Tác giả: Đỗ Hoài Nam
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội, 2016, 288tr
Ký hiệu: Vt 526
Trong 30 năm qua, kể từ khi tiến hành đổi mới, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế liên tục với tốc độ cao. Tuy nhiên, mức GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Để sớm thoát khỏi khu vực các quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong dài hạn. Điều này chỉ có thể đạt được nếu sự tăng trưởng đó là bền vững, tăng trưởng có hiệu quả và chất lượng cao bằng khoa học công nghệ, bằng trí tuệ của con người Việt Nam. Hiện nay, phân tích về hệ thống khoa học công nghệ ở Việt Nam cho thấy, từ cơ sở hạ tầng, chất lượng dạy học, năng lực nghiên cứu đến việc thực hiện các chính sách về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nước ta được đánh giá là yếu kém. Trong đó, nguyên nhân về thể chế và chính sách luôn là một trong những lý do hàng đầu được viện dẫn cho những bất cập hiện hành. Do vậy, tiến hành nghiên cứu đổi mới về thể chế và chính sách phát triển khoa học công nghệ là yêu cầu cấp thiết. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu cuốn sách Chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ của Việt Nam. Cuốn sách gồm 4 chương:
Chương I: Cơ sở lý luận về xây dựng chính sách hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ
Trong chương I, tác giả đưa ra một số khái niệm và quan điểm lý thuyết cơ bản trong xây dựng chính sách hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập đến một vài nét lịch sử và logic của hội nhập quốc tế và chính sách hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.
Chương II: Xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ của các nước trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa
Chương II phân tích những xu hướng đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ hiện nay như xu hướng gia tăng về quy mô, phạm vi, tốc độ, tác động của hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ đến phát triển toàn cầu, năng lực cạnh tranh, nguồn nhân lực chất lượng cao… Ngoài ra, tác giả cũng phân tích chiến lược, chính sách và cơ chế quản lý khoa học công nghệ của một số quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ.
Chương III: Thực trạng hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ của Việt Nam giai đoạn 2001 – 2015
Chương III chủ yếu tập trung đánh giá thực trạng phát triển đất nước và phát triển khoa học công nghệ trong giai đoạn 2001 – 2015, từ đó phân tích những vấn đề đặt ra cho phát triển khoa học công nghệ cũng như yêu cầu cho chính sách hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ. Tác giả cũng đề cập đến chính sách của Việt Nam đối với Nga, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và ASEAN trong giai đoạn 2010 - 2015.
Chương IV: Quan điểm và định hướng chính sách hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030
Trong bối cảnh phát triển khoa học công nghệ có nhiều cơ hội đan xen thách thức, tác giả phân tích một số quan điểm cơ bản và định hướng chính sách hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Qua những phân tích đó, tác giả đưa ra các giải pháp đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện các chính sách này.
Đổi mới thể chế, chính sách hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ để góp phần cho khoa học công nghệ thực sự giữ vai trò là động lực của sự phát triển đang là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Do đó, cuốn sách chắc chắn sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách các cấp và doanh nghiệp.
Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả!
Thực hiện: Kiều Dung
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á