Tác giả: Vũ Thụy Trang chủ biên
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2018, 323 trang
Kí hiệu: Vv 2867
Ra đời tháng 1 năm 2015, Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) là một tổ chức hội nhập kinh tế khu vực thuộc không gian hậu Xô Viết. Sự gắn kết giữa các thành viên của EAEU nhằm đẩy mạnh hội nhập sâu trong lĩnh vực kinh tế hoàn toàn phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế khu vực mạnh mẽ trên thế giới hiện nay. Ở không gian hậu Xô Viết, các quốc gia đều nhận thức được sự thiếu vắng các hình thái liên kết về kinh tế, điều này có khả năng cản trở sự phát triển của toàn khu vực thuộc SNG. Chính sách ngoại giao kinh tế đều được các nước coi trọng, trong đó xác định đạt được lợi ích kinh tế là ưu tiên đặc biệt trong quan hệ hợp tác với các đối tác. Đây là một trong những mô hình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Liên Xô cũ, trong đó các nước thành viên đều có quan hệ truyền thống tốt đẹp với Việt Nam, đặc biệt là Liên bang Nga - đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Việc Nga – nước đóng vai trò then chốt trong việc điều tiết và định hướng phát triển của liên minh - tăng cường liên kết kinh tế ở khu vực nói chung và trong EAEU nói riêng tạo cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế không chỉ với các nước thành viên của liên minh mà với toàn khu vực SNG.
Việt Nam là đối tác được EAEU lựa chọn ký FTA đầu tiên. Điều này mang đến những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, đồng thời mở ra thêm thị trường tiêu dùng hàng hóa rộng lớn. Việc ký kết FTA không chỉ thúc đẩy quan hệ thương mại với Nga nói riêng và EAEU nói chung, mà còn là cơ hội để Việt Nam mở rộng quan hệ thương mại với các nước thuộc Liên Xô cũ. EAEU cũng có tham vọng sau FTA với Việt Nam, sẽ ký tiếp FTA với một số nước ASEAN và coi FTA với Việt Nam là khâu đột phá ở ASEAN, là cửa ngõ để tiếp cận thị trường ASEAN. Dó đó, nghiên cứu sự hình thành và phát triển của EAEU và tác động của FTA giữa Việt Nam với EAEU có ý nghĩa quan trọng đối với nước ta trong bối cảnh hiện nay. TS. Vũ Thụy Trang đã chủ biên và cho ra đời cuốn sách “Liên minh kinh tế Á - Âu: quá trình hình thành và phát triển”. Cuốn sách có kết cấu 4 phần như sau:
Phần 1: Quá trình hình thành và phát triển của Liên minh kinh tế Á - Âu. Trong đó, các tác giả trình bày về ý tưởng và quá trình hình thành Liên minh kinh tế Á - Âu; mục tiêu hội nhập của các nước thành viên EAEU; đặc điểm và nguyên tắc hoạt động của EAEU.
Phần 2: Hợp tác kinh tế giữa các quốc gia thành viên trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á - Âu. Trong phần này, các tác giả tập trung đi sâu vào những thỏa thuận và cam kết chính của EAEU; một số vấn đề về hợp tác kinh tế giữa các quốc gia thành viên EAEU; vấn đề về đồng tiền chung trong EAEU; ảnh hưởng của Nga đối với tiến trình hội nhập kinh tế trong khuôn khổ của EAEU.
Phần 3: Triển vọng phát triển của Liên minh kinh tế Á - Âu và tác động đến thế giới, khu vực và Việt Nam. Ở đây, các tác giả tập trung phân tích vị thế của EAEU trong nền kinh tế toàn cầu; cơ hội và thác thức đối với EAEU; triển vọng phát triển của EAEU; tác động của EAEU đến thế giới và khu vực; tác động của EAEU đến Việt Nam.
Phần 4: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EAEU. Trong phần này, các tác giả trình bày quá trình đàm phán, ký kết FTA Việt Nam - EAEU; nội dung chính của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EAEU; ý nghĩa của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EAEU đối với Việt Nam; một số giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và EAEU.
Với những nội dung nêu trên, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc những hiểu biết rõ nét và bao quát hơn về Liên minh kinh tế Á - Âu cũng như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EAEU. Cuốn sách là tài liệu thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!
Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á