Tác giả: Nguyễn Duy Lợi
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, 217 trang
Kí hiệu: Vv 2734
Điều chỉnh chính sách thương mại là một trong những cách thức mà các nước thường xuyên sử dụng để ứng phó với các cú sốc và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các thành tố chung của chính sách thương mại như mục tiêu, các công cụ và các biện pháp chính sách thường được điều chỉnh nhằm đưa nền kinh tế vượt qua những khó khăn. Dựa vào bối cảnh và điều kiện riêng của từng nước mà mục tiêu chung và từng mục tiêu cụ thể được điều chỉnh cho phù hợp. Các công cụ thế quan và phi thuế quan, các công cụ tỷ giá… được điều chỉnh nhằm kích thích xuất khẩu. Các biện pháp kinh tế, tài chính, thuận lợi hóa, ưu đãi… cũng được thực hiện nhằm đạt mục tiêu chính sách. Tính chu kỳ của tăng trưởng kinh tế và rủi ro trước các cú sốc từ bên ngoài đòi hỏi chính sách thương mại cần được theo dõi sát và điều chỉnh kịp thời.
Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, bối cảnh kinh tế - chính trị quốc tế có nhiều thay đổi đã tác động mạnh mẽ đến thương mại quốc tế nói chung và đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nói riêng. Bên cạnh đó, trong nội tại nền kinh tế các nước này cũng đòi hỏi phải điều chỉnh chính sách thương mại nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, điều chỉnh mô hình tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, thực hiện phương thức phát triển mới hướng đến tiêu dùng nội địa, một nền kinh tế xanh và bền vững… Do đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có những điều chỉnh chính sách thương mại nhằm ứng phó với bối cảnh quốc tế mới và yêu cầu nội tại của nền kinh tế. Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là những đối tác quan trọng của Việt Nam ở khu vực Đông Á. Những điều chỉnh trong chính sách thương mại của các nước này có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Trước yêu cầu đó, nhóm các nhà nghiên cứu Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới đã cho ra đời cuốn sách “Điều chỉnh chính sách thương mại của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sau khủng hoảng: kinh nghiệm cho Việt Nam”. Cuốn sách với kết cấu 3 chương:
Chương I: Các nhân tố chủ yếu chi phối điều chỉnh chính sách thương mại ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chương này nêu khái quát chính sách thương mại và điều chỉnh chính sách thương mại; đề xuất khung phân tích điều chỉnh chính sách thương mại; phân tích các nhân tố bên trong và bên ngoài chi phối sự điều chỉnh.
Chương II: Nội dung điều chỉnh chính sách thương mại của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các tác giả phân tích nội dung điều chỉnh chính sách thương mại của ba nước này trên các phương diện cụ thể là quan điểm chính sách, mục tiêu chính sách, các công cụ và biện pháp thực hiện chính sách thương mại. Bên cạnh đó, các tác giả cũng phân tích tác động của việc điều chỉnh chính sách thương mại và đánh giá một số vấn đề trong điều chỉnh chính sách thương mại.
Chương III: Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Ở đây, các tác giả phân tích sự cần thiết phải điều chỉnh và một số điều chỉnh chính sách thương mại ở Việt Nam cũng như các kênh tác động chủ yếu đến Việt Nam. Từ những điều chỉnh trong chính sách thương mại của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các tác giả đã rút ra một số bài học kinh nghiệm của ba nước này dành cho Việt Nam và hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm gần một nửa kim ngạch nhập khẩu và 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Những điều chỉnh trong chính sách thương mại của các nước này có ảnh hưởng không nhỏ tới nước ta. Sự điều chỉnh kịp thời chính sách thương mại về mục tiêu, các biện pháp và công cụ chính sách đã góp phần phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu khủng hoảng. Việc điều chỉnh chính sách thương mại của ba nước này gợi mở những bài học kinh nghiệm bổ ích cho Việt Nam. Với những nội dung nêu trên, cuốn sách này đã góp phần xây dựng luận cứ khoa học làm cơ sở cho định hướng và xây dựng chính sách thương mại, mô hình phát triển mới của kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.
Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á