Có thể khẳng định rằng tất cả các nền kinh tế tăng trưởng nhanh tại Đông Á, theo công trình nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm1993, là nhờ thực hiện chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu và thâm nhập sâu vào các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ. Ngay từ thập niên 1950, Nhật Bản đã phát động chiến dịch xuất khẩu ồ ạt. Đi sau Nhật Bản là bốn con hổ Châu Á bắt đầu xuất khẩu các hàng hoá tiêu dùng của mình sang thị trường phương Tây vào thập niên 1960. Làn sóng tăng trưởng xuất khẩu thứ ba của Đông Á vào đầu thập niên 1980 là từ các nước NIE. Không lâu sau đó, Trung Quốc và một số nền kinh tế nhỏ hơn ở Đông Á tiếp tục đi theo.
1. Mối quan hệ giữa xuất khẩu và FDI
Mối quan hệ giữa chiến lược định hướng xuất khẩu với FDI là khá chặt chẽ tại Đông Á, chính FDI cũng hỗ trợ cho tăng trưởng. Tỷ lệ tiết kiệm cao của các nền kinh tế Đông Á (trung bình khoảng 30% GDP trong nhiều thập niên) đã tăng khả năng tích luỹ vốn nhanh chóng. Nhưng khác với tăng trưởng tại Liên Xô cũ gần như chỉ dựa vào tiết kiệm trong nước thì tăng trưởng của Đông Á được hưởng lợi từ FDI, bởi quá trình này không chỉ cung cấp thiết bị máy móc mà còn cả công nghệ mới, tri thức quản lý mới. Hiệu ứng lan toả công nghệ là một bằng chứng rất cụ thể, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương sản xuất ra các mặt hàng tiêu dùng chất lượng cao hơn, giá rẻ hơn. Thành công nhất của các nước Đông Á trong việc phát triển kinh tế dựa vào nhà nước là việc chọn lựa chiến lược hướng về xuất khẩu. Thực tế là rất khó hiểu vì sao các chính phủ Đông Á lại chọn chiến lược này khi mà chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu vẫn còn phát huy tác dụng trong thập niên 1960? Có thể do quy mô kinh tế của các nước này nhỏ hơn so với các nước phương Tây, nên khó áp dụng mẫu hình công nghiệp hoá quy mô lớn. Cũng có thể các nước này có mối quan hệ khăng khít với các nước phương Tây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, yếu tố này đã hỗ trợ tích cực cho quan hệ thương mại và đầu tư. Còn một lý do nữa, có thể là Nhật Bản, quốc gia phát triển nhất tại Đông Á đã nêu một tấm gương cho các quốc gia láng giềng nghèo nàn lạc hậu hơn học tập qua thành công ban đầu trong làn sóng xuất khẩu thập niên 1950. Tuy nhiên, dù là lý do gì thì việc các chính phủ Đông Á lựa chọn chiến lược hướng về xuất khẩu đã mở đường cho thời kỳ tăng trưởng cao và bền vững.
Với việc lựa chọn chiến lược thúc đẩy xuất khẩu, các nước Đông Á với tư cách là các nền kinh tế phát triển sau đã áp dụng con đường đi khác với Liên Xô trong việc sử dụng các thông tin kinh tế. Chính phủ Xô Viết đã định hướng cho quá trình chuyển đổi công nghiệp hoá bằng tư duy kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa một cách cứng nhắc, bị bó hẹp bởi mô hình thời chiến của các nền kinh tế tư bản phát triển. Vì thế, tăng trưởng của Liên Xô không thể kéo dài khi những lợi thế của việc tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm của các nước đi trước đã hết tác dụng. Ngược lại, các chính phủ Đông Á đã tổ chức quá trình phát triển công nghiệp của mình bằng cách thiết lập liên kết chặt chẽ về xuất khẩu với FDI và các nền kinh tế thị trường phương Tây. Việc tham gia vào thị trường các nước phương Tây, cho phép các quốc gia Đông Á giao dịch trực tiếp với các nhà sản xuất, các đại lý, nguồn bán lẻ cũng như tất cả những người tiêu dùng ở các thị trường nước ngoài. Đến lượt nó, điều này lại giúp cho chính phủ Đông Á hoạch định chính sách của mình trên cơ sở những thông tin thị trường mang tính động thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các công ty ở Châu Á. Do đó, chính phủ các nước Đông Á thường xuyên được cập nhật kiến thức, nên có thể định hướng cho quá trình chuyển đổi công nghiệp trong nước bằng các mục tiêu động, luôn theo sát những tiến bộ công nghệ và phát triển kinh tế tại các nước tiên tiến nhất. Do đó, các nền kinh tế phát triển đi sau ở Đông Á đạt được tăng trưởng cao, bền vững hơn Liên Xô.
Bằng chiến lược hướng về xuất khẩu, chính phủ các nước Đông Á về cơ bản đã hoạt động như các chủ doanh nghiệp trong nền kinh tế của mình. Đồng thời hoạch định những chiến lược nhất quán cho công ty quốc gia của mình nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới quy mô rộng lớn hơn. Chính phủ các nước Đông Á không chỉ hậu thuẫn và thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp chủ lực hướng về xuất khẩu nhằm làm đầu tầu cho tăng trưởng kinh tế trong những năm đầu của quá trình công nghiệp hoá mà còn liên tục dẫn đầu quá trình cải tiến công nghệ cho những ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu, để bắt kịp với xu hướng phát triển trên thế giới. Trong quá trình theo đuổi các mục tiêu động này, chính phủ các nước Đông Á liên tục điều chỉnh các kế hoạch và chính sách tác động tới việc gắn liền những nhu cầu công nghiệp hoá của họ với các điều kiện thị trường, tiến bộ công nghệ tại các nước công nghiệp phương Tây.
Chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu đã làm lợi cho các nền kinh tế Đông Á trên một số phương diện quan trọng. Theo công trình nghiên cứu của Worl Bank do Stiglitz (2001) chủ biên thì các thành công đó là, thứ nhất nó tạo ra những nhu cầu thị trường cần thiết cho quá trình công nghiệp hoá ở Đông Á. Bằng việc tham gia vào thị trường của thế giới, các nền kinh tế đã hướng việc sản xuất trong nước của mình vào việc xuất khẩu phục vụ cho các thị trường phương Tây. Bởi vì các nước phát triển sớm ở phương Tây có mức thu nhập bình quân đầu người cao và thể chế kinh tế thị trường hoàn hảo nên họ có thể biến nhu cầu tiêu dùng của mọi người thành nhu cầu của cả thị trường. Như vậy, mặc dầu các nền kinh tế Đông Á có quy mô thị trường nhỏ hẹp, những vẫn có thể phát huy tổng lực sản xuất hàng hoá để xuất khẩu. Ở những nước nghèo, thiếu hụt mức cầu trong nước do thu nhập thấp được xem là rào cản của tăng trưởng kinh tế. Chiến lược hướng về xuất khẩu của các nước Đông Á đã loại bỏ được rào cản đó khá triệt để bằng việc liên kết với các thị trường rộng lớn với nhu cầu dường như là vô hạn ở Mỹ, Tây Âu.
Các nền kinh tế hướng về xuất khẩu của Đông Á nhìn chung thường bắt đầu đi lên từ việc sản xuất những hàng hoá công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, đồ chơi, giầy dép và các thiết bị gia dụng. Việc xuất khẩu tăng nhanh không chỉ mang về thu nhập ngoại tệ mà còn khuyến khích sản xuất trong nước để phục vụ cho xuất khẩu và tạo ra nhiều việc làm. Thu nhập tăng lên cũng tạo điều kiện nâng cao các khoản chi tiêu cho giáo dục của các hộ gia đinh. Điều này đã thúc đẩy tăng trưởng dựa vào năng suất nhờ kỹ năng của người lao động được nâng cao hơn. Bằng việc hình thành một chu kỳ hoàn hảo của tăng trưởng kinh tế, theo cách đó các nền kinh tế hàng đầu hướng xuất khẩu tại Đông Á đã có thể tiến dần tới sản xuất các mặt hàng xuất khẩu tinh vi hơn, có giá trị gia tăng cao hơn khi các tư liệu sản xuất, thiết bị máy móc được cải tiến và tăng cường theo thời gian.
Một lợi ích khác của chiến lược hướng về xuất khẩu theo Frankel (1996) là nó cho phép các nền kinh tế Đông Á liên tục tiếp thu các công nghệ tiên tiến nhờ các mối liên hệ chặt chẽ thương mại với đầu tư giữa họ với các nước công nghiệp phát triển trên thế giới. Bởi các công ty ở Đông Á có thể trực tiếp giao dịch với các nhà sản xuất lớn và người tiêu dùng ở thị trường các nước phương Tây, nên chính phủ các nước Đông Á có thể thu thập được các thông tin nóng về những biến động của thị trường nước ngoài. Do đó, các chính phủ Đông Á có thể hướng các nguồn lực, đặc biệt là các nguồn vốn vào các ngành công nghiệp chế tạo mới, tiếp tục phục vụ cho xuất khẩu. Có thể nhận thấy ngay từ buổi đầu của tiến trình công nghiệp hoá, các nước Đông Á đã thực hiện được quá trình cải tiến công nghệ trong các ngành công nghiệp xuất khẩu của mình. Chẳng hạn vào thập niên 1960, khi còn có lợi thế so sánh về lao động giá rẻ, chính phủ của các nước Đông Á có lợi thế so sánh về giá lao động (trừ Nhật Bản), đã thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm sử dụng nhiều lao động. Sau đó, các nước này đã tập trung hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp, chế tạo các mặt hàng điện tử gia dụng. Đến khi khả năng sản xuất trong nước được cải thiện hơn vào thập niên 1980, chính phủ các nước này lại tiến tới thúc đẩy các ngành công nghiệp đòi hỏi hàm lượng vốn và công nghệ cao hơn như TV, máy tính, linh kiện bán dẫn, đồ chơi. Quá trình này vẫn tiếp tục diễn ra cùng với làn sóng mới nhất về cách mạng khoa học công nghệ đưa ứng dụng Internet và liên lạc không dây vào thị trường thế giới.
2. Vai trò của nhà nước
Nhà nước tại các quốc gia Đông Á điều phối việc phân bổ các nguồn lực tổng thể chủ yếu qua hai kênh chính. Thứ nhất, nhà nước nắm toàn quyền việc xây dựng thể chế, chính sách phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế. Tại hầu hết các nền kinh tế Đông Á, nhà nước đề ra những chiến lược phát triển tổng thể có tính chu kỳ cho nền kinh tế và các biện pháp triển khai các chiến lược đó. Đặc biệt, nhà nước xây dựng kế hoạch và xác định những ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển, tiềm năng xuất khẩu trong từng thời kỳ cụ thể và các chính sách hỗ trợ thúc đẩy các ngành này. Việc xây dựng các thể chế, chính sách phải được tập trung dựa vào các mối liên kết trong các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, ngoại thương, đầu tư, ngân sách nhà nước, phân bổ các nguồn lực để đạt tới mục tiêu thống nhất là phát triển kinh tế ở trình độ cao hơn. Nói cách khác, là nhà nước định ra mức thuế xuất nhập khẩu, chỉ đạo việc mua sắm công nghệ, cấp phép cho các công ty nước ngoài hoạt động..., theo hướng hỗ trợ cho các ngành công nghiệp được lựa chọn phát triển (đầu tư theo chiều sâu, mở rộng quy mô sản xuất). Khác với các nước phương Tây, các chính sách phát triển dựa vào nhu cầu khách quan của thị trường, thì các nước Đông Á lại đề ra các chính sách tổng hợp nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế thống nhất. Có thể trong từng lĩnh vực, các chính sách tại Đông Á chứa những đặc điểm có tính đặc thù, nhưng những đặc điểm đó đều phải là một bộ phận cấu thành của công cụ mà nhà nước sử dụng để bảo đảm cho mục tiêu phát triển chung.
Các chính sách được hoạch định một cách hài hoà tại các nền kinh tế Đông Á đã có tác dụng rất tích cực đối với việc thực hiện và thúc đẩy quá trình phát triển của các ngành công nghiệp chủ lực. Chính sách này cũng đã đề ra các nguyên tắc cho việc phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế, dựa vào đó để nhà nước điều hành và thực hiện thành công các chính sách đó. Khi các thể chế, chính sách đã được các cơ quan quyền lực cao nhất là nhà nước đề ra thì các doanh nghiệp phải tuân theo sự chỉ đạo của nhà nước.
Kênh thứ hai, là nhà nước nắm quyền phân bổ vốn, các nguồn lực thông qua các biện pháp hành chính, nó rất quan trọng đối với thời kỳ đầu công nghiệp hoá. Bởi vì, tích luỹ vốn là tiền đề cho tăng trưởng kinh tế ở một khu vực dồi dào lao động như Đông Á. Nếu như Liên Xô tiết kiệm trong xã hội được tạo lập nhờ vốn doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, sau đó lại được chuyển vào doanh nghiệp thông qua các khoản chi của nhà nước, thì các nền kinh tế Đông Á lại có nguồn tích luỹ do các hộ gia đình tự nguyện tiết kiệm, những khoản tiền này được chuyển vào doanh nghiệp nhờ các ngân hàng và thị trường vốn (chứng khoán). Nhưng thực tế, các chính phủ Đông Á có quyền tập trung các nguồn tín dụng ngân hàng vào khu vực mà họ ưu tiên đầu tư phát triển. Một hiện tượng phổ biến là các doanh nghiệp của Đông Á luôn dựa vào các khoản vay ngân hàng, coi chúng là nguồn đầu tư chủ yếu để phát triển, trước thời kỳ khủng hoảng tài chính Châu Á hai năm 1997 - 1998. Khác với các công ty của phương Tây vốn được cung cấp dưới nhiều hình thức khác nhau thông qua ngân hàng, thị trường vốn (mà chủ yếu là thị trường chứng khoán, trái phiếu). Sự phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng, chính là hệ quả của việc nhà nước kiểm soát các nguồn tín dụng thông qua ngân hàng dễ dàng hơn thông qua thị trường vốn. Hơn nữa, nhiều ngân hàng ở Đông Á là ngân hàng của nhà nước hoặc là ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, do đó chính phủ có thể bổ nhiệm quan chức nắm quyền quyết định các hoạt động của ngân hàng. Bằng việc kiểm soát các ngân hàng, nhà nước có thể hướng các khoản tín dụng cả ngắn hạn và dài hạn vào các công ty đã được lựa chọn trong những ngành công nghiệp được ưu đãi với tỷ lệ lãi suất thấp. Các nhà quan sát phương Tây thường chỉ trích các ngân hàng tại Đông Á, đặc biệt là sau khủng hoảng kinh tế là dựa vào tiêu chí thương mại để quyết định cho vay vốn, ít quan tâm tới lợi nhuận. Chỉ thị của nhà nước là cứ cho các công ty vay, vào thời điểm có thể công ty chưa có lãi, miễn là công ty đó chủ động tiến vào các ngành công nghiệp chủ lực, chiếm lĩnh thị trường nước ngoài theo mong muốn của nhà nước. Do đó, một số công ty của Đông Á đã vươn lên, trở thành các công ty toàn cầu, rất tiếc lại chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
Vai trò chỉ đạo mạnh mẽ của nhà nước đã tạo đà cho quá trình công nghiệp hoá nhanh chóng ở Đông Á. Theo nghiên cứu của Young (1994) về bốn con hổ, thì trong vòng một phần tư thế kỷ từ năm 1966-1991 sản lượng các mặt hàng phi nông nghiệp của Đài Loan và Hàn Quốc tăng lên 9,6% và 10,4% một năm. Cũng trong thời gian đó, tốc độ tăng trung bình hàng năm hàng hoá phi nông nghiệp của Singapore là 8,5% của Hồng Kông là 7,3%. Sau khủng hoảng, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, kinh tế Đông Á tăng trưởng cao chủ yếu do các yếu tố đầu vào (lao động, vốn vật chất). Tuy nhiên, do áp dụng công nghệ mới, năng suất tại các nền kinh tế Đông Á vẫn có đóng góp đáng kể. Trong thời kỳ 1960-1990, bốn con hổ Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore đã đạt được tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm (tính theo TFP) tương ứng là 2,3%; 1,9-2,3%; 1,5-2,1%; 0,8-2,1%. Theo Trần Văn Tùng (2003), tốc độ tăng TFP so với các nền kinh tế của phương Tây là thấp hơn trong cùng thời gian quan sát. Krugman (1994) đã từng cảnh báo trước về sự khủng hoảng kinh tế của Đông Á. Cũng giống như trường hợp Liên Xô, đằng sau quá trình công nghiệp hoá nhanh chóng ở Đông Á là những lợi ích nhiều mặt về tăng trưởng sản lượng nhờ việc tiếp thu trực tiếp các công nghệ cũng như phân công lao động theo phương pháp tiên tiến. Nhưng Đông Á thực hiện tốt hơn Liên Xô ở chỗ không ngừng vươn lên chiếm lĩnh các ngành công nghiệp hiện đại, nhờ đó duy trì được mức tăng sản lượng. Điều đó, chứng minh cho quá trình phục hồi kinh tế nhanh của Đông Á sau năm 1998, và các nền kinh tế Đông Á đang theo sát các nước phương Tây nhờ nhanh chóng tiến vào cuộc cách mạng lần thứ năm được gọi là kỷ nguyên thông tin.
Từ việc nghiên cứu các trường hợp Liên Xô cũ và Đông Á, cho thấy các nước phát triển sau dưới sự định hướng của nhà nước có nhiều khả năng công nghiệp hoá thành công và đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhờ dựa vào các lợi thế.
Thứ nhất là ưu thế về xác định mục tiêu (hay dựa vào thông tin kinh tế để xác định các ngành công nghiệp chủ lực). Các nước đi sau có điều kiện thuận lợi hơn để thu thập, diễn giải các thông tin kinh tế và dựa vào đó đề ra chính sách. Chính phủ với tư cách là nhà lãnh đạo có khả năng tốt hơn khi xác định các lĩnh vực công nghiệp cần đầu tư để mang lại hiệu quả cao cho quốc gia. Thứ hai, lợi thế liên quan tới sự phát triển có định hướng của nền kinh tế. Do đã xác định rõ mục tiêu phát triển, các nhà nước đi sau có thể thực hiện một cách toàn bộ, hay cục bộ kế hoạch để đạt được các mục tiêu phát triển, thay cho việc dựa vào các lực lượng của thị trường để đề ra các mục tiêu này. Thứ ba, tỷ lệ tiết kiệm ở các nước này luôn duy trì ở mức cao đạt tới 30% GDP vào những năm đầu của thập niên 1990 theo tính toán của Young (1994). Tỷ lệ tiết kiệm cao chủ yếu do các nền kinh tế này dựa vào chính sách nhà nước ưu tiên cho các hoạt động sản xuất và hạn chế tiêu dùng. Không giống như Liên Xô, việc hạn chế tiêu dùng để tăng tiết kiệm bằng cơ chế kế hoạch hoá tập trung, mà các nước Đông Á đã khuyến khích tiết kiệm để phục vụ cho mục đích đầu tư thông qua các chính sách thị trường. Thứ tư là chi phí giao dịch thấp. Một nền kinh tế phát triển dựa vào nhà nước được hưởng lợi ngay từ việc triển khai kế hoạch hành chính, điều đó giúp cho xã hội tiết kiệm được các khoản chi phí giao dịch, đáng lẽ ra phát sinh nếu trao tất cả vào bàn tay của thị trường. Như đã trình bày ở trường hợp Liên Xô, đặc điểm tiêu biểu của nền kinh tế phát triển dựa vào nhà nước là khu vực dịch vụ giao dịch không tồn tại, hoặc tồn tại với quy mô nhỏ. Việc hạn chế tham gia vào các dịch vụ giao dịch đã tạo điều kiện tập trung nhiều nguồn lực hơn cho các khu vực phi giao dịch và các ngành công nghiệp chủ lực phục vụ xuất khẩu. Bởi vì năng suất của các ngành công nghiệp tăng nhanh hơn khu vực dịch vụ, do đó tập trung nhiều hơn các nguồn lực phát triển công nghệ sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn. Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự tương phản sâu sắc giữa các ngành công nghiệp chế tạo và các khu vực tài chính (kém phát triển), đặc biệt là thị trường vốn ở Đông Á đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp chế tạo. Bởi lẽ, sự phát triển thị trường vốn là rất tốn kém, nếu tính tới các nguồn lực, cơ cấu tổ chức, thể chế để tạo ra thị trường này.
Nhờ những lợi thế trên, các nền kinh tế Đông Á áp dụng thành công mô hình phát triển dựa vào nhà nước có thể đạt được nhiều thành quả hơn so với các nước đang phát triển tại các khu vực khác (Mỹ Latinh, Châu Phi). Thành quả nhiều mặt được xác định bởi tỷ lệ tăng trưởng, tiếp thu công nghệ mới, chuyên môn hoá sản xuất... Tuy nhiên, các nền kinh tế Đông Á cũng có những tổn thất, nhưng không thể bằng so với Liên Xô. Có một điều khá thú vị là khi so sánh quá trình công nghiệp hoá của Đông Á với các nước phương Tây ta thấy, các nước phương Tây, các công ty được lập nên một cách tự phát, lớn dần nhờ cạnh tranh trên các thị trường trong và ngoài nước. Trong khi đó, tại Đông Á nhà nước đại diện cho xã hội đề ra các quy chế hoạt động công ty, các chủ thể kinh doanh không được hoàn toàn độc lập và tách biệt với nhau. Tại Đông Á, nếu không có vai trò của nhà nước thì có thể đã không có những tập đoàn lớn, giữa nhà nước và các công ty lớn Đông Á có quan hệ chặt chẽ với nhau (được gọi là chủ nghĩa thân hữu). Do đó cha đẻ của quá trình hiện đại hoá ở Đông Á là nhà nước chứ không phải doanh nhân; trong khi ở phương Tây vào thế kỷ 18, 19 cha đẻ của các ngành công nghiệp là Edison, Ford, Morgan của Mỹ và Watt, Matthew, Boulton và Wilkinson ở Anh.
Mặc dù không phải cha đẻ của các ngành công nghiệp nhưng các chính khách Đông Á như Lý Quang Diệu, Park Chung-hee, Tưởng Giới Thạch, Mahathir Mohamad đã có vai trò rất lớn, dẫn dắt các nền kinh tế Đông Á phát triển nhanh, do tầm nhìn sáng suốt, sự lãnh đạo khôn ngoan của họ.
Tất nhiên, điều kiện tiên quyết đối với thành công của mô hình hiện đại hoá dựa vào nhà nước của một nền kinh tế phát triển sau là có một chính phủ được điều hành bởi những quan chức ưu tú có học vấn, tận tuỵ với công việc và không tham nhũng. Họ cũng phải có khả năng giải mã những thông tin kinh tế tiếp thu được từ những nền kinh tế phát triển ở trình độ cao hơn, đủ trí tuệ để hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế quốc gia dựa vào thông tin và các nguồn lực để triển khai các chiến lược đó. Sự thống nhất trong các công trình nghiên cứu về vai trò của nhà nước trong quá trình công nghiệp hoá ở Đông Á là cần có một bộ máy chỉ huy thống nhất và năng lực của bộ máy đó. Nói khác đi là, bộ máy nhà nước có khả năng đảm bảo một cơ cấu tổ chức nhất quán, ràng buộc được lợi ích cá nhân, từng quan chức chính phủ và doanh nghiệp vì mục tiêu chung, đó là thực hiện chiến lược công nghiệp hoá. Sở dĩ nhiều nền kinh tế đi sau không vươn tới thành công như các nền kinh tế Đông Á trong việc sử dụng vai trò của nhà nước như một công cụ phát triển là do chính phủ của các nước đó không có các khả năng quản lý hành chính như đã phân tích ở trên.
3. Quá trình lan toả công nghệ
Quá trình đổi mới công nghệ ở Đông Á diễn ra dưới hình thức đầu tư nội vùng theo từng cấp độ. Các tài liệu nghiên cứu đầu tiên về khu vực đôi khi mô tả quá trình này với tên gọi đàn nhạn bay. Nghĩa là Nhật Bản đứng ở vị trí nhà đầu tư hàng đầu, các nền kinh tế quy mô nhỏ hơn ở Đông Á liên tục thăng tiến trên bậc thang công nghệ chế tạo hàng xuất khẩu, đồng thời từ bỏ dần các ngành công nghiệp cấp thấp không còn phù hợp với nền kinh tế có thu nhập cao. Thí dụ, đầu tiên là Nhật Bản đã nhường chỗ cho bốn con hổ ngành sản xuất hàng điện tử gia dụng đơn giản, qua đó góp phần tạo nên sự bùng nổ xuất khẩu trong các nền kinh tế của các con hổ Đông Á thập niên 1970. Sau đó, quá trình này lại chuyển sang các nền kinh tế Đông Nam Á như Thái Lan, Indonexia, Malayxia vào thập niên 1980. Dĩ nhiên cũng cần khẳng định rằng FDI từ Mỹ, Châu Âu cũng đã đóng một vai trò không kém trong việc mang lại cho Đông Á những công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý mới và sự tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới.
Nếu như tăng trưởng của Liên Xô một phần do quá trình lan toả công nghệ trong làn sóng công nghệ lần thứ ba thì sự thần kỳ Đông Á được tiếp sức bởi quá trình lan toả công nghệ làn sóng thứ tư. Điều khác biệt chính ở chỗ, cỗ máy tăng trưởng của Liên Xô đã bị hỏng hóc động cơ sau những thành công ban đầu trong tiếp thu công nghệ, còn Đông Á thì tiếp tục tăng trưởng nhờ những quan hệ chặt chẽ với thị trường phương Tây. Cuối cùng thì chiến lược hướng về xuất khẩu đã khai sinh ra những công ty xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao ở Đông Á. Cạnh tranh trên thị trường thế giới đã buộc các nhà xuất khẩu Đông Á phải hoạt động một cách hiệu quả hơn. Phương thức để đạt được hiệu quả là sản xuất ra hàng hoá rẻ hơn, chất lượng cao hơn và đa dạng hoá mẫu mã hàng hoá trước các đối thủ cạnh tranh ở thị trường các nước phương Tây. Nhìn chung các công ty Đông Á đã mau chóng thích ứng được với công nghệ, trong khi các công ty cồng kềnh, kém hiệu quả của Liên Xô trong thể chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung khó lòng thay đổi, thích ứng kịp. Theo Trần Văn Tùng (2004), các công ty Đông Á đã xây dựng các chiến lược cạnh tranh nhờ vào phát triển nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ, trình độ quản lý trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Họ cũng luôn phổ biến công nghệ sang các ngành khác có liên quan ở trong nước thông qua các mối liên kết, hợp tác sản xuất. Ở một phương diện nào đó, các công ty xuất khẩu Đông Á đã đóng vai trò như là một phương tiện thúc đẩy tiến bộ công nghệ tại các nền kinh tế bản địa của mình. Nhờ có chiến lược hướng về xuất khẩu dựa vào nhà nước, các nền kinh tế Đông Á đã trở thành những nền kinh tế có những tiến bộ vượt bậc ở cả hai mặt kinh tế và xã hội công bằng, xuất khẩu nhiều mặt hàng quan trọng trên thế giới trong suốt thập niên tăng trưởng. Đến đầu thập niên 1990, Nhật Bản nước xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới chiếm 40% thị phần thị trường ô tô của thế giới. Nhật Bản và bốn con hổ Châu Á đã sản xuất ra hai phần ba tổng số hàng điện tử gia dụng và khoảng một phần hai số lượng linh kiện điện tử trên thế giới. Abegglen (1994) còn cho biết ngoài những quốc gia kể trên, thì NIE Châu Á cùng với Trung Quốc cũng đã trở thành các cường quốc xuất khẩu các hàng hoá gia dụng đơn giản, đồng thời là địa bàn lắp ráp các sản phẩm điện tử của các MNC của Mỹ, Nhật, Châu Âu, Hàn Quốc và Đài Loan.
Từ lâu, nhiều người cứ cho rằng các nền kinh tế Đông Á được hưởng lợi từ thương mại tự do. Nguyên nhân chủ yếu làm nên sự thần kỳ Đông Á xuất phát từ lợi ích của việc giao thương với các nền kinh tế phát triển hơn, lợi thế mà Liên Xô không có được. Tuy nhiên, chỉ riêng thương mại tự do thì không đủ bảo đảm tạo ra sự thần kỳ tại Đông Á. Các nước nghèo đã từng giao thương với các nước công nghiệp phát triển trong suốt lịch sử cận đại, còn mở rộng hơn kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Nhưng các nước này đã không thể đạt được thành tích cao như Đông Á. Thành công của Đông Á là do nhà nước trực tiếp hỗ trợ cho chiến lược hướng về xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu ở Đông Á chỉ là phương tiện để đạt được sự phát triển kinh tế tổng thể do các nước định hướng. Nếu không có vai trò dẫn dắt của nhà nước thì các nền kinh tế phát triển sau như Đông Á đã không thể thu được những lợi ích về ngoại thương hoặc tỷ lệ tăng trưởng cao.
TRẦN VĂN TÙNG
(PGS.TS, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alexander, GershenKnow (1962), Economic Backwardness in historical perspective, Cambridge Press.
2. Barro, R.J (1997), Determinants of Economic Growth, Cambridge Press
3. Chow, Percy C.Y (2000), The Asian Financial Crisis and its Aftermath, Brooking Institution Press.
4. Crafts, Nicholas (1998), East Asian Growth Before and After the Crisis, IMF Staff paper 46 (2)
5. Ernst, Dieter (1998), Catting-up, Crisis and Truncated Industrial Upgrading, Conference Lisbon 21-9, Processed
6. Frankel, Jeffrey (1996), Trade and Growth in East Asian, Cause and Effect, NBER working papet 5732, Cambridge Processed
7. Gregory, P.R and Stuart, R.C (1994), Soviet and Post Soviet Economic Structure and performance, Harper Collins College publisher
8. Grossman, Gene (1991), Innovation and Growth in Global Economy, Cambridge Press
9. Krugman, Paul (1994), The Myth of Asia’s Miracle, foreign Affairs, Vol 73, Nov-Dec
10. Jomo, K.S and Greg Felker (1999), Technology, competitiveness and State, London Routledge
11. Johnson, C (1995), Japan: Who Govems? The Rice of The Development al state, Norton & Company Press
12. Johnson, C (1982), MITI and the Japanese Micracle, Stanford University Press
13. Thurow, L.C (1993), Head to Head, The coming Economic Battle a money Japan, Europe and America, N.Y. Warner Book
14. Trần Văn Tùng (2003), Chất lượng tăng trưởng nhìn từ Đông Á, Nhà xuất bản Thế giới Hà Nội
15.Trần Văn Tùng (2004), Cạnh tranh kinh tế, Lợi thế cạnh tranh quốc gia và chiến lược cạnh tranh công ty, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội
16. World Bank (1993), The East Asian Micracle Economic Growth and Public Policy, Washington D.C
17. World Bank (2001), Rethinking for the East Asian Miracle, Washington D.C
18. Young, A (1994), The Turany of Number: Confronting the Statistical Realities of East Asian Growth Experience, NBER Working paper 3-1994
19. Abegglen, J.C (1994), Sea change: Pacific Asia as the new World Industrial Center, N.Y Free Press.