Tác giả: Đào Thị Minh Hương (chủ biên)
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội, 2016, 331 trang
Ký hiệu: Vt528
Trong những năm qua, công cuộc đổi mới ở nước ta với định hướng phát triển lấy con người làm trung tâm đã đạt được những thành tựu to lớn, cải thiện căn bản mức sống của nhân dân, đưa Việt Nam thoát khỏi nhóm nước kém phát triển, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Cùng với tăng trưởng tương đối cao, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, y tế, giáo dục… Những thành tựu này cho phép Việt Nam có những bước tiến đáng kể trong phát triển con người. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đó, xuất hiện ngày càng nhiều vấn đề phức tạp, thách thức cản trở tiến trình phát triển bền vững của đất nước và con người Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu cuốn sách Phát triển bền vững con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cuốn sách gồm 2 phần:
Phần I (Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế) gồm 2 chương. Trong chương “Cơ sở lý luận về phát triển bền vững con người”, tác giả đưa ra các lý thuyết từ phát triển văn hóa xã hội đến phát triển bền vững con người như thuyết phát triển văn hóa - xã hội, thuyết phát triển kinh tế, thuyết phát triển bền vững, thuyết phát triển con người, thuyết phát triển bền vững con người, đồng thời đề cập đến cách tiếp cận phát triển bền vững con người, các chiều cạnh và các chỉ số phát triển bền vững con người.
Trong chương “Cơ sở thực tiễn về phát triển bền vững con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, tác giả đề cập đến quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về phát triển con người cũng như chiến lược phát triển con người trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó tác giả cũng phân tích tình hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam và kinh nghiệm phát triển con người ở một số quốc gia trên thế giới trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Phần II (Thực trạng phát triển bền vững con người Việt Nam) tập trung vào các vấn đề bình đẳng cơ hội tiếp cận giáo dục, cơ hội chăm sóc sức khỏe nhằm nâng cao năng lực con người, vấn đề sử dụng hiệu quả năng lực con người, công bằng chia sẻ thành quả phát triển vì con người. Ngoài ra, vấn đề bền vững sinh kế bền vững sinh kế từ góc độ việc làm và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bền vững sinh kế từ góc độ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng được đề cập đến trong phần này. Tác giả còn nghiên cứu sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển cũng như vấn đề an ninh con người hiện nay.
Phần Kết luận của cuốn sách đề cập đến một số thành tựu về phát triển bền vững con người Việt Nam như bình đẳng cơ hội tiếp cận giáo dục, bình đẳng cơ hội chăm sóc sức khỏe, bình đẳng cơ hội tiếp cận tín dụng, bình đẳng cơ hội tiếp cận đất đai, bình đẳng trong phân phối thu nhập, đảm bảo an ninh con người. Cùng với những thành tựu đã đạt được, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển bền vững con người như vấn đề bất bình đẳng trong đời sống, thách thức về khả năng tích lũy vốn con người, thách thức bền vững sinh kế…. Nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại đó, tác giả đưa ra một số khuyến nghị và giải pháp về phát triển bền vững con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế bao gồm giải pháp đảm bảo bình đẳng cơ hội tiếp cận nguồn lực xã hội, giải pháp cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, giải pháp tạo việc làm, giải pháp đảm bảo an ninh con người…
Cuốn sách với nội dung phong phú, thông tin cập nhật chắc chắn sẽ là tài liệu hữu ích cho bạn đọc.
Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Thực hiện: Kiều Dung
Viện nghiên cứu Đông Bắc Á