Trang chủ

QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ CỦA VIỆT NAM VỚI TRUNG QUỐC

Đăng ngày: 13-12-2017, 05:04 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: PGS. TS. Trần Đình Thiên chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2016, 371 trang

Kí hiệu: Vt 522

Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới đất liền khá dài. Trong lịch sử mấy nghìn năm, quan hệ giữa hai quốc gia có nhiều lúc thăng trầm, song quan hệ giao lưu buôn bán giữa dân cư hai nước luôn được duy trì và phát triển. Các tuyến giao lưu trên đất liền và trên biển đã hình thành từ lâu đời, ngày càng được mở rộng. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên nhanh chóng, song quan hệ thương mại của Việt Nam với Trung Quốc chứa đựng nhiều vấn đề - không chỉ là sự nghiêng lệch về cán cân thương mại mà cả tình trạng mất cân đối cơ cấu nghiêm trọng và các hệ lụy phát sinh từ đó. Một số vấn đề nổi bật như quy mô buôn bán giữa hai nước tăng nhanh nhưng cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam bất lợi và chậm thay đổi, tình trạng nhập siêu của Việt Nam ngày càng trầm trọng, hệ thống chính sách thương mại và tổ chức quản lý còn nhiều bất cập, chậm được đổi mới… Đây là những vấn đề cấp thiết phải được giải quyết trong ngắn hạn, đồng thời có tầm quan trọng chiến lược to lớn, có ảnh hưởng rất lớn đến triển vọng phát triển quốc gia. Nhằm cung cấp thêm tư liệu về vấn đề này, nhóm tác giả đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Quan hệ thương mại và đầu tư của Việt Nam với Trung Quốc”. Nội dung cuốn sách gồm 9 chương chia thành 3 phần như sau:

Phần thứ nhất: Những vấn đề về chiến lược và chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam và Trung Quốc, gồm 3 chương:

Chương 1: Chiến lược nào cho Việt Nam trước sự trỗi dậy của Trung Quốc? Trong chương này, nhóm tác giả đi sâu phân tích sự trỗi dậy của Trung Quốc trong quá trình trở thành công xưởng thế giới; sự trỗi dậy của Trung Quốc ở giai đoạn mới; và sự trỗi dậy của Trung Quốc ở biên giới Việt - Trung. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra gợi ý về chính sách trước mắt, trung hạn và dài hạn đối với Việt Nam.

Chương 2: Chiến lược kinh tế đối ngoại và chính sách thương mại quốc tế của Việt Nam và Trung Quốc. Ở chương này, các tác giả tập trung làm rõ chiến lược kinh tế đối ngoại và chính sách thương mại của Việt Nam cũng như của Trung Quốc, đồng thời đưa ra những nhận xét về các chính sách này.

Chương 3: Chiến lược kinh tế quốc tế “đi ra ngoài” của Trung Quốc và ảnh hưởng của nó tới quan hệ thương mại với Việt Nam. Ở đây, nhóm tác giả phân tích chiến lược FTA, chiến lược đầu tư ra nước ngoài, chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ từ năm 2009 đến nay của Trung Quốc và những ảnh hưởng của chính sách kinh tế đối ngoại “đi ra ngoài” của Trung Quốc tới quan hệ kinh tế với Việt Nam.

Phần thứ 2: Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc và thu hút đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian vừa qua, gồm 4 chương:

Chương 4: Các yếu tố tác động tới quy mô và cơ cấu thương mại của Việt Nam với Trung Quốc. Trong đó, các tác giả đi sâu vào quan hệ thương mại Việt - Trung kể từ khi bình thường hóa; phân tích các nhân tố chủ quan và khách quan tác động tới thương mại Việt - Trung; và khuyến nghị một số chính sách.

Chương 5: Vấn đề nhập siêu trong quan hệ thương mại của Việt Nam với Trung Quốc. Các tác giả phân tích tình hình cán cân thương mại và cơ cấu thương mại Việt - Trung, chênh lệch về số liệu thương mại giữa thống kê của Việt Nam và Trung Quốc, so sánh tình trạng nhập siêu của Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc, đánh giá tác động của tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và một số giải pháp nhằm điều chỉnh cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc theo hướng giảm mạnh nhập siêu.

Chương 6: Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc: vấn đề và giải pháp. Ở đây, nhóm tác giả tập trung làm rõ thương mại biên giới Việt - Trung và các vấn đề hiện tại cũng như những tác động đến Việt Nam và một số khuyến nghị, giải pháp đối với thương mại biên giới hai nước.

Chương 7: Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào việt Nam. Trong chương này, các tác giả trình bày khái quát về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam, so sánh đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào nước ta và vào các nước ASEAN, tác động của đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đối với ổn định và tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Phần thứ ba: Một số vấn đề về quản lý quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc, gồm 2 chương:

Chương 8: Chuỗi xuất khẩu gạo tiểu ngạch đi Trung Quốc - mô hình hóa và những hàm ý chính sách. Trong đó, nhóm tác giả phân tích một số vấn đề về lý thuyết và thực tiễn của chuỗi giá trị hàng hóa nông sản và xuất khẩu tiểu ngạch; ước tính xuất khẩu gạo tiểu ngạch đi Trung Quốc và đánh giá tác động; phân tích, đánh giá ảnh hưởng của xuất khẩu gạo đi biên giới phía Bắc và tiểu ngạch đi Trung Quốc lên thị trường lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá tác động đến sự phát triển của chuỗi giá trị ngành và các nhóm chủ thể; một số gợi ý đối với chính sách xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch.

Chương 9: Phòng chống buôn lậu qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Các tác giả đi sâu làm rõ thực trạng buôn lậu ở biên giới Việt - Trung; một số vấn đề chính sách và quản lý liên quan tới buôn lậu qua biên giới; đề xuất một số giải pháp về chính sách và biện pháp quản lý nhằm phòng chống buôn lậu qua biên giới Việt - Trung.

Quan hệ thương mại và đầu tư của Việt Nam với Trung Quốc nói riêng, quan hệ Việt - Trung nói chung là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ như hiện nay. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận