nợ của thế hệ hiện nay sẽ đè nặng lên thế hệ tương lai.

Hỏi: Thế ai là người cho nhà nước vay tiền?

Đáp: Trên 90% trái phiếu Chính phủ là do các cơ quan tiền tệ trong nước nắm giữ. Ngân hàng, các cơ quan tiền tệ nói chung, công ty bảo hiểm, quỹ tiền lương… là những người mua chính. Còn chúng ta là những người chi ra số tiền đó. Thông qua việc gửi tiết kiệm hay chi trả tiền bảo hiểm… chúng ta đã nắm giữ trái phiếu nhà nước một cách gián tiếp.

Hỏi: Thế việc vay còn phải kéo dài đến bao giờ?

Đáp: Rất khó dự đoán. Chứng khoán Nhật Bản, căn cứ vào thuế thấp so với các nước Âu Mỹ và phần dôi dư có được do tăng thuế, ước tính sẽ có thể phát hành được khoảng 569 ngàn tỉ yên trái phiếu chính phủ. Nhưng số trái phiếu  phát hành trong năm 2009 đã là 53,5 ngàn tỉ yên, cao nhất từ trước tới nay. Làm một phép tín đơn giản cũng có thể thấy số tiền sự trữ chỉ còn được  khoảng 10 năm nữa. Tài sản cá nhân gồm tiền gửi tiết kiệm và cổ phiếu vào khoảng 1.400 ngàn tỉ yên. Cũng có nhiều chuyên gia cho rằng toàn bộ số tiền đó là “khoản dự trữ”. Tuy nhiên, theo tính toán của Quỹ tiền tệ Thế giới, đến năm 2019, số nợ công sẽ vượt quá tổng giá trị tài sản cá nhân, và chi tiêu gia đình sẽ  không thể gánh được khoản tiền vay này nữa.

Nếu tình hình tài chính vẫn tiếp tục xấu đi? Kinh tế khó khăn mà vật giá tăng, mặt khác tiền lương lại có nguy cơ giảm?

Hỏi: Như vậy là còn không đầy 10 năm nữa ư?

Đáp: Trên thực tế có thể sẽ sớm hơn. Chi tiêu gia đình còn bao gồm cả khoản vay trả góp tiền nhà…, vì vậy tài sản tiền tệ thực chất chỉ có khoảng 1000 ngàn tỉ yên. Mà với tình trạng xã hội già hóa như hiện nay, số người phá vỡ khoản tích lũy này đang tăng, đồng nghĩa với việc số tiền tích lũy sẽ ngày càng giảm sút. Chúng ta cần nước ngoài mua trái phiếu của chúng ta thêm nữa. Thế nhưng nếu chúng ta quá dựa dẫm vào các nhà đầu tư nước ngoài vốn chỉ biết có lợi nhuận thì những người chèo lái nền kinh tế Nhật Bản sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Hỏi: Thế nhưng hiện nay trái phiếu chính phủ vẫn có người mua chứ?

Đáp: Vẫn được mua với giá thỏa thuận khá ổn định. Do nền kinh tế đình đốn nên các công ty ít vay tiền, ngân hàng bèn sử dụng nguồn vốn của mình một cách an toàn vào việc mua trái phiếu chính phủ, và chính sách hạ lãi suất tiết kiệm của ngân hàng cũng có ảnh hưởng lớn ở đây.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng tình trạng bán trái phiếu chính phủ một cách thuận lợi cũng có thể dẫn đến cái gọi là “bong bóng trái phiếu”, tính bảo đảm ở đây không được bền lâu. Hồi tháng 1 năm nay cũng đã dấy lên làn song cảnh báo về điều này. Các cơ quan đánh giá tín dụng lớn của Mỹ cũng đã đánh giá trái phiếu chính phủ của Nhật Bản với giá trị thấp đi, mặt khác các chỉ số rủi ro mặc định của trái phiếu Nhật Bản hiện đang cao hơn Trung Quốc. Sự kiện nào cũng đều cho thấy sự suy giảm của tín dụng Nhật Bản.

Hỏi: Nếu tình trạng tài chính khó khăn này không dừng lại thì sẽ dẫn tới điều gì?

Đáp: Tín dụng của Chính phủ suy yếu thì giá trái phiếu Chính phủ sẽ giảm. Để các nhà đầu tư nước ngoài mua vào, chúng ta đã tăng lãi, bao gồm cả lãi dài hạn. Nếu tình trạng này tiếp diễn, chi phí để trả tiền lãi tăng sẽ kéo theo tình trạng nền kinh tế xấu đi. Một vòng tuần hoàn xấu! Chi phí lợi nhuận khi cho doanh nghiệp vay sẽ ngày càng chồng chất, trong khi gánh nặng rủi ro thế chấp cũng cao hơn.

Giá trị đồng yên giảm, gây ra tình trạng xấu là các mặt hàng nhập khẩu phải mua với giá cao trong khi vật giá tiếp tục tăng, có thể sẽ xảy ra “lạm phát xấu”.

Tôi ghét gánh nặng này. Giảm lãng phí khi sử dụng tiền thuế là điều mà chúng ta cần phải nghiêm túc suy nghĩ.

Hỏi: Cả trái phiếu Chính phủ, cả khoản tiền mua nhà trả góp đều không còn thì chúng ta sẽ “sụp đổ” sao?

Đáp: Không đơn giản như vậy. Giá trị trái phiếu Chính phủ càng giảm thì tổn thất của các cơ quan tiền tệ càng lớn. Nếu ngân hàng phá sản thì số tiền gửi vượt trên 10.000.000 yên sẽ có khả năng bị giảm giá trị, bảo hiểm nhân thọ và lương hưu của chúng ta cũng giảm đáng kể.

Hỏi: Thế thì gay go quá!

Đáp: Vậy nên, trước khi tình hình trở nên trầm trọng hơn, Chính phủ cần phải tiến hành cải cách tài chính một cách toàn diện. Có điều, nếu cắt giảm ngân sách nhiều quá thì an sinh xã hội và các dịch vụ công cộng sẽ giảm sút, đồng thời việc tăng thuế sẽ tăng thêm gánh nặng lên người dân. “Đau đớn” là không thể tránh khỏi .

Hỏi: Thế còn ý kiến cho rằng ngân hàng Nhật Bản nên in thêm tiền rồi trực tiếp mua trái phiếu?

Đáp: Nếu thay đổi Hiến pháp thì có thể làm được điều này. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu sẽ trở thành “xe không phanh”, và ảnh hưởng của đồng tiền mất giá là vật giá leo thang, kèm theo nguy cơ siêu lạm phát (hyper inflation). Trước chiến tranh, để thoát khỏi cuộc khủng hoảng, Ngân hàng Nhật Bản đã trực tiếp mua trái phiếu, nhưng chi phí cho quân sự tăng quá cao, dẫn đến số công nợ của chính phủ cao cấp 2 lần GDP. Kết cục, Nhật Bản bại trận và siêu lạm phát đã xảy ra.

Đồng yên mất giá, các khoản nợ của chính phủ thực chất cũng được hủy bỏ, tuy nhiên tài sản riêng và tiền tiết kiệm của nhân dân cũng mất giá theo. Nạn lạm phát này còn nguy hiểm hơn là việc tăng thuế mạnh.

Hỏi: Đó chẳng phải chuyện quá khứ sao?

Đáp: Vào thập kỷ 90, tại Thái Lan, Hàn Quốc, Nga và những năm đầu thế kỷ 21 là ở Achentina, nền tài chính lâm vào tình trạng xấu, đồng tiền quốc gia bị các nhà đầu cơ bán tháo, và cuộc khủng hoảng kinh tế đã xảy ra. IMF đưa  ra các khoản cho vay khẩn cấp, nhưng thường kèm theo điều kiện khắc nghiệt về thu hẹp tài chính, và kéo theo đó sẽ là tình trạng thất nghiệp, hỗn loạn xảy ra trên diện rộng. Gần đây, Hy Lạp cũng rơi vào khủng hoảng tài chính khiến các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu hết sức lo ngại. Một quốc gia bị đổ vỡ tuyệt nhiên không phải là bức tranh siêu tưởng, càng  không phải là câu chuyện cổ tích ngày xưa.

Hỏi: Vậy thì để đề phòng tình trạng đáng sợ như vậy, chúng ta cần phải làm gì?

Đáp: Chỉ còn cách nỗ lực giảm các khoản vay và thâm hụt tài chính. Biện  pháp là cứ cắt giảm chi 1 thì tăng thu gấp 2. Giảm lãng phí sử dụng thuế là biện pháp hàng đầu, nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa đủ, và cũng không thể cắt bỏ phúc lợi xã hội được. Dù sao, cũng không thể tránh khỏi việc phải tăng thuế. Người ta cho rằng khoản thuế tiêu dùng “rộng và mỏng” mà nhân dân gánh chịu sẽ là biện pháp hữu hiệu.

Hỏi: Quả nhiên là chỉ có biện pháp tăng thuế!

Đáp: Việc tăng thuế, nếu sai thời điểm và cách thức thì chỉ càng làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn, ngược lại việc tái thiết nền tài chính càng chậm thì các khoản vay càng phình ra, và nỗi lo chỉ đổ vào những người dân đang cần được hưởng an sinh xã hội và chăm sóc y tế.

Hỏi: Đúng là khó thật!

Đáp: Chính vì vậy mới cần chúng ta phải thảo luận một cách nghiêm túc. Giảm dịch vụ hành chính và sẵn sàng đón nhận “nỗi đau” tăng thuế, nền kinh tế sẽ lại tăng trưởng và thu nhập từ thuế tăng một cách tự nhiên là điều hay nhất. Nhưng dùng chính sách để kích thích tăng trưởng là một việc làm không hề đơn giản, cần nhiều thời gian mới thấy được kết quả. Tuy nhiên, từ giờ cho đến lúc đó, sử dụng thật hiệu quả nguồn ngân sách hạn hẹp là việc làm quan trọng.

Hỏi: Giá mà chúng ta thực hiện điều này sớm hơn thì hay biết bao!

Đáp: Nội các của ông Hashimoto và Nội các ông Koizumi cũng đã kiên trì trong nhiều năm để thực hiện mục tiêu cắt giảm chi tiêu, nhưng vì bị suy thoái kinh tế “hỏi thăm” nên đã thất bại. Chính quyền Hatoyama non trẻ mới ra đời được 6 tháng cũng dự định thực hiện chiến lược cải cách tài chính trung hạn như vậy. Duy có điều, Thủ tướng Hatoyama Yukio đã tuyên bố rằng “trong vòng 4 năm sẽ không tăng thuế tiêu dùng”, và thậm chí còn hứa sẽ “chi trả toàn bộ chi phí nuôi con cho các gia đình có con nhỏ”. Để thực hiện được lời hứa này, lại cần tới khoản ngân sách vài ngàn tỷ yên. Nếu ông Hatoyama không cho thấy một đường lối tái thiết nền kinh tế có tính thuyết phục thì thật đáng lo ngại. /.

 

GORO MARUKENICHI – FUKUMA DAISUKE

(Bài đăng trên báo Asahi ngày 7/3/2010)

Người dịch: Ngô Hương Lan

0thảo luận