Tác giả: Bùi Thái Quyên
Nhà xuất bản: Lao Động-Xã hội, 195tr., 2014
Ký hiệu: Vv2693
Hội nhập kinh tế khu vực hay trên thế giới là xu hướng tất yếu đối với bất kỳ quốc gia nào trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập thì những lợi ích và những khó khăn mà nó đem lại cũng không nhỏ. Vì thế, vấn đề đặt ra cho các nền kinh tế trong quá trình hội nhập hiện nay là phải tăng khả năng cạnh tranh bằng nhiều cách, một trong những cách đó là thông qua liên kết kinh doanh và tạo dựng các mạng lưới sản xuất, vừa hỗ trợ vừa thúc đẩy nhau cùng phát triển. Vị trí của một quốc gia trong mạng lưới sản xuất toàn cầu hay mạng lưới sản xuất khu vực phản ánh khả năng cạnh tranh của quốc gia đó và của doanh nghiệp thuộc quốc gia đó.
Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình chủ động thực hiện đồng thời hai việc: gắn nền kinh tế và thị trường từng nước với thị trường khu vực và thế giới thông qua các nỗ lực thực hiện mở cửa và thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế quốc dân; và gia nhập và góp phần xây dựng các thể chế kinh tế khu vực và toàn cầu.
Mạng sản xuất toàn cầu là một trong những hình thức tổ chức công nghiệp tiên tiến, hiện đại. Sự hình thành mạng sản xuất bắt đầu từ việc hình thành các tổ chức độc quyền của Chủ nghĩa tư bản.
Cuốn sách “ Hội nhập kinh tế Đông Á nhìn từ góc độ mạng lưới sản xuất khu vực và hàm ý đối với Việt Nam” này sẽ đem lại nhiều ý kiến chuyên sâu hơn về hội nhập kinh tế và mạng sản xuất. Cuốn sách sẽ đánh giá định lượng những đóng góp của mạng sản xuất khu vực trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về hội nhập kinh tế khu vực và mạng sản xuất. Chương này chủ yếu xem xét những cơ sở lý luận và thực tiễn về hội nhập kinh tế và mạng sản xuất. Chương này sẽ phân tích sâu hơn về mạng sản xuất toàn cầu: cấu trúc, đặc điểm và những đóng góp của mạng sản xuất toàn cầu đối với phát triển kinh tế xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, những yếu tố thúc đẩy và mở rộng mạng sản xuất. Các phương thức có thể để một doanh nghiệp hoặc một quốc gia gia nhập mạng sản xuất toàn cầu.
Chương 2: Hội nhập kinh tế Đông Á nhìn từ góc độ mạng sản xuất khu vực. Chương này đưa ra những thành tựu và khó khăn của hội nhập kinh tế Đông Á và những điều kiện hình thành, mở rộng của mạng sản xuất khu vực Đông Á. Chương này cũng rút ra kinh nghiệm của một số nước trong việc gia nhập và phát triển trong mạng sản xuất toàn cầu và khu vực.
Chương 3: Hội nhập kinh tế khu vực Đông Á của Việt Nam nhìn từ góc độ mạng sản xuất: Những hàm ý chính sách. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Việt Nam cần phải có những thay đổi chính sách thích hợp khuyến khích đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài. Chương này tác giả đưa ra những gợi ý để thay đổi chính sách đầu tư kinh tế cho Việt Nam
Hội nhập kinh tế Đông Á là tiến trình chứng minh sức mạnh và vị trí kinh tế của các nước trong khu vực Đông Á. Vì thế, việc hiểu biết và nắm vững bản chất của hội nhập kinh tế và mạng sản xuất sẽ đem lại cái nhìn chính xác hơn trong việc nhận định những khó khăn cũng như mở ra những điều kiện để mở rộng sản xuất khu vực. Từ đó, những nhà kinh tế có thể đưa ra những chính sách thỏa đáng góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế quốc gia.
Cùng chung bối cảnh hội nhập, Việt Nam đã nhận được không ít những cơ hội tìm kiếm đầu tư và phát triển kinh tế. Song, những khó khăn từ khả năng cạnh tranh yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam cũng lại không nhỏ. Các doanh nghiệp Việt Nam đang rất vất vả để đứng vững trên thị trường. Và nếu không có những chính sách và định hướng thích hợp vì việc hội nhập chỉ đem lại nhiều vấn đề hơn là những lợi ích cho nền kinh tế quốc gia.
Cuốn sách “Hội nhập kinh tế Đông Á nhìn từ góc độ mạng lưới sản xuất khu vực và hàm ý đối với Việt Nam” là một cuốn sách có nội dung tốt, góp phần thúc đẩy quá trình tham gia mạng sản xuất khu vực của các ngành công nghiệp Việt Nam cũng như quá trình hội nhập khu vực Đông Á trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Ngọc Anh
Viện nghiên cứu Đông Bắc Á