Trang chủ

ĐẢM BẢO AN NINH CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Đăng ngày: 13-12-2017, 05:02 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: TS. Đặng Xuân Thanh, TS. Đào Thị Minh Hương đồng chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2016, 427 trang

Kí hiệu: Vt 519

Lý luận về an ninh con người đã hình thành và phát triển liên tục trong hơn hai thập niên qua. Lý luận này đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện nhận thức của chúng ta không chỉ về lĩnh vực an ninh, mà còn về bản chất quá trình phát triển, cũng như những điều kiện cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước và con người. Mục tiêu chủ yếu của cuốn sách “Đảm bảo an ninh con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” là tập trung xem xét mối quan hệ giữa an ninh con người, quyền con người và phát triển con người, làm rõ các thách thức đối với an ninh con người trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Thông qua phân tích các kinh nghiệm đảm bảo an ninh con người của một số quốc gia Đông Á, từ đó đánh giá thực trạng đảm bảo an ninh con người ở Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đề xuất định hướng chính sách và hệ giải pháp đảm bảo an ninh con người Việt Nam đến năm 2025. Nội dung cuốn sách gồm 2 phần chính và phần kết luận với 10 chương cụ thể như sau:

Phần 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về an ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa. Phần này gồm 2 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận về an ninh con người. Trong chương này, các tác giả đã trình bày khái quát lịch sử vấn đề nghiên cứu; khái niệm về an ninh con người; an ninh con người trong mối quan hệ với an ninh quốc gia, phát triển con người và quyền con người;các chiều cạnh của an ninh con người; chỉ số an ninh con người và khả năng áp dụng trên thực tế.

Chương 2: Cơ sở thực tiễn về đảm bảo an ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Ở đây, các tác giả chỉ ra các thách thức đối với an ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa nói chung, cũng như các thách thức đối với an ninh con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, nhóm tác giả còn phân tích kinh nghiệm của Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan về đảm bảo an ninh con người và bài học cho Việt Nam.

Phần 2: Thực trạng đảm bảo an ninh con người ở Việt Nam. Phần này gồm 8 chương như sau:

Chương 3: Thực trạng đảm bảo an ninh kinh tế. Trong đó, các tác giả phân tích các yếu tố cấu thành và kết quả tính toán chỉ số an ninh kinh tế ở Việt Nam; an ninh kinh tế nhìn từ chỉ tiêu tăng trưởng và bất bình đẳng thu nhập.

Chương 4: Thực trạng đảm bảo an ninh lương thực. Nhóm tác giả đi sâu về các yếu tố cấu thành và kết quả tính toán chỉ số an ninh lương thực ở Việt Nam; an inh lương thực nhìn từ góc độ tỷ lệ người dân không bị suy dinh dưỡng, tỷ lệ người dân không bị thiếu lương thực và nhìn từ góc độ năng suất lao động nông nghiệp và kết nối cung cầu trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản.

Chương 5: Thực trạng đảm bảo an ninh sức khỏe. Ở đây, các tác giả tập trung phân tích các yếu tố cấu thành và kết quả tính toán chỉ số an ninh sức khỏe ở Việt Nam; an ninh sức khỏe nhìn từ góc độ gánh bệnh tật và yếu tố ảnh hưởng.

Chương 6: Thực trạng đảm bảo an ninh môi trường. Trong đó, các tác giả phân tích các yếu tố cấu thành và kết quả tính toán chỉ số an ninh môi trường ở Việt Nam; an ninh môi trường nhìn từ góc độ ô nhiễm môi sinh và góc độ ảnh hưởng của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực  đoan.

Chương 7: Thực trạng đảm bảo an ninh cộng đồng đề cập các yếu tố cấu thành và kết quả tính toán chỉ số an ninh cộng đồng ở Việt Nam.

Chương 8: Thực trạng đảm bảo an ninh chính trị. Ở đây, các tác giả tập trung phân tích các yếu tố cấu thành và kết quả tính toán chỉ số an ninh chính trị ở Việt Nam.

Chương 9: Thực trạng đảm bảo an ninh cá nhân phân tích các yếu tố cấu thành và kết quả tính toán chỉ số an ninh cá nhân ở Việt Nam; an ninh cá nhân nhìn từ góc độ đánh giá chung của người dân về tình hình an ninh trật tự xã hội và góc độ niềm tin của người dân vào hệ thống luật pháp, chính trị.

Chương 10: Chỉ số an ninh con người Việt Nam. Trong chương này, nhóm tác giả đi sâu phân tích các yếu tố cấu thành và kết quả tính toán chỉ số an ninh con người ở Việt Nam.

Thực tiễn triển khai áp dụng lý luận về an ninh con người ở hàng loạt các quốc gia, đã chứng minh tính hiệu quả của cách tiếp cận này trong việc hoạch định chính sách an ninh và phát triển quốc gia nói chung, cũng như ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh và phát triển bền vững của con người nói riêng. Các phương pháp tính toán chỉ số an ninh con người đã đánh giá, phân loại các quốc gia, vùng miền lãnh thổ theo mức độ đảm bảo an ninh con người, làm cơ sở cho việc phân bổ các nguồn lực, xây dựng các chính sách đảm bảo an ninh con người hiệu quả. Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc về chủ đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận