Trang chủ

CẢI CÁCH GIÁO DỤC NHẬT BẢN

Đăng ngày: 26-11-2015, 07:18 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Ozaki Mugen

Nhà xuất bản lao động, Hà Nội, 2015, 327 trang

Kí hiệu: Vv2722

Giáo dục hiện đại là thể chế được tổ chức một cách quy mô bởi quốc gia và thông qua giáo dục mà xã hội được “tái sản xuất” trong đó trẻ em được đảm bảo về nhân quyền và sinh tồn. Do đó, một loạt các yếu tố căn bản như giải quyết các vấn đề quốc tế, đối phó với các vấn đề xã hội, trợ giúp sự sinh tồn của cá nhân sẽ trở thành các vấn đề cơ bản của giáo dục. Cũng có trường hợp những yếu tố mang tính ngoại lệ như phục vụ quyền lợi của cá nhân, đoàn thể, tổ chức cũng có được đưa vào.

Khi cải cách giáo dục thì quan điểm lập trường về các vấn đề quốc gia, quốc tế, phương sách đáp ứng những yêu cầu của xã hội, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng cá nhân, hoặc là tùy theo từng trường hợp còn có cả câu trả lời đối với yêu cầu của các thế lực, tập đoàn đặc biệt nào đó trong xã hội sẽ trở thành các yếu tố cơ bản. Các yếu tố này đan xen vào nhau một cách phức tạp và không thể tách biệt. Tuy nhiên, lịch sử lại chỉ ra  một cách minh xác các yếu tố chiếm ưu thế trong thời kì cụ thể và các đề án cải cách giáo dục đã xuất hiện.

Cuốn sách dựa trên quan điểm cơ bản thừa nhận sự thống nhất của dòng chảy công nghiệp hóa và cá nhân hóa sẽ lần tìm lại xem nền giáo dục đã đáp ứng yêu cầu của thời đại và tiến bước trên con đường cải cách như thế nào. Cuốn sách được kết cấu gồm 8 nội dung như sau:

Thứ nhất, sự xuất phát của giáo dục hiện đại, nói về giáo dục trong quá trình khai sáng văn minh và phong trào tự do dân quyền và giáo dục của Nhật Bản.

Thứ hai, giáo dục của quốc gia dưới chế độ Thiên hoàng, phân tích chế độ giáo dục quốc gia chủ nghĩa; sắc chỉ giáo dục và trường học ở Nhật Bản.

Thứ ba, sự xác lập mang tính xã hội của trường học, gồm ba vấn đề là trường tiểu học với tư cách là giáo dục quốc dân; sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản và giáo dục; các vấn đề xã hội và giáo dục ở Nhật Bản.

Thứ tư, giáo dục mới thời Taisho, nói về cải cách giáo dục; sự nóng lên của nhu cầu giáo dục; và phong trào giáo dục ở Nhật Bản.

Thứ năm, giáo dục thời kỳ động loạn, đưa ra 3 vấn đề là trường học trong thời kỳ khủng hoảng Showa; cải cách xã hội và kiểm soát tư tưởng; trường học dưới thể chế thời chiến ở Nhật Bản.

Thứ sáu, sự xuất phát của giáo dục sau chiến tranh, phân tích về cải cách giáo dục sau chiến tranh; giáo dục trường học và học sinh; phòng trào giáo dục của Nhật Bản sau chiến tranh.

Thứ bẩy, xã hội bằng cấp và giáo dục chạy theo điểm số, tập trung vào vấn đề sự tu chỉnh giáo dục sau chiến tranh; chính sách phát triển kinh tế tốc độ cao và chủ nghĩa năng lực; sự trưởng thành của chủ nghĩa bằng cấp.

Thứ tám, thời đại cải cách giáo dục, nhấn mạnh đến môi trường giáo dục của trẻ em và câu hỏi đặt ra cho cải cách giáo dục ở Nhật Bản.

Lịch sử giáo dục Nhật Bản hiện đại sẽ là tiền đề thích hợp để biết được các vấn đề của thời đại và mối quan hệ tương ứng liên quan của cải cách giáo dục. Cuốn sách sẽ là tài liệu hữu ích cho bạn đọc trong việc nghiên cứu về cải cách giáo dục hiện tại và tìm ra những cách nhìn nhận để lí giải tình hình một cách dễ dàng từ lịch sử cải cách giáo dục Nhật Bản. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận