Truyện cổ tích phản ánh trí tưởng tượng lạc quan của người bình dân, họ tin rằng mọi khó khăn đều có thể vượt qua và những người chăm chỉ, hiền lành, lương thiện sẽ được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, còn những kẻ gian ác, tham lam thì phải chấp nhận sự trừng phạt. Vì thế, khác với truyền thuyết, truyện cổ tích không xây dựng trên những sự kiện lịch sử. Ở một số truyện, nhân vật chính vượt qua những ranh giới để tìm đến cuộc sống có tình yêu. Nhân vật trong truyện cổ tích rất phong phú, đa dạng, có nhiều kiểu nhân vật khác nhau: nhân vật quan lại, người giàu, người anh, người dì ghẻ, người mẹ chồng; nhân vật người em, nhân vật mồ côi, nhân vật mang lốt, nhân vật người con dâu… Nhân vật thường được chia thành hai tuyến: nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Các loại nhân vật này khác nhau về cảnh ngộ, phẩm chất, tài năng và kết cục số phận. Truyện cổ tích hấp dẫn người đọc bởi truyện đã chiếu rọi ánh sáng lạc quan tin tưởng vào cuộc sống. Ở đây, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác rất quyết liệt nhưng bao giờ cái thiện cũng chiến thắng. Để khắc hoạ nhân vật và cấu trúc nên cốt truyện, dân gian rất quan tâm, chú trọng đến các hành động của nhân vật chứ không quan tâm mô tả ngoại cảnh, ngoại hình và tâm lý nhân vật. Hành động nhân vật là mấu chốt, tổng thể các hành động của nhân vật tạo thành cốt truyện, vì thế, nhân vật suy tư, trăn trở, day dứt như thế nào người đọc cũng không thể biết. Với đặc điểm dùng hình thức kỳ ảo làm phương thức chuyển tải nội dung, các truyện cổ tích có sức hấp dẫn mọi lứa tuổi, mọi thế hệ.
1. Kiểu nhân vật quan lại, người giàu
Nhân vật quan lại, người giàu trong truyện cổ tích của người Việt và người Hàn thường được miêu tả là những nhân vật tiêu cực còn gọi là nhân vật phản diện. Họ đều có điểm chung trong tính cách là tham lam, gian ác, coi trọng tiền tài, khinh thường đạo nghĩa, những con người này thường đi ngược với đạo lý và lý tưởng của con người, được miêu tả trong truyện với thái độ chế giễu, lên án và phủ định. Người Việt đã không ngần ngại khi vạch mặt thế lực thống trị là các quan lại ăn chơi xa xỉ, không chú ý đến việc dân, việc nước, làm hại dân lành. Đó là hình ảnh viên quan trong truyện Nàng Xuân Hương cậy quyền cậy thế, đam mê sắc đẹp, ép buộc nàng Xuân Hương phải thuận theo ý mình, khi bị cự tuyệt, hắn dùng thủ đoạn bỉ ổi và bắt nàng vào nhà giam. Những việc làm xấu xa của viên quan này không che được con mắt dân chúng: “Khi hỏi về viên quan án, ai nấy đều tỏ vẻ khinh bỉ, rủa là đồ chó lợn, chỉ quen ăn hối lộ và làm điều phi pháp,…”. Ở chốn quan trường có lắm điều rối ren, phức tạp. Quan lại luôn tìm cách hãm hại lẫn nhau, nhất là những người tài năng, liêm khiết thường không được trọng dụng, thay vào đó là những phần tử xiểm nịnh được “thuận buồm xuôi gió” mà thăng tiến. Vì thế chàng Mai An Tiêm ở truyện Sự tích dưa hấu đã bị đày ra hoang đảo vì những kẻ nghen ghét, đố kị với địa vị của chàng. Cũng có những người do lập được công lao lớn với triều đình được vua trọng dụng phong cho làm quan nhưng khi được làm quan thì họ lại trở thành con người hoàn toàn khác, họ trở nên hống hách với dân chúng mà tiêu biểu là viên quan đại thần được nói tới ở ngay phần đầu truyện Hoằng Tín hầu.
Đến với truyện cổ tích Hàn Quốc chúng ta thấy người Hàn cũng lên án, phê phán mạnh mẽ những viên quan tham tàn, dâm dục. Nhân vật viên quan giàu có ở truyện Ba câu đố mất hết tài sản vì tính háo sắc, muốn chiếm đoạt vợ người, còn viên quan trong truyện Viên quan điên rồ đã ban ra những luật lệ, chính sách khiến dân chúng phải bỏ đi, ngay cả các chức dịch dưới quyền cũng không thể chịu đựng nổi tính cách của viên quan này, cuối cùng mọi người dưới quyền đã lập ra kế hoạch làm cho viên quan bị điêu đứng, từ không có bệnh trở thành có bệnh do đó viên quan không thể cậy quyền cậy thế ức hiếp dân chúng được nữa. Truyện Choon Hyang-Hương mùa xuân, cũng vạch rõ tội ác của những quan lại suy thoái về nhân phẩm, đạo đức, viên quan trong truyện “là thứ tham quan ô lại, ăn chơi trác táng. Thay vì chăm lo cho dân chúng, hắn suốt ngày ăn chơi hưởng lạc”. Hắn dùng mọi thủ đoạn để ép nàng Choon Hyang làm vợ mặc dù cô đã có chồng, Choon Hyang kiên quyết từ chối vì thế viên quan đã đẩy cô vào chốn tù ngục tăm tối. Viên quan này là người đã gây bao tội ác, đẩy dân chúng vào cảnh khốn khó, ức hiếp những người dân hiền lành, lương thiện vì vậy đã bị trừng phạt và trở thành một kẻ nghèo khó, không quyền chức, phải sống cuộc đời trong tù ngục. Đây là một trong những viên quan đại diện cho những kẻ mũ áo xênh xang mà nhân cách hèn hạ, giả dối, dốt nát, tham lam, keo kiệt và háo sắc, vì đồng tiền và quyền lực, vì lợi ích cá nhân mà sẵn sàng chà đạp lên lương tâm, đạo đức và nhân phẩm con người.
Không chỉ những kẻ có quyền chức lợi dụng người dân nghèo hiền lành, lương thiện để làm giàu, phục vụ mục đích cá nhân mà ngay cả những phần tử giàu có cũng tàn ác và tham lam không kém, họ nắm trong tay nhiều tiền của từ đó tác oai, tác quái khiến dân nghèo phải điêu đứng, suốt đời làm kẻ hầu người hạ cho chúng. Người Việt có truyện Sự tích chim năm-trâu-sáu-cột và chim bắt-cô-trói-cột, Sự tích con khỉ, Mũi dài… đã cho thấy tính cách của những kẻ nhà giàu: tham lam, keo kiệt, giả dối, tính cách này được tiếp nối ở cả thế hệ con, cháu trong những gia đình trọc phú, trưởng giả; ngay cả những người con là phận gái cũng dùng nhan sắc để lừa gạt nhằm chiếm đoạt gia tài người khác, coi rẻ tình nghĩa vợ chồng, ham phú quý. Các gia đình phú ông hay đưa ra mưu kế: hứa gả con gái cho người ở của mình khi người ở thực hiện xong tất cả các công việc nặng nhọc, khó khăn và gian khổ hoặc đưa ra những thách đố hay thách cưới cao sang ngoài khả năng của những chàng trai nghèo. Đó là phú ông trong truyện Cây tre trăm đốt, Lấy chồng dê, Chàng ngốc được kiện, “Giận mày tao ở với ai” hay là truyện phượng hoàng đất. Hình ảnh nhân vật nhà giàu ở các truyện cổ tích Hàn Quốc như truyện Chú rể cóc cũng rất giống với những phú ông, trưởng giả trong truyện cổ tích của người Việt, đó là lão nhà giàu rất giận giữ khi hai ông bà đánh cá nhà nghèo sang nhà lão hỏi vợ cho con trai mình. Truyện không nói nhiều tới hành động của lão nhà giàu như các truyện của người Việt nhưng qua những đoạn kể ngắn về kiểu nhân vật này ta cũng nhận ra sự phân biệt giàu nghèo luôn song hành với sự phân biệt đối xử, từ đó tính cách của nhân vật bộc lộ rõ ràng.
2. Kiểu nhân vật người anh
Mối quan hệ giữa người với người sẽ làm nổi rõ tính cách, bản chất của từng hạng người trong xã hội, nhất là khi quan hệ ấy chịu sự chi phối và quyết định của tiền tài, của cải và danh vọng. Người có chút quyền uy luôn ức hiếp người dưới mình dù đó là những người thân, ruột thịt. Sự tham lam, ham muốn giàu sang về vật chất lấn át tình cảm, cướp đi nhân tính. Nhìn vào mỗi gia đình trong truyện cổ tích ta thấy cả người Việt và người Hàn đã phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống của những gia đình tồn tại mâu thuẫn xuất phát từ việc phân chia, kế thừa tài sản. Khi bố mẹ già hay mất đi thì người nảy lòng tham, ích kỷ, muốn chiếm đoạt toàn bộ gia sản bao giờ cũng là người anh, người chịu thiệt thòi, không oán thán, trách cứ một lời và chấp nhận cuộc sống khó khăn, thiếu thốn là những người em tội nghiệp. Các truyện Nhân tham tài nhi tử, điểu tham thực nhi vong, Hai anh em và con chó đá, Hà rầm hà rạc, Bính và Đinh của người Việt đã khai thác chủ đề từ mối mâu thuẫn giữa hai anh em, nhân vật người anh bộc lộ rõ lòng tham, vơ vét, chiếm hết của cải cha mẹ để lại, không chia cho em một thứ gì, hơn nữa lại luôn coi thường người em của mình. Sự sống chết của em mình ra sao người anh không để ý tới, còn khi người em trở nên giàu có, người anh tìm những lời ngon ngọt dỗ dành em cho biết điều bí mật để cầu sự giàu sang, phú quý hơn bội lần. Truyện Hưng Pu và Non Pu của Hàn Quốc cho ta thấy rõ sự giống nhau trong tính cách đáng lên án này của người anh - thành viên trưởng trong gia đình. Nol-bu vơ vét hết tài sản và đối xử với em mình như kẻ hầu người hạ, khi gia đình người em lâm vào cảnh nguy khốn, Nol-bu tỏ ra khinh bỉ, xua đuổi em thật tàn nhẫn. Cuối cùng người anh đã phải trả giá cho hành động của mình, Nol-bu trở nên nghèo khó còn người em thì được hưởng cuộc sống sung sướng, hạnh phúc. Sự phân biệt giàu nghèo xuất hiện trong các truyện cổ tích phản ánh bước phát triển của xã hội và đó là sự xung đột quyền lợi giữa những con người đại diện cho bước khởi đầu của sự phân hoá đẳng cấp, từ đó dẫn đến nhiều bất công với những số phận bất hạnh. Muốn cuộc sống của mọi người trong cộng đồng được hạnh phúc trước hết cần có tình yêu và lòng nhân từ, con người thông cảm, tin tưởng lẫn nhau nhưng đây vẫn chỉ là mơ ước bởi mỗi gia đình vẫn còn tồn tại sự nghi ngờ, nghen ghét.
3. Kiểu nhân vật người mẹ ghẻ
Dưới con mắt của dân gian, những người mẹ ghẻ thường đối xử bất công với con chồng còn bao điều tốt đẹp nhất đều dành riêng cho con mình. Bằng những hành động bất lương, người mẹ ghẻ trong các truyện của người Việt như truyện Tấm Cám đã cướp đoạt cả sự an ủi và giết chết niềm hy vọng nhỏ nhoi nhất của Tấm, đánh lừa Tấm bằng những hành động không thể tha thứ: lừa Tấm phải đi chăn trâu xa, trộn thóc lẫn gạo bắt nàng nhặt để nàng không thể đi trẩy hội, hơn nữa người gì ghẻ còn âm mưu giết chết Tấm để cho con mình vào cung làm vợ vua thay thế. Ngay cả khi Tấm chết hoá thân thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi cũng không thoát khỏi giã tâm của gì ghẻ, việc mẹ con Cám đốt khung cửi thành tro bụi chứng tỏ tác phẩm văn học dân gian đã sáng tạo được một hình tượng rất sắc nét để biểu hiện sự tàn bạo cùng cực của dì ghẻ đối với con chồng. Hình tượng người gì ghẻ độc ác không bao giờ vắng mặt trong các truyện cổ tích khi xã hội còn tồn tại hôn nhân đa thê. Nạn nhân của những gia đình một chồng nhiều vợ không phải ai khác mà trước hết chính là người con của vợ cả, đây cũng là vấn đề làm nhức nhối xã hội, khiến cho nhân tính con người suy thoái, tội ác nảy sinh. Truyện Người dì ghẻ ác nghiệt đã lấy bản chất, tính cách của nhân vật người dì ghẻ làm tên truyện góp thêm một tiếng nói lên án và tố cáo tội ác của hạng người này trong xã hội một cách quyết liệt, mạnh mẽ; người dì ghẻ coi Văn Linh – đứa con trai của người vợ cả như kẻ thù, chỉ mong Văn Linh chết đi để chiếm lấy tất cả gia tài nhưng cuối cùng chính mụ ta lại tự đưa mình đến cái chết. Ta cũng bắt gặp hình ảnh người dì ghẻ độc ác khi đến với các truyện kể của người Hàn, đó là người mẹ kế trong truyện Chim Pul-kuc. Hết lần này đến lần khác người mẹ ghẻ đều che mắt được người chồng về những tội ác của mình đối với người con của chồng với vợ trước đã qua đời. Tuổi thơ của em gắn với những công việc nặng nhọc, thiếu thốn cả về tình thương và vật chất, với dáng vẻ “ngồi thu lu trong một góc buồng” đủ thấy cô bé Y-Pư-Ni đáng thương biết nhường nào. Thân phận em nhỏ bé và sự sống đối với em cũng quá mong manh, cuối cùng cô bé Y-Pư-Ni tội nghiệp đang ở cái tuổi hồn nhiên đã phải chết một cách bi thương dưới bàn tay người mẹ kế. Người mẹ là người chịu tần tảo nuôi con, vất vả, khó khăn, thiếu thốn nhận lấy vào mình để cho con có tuổi thơ hồn nhiên, no ấm và luôn cảm nhận được bầu không khí hạnh phúc trong gia đình nhưng chỉ có những người mẹ đẻ mới tự nguyện hy sinh vì con cái mình còn người mẹ kế xuất hiện ở truyện cổ tích các nước hầu như mang bản chất độc ác, ích kỷ.
4. Kiểu nhân vật người mẹ chồng
Nhân vật người mẹ chồng cũng là một trong những kiểu nhân vật mang bản tính tham lam, gian ác. Người Việt với truyện Quan Âm Thị Kính (song song với chèo Quan Âm Thị Kính) đã nói lên muôn vàn khổ đau, oan ức mà người con dâu phải chịu đựng bởi người chồng và mẹ chồng gian ngoa, vốn không ưa gì nàng dâu nên khi có chuyện xảy ra người mẹ chồng một mực đổ lỗi cho con dâu dù cho con dâu có hết lời phân trần, giãi bày. Hành động đuổi người con dâu ra khỏi nhà của mẹ chồng đã khiến cuộc đời của một con người bị dang dở, nhất là dưới thời phong kiến những người con dâu ấy không thể trụ nổi bởi những cái nhìn soi mói và sự khinh miệt của người đời. Người mẹ chồng trong các truyện cổ tích Hàn Quốc: Nguồn gốc chim Pơ-khu-ky, Tiếng kêu của chim Kuckoo đã trực tiếp gây nên cái chết của người con dâu. Sự xuất hiện của nàng dâu trong gia đình khiến bà mẹ chồng luôn canh chừng mọi việc từ việc nhỏ nhất, kể cả miếng ăn. Vì miếng ăn mà họ mất hết nhân tính, nhìn con dâu bằng ánh mắt trợn trừng với những tiếng rít lên dữ dằn, đánh đập người con dâu đến chết. Gia đình là nền tảng của xã hội, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy xã hội, đất nước đến một tương lai tươi sáng, phồn vinh nhưng muốn vậy phải loại trừ tội ác đang tồn tại ở mỗi gia đình, đem lại quan hệ tốt đẹp đến các thành viên, đây là mơ ước, khát khao của con người ở mọi thế hệ, thời đại.
Xây dựng nhân vật quan lại, nhà giàu, người anh, người mẹ ghẻ, người mẹ chồng, dân gian đã đặt những nhân vật này trong một địa vị, hoàn cảnh thuận lợi với cuộc sống sung sướng, giàu có, từ đó bóc trần bộ mặt xấu xa của những nhân vật này. Sự có mặt của các kiểu nhân vật với tính cách tham lam, bản chất gian ác đã đóng vai trò thử thách phẩm hạnh của nhân vật chính diện. Kết thúc truyện, những nhân vật có hành động trái với luân thường đạo lý đều bị trừng phạt và thường phải trả giá bằng cái chết bởi “gieo nhân nào gặp quả nấy” là lẽ tất yếu. Dân gian cũng thường nhấn mạnh sự đối lập giữa tính cách của những quan lại, người giàu, người anh, người mẹ ghẻ với những nhân vật thuộc về tầng lớp những người dân nghèo hiền lành lương thiện. Khi nghiên cứu về truyện cổ tích, các nhà nghiên cứu đã gọi những nhân vật này là nhân vật chính diện, đó là những người em, người xấu xí, người mồ côi, người con dâu… Nhân vật chính diện hay còn gọi là nhân vật tích cực, là nhân vật thể hiện những giá trị tinh thần, những phẩm chất đẹp đẽ và những hành vi cao quý được tập trung miêu tả, khẳng định và ngợi ca trong tác phẩm theo một quan điểm tư tưởng, một lý tưởng xã hội-thẩm mỹ nhất định. Văn học thời nào cũng có những nhân vật chính diện thể hiện lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ của thời đại mình.
5. Kiểu nhân vật người em, người mồ côi
Dân gian hai nước Việt - Hàn đã dành rất nhiều sự quan tâm đến những người lương thiện hiền lành, cần cù nhưng phải chịu nhiều đau khổ. Hàng ngũ nhân vật trong truyện gồm nhiều độ tuổi, nhiều thành phần xã hội, nhiều nghề nghiệp khác nhau. Trong xã hội, phần lớn họ là những người lao động nghèo khổ, không có thế lực, địa vị: những người làm thuê, đi ở, những người mồ côi, người xấu xí… Trong gia đình họ là những người em, người con riêng, người con dâu luôn luôn phải chịu sự chi phối, điều khiển của những người “bề trên” trong gia đình phụ quyền. Cuộc đời của những nhân vật ấy thường có sự thay đổi, đối lập nhau. Ban đầu là cuộc đời đen tối, bất hạnh nhưng về sau sự sung sướng, giàu sang, hạnh phúc lại đến với những nhân vật này khiến cuộc đời họ tươi sáng hơn xứng đáng với tính cách chân thật, hiền lành và bản tính lương thiện vốn có của các nhân vật chính diện. Đó là nhân vật người em ở các truyện của người Việt: Hà rầm hà rạc, Nhân tham tài nhi tử, điểu tham thực nhi vong, Hai anh em và con chó đá, Bính và Đinh và truyện Cây gậy của những con Tokkaebi, Hưng Pu và Non Pu, Bắt hổ bằng chó lông tẩm dầu vừng của người Hàn. Mặc dù bị người anh tham lam đối xử tàn nhẫn nhưng người em trước sau không hề oán thán anh mà ngày ngày chăm chỉ lao động bằng chính sức lực của mình để tự lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình. Tuy nghèo khó nhưng người em với lòng nhân hậu đã giúp những người nghèo khổ hơn mình, ngay cả những con vật cũng nhận được tình thương từ người em. Khi sự may mắn đến, đứng trước những núi vàng, núi bạc, người em cũng chỉ nhận lấy phần nhỏ đủ để trang trải cho cuộc sống. Với bản chất thật thà, người em chia sẻ niềm vui với mọi người về sự may mắn của mình, kể cho anh và xóm làng biết nguyên nhân dẫn tới sự đổi thay trong cuộc đời. Có truyện còn xuất hiện chi tiết: người em khi giàu có lại càng không quên người anh của mình, ngược lại còn ra sức an ủi, giúp đỡ gia đình người anh vượt qua khó khăn hoạn nạn.
Cuộc sống ghèo khó đã khiến con người vất vả nhưng bất hạnh hơn nữa lại có những số phận không nơi nương tựa, mồ côi cha mẹ, một thân một mình bươn trải, lo toan tất cả. Sự thiếu thốn về vật chất và tình thương luôn bám diết lấy những con người tội nghiệp. Tuy nhiên trong hoàn cảnh khắc nghiệt, những nhân vật mồ côi vẫn sáng ngời vẻ đẹp nhân cách: chân thật, hiền lành và đức độ. Người Việt đã xây dựng thành công những nhân vật mồ côi như Tấm (Tấm Cám), Văn Linh (Người dì ghẻ ác nghiệt hay là sự tích con dế). Tấm và Văn Linh cả hai đều mồ côi cha mẹ và luôn bị người mẹ kế hãm hại, nếu như Tấm được Bụt giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn thì nhân vật Văn Linh lại nhận được sự giúp đỡ của người em cùng cha khác mẹ và được người mẹ đã chết hoá thân thành chim che chở, chăm sóc. Kết thúc truyện là hình ảnh cô Tấm xinh đẹp hơn xưa cùng hạnh phúc bên nhà vua yêu nàng tha thiết còn Văn Linh hạnh phúc bên người vợ hiền và chàng thi đỗ tiến sĩ trở về làng trong niềm vui khôn xiết. Nhưng không phải nhân vật mồ côi nào cũng may mắn có được cuộc sống tươi đẹp sau khi trải qua những gian khó, khổ đau. Nhân vật người cháu trong truyện Sự tích chim hít cô mồ côi cha mẹ nên ở với người cô, cái đói, cái nghèo cùng với sự vô tâm của người cô đã cướp đi sinh mạng người cháu nhỏ tuổi. Bên cạnh đó còn có nhân vật em bé mồ côi cha ở truyện Sự tích chim đa đa bị người cha ghẻ độc ác lừa gạt bỏ mặc ở rừng sâu, cậu bé chết hoá thành chim đa đa với những tiếng kêu thảm thiết. Trong truyện cổ tích, motif người mồ côi là một trong những motif mà sự xuất hiện của nó khá phổ biến và thường có mặt ngay ở phần mở đầu câu chuyện. Người Hàn có truyện Shim Ch’ong người con gái hiếu thảo nói tới nhân vật Shim Ch’ong mồ côi mẹ, cô ở với người cha già mù loà và tần tảo làm thuê, làm mướn sớm hôm nuôi cha. Lòng hiếu thảo của cô được mọi người biết đến, hơn nữa Shim Ch’ong còn hy sinh cả tính mạng để giúp cha thoát khỏi cảnh mù loà. Khi trở thành hoàng hậu, Shim Ch’ong lúc nào cũng nghĩ đến cha mình, hạnh phúc lớn nhất đối với nàng là tìm thấy cha và khi đôi mắt của cha sáng trở lại. Shim Ch’ong mồ côi mẹ nhưng nàng còn nhận được tình thương yêu của cha mình vì thế cuộc sống của Shim Ch’ong ấm áp và ý nghĩa hơn, còn em bé Y-Pư-Ni ở truyện Chim Pul-kuc mồ côi mẹ, ở với cha nhưng lại phải chịu thêm nỗi bất hạnh và đau khổ là phải sống với người mẹ kế độc ác nên em đã chết khi đang ở cái tuổi hồn nhiên-cái tuổi luôn cần sự nâng niu, yêu chiều.
Để làm nổi bật phẩm chất, tính cách, số phận của các nhân vật mồ côi, dân gian đã đặt các nhân vật này trong một hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, bất hạnh vì thế truyện thường mở đầu bằng việc giới thiệu gia cảnh với những cụm từ quen thuộc: “Ngày xưa có một em bé mồ côi cha từ hồi còn nhỏ” hay “mẹ Tấm đã chết từ hồi Tấm còn bé”… Nguồn gốc xuất thân và cuộc đời của các nhân vật đều sống lẻ loi, không tài sản, không nơi nương tựa, luôn bị ức hiếp. Nhân vật thiếu một cuộc sống gia đình bình thường, bị đẩy vào cảnh sống côi cút, bị bóc lột sức lao động, hơn nữa còn bị giết hại. Truyện cổ tích đã mô tả rõ rệt những gì mà nhân vật mồ côi phải chịu đựng và nguyên nhân xã hội làm cho các nhân vật không thể thoát khỏi đau khổ và oan trái.
6. Kiểu nhân vật xấu xí
Khác với nhân vật mồ côi, những nhân vật với hình dạng xấu xí hầu hết lại có cuộc sống về sau rất hạnh phúc và những nhân vật này trở thành chàng trai hay cô gái xinh đẹp tài năng. Các nhân vật xấu xí với vẻ ngoài dị dạng như con cóc, con dê, con ếch… có sự đối lập với vẻ xấu xí bên ngoài là vẻ đẹp bên trong của các nhân vật với tính cách hiền lành, chân thật, cao thượng và có một tâm hồn trong sáng, tình yêu chân thành. Nhưng những nhân vật với hình thức xấu xí, quái lạ bao giờ cũng bị cộng đồng xa lánh, phải sống trong sự miệt thị, coi khinh của mọi người; đặc biệt luôn bị các cô gái khinh thường, ghê sợ, chỉ duy nhất có cô em út có cách đánh giá hoàn toàn khác với các cô chị và chấp nhận hôn nhân, cùng chung sống và chia sẻ mọi khó khăn. Xây dựng chi tiết những nhân vật xấu xí muốn lấy cô gái đẹp con nhà giàu, thuộc tầng lớp trên hay những người có học thức, nho nhã, dân gian đã gửi gắm ước mơ cuộc sống hạnh phúc không có sự phân biệt giàu nghèo và những người khi sinh ra phải mang hình dáng xấu xí sẽ có được sự đánh giá, nhìn nhận đúng về phẩm chất, đạo đức, tính cách và tài năng. Người Việt đã xây dựng nhân vật cô gái cóc ở truyện Người lấy cóc, chàng trai dê trong truyện Lấy chồng dê và cô gái ếch trong truyện Người lấy ếch. Những nhân vật này vượt qua mọi thử thách và lấy được người vợ, người chồng đẹp cả về hình thức và tâm hồn, vợ chồng sống hạnh phúc bằng chính sức lao động và tài năng của mình. Từ đó nhân vật xấu xí trút bỏ vĩnh viễn cái lốt dị dạng phải mang trên mình từ trước tới nay để trở thành những người có nhan sắc tuyệt đẹp và một tương lai tươi sáng. Người Hàn cũng có cái nhìn, đánh giá về nhân phẩm con người thông qua nhân vật xấu xí đó là nhân vật mang lốt trong truyện Chàng rể cóc. Cóc tự nguyện đi theo và sống cùng đôi vợ chồng người đánh cá, khi trưởng thành Cóc muốn lấy vợ nhưng lại là một trong số những cô gái con nhà giàu có. Dưới con mắt của những người trong gia đình nhà giàu, Cóc bị coi khinh và hai cô chị kiên quyết không lấy Cóc làm chồng nhưng cô gái út không một chút ngần ngại, cô đã nhận lời ngay và trở thành vợ Cóc. Với vẻ ngoài dị dạng, nhân vật Cóc bị mọi người xa lánh nhưng Cóc lại có niềm tin vào cuộc sống, mạnh dạn, dũng cảm đón nhận tất cả khó khăn, sự ghẻ lạnh của xã hội. Cái lốt hình dạng con cóc bên ngoài của nhân vật cũng là thử thách đối với những người xung quanh và các cô gái nhưng những cô gái tốt bụng, hiền lành sẽ không sợ vẻ xấu xí bên ngoài của người mình sẽ lấy làm chồng bởi vẻ đẹp bên trong con người là quan trọng và quyết định tất cả. Sau khi lấy được vợ đẹp cả về hình thức và phẩm chất, đạo đức nhân vật Cóc mới trút bỏ cái lốt và lộ nguyên hình là chàng trai xinh đẹp, khôi ngô, tuấn tú, cùng người bạn đời sống hạnh phúc mãi mãi.
7. Kiểu nhân vật người con dâu
Trong các truyện cổ tích về nhân vật xấu xí, nhân vật mang lốt, ta thấy nhân vật có cuộc sống hạnh phúc bởi có được người vợ tốt, hiền lành, nhân hậu. Nhưng khi đến với các truyện về cuộc sống gia đình có vợ chồng sống cùng cha mẹ thì hạnh phúc vợ chồng lại chịu chi phối nhiều yếu tố, nổi bật nhất là quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng, qua quan hệ này, tính cách người con dâu được thể hiện rõ nét. Nhân vật người con dâu trong truyện cổ tích của người Việt và người Hàn đều có điểm chung về tính cách đó là ngoan hiền, chăm chỉ. Mọi việc trong gia đình đều lo lắng chu toàn nhưng số phận lại không mỉm cười với họ bởi những người mẹ chồng tham lam, gian ác. Sự vất vả của người con dâu không được mẹ chồng cảm thông, chia sẻ, hơn nữa những người con dâu thường sống trong sự rụt rè, không có tự do, bị mẹ chồng giám sát trong mọi việc làm, hành động, kiểm soát kể từ miếng ăn, thức uống… Nhân vật Thị Kính ở truyện Quan Âm Thị Kính của người Việt là một người vợ yêu thương chồng và biết lo lắng cho việc đèn sách của chồng nhưng nàng lại phải chịu bất hạnh và oan trái; tình yêu, sự chung thuỷ, nết ngoan hiền ở nàng lẽ ra đáng được hưởng cuộc sống tràn đầy tình yêu thương thì ngược lại cái nàng nhận được lại là sự bội bạc của chồng và mẹ chồng. Thị Kính bị xua đuổi khỏi cái gia đình mà nàng hết mực chăm lo. Còn nhân vật người con dâu trong truyện Tiếng kêu của chim kuckoo của người Hàn với đức tính chăm chỉ, cần cù lại phải chết thật thảm thương bởi sự đối xử tàn nhẫn của mẹ chồng.
Kết luận
Truyện cổ tích là tiếng nói ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của những con người lao động hiền lành, chân thật, sống với lòng hiếu thảo, tình yêu tha thiết và sự chung thuỷ qua các kiểu nhân vật người em, người mồ côi, người xấu xí, người con dâu… Đồng thời, truyện cổ tích còn là những giấc mơ đẹp của người thời xưa về một xã hội công bằng, con người được sống khoẻ mạnh, no ấm và hạnh phúc. Xây dựng nhân vật chính diện, truyện cổ tích luôn đặt nhân vật trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ và vô vàn thách thức khắc nghiệt để từ đó khẳng định phẩm chất, tính cách đáng quý của kiểu nhân vật này. Mỗi nhân vật là một vẻ, một tính cách và số phận khác nhau. Tính cách được bộ lộ qua hành động, trong suốt các truyện hầu hết tính cách nhân vật không thay đổi. Các kiểu nhân vật: quan lại, người giàu có, người anh, người dì ghẻ, người mẹ chồng luôn luôn đối lập với nhân vật người em, người mồ côi, người xấu xí, người con dâu về tính cách, số phận. Nếu như trong diễn biến câu chuyện, các nhân vật chính diện bị nhân vật phản diện ức hiếp, bóc lột, hãm hại thì khi kết thúc truyện hầu như các nhân vật chính diện lại được hưởng cuộc sống hạnh phúc, giàu sang, no đủ, được dân gian đề cao, ca ngợi còn các nhân vật phản diện bị trừng phạt thích đáng: mất hết của cải, mất cả tính mạng và bị lên án, phê phán mạnh mẽ.
LƯU THỊ HỒNG VIỆT
(Đại học Đà Lạt)
TÀI LIỆU THAM KHẢO