Tác giả: D.V Mosiakov
Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia - Sự thật, 2016, 358 trang
Ký hiệu: Vv 2811
Với vị thế là một cường quốc, các chính sách của Trung Quốc luôn có ảnh hưởng lớn đến khu vực và thế giới. Do đó, phân tích mối quan hệ của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, nghiên cứu những lịch sử, mục tiêu cũng như những hoạt động cụ thể trong khu vực là chủ đề quan trọng để hiểu được nền chính trị quốc tế đương đại ở Đông Nam Á, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Nhờ sự phát triển hùng mạnh của mình, những ưu tiên chính trị đối ngoại của nước này cũng thay đổi theo thời gian. Ngày nay, khu vực Đông Nam Á luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong chính sách của Trung Quốc, bởi nhiều nước trong khu vực này có đường biên giới với “người láng giềng phương Bắc vĩ đại”. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu cuốn sách Chính sách của Trung Quốc ở Đông Nam Á từ quá khứ đến hiện tại. Cuốn sách gồm 5 chương.
Chương I: Tiền đề của nền chính trị đương đại của Trung Quốc ở Đông Nam Á:
Trong chương I, tác giả phân tích một vài khía cạnh lịch sử trong quan hệ của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á và chính sách của Trung Quốc ở khu vực này thời chủ nghĩa thuộc địa châu Âu. Trong giai đoạn này, quan hệ của các nước Đông Nam Á với Trung Quốc dần định hình, song Trung Quốc hầu như không can thiệp vào chính sách đối nội và đối ngoại của các nước chư hầu. Tác giả cũng phân tích về giai đoạn hậu thực dân trong lịch sử Đông Nam Á và những bước đi đầu tiên tái hồi phục mở rộng phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc xuống phía Nam.
Chương II: Trung Quốc và chiến lược tiến xuống Đông Nam Á
Chương II tập trung nghiên cứu về các chiến lược cách mạng của Trung Quốc từ đầu thập niên 1950 đến giữa thập niên 1990. Trong giai đoạn này, Trung Quốc đã chuyển từ chiến lược cách mạng dựa vào các đảng cộng sản đến các chính sách gây sức ép vũ lực. Chương II cũng đề cập đến sự lấn chiếm của Trung Quốc xuống phía nam và mâu thuẫn ngày càng sâu sắc ở biển Đông cũng như vai trò của Liên Xô trong việc ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc vào Việt Nam năm 1979.
Chương III: Trung Quốc và các nước ASEAN trong giai đoạn giao thời thế kỷ XX – XXI
Chương III tập trung phân tích sự thay đổi chiến lược của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á. Trung Quốc chuyển sang đường lối hợp tác kinh tế và hội nhập, góp phần hình thành “bộ mặt mới” của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, Trung Quốc đã gặp thất bại trong việc phổ biến chiến lược hội nhập sang lĩnh vực chính trị. Tác giả còn phân tích phản ứng của các nước Đông Nam Á trước các điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc và sự đấu tranh giữa tư tưởng Trung Quốc và tư tưởng Mỹ trong xã hội các nước ASEAN.
Chương IV: Những phương án lựa chọn trong chính sách lấn chiếm của Trung Quốc xuống các nước Đông Nam Á
Cuộc khủng hoảng xảy ra trong tiến trình thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc ở Đông Nam Á đã buộc Bắc Kinh phải tìm kiếm những cách thức mới để hội nhập với các nước ASEAN. Chương III đề cập đến dự án “Mê Công Lớn” - sự lựa chọn để thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc ở Đông Nam Á cũng như các hướng khác nhau nhằm xúc tiến sự mở rộng lãnh thổ tại Đông Nam Á.
Chương V: Mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở biển Đông và Đông Dương: tình hình hiện nay:
Nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực và thế giới, Trung Quốc lựa chọn chính sách hướng vào việc tích cực bảo vệ những yêu sách lãnh thổ trên vùng Biển Đông. Chương V tập trung phân tích phản ứng của các nước ASEAN trước mối đe dọa về chủ quyền lãnh thổ và sự trả đũa của Mỹ trước thách thức của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang duy trì mô hình truyền thống trong chính sách đối ngoại, thể hiện ở việc thiết lập ảnh hưởng của mình ra ngoài biên giới đất nước, trong đó có hướng Đông Nam Á. Cuốn sách Chính sách của Trung Quốc ở Đông Nam Á: Từ quá khứ đến hiện tại với nội dung phong phú, nhận định sâu sắc chắc chắn sẽ mang lại nhiều thông tin bổ ích cho bạn đọc.
Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Thực hiện: Kiều Dung
Viện nghiên cứu Đông Bắc Á