Tác giả: Kim Byung-Kook, Azr F. Vogel chủ biên
Dịch giả: Hồ Lê Trung
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật
Kí hiệu: Vt537
Hàn Quốc nằm ở phía Nam của Bán đảo Triều Tiên, thuộc khu vực Đông Bắc Á. Từ một đất nước đói nghèo, lạc hậu trong nhiều thế kỷ đã qua, chỉ trong vòng hơn 50 năm trở lại đây Hàn Quốc bước vào thời kỳ phát triển thần tốc và trở thành thành viên G20 vào năm 2012, đứng thứ 14 trên thế giới về quy mô nền kinh tế vào năm 2013. Kinh tế - xã hội Hàn Quốc có sự phát triển thần kỳ như vậy không thể không kể đến công lao to lớn của Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee. Ở ông hội tụ đầy đủ các yếu tố của nhà lãnh đạo chuyển đổi, mà cốt lõi là thuật dùng người. Chính sự lựa chọn và đặt niềm tin vào các bộ trưởng và nhà tham mưu trong Nhà Xanh cũng như việc cho phép một số nhà chuyên môn trong các lĩnh vực đặc thù tham gia vào việc xây dựng chính sách của Park Chung Hee đã giúp Hàn Quốc có được những bước phát triển nhảy vọt. Nhận thấy xuất phát điểm của xã hội Hàn Quốc có những điểm khác biệt so với phương Tây, ông đã chủ trương ưu tiên đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa đồng thời với việc bằng mọi cách đạt được sự ổn định chính trị.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn về kinh tế và xã hội, những chính sách và hành động về chính trị và quân sự của Park Chung Hee trong thời gian nắm quyền cũng gây ra nhiều sự chống đối. Nhằm duy trì mối quan hệ đồng minh với Mỹ và để được nhận trợ cấp, cho vay, chuyển giao công nghệ và ưu đãi thị trường, ông đã gửi quân sang tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Park Chung Hee cũng dần lún sâu vào con đường độc tài, xâm phạm quyền tự do, trấn áp những người bất đồng chính kiến, thủ tiêu dân chủ và quyền con người trong quá trình điều hành đất nước Hàn Quốc. Ở một vài thời điểm của quá trình phát triển của đất nước Hàn Quốc, sự độc tài của ông tỏ ra có hiệu quả nhất định, tuy nhiên, về lâu dài, với lí do ổn định và phát triển xã hội, Park Chung Hee lại coi đây như một công cụ duy trì quyền lực, từ đó đối đầu với lý tưởng dân chủ, tự do và kết thúc sự nghiệp chính trị kéo dài 18 năm do bị ám sát vào tháng 10 năm 1979. Để giúp bạn đọc tìm hiểu về quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc cũng như giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Park Chung Hee, nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã xuất bản cuốn sách “Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc”. Nội dung cuốn sách được chia thành 5 phần với 19 chương như sau:
Phần I: Sinh ra trong khủng hoảng. Phần này gồm 3 chương là:
Chương 1: Cuộc đảo chính quân sự ngày 16 tháng 5
Chương 2: Chế ngự và bị chế ngự bởi Mỹ
Chương 3: Kiến tạo quốc gia: con đường từ chính quyền quân sự đến chính quyền hiện đại thông qua cải cách hành chính
Phần II: Chính trị. Gồm 5 chương cụ thể là:
Chương 4: Chiến lược hiện đại hóa: tư tưởng và ảnh hưởng
Chương 5: Mê cung của sự cô độc: Park và cách thức sử dụng quyền lực tổng thống
Chương 6: Các lực lượng vũ trang
Chương 7: Leviathan: bộ máy quan liêu kinh tế dưới trướng Park
Chương 8: Nguồn gốc chế độ yushin: Machiavelli lộ diện
Phần III: Kinh tế và xã hội. Phần này gồm 5 chương như sau:
Chương 9: Chaebol
Chương 10: Ngành công nghiệp ô tô
Chương 11: Công ty Sắt thép Pohang
Chương 12: Nông thôn
Chương 13: Lực lượng chaeys
Phần IV: Quan hệ quốc tế. Gồm 3 chương là:
Chương 14: Bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản: hướng đến một quan hệ đối tác mới
Chương 15: Bế tắc an ninh, chính trị và quyền con người, 1974-1979
Chương 16: Tìm kiếm phòng vệ: lựa chọn hạt nhân của Park
Phần V: Góc nhìn so sánh. Phần này gồm 3 chương:
Chương 17: Những nhà “kiến tạo quốc gia”: Mustafa Kemal Ataturk, Lý Quang Diệu, Đặng Tiểu Bình và Park Chung Hee
Chương 18: Xem xét hình ảnh trái ngược: Hàn Quốc thời Park Chung Hee và Philippines thời Ferdinald Marcos
Chương 19: Chính sách công nghiệp trong các lĩnh vực phát triển chủ chốt: Hàn Quốc so với Nhật Bản và Đài Loan.
Với những nội dung nêu trên, cuốn sách sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee cũng như sự phát triển thần tốc của Hàn Quốc. Cuốn sách là tài liệu tham khảo vô cùng hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.
Thực hiện: HH, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á