Trang chủ

PHONG TRÀO LÀNG MỚI Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày: 1-10-2014, 03:50 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 8

Trong những thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX, Phong trào Saemaul hay Phong trào Làng mới đã tạo ra một bước đột phá cho sự phát triển của nông thôn Hàn Quốc. Đây thực sự là một cuộc cải tổ về ý thức nhằm đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Phong trào Làng mới đã thực sự làm cho nông thôn Hàn Quốc thay đổi lớn lao. Từ chỗ là địa bàn nghèo đói xác xơ của một quốc gia nghèo nhất ở Châu Á vào đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, nhưng chỉ trong vòng 20 năm sau, nông thôn Hàn Quốc đã vươn lên trở thành khu vực kinh tế phát triển mạnh mẽ, đời sống của nhân dân trở  nên ấm no, hạnh phúc. Sự phát triển của nông thôn Hàn Quốc đồng thời còn làm nền tảng vô cùng quan trọng, góp phần vào sự phát triển kỳ diệu của nền kinh tế Hàn Quốc trong những thập kỷ cuối thế kỷ XX. Dựa trên những tư liệu của cuốn “Phong trào Làng mới (Saemaul) – Hàn Quốc” do Korea Saemaulundong Center xuất bản năm 2008 và kết quả cuộc trao đổi trực tiếp với Ngài Dong Cheol Lee, Chủ tịch Trung ương Phong trào vận động Saemaul Hàn Quốc, chúng tôi trình bày những nét khái quát nhất về phong trào này. Từ những kinh nghiệm đi lên đó của Hàn Quốc chắc chắn sẽ giúp cho Việt Nam có những bài học bổ ích trong chiến lược xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện nay.

1. Sự ra đời của Phong trào Làng mới

Vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX, xã hội Hàn Quốc đã thay đổi tận gốc rễ bởi sự bất đồng về tư tưởng và đói nghèo. GDP bình quân đầu người năm 1960 chỉ đạt 85 USD. Phần lớn người dân Hàn Quốc sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong khi đó khắp đất nước liên tiếp bị lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên. Xã hội Hàn Quốc thời đó là một xã hội thờ ơ, hỗn độn và vô vọng. Nỗi lo  lớn nhất của Chính phủ là làm cách nào để thoát khỏi đói nghèo. Các sản phẩm xuất khẩu lúc đó trở thành mục tiêu chính để tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch 5 năm bắt đầu từ năm 1962 và đến đầu thập kỷ 70 đã phát huy hiệu quả, nền kinh tế Hàn Quốc bắt đầu cất cánh. Kinh tế phát triển, kèm theo đó là hệ luỵ của việc thanh niên nông thôn dần dần dồn về các thành phố ngày càng đông. Mặc dù Chính phủ đã chú trọng tăng sản lượng lương thực, nhưng nhìn chung đời sống nông dân ở nông thôn vẫn còn rất lạc hậu. Mãi đến năm 1970 vẫn còn  80% người dân nông thôn phải sống trong nhà mái lá và 80% không có điện thắp sáng, vẫn phải dùng đèn dầu (1).

Sau trận lũ lụt năm 1969, người dân phải tu sửa nhà cửa, đường sá mà không có sự trợ giúp của Chính phủ. Điều này làm Tổng thống Park Chung-hee suy nghĩ rất nhiều, phải làm gì để tìm cách  phát triển các vùng nông thôn. Tổng thống Park Chung-hee nhận ra rằng việc hỗ trợ của Chính phủ cũng sẽ là vô nghĩa nếu người dân không nghĩ cách tự cứu giúp chính mình. Hơn nữa khuyến khích người dân hợp tác và giúp đỡ nhau là điểm mấu chốt để phát triển nông thôn. Những ý tưởng này chính là nền tảng của Phong trào Lang mới.

2. Hoạt động và kết quả của Phong trào Làng mới

Trong thập kỷ 70, Chính phủ không có kinh phí để thực hiện kế hoạch phát triển nông thôn. Tuy nhiên, với khoản viện trợ ít ỏi của Chính phủ cũng đã giúp cho nông dân giải quyết được  nhiều khoản nhu cầu thiết yếu.

Chính phủ đưa ra thử nghiệm 10 dự án lớn trong việc phát triển vùng nông thôn bao gồm: Mở rộng và nắn thẳng đường sá, làm lại mái nhà bếp và hàng rào, xây dựng giếng nước công cộng và khu giặt giũ công cộng. Trong tổng số 35.000 xã ở nông thôn của Hàn Quốc, trung bình mỗi xã được cấp miễn phí 355 bao xi măng(2). Toàn bộ kế hoạch đó do chính Ủy ban xã  quản lý. Kết quả là 1.000 xã (tức nửa số xã ở nông thôn) đã được cải thiện rõ rệt. Kế hoạch đã được triển khai trên quy mô toàn quốc và phần lớn dựa vào Quỹ của xã và lực lượng lao động sẵn có tại địa phương.

Bước sang năm thứ hai, Chính phủ quy định tiếp tục giúp đỡ những xã đã tự giúp chính mình, bằng cách cấp thêm cho mỗi xã 500 bao xi măng và 1 tấn sắt thép. Nhờ đó những nhà tranh vách đất được dần thay thế bằng nhà mái ngói và tường xây. Khắp nơi đường sá được mở rộng. Đê điều được tu bổ, cầu cống được  xây dựng. Làng xã phát triển với tốc độ chóng mặt. Người dân nông thôn đã lấy lại được sự tự tin sẵn có. Những người trước đây sống rất thờ ơ thì bây giờ cũng bắt tay vào xây dựng ngôi làng của chính mình. Nông thôn Hàn Quốc đã có biểu hiện những dấu hiệu của sự phát triển và đô thị hóa.

Năm thứ ba lấy lại tự tin hơn, Chính phủ quy định chia 35.000 xã thành 3 lĩnh vực: cơ sở, tự lực và tự lập. Tùy theo tốc độ phát triển, mỗi lĩnh vực sẽ nhận được khoản trợ cấp khác nhau. Càng về sau các dự án môi trường càng tăng thêm. Đường ống nước và các phương tiện công cộng khác được tái thiết phù hợp với nông thôn mới. Người ta cho xây dựng các khu bếp và nhà tắm hiện đại cùng với đường nước mới. Ngoài ra còn có các khu trung tâm xã, trung tâm giải trí đa chức năng, nhà tắm công cộng, cửa hàng và các dịch vụ công cộng khác.  Chính sự thành công của các dự án môi trường đã mở đường cho các dự án tăng sản lượng. Đường sá được mở rộng cũng đồng nghĩa với việc xe cơ giới có thể đi đến tận đồng ruộng. Chính phủ luôn đóng vai trò cốt yếu trong việc gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Năm 1974, sản lượng lúa tăng đến mức độ có thể tự cấp tự túc được lương thực, việc phổ biến kỹ thuật nông nghiệp đã tạo nên một cuộc cách mạng trong phương pháp canh tác. Tập quán trồng lúa và lúa mạch xưa kia đã được thay thế triệt để bằng cách phương pháp canh tác tổng hợp. Ngoài ra còn có các khu liên hiệp nông nghiệp trồng các sản phẩm đem lại lợi nhuận cao như nấm, thuốc lá để gia tăng tổng thu nhập, với các khu nhà kính, nông dân giờ đây có thể thu hoạch rau sạch ngay giữa mùa đông. Các nguồn thu từ lợn, bò, gà cũng đem lại lợi nhuận đáng kể. Các làng chài cũng chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng thủy sản. Thêm vào đó, phát triển hệ thống thủy lợi làm sạch sông ngòi, đồng ruộng cũng là các nhân tố quan trọng  giúp gia tăng sản lượng nông nghiệp.

Các dự án lớn như làm đường, cống thoát nước được tiến hành theo cách liên kết với các xã lân cận để tiết kiệm chi phí. Chính phủ còn cho xây dựng các nhà máy ở nông thôn để gia tăng thu nhập. Các nhà máy Saemaul đã tăng việc làm và tăng thu nhập cho nhiều phụ nữ. Kết quả là thu nhập của nông thôn tăng đều đặn. Cuối năm 1974, thu nhập ở nông thôn còn cao hơn ở thành thị.

Năm 1977, có 98% các xã đã có thể độc lập về kinh tế(3). Năm 1980 thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc đã tăng lên hơn 5000 USD(4). Thành công của Phong trào Làng mới còn lan nhanh tới những nơi không làm nông nghiệp như trường học, công sở, thành phố, nhà máy với nhiều lĩnh vực khác nhau. Các thành phố bắt đầu các dự án chống tham nhũng và xây dựng một đô thị hoàn hảo.

Phong trào Làng mới đã tiến hành rầm rộ 3 chiến dịch, đó là: Chiến dịch Phát huy tinh thần; Chiến dịch ứng xử; Chiến dịch Môi trường. Chiến dịch phát huy tinh thần tạo quan hệ  thận thiện hơn với láng giềng. Kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, dựa trên lòng hiếu thảo và nâng cao ý thức cộng đồng. Chiến dịch ứng xử nhấn mạnh đến trật tự công cộng trên đường phố, những cách xây dựng ứng xử tích cực hành vi nơi công cộng và cấm say rượu dẫn đến cư xử không đúng đắn. Chiến dịch môi trường nhấn mạnh vấn đề vệ sinh nơi đang sống và nơi làm việc, giữ gìn môi trường đường phố và phát triển màu xanh ở thành phố cũng như các con sông. Tại nơi làm việc, kế hoạch tập trung chủ yếu vào việc tạo ra các giá trị và niềm tin lành mạnh cùng với những cung cách ứng xử xã hội đúng mực giữa những người đồng nghiệp. Mục tiêu chính của kế hoạch này là tạo ra sự thống nhất và kỷ cương cho việc  phát triển nông thôn và giúp đỡ những người vô gia cư.

Tại các nhà máy, Phong trào Làng mới hướng tới khôi phục niềm tin và nâng cao khẩu hiệu “Mọi công nhân trong nhà máy đều là thành viên trong một gia đình”, “Việc của nhà máy là việc của bản thân”, “Đoàn kết đồng lòng cùng xây dựng nhà máy phát triển vững mạnh”. Việc cải cách nền tảng cho sự ổn định của các ngành công nghiệp được chú trọng bằng cách thu hẹp về hệ thống giá trị giữa công nhân và giới chủ và xây dựng những quy tắc ứng xử lành mạnh. Thêm vào đó dịch vụ công cộng nông thôn cũng là một cách để xây dựng những quy tắc đạo đức đúng đắn. Các trường học kiểu Saemaul (Làng mới) là cơ sở của tinh thần Saemaul. Học sinh được học về Phong trào Làng mới và những đóng góp của Phong trào Làng mới cho xã hội. Các làng xã và xí nghiệp đều được trang bị thư viện Saemaul và các phương tiện vui chơi giải trí khác. Đặc biệt thư viện ở nông thôn đều có sách viết về các phương pháp canh tác mới. Đây là một bước đột phá mới ở nông thôn và là nguyên nhân chính giúp gia tăng thu nhập.

Thực ra, ngay từ lúc đầu, phong trào Saemaul không phải là một dự án lớn. Sau 3 năm đi vào thực tế, Chính phủ nhận thấy nếu không có sự nỗ lực của người dân thì Phong trào Làng mới sẽ thất bại. Phong trào Làng mới không đơn thuần là một kế hoạch hành động, mà còn là một cuộc cải tổ về ý thức dựa trên tinh thần “Đã làm là được”, “Tất cả đều có thể làm được” và “Nhất định phải làm”. Hay nói cách khác, Phong trào Làng mới là một cuộc cải tổ vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả cộng đồng người dân Hàn Quốc, chứ không chỉ cho từng cá nhân đơn lẻ.

Sự thịnh vượng ở đây không chỉ bó hẹp ở ý nghĩa vật chất, mà nó còn bao hàm cả ý nghĩa tinh thần, không chỉ cho thế hệ hôm nay, mà cả cho thế hệ con cháu mai sau. Mục tiêu của Phong trào Làng mới là xây dựng nền tảng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi gia đình, làng xã, góp phần vào sự tiến bộ chung của cả quốc gia.

Phong trào Làng mới đề cao 3 nguyên tắc chủ yếu là: sự cần cù, Tự lực, Hợp tác. Đó là 3 nguyên tắc chủ yếu của phong trào. Sự cần cù mang lại tính chân thật, không cho phép sự giả tạo và thói kiêu căng ngạo mạn. Tính tự lực trong mỗi con người quyết định vận mệnh của họ. “Trời chỉ giúp ai biết tự cứu mình”, ai cũng có thể làm chủ được số phận của mình một khi họ hoàn toàn độc lập không cần phải nhờ cậy sự giúp đỡ của bất kỳ lực lượng nào từ bên ngoài. Hợp tác phải dựa trên lòng mong muốn phát triển chung của cả cộng đồng. Sự phát triển đó có được là nhờ sự nỗ lực của cả tập thể. Chính vì vậy, 3 nguyên tắc của Phong trào Làng mới cũng chính là hạt nhân của công cuộc xây dựng một xã hội tiên tiến và một quốc gia thịnh vượng.

Về cơ bản, mục tiêu của Phong trào Làng mới là xây dựng một quốc gia thống nhất, hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người. Trong thời kỳ đầu, Phong trào Làng mới bắt đầu bằng việc Chính phủ giao quyền tự quản rộng rãi cho chính quyền xã. Bộ Nội vụ khi đó được giao đảm trách vấn đề này. Một số cơ quan ban ngành khác của Chính phủ cũng tham gia hỗ trợ thực thi công cuộc này. Trong đó có cả chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp huyện, Hội đồng xã và thị trấn thành lập Ủy ban điều hành để đảm bảo kế hoạch được thực thi suôn sẻ. Các làng đều có một người lãnh đạo (nam hoặc nữ) song hành cùng với Ban phát triển tự quản. Ban phát triển tự quản có 2 Tiểu ban chính: một của phụ nữ và một của thanh niên cùng với một số Tiểu ban khác. Họ có nhiệm vụ lập kế hoạch và điều hành các Tiểu ban để tăng nguồn thu nhập cho xã và thúc đẩy những giá trị về tư tưởng tiến bộ.

Các dự án Saemaul do Hội đồng cấp huyện quyết định và phải có sự chấp thuận của Thị trưởng hoặc Quận trưởng. Tiêu chí chọn dự án mới là sự cần thiết đối với người dân, điều kiện sống được cải thiện cho tất cả mọi người dân trong vùng và lợi ích lâu dài của dự án. Trước tiên chính quyền kêu gọi sự đóng góp từ phía người dân và xin nguồn trợ giúp bên ngoài  thông qua  hình thức là các vật liệu, tiền vốn và công nghệ. Mỗi tháng ít nhất có 2 lần viên chức Nhà nước đến kiểm tra tiến độ và hướng dẫn các sáng kiến mới. Lãnh đạo của các Tiểu ban có nhiệm vụ báo cáo tóm tắt hàng tháng và tổng kết tiến độ hàng năm. Việc đánh giá từng giai đoạn là một bước rất quan trọng. Cả quy trình gồm có 3 báo cáo chính: Báo cáo điều tra dự án, Báo cáo lâm thời và Báo cáo tổng kết dự án. Hiệu quả của dự án trước được nghiên cứu rất kỹ lưỡng để tiếp tục phát triển những dự án mới. Các bản báo cáo tổng kết dự án được sử dụng rộng rãi ngay cả trong việc bổ nhiệm cán bộ xã.

Sau 1 năm thực hiện kế hoạch, Chính phủ đã nhận ra tầm quan trọng của người lãnh đạo. Những nơi có người lãnh đạo đã triển khai dự án rất tốt, theo đúng đường lối của Nhà nước, còn những nơi không có người lãnh đạo thường tiêu phí tài nguyên một cách vô ích. Chính vì vậy phải có người lãnh đạo tận tâm. Nhận ra được tầm quan trọng của người cầm đầu dự án, năm 1972 Chính phủ đã thành lập Học viện bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo Saemaul. Mỗi xã được phép cử 01 cán bộ nam hoặc nữ đi học. Khóa học bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo nhấn mạnh vào sự phấn đấu quên mình và nêu gương trong quần chúng. Họ học trong một lán trại chung, do đó hiểu được cách làm việc theo nhóm trên tinh thần hợp tác. Trong mỗi buổi thảo luận nhóm, các thành viên chia xẻ kinh nghiệm làm việc và do đó có thể học tập lẫn nhau bên cạnh sự hướng dẫn và trợ giúp của giáo viên. Chính những học viên này sẽ là những người lãnh đạo và hướng dẫn cho dân làng.

Tại thời điểm lúc đó, khi vai trò của phụ nữ còn chưa được coi trọng thì sự tham gia của một bộ phận nữ giới trong các khóa học đã tạo ra sự khác biệt căn bản. Phụ nữ đứng ra gây quỹ cho địa phương, họ tiết kiệm thực phẩm và tham gia phong trào giữ gìn sự sạch đẹp làng xã. Ngoài ra, họ còn góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa nạn rượu chè, cờ bạc. Số lượng các quán rượu bắt đầu giảm hẳn trong thời gian này. Phương pháp đào tạo cán bộ cho các dự án Saemaul đã có ảnh hưởng nhất định đối với các chính trị gia, các nhà lãnh đạo tôn giáo, giới báo chí và cả người nước ngoài. Những chính trị gia trước kia vẫn không mấy mặn mà lắm với phong trào Saemaul nay cũng đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi phương pháp đào tạo Saemaul. Đây cũng là lý do ngân quỹ dự án tiếp tục tăng, đồng thời nó cũng là tiền đề để phong trào Saemaul phát triển trên toàn quốc.

3. Những nguyên nhân thành công và bài học kinh nghiệm từ Phong trào Làng mới

Có 2 lý do giải thích cho thành công của phong trào Saemaul:

Lý do thứ nhất đó là chính sách cạnh tranh của Chính phủ đã tạo ra động lực thu hút sự tham gia của khu vực nông thôn. Chính đội ngũ lãnh đạo đầy sáng tạo cùng với sự trợ giúp của Chính phủ đã thúc đẩy những người nông dân tham gia tích cực vào Phong trào Làng mới. Hơn thế nữa việc tôn vinh và trao thưởng cho những địa phương thực hiện thành công Phong trào Làng mới cũng là một yếu tố thúc đẩy đáng kể.

Lý do thứ hai phải kể đến tâm sức của những người lãnh đạo và sự nhiệt tình của người dân. Ai cũng phải ngạc nhiên trước những thành quả đạt được. Từ đó làm cho họ tự tin hơn và là động lực thúc đẩy cho những thành công tiếp theo. Người dân cần cù lao động và thực sự hiểu được ý nghĩa của sự hợp tác.

Xem xét nguyên nhân thành công của Phong trào Làng mới cũng cần phải nhấn mạnh đến vai trò quan trọng quyết định của Tổng thống Hàn Quốc. Ông Lee Sea Hyeng đã có lý khi khẳng định rằng: “Động lực phát triển kinh tế của Hàn Quốc phải nói đến vai trò xuất sắc của các Tổng thống”(5), trong đó vai trò của Tổng thống Park Chung-hee là rất lớn. Phát triển kinh tế phải đi liền với dân chủ chính trị, cần phải có những biện pháp cứng rắn để loại trừ nạn tham nhũng làm chậm tốc độ phát triển kinh tế.

Thành công lớn của Phong trào Làng mới chính là phát triển nông thôn và lấy lại được tinh thần cho người nông dân; Phong trào bắt đầu từ nông thôn sau đó ảnh hưởng rộng ra cả thành phố và nhiều lĩnh vực khác. Sự thành công của phong trào đã khích động tinh thần người dân, tạo ra động lực phát triển cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, mọi việc đều có mặt trái của nó. Chính sự trợ giúp  của Chính phủ được coi là nhân tố chính cho những thành công ban đầu, nhưng  đồng thời cũng là nguồn gốc của sự đi xuống sau này. Kế hoạch của Chính phủ được chuẩn hóa dựa trên chế độ bổ nhiệm cũng là một vấn đề cần xem xét. Tất cả những gì đạt được chủ yếu dựa trên vật chất và điều đó đã khiến cho người dân ỷ lại vào những nguồn tài trợ từ bên ngoài, gây ra tâm lý thụ động. Khi triển khai phong trào, nhà nước chỉ nhấn mạnh tăng gia sản xuất không chú trọng phát triển buôn bán tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân của việc tàn phá môi trường và sự băng hoại của các giá trị văn hóa truyền thống. Bài học quan trọng rút ra khi phát triển nông thôn cần phải đồng thời lập kế hoạch đồng bộ phát triển cả cơ sở hạ tầng và các điều kiện đời sống vật chất và  sinh hoạt văn hoá tinh thần ở nông thôn, tránh làn sóng nông dân kéo vào tập trung ở thành thị.

Hiện nay Phong trào Làng mới đã khác trước, không tập trung vào số lượng như trước đây mà tập trung vào cải cách tinh thần của người dân. Vì vậy phong trào  được phát triển theo 3 tinh thần mới là: thách thức,  sáng tạo, thay đổi cái cũ(6). Kế hoạch của phong trào là quyết tâm bảo vệ môi trường theo khẩu hiệu “tăng trưởng xanh”, “môi trường xanh”; Triển khai phong trào nhằm tăng cường ý thức người dân theo kịp thế giới tiên tiến, thực hiện “thay đổi tinh thần và nề nếp của người dân Hàn Quốc”, “Tăng cường cộng đồng và chia xẻ cộng đồng”, “Hỗ trợ cho các gia đình đa văn hoá ở Hàn Quốc”. Phong trào Làng mới ở Hàn Quốc hướng tới mở rộng quan hệ quốc tế, tiến tới “Phong trào Saemaul toàn cầu” nhằm chia xẻ kinh nghiệm với các nước Châu Á và Châu Phi.

Thách thức, nỗ lực và tính tiên phong từ trước đến nay vẫn được coi là những yếu tố chính làm nên lịch sử của loài người. Đối với những quốc gia có truyền thống và có những con người cần cù, chịu khó, đất nước đó sẽ có được nền tảng vững chắc cho các giá trị đạo đức và động lực phát triển để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

 

ĐINH QUANG HẢI

(TS, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Báo cáo  ngày 14 tháng 7 năm 2010 của Dr. Park Shi Hyn, Trưởng phòng phát triển nông thôn, Viện nghiên cứu nông thôn Hàn Quốc.

2) Báo cáo ngày 15 tháng 7 năm 2010 của Mr. Chang Hee Cho, Trưởng Ban Tôn giáo thuộc Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch Hàn Quốc.

3) Báo cáo ngày 15 tháng 7 năm 2010 của Mr.Lee Sea Hyeng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hàn Quốc.

4) Báo cáo ngày 16 tháng 7 năm 2010 của Mr. Dong Cheol Lee, Chủ tịch Trung ương Phong trào vận động Saemaul Hàn Quốc.

5) Phong trào Saemaul-Hàn Quốc, Korea Saemaulundong Center, 2008, tr.2.



(1) Phong trào Saemaul-Hàn Quốc, Korea Saemaulundong Center, 2008, tr.2

(2) Phong trào Saemaul-Hàn Quốc…Sdd, tr.3.

(3) Phong trào Saemaul-Hàn Quốc…Sdd, tr.6

(4) Theo số liệu báo cáo ngày 15 tháng 7 năm 2010 của Mr.Lee Sea Hyeng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hàn Quốc.

 

(5) Theo ý kiến của Ông Lee Sea Hyeng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hàn Quốc, trong cuộc trao đổi ngày 15 tháng 7 năm 2010 tại Viện Nghiên cứu Hàn Quốc.

 

(6) Theo báo cáo ngày 16 tháng 7 năm 2010 của Mr. Dong Cheol Lee, Chủ tịch Trung ương Phong trào vận động Saemaul Hàn Quốc.

0thảo luận