Tác giả: Nguyễn Bình Giang
Ký hiệu:Vv2733
Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 384tr., 2015
Nền kinh tế thế giới đã ở trong tiến trình toàn cầu hóa được hơn ba thập niên. Cùng với tiến trình này, phân công lao động quốc tế đã chuyển từ kiểu theo chiều ngang (mỗi nước một ngành) sang kiểu theo chiều dọc( mỗi nước một công đoạn trong chu trình sản xuất ra một sản phẩm). Gắn với phân công lao động quốc tế kiểu mới theo chiều dọc, buôn bán sản phẩm trung gian nội ngành càng ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong thương mại quốc tế, nhất là khu vực Đông Á. Các nước đang phát triển muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh như vậy, phải tìm cách tham gia vào phân công lao động quốc tế theo chiều dọc. Muốn vậy, họ phải có “tấm hộ chiếu” là mạng sản xuất quốc tế.
Trong cuốn sách “Nâng cấp ngành với vấn đề tham gia mạng sản xuất quốc tế kinh nghiệm Đông Á” này, tác giả chủ yếu giới thiệu khung chính sách tham gia mạng sản xuất quốc tế nhằm mục đích thay đổi cơ cấu ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, cuốn sách chỉ giới hạn nghiên cứu trong phạm vi 3 ngành là điện tử, chế tạo ô tô, dệt may và 5 nền kinh tế là Đài Loan, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc. Nghiên cứu cũng chủ yếu đề cập đến kinh nghiệm thành công của các nền kinh tế này. Cuốn sách gồm 5 chương chính:
Chương 1: Quan niệm và quan điểm khoa học về nâng cấp ngành và về tham gia mạng sản xuất quốc tế. Trong chương này, tác giả phân tích những khái niệm mang tính lý thuyết liên quan đến nâng cấp ngành và mạng sản xuất quốc tế cùng với cơ chế hoạt động của nó.
Chương 2: Kinh nghiệm chung về nâng cấp ngành với vấn đề tham gia mạng sản xuất quốc tế của một số nước Đông Á. Chương này tác giả phân tích những chính sách về hội tụ ngành, chính sách khoa học và phát triển nguồn nhân lực, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng và logistics.
Chương 3: Kinh nghiệm nâng cấp ngành điện tử với vấn đề tham gia mạng sản xuất quốc tế của một số nước Đông Á
Chương 4: Kinh nghiệm nâng cấp ngành ô tô với vấn đề tham gia mạng sản xuất quốc tế của một số nước Đông Á
Chương 5: Kinh nghiệm nâng cấp ngành dệt may với vấn đề tham gia mạng sản xuất quốc tế của một số nước Đông Á
Việc hội nhập kinh tế khu vực cũng như trên thế giới hiện nay đem lại không ít lợi ích cũng như khó khăn cho nền kinh tế quốc gia. Nếu sức đề kháng của nền kinh tế non yếu thì việc hội nhập sẽ đem lại nhiều vấn đề hơn là lợi ích cho quốc gia đó. Thay đổi cơ cấu ngành theo hướng phát triển bền vững hay còn gọi là nâng cấp ngành chính là liều thuốc nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế trong môi trường mới.
Từ việc phân tích, so sánh và rút ra những kinh nghiệm từ chính các nền kinh tế hiệu quả từ việc nâng cấp ngành như Đài Loan, Singapo, Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc đã đưa ra những bài học quý báu cho việc nâng cấp ngành ở Việt Nam. Có thể thấy rằng, Việt Nam cần nhanh nhạy hơn trong việc chớp thời cơ dựa trên những lợi thế sẵn có của nền kinh tế quốc gia. Điều này vô cùng quan trọng, nếu như Việt Nam không muốn đứng sau “ lớp bụi” trong xu thế phát triển như vũ bão hiện nay.
Năng lực đổi mới-sáng tạo của các nền kinh tế Đông Á đã đem lại những kết quả tích cực. Những bài học mà các nền kinh tế này đã trải nghiệm qua là kinh nghiệm tốt cho các nền kinh tế khác. Với nền kinh tế còn non yếu như Việt Nam thì cần hơn nữa sự linh hoạt và chủ động tiếp cận với những cái mới và chủ động thay đổi cơ chế chính sách cho thích hợp.
Qua phân tích và rút ra những kinh nghiệm từ một số ngành sản xuất công nghiệp của 5 nền kinh tế Đông Á đã tìm ra những bài học quý báu về việc tham gia các mạng sản xuất quốc tế và nâng cấp ngành. Đặc biệt,những bài học này càng có ý nghĩa hơn đối với một nước đang trên đà phát triển và đang ngày một tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất này cùng với thế giới.
Nguyễn Thị Ngọc Anh
Viện nghiên cứu Đông Bắc Á