Tác giả: Phạm Thái Quốc (chủ biên)
Nhà xuất bản Lao động – Xã hội, Hà Nội, 2015, 302 trang
Kí hiệu: Vv2695
Sở hữu là vấn đề xuyên suốt trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Từ thời cổ đại cho đến hiện đại, các nhà tư tưởng lớn của thế giới như Plato, Aristotle, Hegel, Hobbes, Locke, Kant, Marx, Ăng-ghen, Lênin đã dành mối quan tâm đặc biệt đối với vấn đề sở hữu. Các cuộc tranh luận giữa vai trò, hiệu quả và khía cạnh đạo đức của sở hữu nói chung, sở hữu công và sở hữu tư nói riêng, đối với sự phát triển của xã hội loài người dường như chưa bao giờ chấm dứt. Trong một ngành khoa học, các trường phái lý thuyết khác nhau cũng có quan điểm khác nhau về vấn đề sở hữu. Một số lý luận ở các nền kinh tế TBCN có những điểm chia sẻ song cũng có những điểm trái ngược với học thuyết Mác-Lênin. Kinh tế học ở các nước XHCN coi trọng hình thức sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể hơn kinh tế học ở các nước TBCN. Nhiều khía cạnh của vấn đề sở hữu và liên quan đến sở hữu vẫn chưa được làm rõ, hoặc chưa hoàn toàn thống nhất quan điểm. Thực tế cho thấy, mối quan tâm đối với một vấn đề sở hữu cụ thể xuất hiện trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Chỉ có thể nói đến những ưu điểm, nhược điểm của một hình thức sở hữu nào đó trong một bối cảnh lịch sử nhất định và trong sự đối chiếu, so sánh với những hình thức cụ thể khác. Vì thế, các cuộc tranh luận khoa học xoay quanh vấn đề nào của sở hữu nên được quan tâm hơn, và cần được nhìn nhận trong một bối cảnh thực tiễn.
Thực tế gần 30 năm Đổi mới ở Việt Nam có một phần lớn là việc đổi mới, cải cách chế độ sở hữu, xóa bỏ sự độc tôn của chế độ tư hữu; từng bước công nhận và phát huy vai trò của chế độ sở hữu tư nhân, theo đó đa dạng hóa các hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Tuy nhiên, trong quá trình Đổi mới, Việt Nam vẫn còn vấp phải nhiều vấn đề đến nay vẫn chưa có lời giải tốt cả về lý luận lẫn thực tiễn. Vì vậy, cuốn sách “Sở hữu trong nền kinh tế thị trường hiện đại: Lý luận, thực tiễn thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam” của Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới được xuất bản nhằm nghiên cứu xây dựng hệ thống lý luận về sở hữu vừa phù hợp với lý luận chung của thế giới, vừa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của Việt Nam hiện nay, xem xét thực tiễn về vấn đề sở hữu trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết vấn đề sở hữu ở Việt Nam.
Cuốn sách gồm ba chương:
Chương 1: Vấn đề lý luận và thực tiễn thế giới về sở hữu trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Chương 1 tóm lược các quan điểm lý luận về sở hữu và vấn đề sở hữu trong nền kinh tế thị trường, trình bày thực tiễn thế giới về sở hữu trong nền kinh tế thị trường hiện đại, trình bày kinh nghiệm của các nước tư bản chủ nghĩa như Anh, Mỹ, Đức, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc trong giải quyết vấn đề sở hữu, so sánh kinh nghiệm của các nền kinh tế tư bản, đưa ra một số vấn đề có tính phổ quát liên quan đến lựa chọn, điều chỉnh, hoàn thiện các hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường hiện đại.
Chương 2: Vấn đề sở hữu trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường và hướng tới hiện đại ở Việt Nam. Chương 2 tóm lược các tranh luận về vấn đề sở hữu ở Việt Nam trong thời gian qua, trình bày quá trình đổi mới ở Việt Nam về vấn đề sở hữu qua các kỳ Đại hội Đảng, hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu và hiện trạng chế độ sở hữu ở Việt Nam sau gần 30 năm Đổi mới, đánh giá thực trạng vấn đề sở hữu ở Việt Nam trong 30 năm qua, chỉ ra những khác biệt về thể chế sở hữu của Việt Nam so với các nền kinh tế thị trường trên thế giới.
Chương 3: Bối cảnh, định hướng và khuyến nghị nhằm hoàn thiện vấn đề sở hữu ở Việt Nam. Chương 3 trình bày bối cảnh thế giới và trong nước về hoàn thiện vấn đề sở hữu ở Việt Nam, định hướng hoàn thiện vấn đề sở hữu ở Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị nhằm hoàn thiện vấn đề sở hữu ở Việt Nam.
Tóm lại, cuốn sách “Sở hữu trong nền kinh tế thị trường hiện đại: Lý luận, thực tiễn thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam” đã mang đến cho độc giả những hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về lý luận, thực tiễn về vấn đề sở hữu ở trên thế giới và Việt Nam. Cuốn sách là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề sở hữu. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.
Thực hiện: Trương Phan Thanh Thủy
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á