Tác giả: Nguyễn Bình Giang chủ biên
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2017, 234 trang
Kí hiệu: Vv 2870
Kinh tế và chính trị thế giới là báo cáo thường niên của Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, cung cấp cho các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách những tổng thuật, phân tích, đánh giá cô động và hệ thống về tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới hàng năm để phục vụ cho các nghiên cứu tiếp theo cũng như cho việc xây dựng chính sách ứng phó trong tương lai. Báo cáo thường niên 2016 phân tích những yếu tố dẫn tới kinh tế trì trệ và chính trị bất ổn của thế giới năm 2016. Cuốn sách gồm 4 chương như sau:
Chương 1: Tổng quan kinh tế và chính trị thế giới năm 2016 với nội dung trình bày và phân tích hai vấn đề chính: (i) Kinh tế thế giới, với đặc điểm là các khu vực đều trì trệ, các nền kinh tế chủ chốt tăng trưởng yếu ớt hoặc suy thoái, các động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chính sách tài khóa kém hiệu quả, kinh tế toàn cầu chưa thoát khỏi bẫy thanh khoản, các cuộc cách mạng 4.0 đang đến gần; (ii) Chính trị và an ninh quốc tế với đặc điểm là có nhiều quốc gia đang trải qua tình trạng bất ổn, những xung đột liên quốc gia/quốc tế, “hòa bình nóng” trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, xu hướng chuyển dịch quân sự trên thế giới, quản trị toàn cầu và khu vực thiếu hiệu quả, tương quan quyền lực giữa các chủ thể trong hệ thống quốc tế.
Chương 2: Một số vấn đề kinh tế nổi bật trong năm 2016. Trong chương này, các tác giả đi sâu phân tích tình hình kinh tế của các quốc gia, vùng lãnh thổ được coi là động lực của kinh tế toàn cầu là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Bên cạnh đó, các tác giả cũng tập trung vào những diễn biến mới so với năm 2015 trong ba lĩnh vực quan hệ kinh tế quốc tế là tài chính, đầu tư và thương mại.
Chương 3: Một số vấn đề chính trị và an ninh thế giới nổi bật trong năm 2016. Các tác giả trình bày sự thay đổi trong tương quan quyền lực giữa các nước lớn của thế giới và khu vực Châu Á thể hiện quan chuyển động chiến lược của các nước này. Đồng thời, các tác giả cũng đề cập đến vấn đề các nước phô diễn, hiện đại hóa năng lực quân sự; tình hình Biển Đông; tình hình Syria; khó khăn và thách thức đối với tiến trình hội nhập của Liên minh Châu Âu; các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Chương 4: Một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam và hàm ý chính sách. Từ những đánh giá về tình hình kinh tế và chính trị thế giới năm 2016, các tác giả đưa ra nhận định những yếu tố tác động trực tiếp đến Việt Nam trong thời gian tới. Từ đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho nước ta.
Cuốn sách giúp bạn đọc có được cái nhìn toàn diện hơn về tình hình kinh tế và chính trị thế giới trong năm 2016. Đây là vốn tư liệu rất hữu ích cho các nghiên cứu nói chung và các nghiên cứu quốc tế học của các nhà nghiên cứu, giảng viên và học viên nói riêng.
Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!
Thực hiện: Hà Thị Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á