Tác giả: Rodney Clark
Nhà xuất bản Lao động – Xã hội, Hà Nội, 2014, 335 trang
Kí hiệu: Vv2727
Cho đến tận thế kỷ XIX, Nhật Bản vẫn là quốc gia nghèo và khá lạc hậu vì bế quan tỏa cảng, không giao thương với bên ngoài trên một lãnh thổ mà tài nguyên vô cùng khan hiếm. Triều đình Tokugawa, Thời kỳ Minh trị và học thuyết Khổng Tử đã ảnh hưởng sâu sắc đến nguồn gốc và quá trình phát triển của nền kinh tế Nhật Bản hay cụ thể hơn là các công ty Nhật Bản. Nó ảnh hưởng sâu sắc đến mức tuy Nhật Bản đã cởi mở hơn rất nhiều trong việc học hỏi những điểm tân tiến của các nước phương Tây trong quá trình hình thành và phát triển ngành công nghiệp (ngành mũi nhọn của Nhật Bản), nhưng các công ty công nghiệp của Nhật Bản vẫn có những nét đặc trưng của việc quản lý theo kiểu gia đình.
Ngày nay, Nhật Bản là cường quốc kinh tế trên thế giới, sánh ngang cùng với Mỹ và các nước châu Âu phát triển khác. Ngoài ra các công ty Nhật Bản cũng vươn mình đến hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới với những sản phẩm chất lượng hàng đầu.
Cuốn sách “Công ty Nhật Bản” ra đời nhằm lý giải về cách thức quản lý của một công ty Nhật Bản, ảnh hưởng lề lối làm việc của nó đối với những người có liên quan nói riêng và người dân Nhật nói chung.
Cũng như Mỹ và Anh, công ty Nhật Bản có lịch sử hình thành và phát triển riêng biệt. Do đó, sau Chương 1 Lời mở đầu, trong Chương 2 Những ảnh hưởng lịch sử đối với công ty, trước khi bàn về vị trị hiện nay của công ty trong xã hội Nhật, tác giả giải thích ngắn gọn về hoàn cảnh lịch sử của công ty.
Tiếp theo, tác giả đề cập tới các công ty Nhật trong giai đoạn hiện tại.
Chương 3: Bối cảnh công nghiệp. Tác giả mở đầu với việc mô tả vai trò trung tâm của công ty trong kế hoạch công thương của Nhật, làm rõ sự khác biệt giữa công ty Nhật và công ty phương tây, mặc dù khá giống nhau về thể chế, với tư cách là một đơn vị sản xuất hoặc một công cụ kinh doanh. Chương này chú ý đến 4 khuynh hướng trong công ty công nghiệp Nhật Bản. Khuynh hướng thứ nhất là công ty Nhật Bản trở thành một đơn vị cơ bản, một tế bào được xác định rõ của hoạt động công nghiệp hoặc thương mại, thay vì chỉ là một trong nhiều tổ chức công nghiệp có thành viên chồng chéo. Khuynh hướng thứ hai là công ty trở thành chuyên môn hóa hẹp, tham gia vào một ngành kinh doanh duy nhất hoặc có thể vài công cuộc liên doanh chặt chẽ. Khuynh hướng thứ ba là các công ty được sắp đặt, sắp xếp theo một trật tự trong đó những công ty càng lớn thì càng có địa vị tốt hơn. Cuối cùng là khuynh hướng của công ty muốn kết hợp với các công ty khác thành một hình thức nhóm nào đó. Khi đã giải thích các khuynh hướng này và nghiên cứu cách chúng kết hợp với nhau, từ đó tác giả trình bày chúng biểu hiện ra sao trong một công ty Nhật Bản riêng biệt, và chúng ảnh hưởng như thế nào đến sự điều hành công việc kinh doanh và quan hệ của công ty đó với các công ty khác.
Chương 4: Tổ chức và quản lý công ty. Tác giả “giải phẫu” công ty, xem xét về tổ chức, cách quản lý, phương pháp chọn các giám đốc và phân công trách nhiệm của họ.
Chương 5 và chương 6 của cuốn sách sẽ chủ yếu bàn về các thành viên của một công ty Nhật Bản, về cách ứng xử và thái độ của họ.
Chương 5: Sự gia nhập và rời khỏi công ty. Trong chương này, tác giả bắt đầu bằng cách nghiên cứu việc gia nhập và rời khỏi công ty của họ, bởi đó là một cách rất hữu dụng để tìm hiểu về văn hóa và hoạt động của công ty. Hoạt động nghiên cứu này không chỉ mang tính chất của một cuộc điều tra nhân khẩu học một cách máy móc. Việc nghiên cứu hoạt động tuyển dụng và nghỉ việc không chỉ cung cấp những manh mối về bản chất của cộng đồng công ty, mà còn bộc lộ thông tin về quan hệ giữa công ty và xã hội nói chung. Phần lớn thông tin được cung cấp về hoạt động tuyển dụng và sa thải của các công ty Nhật Bản đều dựa chủ yếu vào các tài liệu có được trong nghiên cứu về Marumaru. Trước hết, tác giả trình bày một số thông tin chi tiết về thị trường lao động Nhật Bản, mà từ đó Marumaru cũng như các công ty Nhật Bản khác, tuyển dụng và sa thải nhân viên.
Chương 6: Công ty và nhân viên. Trong chương trước, tác giả trình bày rằng các nhân viên di động có xu hướng bỏ việc là do cả hoàn cảnh tinh thần lẫn thực tế. Trong chương này, tác giả trình bày về những động cơ tinh thần và thực tế đã khiến các nhân viên ở lại và ra đi, mức ảnh hưởng của chúng đến thái độ của nhân viên đối với công ty và đối với nhau.
Chương 7: Công ty, xã hội và sự thay đổi. Các chương trên đã mô tả những nét đặc trưng khác nhau về bối cảnh và hoạt động của công ty Nhật Bản. Trong chương này, tác giả xem xét các nét đặc trưng đó ăn khớp với nhau một cách chặt chẽ như thế nào để hình thành một hệ thống công ty Nhật Bản và thảo luận xem hệ thống công ty liên quan ra sao đến một xã hội đang biến đổi. Tác giả cũng tìm hiểu các tầng lớp khác nhau trong xã hội chịu ảnh hưởng ra sao bởi các công ty, và xem xét các nhân tố ở bên trong công ty lẫn ngoài xã hội giúp công ty bền vững hoặc buộc công ty phải thay đổi.
Thông qua 335 trang với cách trình bày hợp lý, giọng văn dễ hiểu, cuốn sách đã giúp chúng ta hiểu thêm về các công ty Nhật Bản. Cuốn sách là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc, nhất là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.
Thực hiện: Trương Phan Thanh Thủy
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á