Trang chủ

VÀNH ĐAI, CON ĐƯỜNG: SÁNG KIẾN CỦA TRUNG QUÔC VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Đăng ngày: 29-03-2018, 07:08 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: TS. Phạm Sỹ Thành

Nhà xuất bản Thế giới, 2017, 336 trang

Kí hiệu: Vt 538

Sau bốn thập kỷ cải cách, Trung Quốc đã và đang trỗi dậy với tư cách một đại cường quốc không thể phủ nhận trong trật tự toàn cầu mới. Cách thức trỗi dậy của Trung Quốc có những đặc điểm chung của một cường quốc toàn cầu, nhưng cũng có những đặc điểm riêng mang tính lịch sử cụ thể của đất nước này. Tăng trưởng kinh tế cao và liên tục nhờ thành công của các cải cách kinh tế tiến hành từ năm 1978 đến nay đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự và ảnh hưởng ngoại giao vượt trội so với các nước trong khu vực. Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2013 trong bối cảnh có khá nhiều thuận lợi. Đây là thời điểm thế lực và ảnh hưởng của Trung Quốc mạnh hơn bao giờ hết với tham vọng và quyết tâm của giới lãnh đạo Trung Quốc đưa đất nước trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới. Tuy nhiên, bản thân Trung Quốc lúc này cũng gặp không ít thách thức, trở ngại. Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng với cách thức tăng trưởng dựa vào gia công, lao động rẻ, dựa vào đầu tư và xuất khẩu như trước đã không còn phát huy tác dụng. Quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng khi đó đang đi vào giai đoạn quyết định. Trung Quốc khó có thể tiếp tục phát triển với tốc độ như hiện tại nếu không giải quyết được bài toán thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực ven biển phía Nam với các khu vực nằm sâu trong nội địa, phía Tây và Tây Bắc ở trong nước. Trong bối cảnh đó, đại chiến lược “Một vành đai, Một con đường” ra đời để giải quyết những thách thức trên, với mục đích đưa Trung Quốc trở thành một nước khá giả và tiến tới trở thành nước phát triển. Cuốn sách “Vành đai, con đường: sáng kiến của Trung Quốc và hàm ý chính sách đối với Việt Nam” sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này. Cuốn sách gồm 5 chương như sau:

Chương 1: Vành đai, con đường: từ sáng kiến đến điều lệ Đảng. Trong chương này, tác giả phân tích những đề xuất về “Vành đai, con đường” và giới thiệu sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc.

Chương 2: Cơ chế triển khai sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI). Ở đây, tác giả tập trung phân tích cơ chế chính sách triển khai BRI và cơ chế huy động tài chính cho BRI.

Chương 3: Thực tiễn triển khai sáng kiến BRI và phản ứng của các quốc gia. Trong chương này, tác giả đi sâu lột tả thực tiễn triển khai BRI; phản ứng trước sáng kiến BRI của Trung Quốc của các nước từ Châu Âu và Mỹ đến các nước Châu Á, Châu Phi, Châu Đại Dương, Trung Đông; thuận lợi, thách thức và rủi ro của sáng kiến BRI.

Chương 4: Tác động của sáng kiến BRI đối với các quốc gia. Trong chương này, tác giả tập trung phân tích tác động của sáng kiến BRI đối với các quốc gia từ các góc độ kinh tế, quan hệ quốc tế và an ninh.

Chương 5: Hàm ý chính sách đối với Việt Nam. Ở đây, tác giả phân tích về quan điểm, chủ trương tham gia sáng kiến BRI và những khuyến nghị chính sách cụ thể đối với Việt Nam.

Trong cuốn sách, tác giả đã tập hợp được nhiều nguồn tư liệu phong phú, từ những tuyên bố chính sách công khai của lãnh đạo Trung Quốc khi ý tưởng Một vành đai, Một con đường ra đời đến việc hình thành một chiến lược cùng tên; đến những công trình nghiên cứu công phu của các tác giả Trung Quốc và nước ngoài về các mục tiêu, cách thức triển khai, cơ chế phối hợp thực hiện, về tác động chung cũng như tác động địa kinh tế, địa chiến lược của Chiến lược Một vành đai, Một con đường đối với Trung Quốc và các nước liên quan. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận