Trang chủ

VÀI NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC PHẬT ĐÁ HÀN QUỐC

Đăng ngày: 1-10-2014, 03:56 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 8

Phật đá Hàn Quốc tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa và tinh thần dân tộc Hàn. Nét đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc Phật đá Hàn Quốc thể hiện rõ nét ở chất liệu tạc tượng, công thức cấu trúc tượng, các thể loại tượng, mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên của tác phẩm, các khuynh hướng nghệ thuật thể hiện qua các tác phẩm điêu khắc Phật đá. Bài viết phân tích các đặc trưng tiêu biểu để hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa Hàn qua nghệ thuật điêu khắc Phật đá.

1. Chất liệu

Có thể thấy tượng Phật được làm từ các chất liệu ở xung quanh chúng ta: từ sắt, đồng, đồng mạ vàng, đá , gỗ…cho tới đất sét, đất nung …Sự khác nhau về chất liệu của tượng Phật xuất phát từ những lí do nào? Phải chăng sự khác nhau về công đức của các vị Phật sẽ qui định sự quí hiếm và bền vững của chất liệu tạo thành? Thực ra không phải vậy, trong Phật giáo, sự lựa chọn chất liệu không theo một sự qui định, không có một giới hạn và sự bắt buộc nào. Ta có thể thấy rõ các nghệ nhân dân gian không hề chọn chất liệu theo sự phân biệt mức độ chênh lệch về công đức Phật. Tạo tượng Phật bằng ngọc, bằng vàng có lẽ là biểu lộ lòng tôn kính, sự sùng bái, nhưng điều đó không có nghĩa nó tượng trưng cho một công đức lớn rộng như trời biển. Với những người không đủ điều kiện để tạo tượng Phật bằng vàng, bằng bạc, họ có thể sử dụng những chất liệu hợp với điều kiện kinh tế của mình. Khi đó, chúng ta không thể nói rằng: Họ đã làm giảm công đức của vị Phật mà họ định tạo.

Vậy, rốt cuộc cơ sở để biểu thị công đức Phật là cái gì? - Chỉ có sự thanh khiết là cơ bản, là điều kiện chủ yếu. Ở Hàn Quốc, khi người thợ tạc tượng thì phải chọn ngày tốt để tắm tượng bằng nước thơm. Khi đúc tượng thì phải làm việc với một tinh thần đặc biệt khác với khi làm các sản phẩm thế tục. Hơn nữa, lúc đầu định tạc tượng Adiđà, sau đổi ý nửa chừng chuyển sang tạc tượng Thích ca hay Di lặc, hay tạc tượng Bồ tát bằng chất liệu còn lại khi tạc tượng Phật khác là điều cấm kị. Thậm chí, việc tạo hình thú, hình chim bằng những chất liệu còn lại sau khi tạc tượng Phật bị cấm đoán một cách nghiêm khắc. Chỉ cần chất liệu tạo Phật đảm bảo sự thanh khiết là đủ. Việc chọn chất liệu như thế nào cho phù hợp với tài lực của bản thân thì không có sự hạn chế nào cả.

Hiện nay, tượng Phật ở Hàn Quốc còn lại có chủng loại khá phong phú và đa dạng, chiếm số lượng nhiều nhất là tượng đá. Điều này có thể giải thích bởi điều kiện sản xuất và cấu tạo bền chắc của chất liệu. Trong lịch sử, nghề đá ở Hàn xuất hiện từ rất sớm. Bán đảo Hàn được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt, có một số lượng lớn đá hoa cương trắng phân bổ rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Chính nguồn tài nguyên này đã tạo điều kiện cho nghề đá lan rộng nhanh chóng. Mỹ thuật Phật giáo sử dụng chất liệu đá cũng nhờ vậy mà phát triển mạnh mẽ. Các Đức Phật khi thì được biểu hiện với nụ cười huyền bí, lúc lại đứng đắn nghiêm trang, có khi lại được biểu hiện với sự uy nghi mà từ bi. Có những pho tượng nhỏ chưa đầy một mét nhưng lại có những bức trên vách đá cao hàng chục mét, có bức tượng đứng độc lập, có bức lại được tạo thành cặp, thành nhóm….

Mỹ thuật điêu khắc Phật giáo bằng chất liệu đá không chỉ đơn thuần là tượng Phật mà còn có tháp đá, đèn đá, lăng đá, lâu đài đá, bia đá, rồng đá, chậu đá, máng đá, thú đá, rùa đá… Những di vật quí giá này đang chiếm giữ một phần trọng yếu trong kho tàng mỹ thuật cổ và trung đại của Hàn Quốc.

2. Công thức cấu trúc tượng

Phật đá Hàn Quốc chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa, vì vậy, phép dựng tượng cổ xưa của người Hàn cũng không phải là ngoại lệ. Trong lịch sử tạo tượng Phật, có những công thức truyền miệng được lưu truyền trong dân gian, vì vậy, khó có thể biết một cách chắc chắn những nghệ nhân Hàn Quốc xưa đã sử dụng công thức nào trong sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, nếu quan sát kĩ, có thể thấy tượng Phật Trung Hoa và tượng Phật Hàn Quốc có sự tương đồng về cấu trúc tự thân, ở cách bố trí đặt để.. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng đó có thể là biểu hiện của một phương pháp tạo hình thống nhất.

Cuốn Tạc tượng độ kinh của người Trung quốc có chép về những phép tạc tượng cổ. Có thể tóm tắt ngắn gọn như sau: Tượng Phật ngồi cao 64 ngón, kể cả búi tóc là 68 ngón. Tượng Phật đứng cao 116 ngón, kể cả búi tóc cao 120 ngón, mặt dài 16 ngón, rộng 12 ngón, cổ cao 10 ngón, từ ngực tới rốn dài 12 ngón, từ rốn xuống âm nang 12 ngón, từ âm nang tới bẹn 4 ngón, từ bẹn tới đầu gối bánh chè 4 ngón, từ đầu gối xuống mắt cá chân 24 ngón, từ mắt cá chân tới hết bàn chân 4 ngón, từ đầu vai tới khuỷu tay 20 ngón, từ khuỷu tay xuống cổ tay 16 ngón, từ cổ tay tới đầu ngón giữa 12 ngón…

Công thức tạc tượng lưu truyền trong dân gian thường ngắn gọn súc tích, ví dụ như: Tọa tứ lập thất – tượng ngồi có chiều cao bằng 4 lần đầu tượng, tượng đứng bằng 7 lần chiều dài của đầu tượng. Hay: Nhất diện phân tam trùng - chiều dài khuôn mặt chia ba phần bằng nhau, tức từ chân tóc tới chân mày, từ chân mày tới đỉnh mũi, từ đỉnh mũi tới cằm…. Với cách dựng hình theo công thức trên, tượng ngồi thường có bố cục tam giác cân bằng vững chãi, toàn thân là một khối đóng kín, đối xứng qua trục dọc…

Quan sát tượng Phật đá Hàn Quốc, ta thấy đa số các tượng đều được dựng theo công thức nêu trên, thể hiện rõ nhất ở các pho tượng Như lai tọa thời Shilla. Tuy nhiên, tượng thời Koryo lại không quan tâm nhiều tới tỷ lệ các bộ phận cấu thành tượng. Điều này không phải là không có lý do. Tượng Phật được sáng tạo với mục đích ban đầu không phải chỉ nhằm chức năng là tượng thờ với sự trang nghiêm, tĩnh tại, vì thế ngoài những tác phẩm được dựng theo đúng khuôn mẫu và qui tắc, các nghệ nhân dân gian đã tự do phát huy tính sáng tạo theo cảm hứng nghệ thuật của mình và tạo nên các tác phẩm ở tư thế động, vui tươi và gần với đời thực hơn.

3. Các thể loại tượng

Tượng Phật đá truyền thống Hàn quốc biểu hiện ra ở nhiều hình thái đa dạng. Có tượng tròn được đặt trong không gian độc lập, có Tứ diện Phật khắc ở bốn mặt hình thuyền của khối đá lớn, tượng Phật trong hang động, trong khám thờ, khắc trên vách đá, trên bia văn…

3.1. Tượng tròn

Nói tới tượng tròn, tức là nói tới pho tượng đứng độc lập và ta có thể quan sát nó từ bất cứ góc độ nào, bên phải hay bên trái, đằng trước hay đằng sau… Ở Phật đá Hàn Quốc, điều đặc biệt ở thể loại tượng này là dù tượng đứng hay ngồi thì hầu hết được đặt trên bệ đá và có quang bối, đặc biệt là ở những pho tượng ngồi và tượng thờ thì bệ đá và quang bối lại càng không thể thiếu. Tượng tròn được tạc nhiều nhất là tượng Bồ tát, sau đó là tượng đức Phật Như lai, ngoài ra còn có tượng Nhân vương, Tứ thiên vương, Thiên bộ, Minh vương… Tượng tròn có nhiều tư thế đa dạng phong phú: tượng đứng, tượng ngồi, tượng Panka, nhị Phật bình tọa tượng, ỷ tượng…

- Tượng đứng: tư thế đứng thẳng trên hai chân, toàn thân thẳng đứng hướng về phía trước.

- Tượng ngồi - tức là tư thế tọa thiền - là hình dáng, tư thế của đức Phật khi hàng phục ác ma hay đắc đạo ngồi dưới gốc Bồ đề, khi Ngài thuyết pháp ở Lộc dã viên hay ngự tòa sen ở Xá vệ… Phép tọa thiền này người Hàn Quốc là phép tọa Cát tường (may mắn), được biểu hiện ở tư thế sau: gác chân trái lên đùi phải và gác chân phải lên đùi trái, lòng bàn chân ngửa.

- Tượng Panka: Là tượng Phật ngồi theo phép tọa Kabu. Đây là tư thế Phật ngồi trên bệ cao. Chân trái thả tự do, chân phải gác lên đầu gối chân trái, bàn tay trái nắm nhẹ cổ chân phải… Trong thực tế thì tư thế này rất ít gặp.

- Ỷ tượng: Đây cũng là một tư thế ngồi độc đáo của tượng Phật Hàn Quốc. Tượng ngồi trên bệ thấp, hai chân để song song, đầu gối dựng nhô cao, bàn chân hướng về phía chính diện. Tay phải đặt lên đầu gối phải. Tay phải bắt ấn, tay trái cầm chuỗi hạt…

- Nhị Phật bình tọa tượng: Là tư thế của hai Phật ngồi song song. Đó là Thích ca Như lai và Đa bảo Như lai. Thích ca ở tư thế đang thuyết pháp, Đa bảo đang giác ngộ. Hai bên phải trái của hai tượng đều có tượng La hán và Bồ tát đứng hộ vệ.

3.2. Tứ diện Phật

Tứ diện Phật là khối đá lớn được tạo hình thuyền và ở bốn mặt thường khắc các tượng Phật hay Bồ tát khác nhau. Các tượng Phật trong Tứ diện Phật thường được thể hiện một cách đa dạng, phong phú, ví như, có thể khắc một tượng Như lai hay Tam tôn thượng có A di đà hoặc Bồ tát làm Phật chủ, cũng có thể khắc ở mặt này là tượng ngồi, mặt kia là tượng đứng…. Chiều cao, kích thước các tượng ở bốn mặt cũng không nhất thiết phải như nhau.

3.3. Tượng bia

Tượng bia là tượng Phật được khắc kèm với văn bia.

3.4. Tượng Phật trong khám thờ

Là dạng thức của thời đại Koryo. Hiện nay chỉ còn lại hai khám thờ Phật. Một ở chùa Yongmyeong- Pyeongyang, một ở Dathappung- Hwasun. Khám Phật ở Pyeongyang hình bát giác, trong khám có đặt tượng Như lai (đã mất đầu). Bệ tương hình bát giác, mặt trước có khắc tượng Bồ tát. Khám Phật ở Hwasun có nền hình khối vuông, phần trên đặt hai khối đá tạo thành hình chữ U. Khám thờ có hình dạng một ngôi nhà bát giác, trong đặt hai tượng Phật. Một tượng chắp hai tay trước ngực hướng về phía bắc. Tượng kia hướng về phía nam một tay chỉ về phía bên cạnh, một tay đặt trước bụng. Tượng trong khám thờ là đối tượng để lễ bái nên rất trang nghiêm, tĩnh tại và toát vẻ từ bi.

3.5. Tượng Phật trong hang động

Tượng Phật trong các hang động thường được tạo thành bằng cách lợi dụng các khối đá tự nhiên để tạc tượng tròn và khắc các vị Phật khác trên vách động. Các tượng tròn thường là các vị Phật Như lai, Adi đà, Bồ tát… Tượng trên vách động thường là các vị Nhân vương, Bát Bộ chúng, Tứ thiên vương…

3.6. Tượng Phật trên vách đá ngoài trời

Do không gian thoáng rộng nên tượng trên vách đá ngoài trời thường có kích thước rất lớn.

Nhìn chung, các thể loại tượng Phật đá Hàn Quốc rất phong phú và đa dạng, có nhiều dạng thức độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc. Thể loại tượng tròn của Hàn Quốc hiện còn lại khá nhiều và trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

4. Mối quan hệ giữa không gian nghệ thuật và công trình điêu khắc Phật đá Hàn Quốc

Trong nghệ thuật điêu khắc thì tượng tròn là thể loại thể hiện mức độ tự do và sự thoát ly cao nhất của điêu khắc đối với nghệ thuật kiến trúc và trang trí, bởi nó có sức biểu cảm tự thân rất cao. Nói như vậy không có nghĩa là môi trường không có ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ tới các tác phẩm điêu khắc, kể cả tượng tròn. Đó là ảnh hưởng của không gian ngoài trời và không gian nội thất.

4.1. Các tượng Phật đá ngoài trời

Các tượng Phật đá đặt ở ngoài trời thường là các tượng tròn có động tác uốn vặn mềm mại, hình thành những khối mảng, tạo mảng sáng tối rõ nét, phá vỡ độ tĩnh của cơ thể bằng tạo sức căng cơ học. Vì không gian ngoài trời rộng thoáng, có nắng và ánh sáng tự nhiên chan hòa, nếu bề mặt tượng căng tròn mà lại quá nhẵn bóng thì cảm giác về độ căng và nổi của hình khối sẽ bị giảm, các đường nét dễ bị nhòe mờ, cảm giác về mặt phẳng sẽ tăng lên, giá trị nghệ thuật của tác phẩm sẽ giảm. Vì vậy, các nghệ nhân đã tạo sự tương phản giữa nhẵn bóng và sần sùi, giữa khối chìm và nổi, phá vỡ độ trơ lì của bề mặt chất liệu, gây cảm giác về khối rõ ràng.

4.2. Tượng Phật đá trong khám Phật và hang động

Trong khám Phật, đặc biệt là trong hang động, không gian khép kín, ánh sáng ít và vào nội thất chủ yếu bằng con đường khúc xạ và phản quang nên cường độ yếu. Trong một không gian như thế những khối tròn nhẵn sẽ đọng ánh sáng và nổi rõ. Vì vậy, những pho tượng đặt trong đền chùa, hang động thường có bề mặt căng tròn và nhẵn bóng. Ánh sáng nến khi tỏa sáng lại lung linh, rọi vào tác phẩm tạo chỗ sáng chỗ tối, chỗ đậm chỗ nhạt, gây cảm giác hư hư thực thực, mờ mờ ảo ảo… biểu hiện rõ triết lý ‘sắc sắc không không’ của đạo Phật. Tất cả những yếu tố đó tạo nên một không khí huyền bí, linh thiêng, trang trọng nhưng lại hết sức giản dị, bình yên, thanh tao của chốn Phật đường.

4.3. Tượng Phật phía ngoài hang động, khám Phật

Ở phía ngoài hang động, bên ngoài khám Phật, các vị Nhân vương, Bát bộ kim cương, Tứ thiên vương … đứng sừng sững như những ông Hộ pháp bảo hộ Phật. Do được đặt sát tường hoặc khắc vào tường, không gian rộng rãi thoáng đãng hơn nên bề mặt của tượng được chia nhỏ theo cấu trúc y phục và giáp trụ. Tượng được biểu hiện bằng nhiều tư thế đa dạng. Các yếu tố trang trí được sử dụng một cách triệt để, thậm chí có khi tượng được phủ kín bằng những nếp áo hoặc hoa văn trên y phục.

5. Các khuynh hướng nghệ thuật thể hiện trong Phật đá Hàn Quốc

Trong tiến trình phát triển của điêu khắc Phật giáo Hàn Quốc, do có sự hòa nhập với các biểu tượng của các tôn giáo khác (đặc biệt của đạo Shaman) đã tạo ra một thế giới đa thần giáo vô cùng phức tạp. Mỗi một loại tượng có những qui ước và biểu tượng riêng nhưng vẫn theo những định hướng chung mang tính hệ thống, toàn thể. Nhìn chung, điêu khắc Phật đá Hàn Quốc có những khuynh hướng sau:

5.1. Khuynh hướng biểu cảm tự phát

Biểu cảm trực tiếp về cách tạo hình là đặc điểm dễ nhận thấy ở các pho tượng Hàn Quốc. Có hàng trăm pho tượng Như lai nhưng không tượng nào giống tượng nào. Cùng biểu hiện phong thái uy nghiêm, trầm tư tĩnh tại, nhưng mỗi tác phẩm lại mang một nét đặc sắc riêng không thể trộn lẫn. Nụ cười huyền bí ở các tượng là không giống nhau, đó là nhờ có sự biểu hiện sinh động, tinh tế ở nét mặt, ánh mắt, bờ môi… Mỗi một pho tượng có cuộc sống riêng của nó dù đồng nhất về hình thức. Đó chính là sinh khí mà người nghệ nhân đã thổi vào đứa con tinh thần của mình. Không chỉ đơn thuần là một pho tượng, đó là tâm huyết, tình cảm, sự sùng đạo, là ước vọng của con người muốn vươn tới những giá trị tốt đẹp, thanh khiết. Hơn nữa, tác phẩm nghệ thuật có đời sống riêng, có sức sống nội tại, nó biểu cảm tự phát chứ không theo sự ép buộc, một sự sắp xếp hay yêu cầu nào…Tuy nhiên, các pho tượng Phật có cùng một thời kì chế tác vẫn mang những nét đặc thù không chỉ về dạng thức mà còn về cả tinh thần của xã hội thời kì đó.

5.2. Khuynh hướng hiện thực, nhân đạo

Khuynh hướng hiện thực, nhân đạo thể hiện rõ nhất là các pho tượng mang tính nhập thế thời Shilla thống nhất và hệ thống Tế tượng, tượng La Hán ... Tế tượng là các vị La Hán được tạc theo thủ pháp nghệ thuật hiện thực loại hình hóa – tức là các nhân vật không có thực được tạo hình theo nhân tướng và tính cách con người. Đây cũng chính là một trong các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của nghệ thuật tạc tượng Trung quốc. Ở Việt Nam, thủ pháp nghệ thuật này biểu hiện một cách tinh tế ở mười tám vị tổ chùa Tây Phương.

5.3. Khuynh hướng trang trí hoành tráng

Khuynh hướng này thể hiện tập trung ở nhóm tượng Bát bộ chúng, Tứ thiên vương, Nhân vương.. ở trang thái động hoặc biểu hiện rõ trong việc trang trí từng chi tiết nhỏ trên bề mặt tác phẩm bởi nếp y phục và hoa văn trên áo. Các tượng theo khuynh hướng này xâm phá không gian nhiều hơn, tạo ra cái động khỏe, khoáng đạt, đối lập với vẻ tĩnh lặng, trầm ngâm và cô đọng của các tượng Phật Bồ Tát. Cũng giống như ở Việt Nam, khuynh hướng này ở tượng Phật Hàn Quốc được biểu hiện vừa phải, trung dung chứ không quá dữ tợn như tượng Phật ở Nhật hay ở Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng.

5.4. Khuynh hướng nữ tính – lý tưởng hóa

Là khuynh hướng khá nổi bật khi xã hội Hàn Quốc coi Quán Thế âm Bồ tát như một người mẹ từ bi nhân hậu, bao dung và tha thứ. Tiêu biểu cho nhóm này là tượng Quán Thế âm mười một mặt mang vẻ đẹp lý tưởng của người phụ nữ Hàn Quốc thể hiện từ nét mặt thanh tú, dáng người thon thả cho tới vẻ nhân hậu bao dung….Pho tượng là một tác phẩm đạt tới đỉnh cao nghệ thuật và nó mang theo các ước vọng về vẻ đẹp lý tưởng- sự hài hòa của tâm hồn và thể chất, ước vọng vươn tới cái đẹp hoàn thiện hoàn mỹ của người dân Hàn Quốc.

Tóm lại, điêu khắc Phật đá Hàn Quốc có những qui định khá nghiêm ngặt về chất liệu và thường tuân theo những công thức chế tác nhất định. Thể loại tượng khá phong phú và được tạo thành trong mối quan hệ gắn bó với không gian nghệ thuật. Khuynh hướng biểu cảm tự phát, hiện thực nhân đạo, trang trí hoành tráng và nữ tính- lý tưởng hóa là những khuynh hướng nghệ thuật chính, tiêu biểu của tượng Phật đá Hàn Quốc. Chúng ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy những nét tương đồng và khác biệt trong đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc Phật đá Hàn Quốc với các nước trong khu vực đồng văn.

 

HOÀNG THỊ YẾN

(TS, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Đỗ Văn Khang, Sự phản ánh hiện thực trong điêu khắc của dân tộc….
  2. Hòa thượng Thích Ân Thuận, Phật pháp khái luận. Trung tâm tư liệu Phật học, NXB ĐH & THCN, 1992
  3. Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn độ, Thành hội Phật giáo HCM, 1989.
  4. Jin Hong Sop, Ahn Jang Hon, Seokpul 1, NXB Daewonsa, Hàn Quốc.
  5. Trần Nho Thìn, Vào chùa thăm Phật, NXB Công an nhân dân, 1991.
  6. Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng – Mỹ thuật người Việt, NXB Văn hóa.
  7. Trần Lâm Biền, Quanh bước đi của tượng Phật Adi đà ở chùa Việt - Phật giáo và văn hóa dân tộc, 1990.

0thảo luận