Trang chủ

QUAN HỆ VIỆT NAM – NHẬT BẢN THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI

Đăng ngày: 30-09-2014, 03:17 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 7

Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia Châu Á có nhiều nét tương đồng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, cùng chịu ảnh hưởng của dòng văn hóa phương Đông, đặc biệt là văn hóa Trung Hoa. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21-09-1973, kể từ đó đến nay mối quan hệ thắm tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác toàn diện ngày càng được tăng cường, đáp ứng  với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước. Bài viết này góp phần tìm hiểu về  thực trạng quan hệ Việt – Nhật những năm đầu thế kỷ XXI.

1. Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trên lĩnh vực chính trị ngoại giao

Kể từ tháng 3-1993, sau chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến nay, năm nào cũng diễn ra các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị, tin cậy lẫn nhau và là một trong những yếu tố quan trọng để hiện thực hóa “Quan hệ đối tác chiến lược” giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Koizumi (tháng 4-2002) và chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 10-2002), đã đưa quan hệ ngoại giao giữa hai nước nâng lên một tầm cao mới với tinh thần: “Cùng hành động, cùng tiến bước, thúc đẩy quan hệ ổn định lâu dài và tin cậy lẫn nhau”. Tháng 7-2004, Ngoại trưởng hai nước ký “Tuyên bố chung vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững”, và sau chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 10-2006 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản đã xác định hai nước hướng tới xây dựng “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”. Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Nhật Bản vào tháng 11-2007, hai bên đã ký kết Tuyên bố chung “làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản” và thông qua “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản” bao gồm 44 hạng mục. Thủ tướng Nhật Bản Fukuda đã thống nhất đi đến ký kết Hiệp định song phương đối tác kinh tế toàn diện (EPA) và cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, đồng thời hai bên sẽ bắt đầu giai đoạn III của “Sáng kiến chung Nhật Bản - Việt Nam”. Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 19 đến ngày 22-4-2009, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã cùng lãnh đạo cấp cao Nhật Bản nhất trí nâng quan hệ hai nước lên tầm “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”. Đây có thể coi như một cột mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn phát triển mới toàn diện và sâu sắc hơn giữa hai nước. Hai bên nhất trí cần tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục và du lịch, trong đó có việc hai bên cùng phối hợp xây dựng một lịch trình kế hoạch tổ chức các hoạt động dưới nhiều hình thức nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị và hợp tác.

Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản trong những năm qua cũng đã tạo dựng và liên tục phát triển cơ chế đối thoại ở nhiều cấp. Ngoài đối thoại chính trị ngoại giao định kỳ ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao (từ năm 1993), Bộ trưởng Ngoại giao (từ tháng 7-2004), hai bên cũng đã tiến hành cơ chế đối thoại ngoại giao - quốc phòng ở cấp Vụ từ tháng 1-2001, trao đổi tùy viên quân sự, mở Tổng Lãnh sự quán... Hai nước tổ chức hàng năm các cuộc họp của Ủy ban hợp tác Việt Nam - Nhật Bản; tăng cường xúc tiến giao lưu quan chức cấp cao và tăng cường trao đổi cấp Cục/Vụ trưởng liên quan đến an ninh - quốc phòng; thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực pháp chế tương xứng với mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước. Mối quan hệ hợp tác Việt - Nhật ngày càng trở nên tích cực hơn trên các diễn đàn đa phương, đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và từng bước hoàn thiện khuôn khổ quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

2. Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế

Về  Thương mại, Nhật Bản hiện là bạn hàng lớn thứ 2 của Việt Nam sau Trung Quốc và là thị trường xuất khẩu đứng thứ 2 sau Mỹ. Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản chủ yếu (đến 90%) là sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp, trong đó, dầu thô là sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Ngoài ra, còn xuất khẩu hàng tiêu dùng gia đình như dụng cụ gia đình, va li, cặp, túi các loại... , những mặt hàng chế biến xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là hải sản, dây điện và cáp điện, sản phẩm gỗ và hàng dệt may. Đặc biệt, đồ gỗ xuất khẩu của ta vào thị trường Nhật Bản càng ngày càng có xu hướng tăng lên một cách vững chắc, đứng thứ tư sau Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan về thị phần ở Nhật. Điều đáng nói là trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của nước ta đã đạt tốc độ phát triển tích cực, tăng trung bình hàng năm từ 15 -19%, và luôn là nước xuất siêu.

Hiệp định đối tác kinh tế song phương Việt - Nhật (VJEPA) ký ngày 25-12-2008, cùng với Hiệp định đối tác toàn diện Nhật Bản - ASEAN đã tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước, mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá và lao động Việt Nam sang Nhật Bản. Cụ thể là: kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Nhật Bản năm 2002 đạt 4,9 tỷ USD, tới 2007 tăng lên 12,2 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với 5 năm trước, sang 2008, với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước kim ngạch thương mại hai chiều  đạt 17,3 tỷ USD, năm  2009 đạt 13 tỷ USD (1), và 3 tháng đầu năm 2010 đạt 3.814.735 nghìn USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2009. Mặc dù vậy, có thể nói rằng, cho đến nay kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản vẫn còn thấp so với tiềm năng của hai nước, mặt hàng nhập khẩu còn đơn điệu khiến chúng ta vẫn chưa tận dụng được nhiều những trang thiết bị công nghệ hiện đại từ một nước “công nghệ nguồn” như Nhật Bản.

Theo như Hiệp định đã ký, về thương mại, trong vòng 10 năm tới, hai nước tiến tới đưa hơn 92% giá trị xuất nhập khẩu được hưởng chế độ miễn thuế. Khoảng 94,53% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản sẽ hưởng chế độ giảm thuế và kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản vào Việt Nam được hưởng chế độ này là 87,66% (2). Nhóm mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế cao nhất gồm: thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép, hóa chất và linh kiện điện tử. Như vậy, để tận dụng sự ưu đãi của Hiệp định với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản một cách ổn định và lâu dài, Việt Nam phải nỗ lực tìm ra nhiều nguồn hàng xuất khẩu chất lượng cao, giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường Nhật  Bản, thay đổi cơ cấu mở rộng các mặt hàng xuất khẩu sang Nhật.

Về viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản cho Việt Nam, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Từ năm 1992 đến 2009, ODA của Nhật Bản dành cho nước ta đạt khoảng hơn 14 tỷ USD (3), chiếm khoảng gần 50% lượng ODA của cộng đồng quốc tế cam kết dành cho Việt Nam. Nhìn chung trong những năm gần đây, kim ngạch ODA của Nhật Bản cam kết cho Việt Nam liên tục tăng với quy mô năm sau cao hơn năm trước, có xu hướng tăng theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam qua từng thời kỳ. Đặc biệt, trong năm  2009 ODA của Nhật Bản dành cho nước ta đã đạt mức kỷ lục với 1,6 tỷ USD, vượt kỷ lục 1,1 tỉ USD của năm 2007. Việc Hiệp định “Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA)” bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10/2009, cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo cơ sở pháp lý nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ phía Nhật.

Để góp phần thúc đẩy chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, chính sách ODA của Nhật Bản tập trung ưu tiên vào 5 lĩnh vực sau: (1) Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, (2) Hỗ trợ phát triển ngành giao thông vận tải và điện lực, (3) Hỗ trợ phát triển nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nông thôn, (4) Ưu tiên cho giáo dục, sức khỏe và dịch vụ y tế nhằm nâng cao đời sống của nhân dân và tạo điều kiện cho phát triển trong tương lai, (5) Cải thiện môi trường, trong đó nhấn mạnh tới bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Thông qua các nguồn ODA, Nhật Bản đã giúp Việt Nam xây dựng rất nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội như: Khôi phục Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), xây dựng Cảng cá Cát Lở (Vũng Tàu), nâng cấp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), xây dựng hệ thống cấp nước ở Gia Lâm (Hà Nội) và Hải Dương, xây dựng các cầu nhỏ ở nông thôn,  hệ thống thủy lợi Tân Chi, Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt - Nhật ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nguồn vốn ODA còn dùng để xây dựng mở rộng và nâng cấp nhiều công trình như: Quốc lộ 5, 10, 18, các cầu trên Quốc lộ 1, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2, Phú Mỹ 1, Nhà máy thủy điện Hàn Thuận - Đa My, Đại lộ Đông - Tây (TP.Hồ Chí Minh), cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh), cầu Thuận Kiều (Hải Phòng), cầu Thanh Trì (Hà Nội), đường hầm xuyên đèo Hải Vân... Đáng chú ý, cầu Bãi Cháy hiện đang là cầu lớn và hiện đại nhất không chỉ ở Việt Nam mà ở cả Đông Nam Á. Trong năm 2009, Thủ tướng Yukio Hatoyama cho biết chính phủ nước này sẽ xem xét tích cực khả năng hợp tác hỗ trợ Việt Nam xây dựng các dự án lớn khác như: Nhà ga hành khách T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài, dự án xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam đoạn Đà Nẵng-Quảng Ngãi, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, dự án Trung tâm vũ trụ Hòa Lạc.

Có thể khẳng định ODA của Nhật Bản trong thời gian qua có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO và hai bên đã ký kết “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản”, những thuận lợi này sẽ tạo cho chúng ta nhiều cơ hội thu hút và sử dụng hợp lý nguồn vốn ODA của Nhật Bản trong tương lai.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Việt Nam, Nhật Bản là nước có vốn đầu tư FDI lớn thứ 3 vào Việt Nam, tính đến năm 2009 là hơn 16 tỷ USD. Về cơ cấu đầu tư theo ngành: Hai lĩnh vực Nhật Bản quan tâm hàng đầu là khai thác nguyên liệu và chế tạo máy. Do vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều vào sản xuất các mặt hàng nhằm xuất khẩu về Nhật hoặc xuất sang nước thứ 3, trong đó có sử dụng nhiều nhân công như may mặc, tạp hóa, trang sức... Đồng thời việc sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhu cầu tại chỗ của thị trường Việt Nam cũng được chú trọng như sản xuất ô tô, xe máy, đồ điện tử, cơ sở hạ tầng, khách sạn...

Về cơ cấu đầu tư theo lãnh thổ của Nhật Bản vào Việt Nam có xu hướng đi từ hai đầu đất nước tiến về miền Trung, từ ven biển đi dần vào sâu trong nội địa. Nguyên nhân là do các tỉnh này có nhiều điều kiện thuận lợi hơn về cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc cũng như các điều kiện thuận lợi khác.

Theo điều tra hàng năm vừa công bố gần đây của JETRO - Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, được tiến hành trên 1.745 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Châu Á, Việt Nam được đánh giá rất cao về triển vọng đầu tư cả trung và dài hạn. Về trung hạn, có 92,6% doanh nghiệp sản xuất và 88% doanh nghiệp dịch vụ dự định mở rộng kinh doanh tại nước ta trong vòng 1-2 năm tới. Còn về dài hạn, trong vòng 5-10 năm tới, Việt Nam được các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá là địa điểm sản xuất tốt nhất ở Châu Á.

Tuy vậy, cũng như hoạt động thương mại, so với các nước Châu Á khác, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với khả năng và nhu cầu của hai bên. Ngoài ra đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam hiện đang gặp phải sự cạnh tranh mạnh của Trung Quốc và các nước trong khu vực. Chính vì thế, để đẩy mạnh hơn nữa dòng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đòi hỏi cả hai bên đều phải nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, ách tắc còn tồn đọng trong cơ chế, chính sách hợp tác đầu tư. Vấn đề này được đề cập đến trong sự thống nhất và quyết tâm của hai bên nhằm thực hiện một chương trình hành động mang tên “Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản nhằm cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam”.

3. Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trên  các lĩnh vực khác

Lĩnh vực du lịch -  dịch vụ: Mặc dù có những biến động liên tục, song từ năm 2000 đến nay tốc độ tăng trưởng bình quân của du khách Nhật đến Việt Nam hàng năm vẫn đạt mức cao, trên 30%. Nhật Bản luôn nằm trong danh sách 5 thị trường gửi khách lớn nhất ở nước ta. và trở thành thị trường khách nước ngoài hàng đầu của Du lịch Việt Nam về hiệu quả kinh tế, chỉ đứng sau Trung Quốc về lượng khách. Với việc các đường bay của Vietnam Airlines và Japan Airlines thông suốt, năm 2008 chúng ta đã đón hơn 400.000 khách du lịch Nhật Bản sang thăm Việt Nam và năm 2009 là 500.000 lượt khách. Việt Nam hi vọng mối quan hệ hợp tác du lịch Việt - Nhật sẽ ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đón 1 triệu khách Nhật vào năm 2010.

Lĩnh vực văn hoá: Từ cuối thập niên 1980 đến nay, khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới thì quan hệ giao lưu, hợp tác phát triển văn hóa giữa hai nước mới thực sự được chú trọng phát triển, tập trung ở một số hoạt động chính như: Hỗ trợ tài chính của phía Nhật Bản dành cho Việt Nam để xây dựng các cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị văn hóa thông tin, tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa giữa hai nước Việt - Nhật.

Liên quan đến việc tổ chức xúc tiến các hoạt động giao lưu, hợp tác, truyền bá văn hóa giữa hai nước phải kể đến vai trò quan trọng của Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam. Thông qua các tổ chức phi chính phủ này, nhân dân hai nước có thêm một cầu nối để ngày càng hiểu biết nhau hơn về các truyền thống văn hóa dân tộc. Năm 2008, cả hai nước đều tiến hành nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm trọng thể 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, như trao đổi đoàn các cấp, các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai nước đã được tổ chức rầm rộ ở cả Nhật Bản và nước ta.

Năm 2009, với việc mở đường bay trực tiếp giữa Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Fukuoka và sắp tới sẽ mở thêm đường bay Đà Nẵng-Osaka, giao lưu nhân dân và hợp tác du lịch giữa hai nước đã được tăng cường một cách đáng kể.
Các hoạt động văn hóa được tổ chức tại hai nước như "Lễ hội Việt Nam" tại Nhật Bản, "Những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam-Nhật Bản" tại Hội An, "Những ngày Du lịch-Văn hóa Mekong-Nhật Bản" tại Cần Thơ... đã gây được tiếng vang lớn trong dư luận mỗi nước, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thắt chặt thêm tình cảm giữa nhân dân hai nước.

Lĩnh vực giáo dục -  đào tạo: Một hoạt động khác cũng thường xuyên được phía Nhật Bản quan tâm đến đó là hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai nước Việt - Nhật trong các lĩnh vực khoa học thông tin và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục đào tạo... Các quỹ tài chính của Nhật Bản như Quỹ Japan (JF), Quỹ khuyến học Nhật bản (JSPS), Quỹ Toyota... đã hỗ trợ kinh phí cho các viện, trường đại học, các nhà khoa học Việt Nam thực hiện nhiều dự án nghiên cứu. Vào cuối năm 2007, Nhật Bản đã nhận giúp đào tạo 500 tiến sỹ thuộc chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ của Chính phủ Việt Nam trong vòng 10 năm tới. Năm 2008, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân và ngài Komura Masahiko, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản đã ký kết hai Công hàm trao đổi tiếp nhận Dự án Học bổng phát triển nguồn nhân lực (gọi tắt là học bổng JDS),do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong năm tài khóa 2009 và ba năm tiếp theo. Chương trình này hướng đến tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh sau đại học trên 5 lĩnh vực như: Luật, kinh tế, quản trị kinh doanh, nông nghiệp và phát triển nông thôn và công nghệ thông tin.Cùng với học bổng JDS, học bổng Monbusho cũng đã hỗ trợ rất tích cực cho việc phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam. Đây là học bổng của Chính phủ Nhật Bản, hàng năm có khoảng 100 suất, trong đó có 30 suất dành cho đại học, 20 suất cho bậc cao đẳng và 50 suất cho đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ. Qua những học bổng này, các cán bộ và sinh viên Việt Nam được cử sang Nhật Bản đào tạo sẽ trở thành cầu nối hữu nghị cho sự phát triển tốt đẹp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản..

Ngoài ra, phía Nhật Bản cũng hỗ trợ Việt Nam trong công tác giáo dục và đào tạo các cấp tiểu học, trung học. Kể từ năm 1995 tới nay, Nhật Bản đã giúp Việt Nam xây dựng 299 trường tiểu học ở 17 tỉnh, vùng bị thiệt hại do thiên tai và 8 tỉnh miền núi phía Bắc bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại. Ngoài ra, Nhật Bản còn hỗ trợ triển khai các dự án như: “Xúc tiến giáo dục xóa mù cho người lớn vì sự phát triển cộng đồng bền vững tại vùng núi phía Bắc”, dự án “Nghiên cứu những hỗ trợ nhằm phát triển giáo dục tiểu học ở Việt Nam”, dự án nâng cao năng lực đào tạo tại trường Đào tạo Bưu chính viễn thông 1, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực đào tạo của trường Kỹ thuật vận tải số I, dự án xây dựng năng lực giáo dục và nghiên cứu của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội…Ngày 23-6-2009, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã ký kết hợp đồng viện trợ không hoàn lại với tỉnh Điện Biên, theo đó Chính phủ Nhật Bản sẽ viện trợ cho tỉnh 160.000 USD để phát triển giáo dục(4) .

Lĩnh vực y tế: Trong lĩnh vực y tế cộng đồng, sự giúp đỡ của JICA đã góp phần đáng kể trong công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm như hỗ trợ phương tiện, thiết bị dây truyền lạnh cho Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), cung cấp văc-xin Sabin và trang thiết bị cho dây chuyền sản xuất văc-xin Sabin, góp phần vào thành công của mục tiêu thanh toán bại liệt của Việt Nam vào năm 2000. Hiện nay, JICA đang tiếp tục hỗ trợ Chương trình TCMR để thực hiện dự án vắc-xin sởi giúp Việt Nam đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2010.

Trong lĩnh vực điều trị, Nhật Bản đã giúp Việt Nam nâng cấp Bệnh viện  Bạch Mai với số vốn viện trợ không hoàn lại đạt tới 54 triệu USD được hoàn thành vào năm 2000... Trong những năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều chương trình hợp tác, viện trợ không hoàn lại cho lĩnh vực y tế ở Việt Nam, như củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh và phát triển các trung tâm y tế, giúp trang bị cho Việt Nam các trang thiết bị y tế hiện đại, hỗ trợ chuyên gia và đào tạo bác sỹ chuyên sâu...

Lĩnh vực lao động: Qua việc triển khai các dự án đầu tư của Nhật Bản, cho tới nay số lượng lao động của nước ta được thu hút vào các công ty, doanh nghiệp của Nhật Bản lên tới vài trăm ngàn người. Điều đáng chú ý là số lao động này phần nhiều tập trung trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng. Đây chính là những cơ sở đào tạo tay nghề kỹ thuật cũng như nâng cao trình độ quản lý nói chung, rất cần thiết cho sự nghiệp phát triển đất nước, thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH hướng tới thế kỷ mới của chúng ta.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp với khoảng 2/3 số dự án và 3/4 số vốn đầu tư. Một số doanh nghiệp lớn như Honda Việt Nam thu hút tới 5000 lao động, Fujitsu thu hút trên 2000 lao động. Công ty Haiha-Katobuki thu hút 115 lao động trực tiếp và 3.580 lao động gián tiếp. Công ty Sony Việt nam thu hút 600 lao động trực tiếp và 4.820 lao động gián tiếp...(5). Ngoài ra, các công ty này còn chú ý đào tạo kiến thức kỹ thuật cho người lao động theo tiêu chuẩn quốc tế, khuyến khích khả năng tự sáng tạo của cá nhân, đề cao tinh thần làm việc tập thể. Cùng với Toyota, Suzuki... nhiều công ty khác cũng đã lựa chọn được cho mình nhiều hình thức đào tạo phù hợp, trong đó có việc cử lao động Việt Nam đang làm việc trong công ty sang các chi nhánh nước ngoài bồi dưỡng, mời các giáo sư đại học cùng phối hợp nghiên cứu, điều tra thị trường. Qua đó, các cán bộ, công nhân người Việt Nam dần dần tự hoàn thiện các kỹ năng độc lập trong công việc mà không cần đến sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản.

Nhật Bản là một thị trường lao động nhiều tiềm năng nhưng đòi hỏi lao động phải có kỹ thuật cao. Vì vậy, lao động Việt Nam được đưa vào Nhật Bản thường dưới hình thức tu nghiệp sinh (TNS). Hai nước đã có chương trình hợp tác TNS từ năm 1992. Số lượng TNS Việt Nam được phái cử sang tu nghiệp ở Nhật Bản từ năm 2000 đến 2004 là 9.353 người, trong đó năm 2004 là trên 2000 người (6). Cho tới nay đã có hơn 20.000 TNS Việt Nam sang tu nghiệp tại các xí nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản theo nhiều ngành nghề khác nhau như dệt may, điện tử, cơ khí, chế biến, xây dựng. Với thu nhập tương đối cao, hàng năm TNS Việt Nam gửi về nước hàng chục triệu USD. Đây là một khoản tiền không nhỏ làm tăng thu ngoại tệ cho đất nước và góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm trong nước.

Lĩnh vực khoa học và công nghệ: Hiệp định hợp tác về khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam - Nhật Bản đã được ký ngày 21-8-2006 tại Hà Nội đã tạo nên một khung pháp lý đồng thời mang lại những điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học của hai nước trong việc trao đổi thông tin và thực hiện các hoạt động hợp tác về KH&CN trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Việt Nam đã xác định được các hướng ưu tiên hợp tác trong  lĩnh vực này dựa trên cơ sở và thế mạnh của hai nước, bao gồm: Công nghệ thông tin và viễn thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ nano, khoa học vật liệu, tự động hóa, công nghệ vũ trụ, chuyển giao công nghệ và quản lý KH&CN...

Cho tới nay, nhiều chương trình, dự án hợp tác về KH&CN giữa hai nước đã và đang tích cực được triển khai thực hiện, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực và tiềm lực KH&CN của Việt Nam, đồng thời giải quyết những vấn đề cụ thể mà hai bên cùng quan tâm. Đặc biệt nổi lên một số dự án lớn: Dự án phát triển khu công nghiệp cao Hòa Lạc; các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bắt đầu từ năm 1991 và được mở rộng trong những năm gần đây dưới nhiều hình thức khác nhau. Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ đã được ký kết vào tháng 6-2006. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Nhật Bản đã giúp chúng ta xây dựng và triển khai thực hiện Dự án “Hiện đại hóa hệ thống quản lý sở hữu công nghiệp” từ năm 2000. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ KH&CN của Việt Nam đã được đào tạo thông qua các dự án hợp tác cụ thể, nhận học bổng của Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học Nhật Bản (JSPS), quỹ của Hiệp hội học bổng hải ngoại Nhật Bản (AOTS).

Từ thực trạng quan hệ hợp tác  Việt – Nhật hơn 35 năm qua, xin nêu một số giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ chiến lược Việt Nam – Nhật Bản :

Một là: Cần tiếp tục đẩy mạnh việc thắt chặt quan hệ giữa hai Nhà Nước, mở rộng mối quan hệ chính trị - ngoại giao theo phương châm “Cùng hành động, cùng tiến bước, thúc đẩy quan hệ ổn định lâu dài và tin cậy lẫn nhau”. Dựa trên “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản” là kim chỉ nam cho hợp tác giữa hai nước. Tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc lãnh đạo cấp cao nhằm tạo sự gần gũi, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau để giải quyết kịp thời những vấn đền nảy sinh trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà Nước, tiếp tục đẩy mạnh việc trao đổi đoàn, khuyến khích các cơ quan của Quốc hội hai nước tiến hành các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm công tác lập pháp, giám sát; tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện quốc tế. Ngoài ra cần thúc đẩy, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước góp phần hướng tới quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai bên.

Hai là: Xây dựng chiến lược hợp tác kinh tế với Nhật Bản tương xứng với Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) đã được ký kết.

Đối với Chính phủ Việt Nam: Cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hơn nữa hệ thống chính sách kinh tế, cơ chế quản lý ngoại thương Việt Nam theo hướng năng động, phù hợp với thông lệ quốc tế, thị trường Nhật Bản và lợi ích phát triển kinh tế của Việt Nam. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để thu hút đầu tư. Có chính sách cụ thể hơn nữa để lôi cuốn các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia vào các ngành công nghiệp khai thác, chế biến tại Việt Nam, nhằm  tạo cơ hội đảm bảo sự có mặt của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Nhật, giúp nước ta khai thác có hiệu quả những tiềm năng vốn có của mình, đồng thời có kế hoạch cụ thể cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng,  tương xứng với tầm cỡ quốc tế, đảm bảo cho hoạt động buôn bán, trao đổi của Việt Nam ngày càng phát triển.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam: Cần tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa tiêu dùng của người Nhật, khảo sát kỹ lưỡng thị trường Nhật Bản trước khi thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế. Chủ động và tăng cường đầu tư cho khâu cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa các mặt hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của thị trường đại chúng Nhật Bản. Lựa chọn cho mình chiến lược thích hợp để thâm nhập thị trường Nhật Bản (xuất khẩu, liên doanh, đầu tư trực tiếp) sao cho thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất.

Ba là: Hai bên nên tích cực hợp tác với nhau trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và năng lượng hướng tới mục tiêu xây dựng một thế giới xanh, sạch, đẹp và an toàn: Nhật Bản là một quốc gia phát triển mạnh về khoa học - công nghệ và là một trong số nước ứng dụng rất thành công những thành tựu kỹ thuật hiện đại vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như: bảo vệ môi trường, cải tạo tự nhiên và khắc phục những vấn đề ô nhiễm khí quyển do mặt trái của toàn cầu hóa gây ra. Trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước, chắc chắn nước ta  sẽ phải đối mặt với những vấn đề cấp bách đó, vì vậy, việc mở rộng quan hệ, tiếp xúc, học hỏi những kinh nghiệm này từ phía Nhật Bản là rất quan trọng và cần thiết.

Bốn là: Đẩy mạnh và tăng cường hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trên các diễn đàn khu vực và quốc tế trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, giữ gìn hòa bình, chống khủng bố. Việt Nam cần tích cực hợp tác với Nhật Bản, phối hợp chặt chẽ hơn nhằm thúc đẩy đối thoại và trao đổi thông tin trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, cũng như khuyến nghị các nước thành viên ASEAN tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.

Tóm lại, Từ thực trạng quan hệ Việt – Nhật và tác động của môi trường khu vực, nhất là xu thế cạnh tranh chiến lược phức tạp ở châu Á- Thái Bình Dương, đòi hỏi hai nước cần có sự  nỗ lực cao hơn nữa, tích cực đổi mới tư duy, tiếp cận rõ ràng, cụ thể hơn nữa về khuôn khổ mối quan hệ đã được xác lập và bằng hành động thiết thực để phát huy những thuận lợi,  khắc phục những khó khăn trở ngại hiện tồn, đưa quan hệ Việt – Nhật phát triển đi vào chiều sâu thực chất, tương xứng với tầm vóc cần có của mối quan hệ đối tác  chiến lược cũng như truyền thống tốt đẹp vốn có của quan hệ hữu nghị giữa hai nước

 

NGUYỄN THỊ QUẾ - NGÔ PHƯƠNG ANH

(Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (Viện Quan hệ quốc tế), Quan hệ quốc tế đương đại - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị - Hành chính, 2008.

2.. Trần Quang Minh - PGS.TS. Ngô Xuân Bình (chủ biên), Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Quá khứ, hiện tại và tương lai, NXB Khoa học xã hội, 2005.

3. Kimura Hiroshi - Furuta Motoo - Nguyễn Duy Dũng (chủ biên), Những bài học về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, NXB Thống Kê, 2005.

4. Kỷ yếu hội thảo khoa học, Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Quá khứ, hiện tại và tương lai, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Hà Nội , 9-2003.

5.. Kenichi Ohno, 2007, Building Supporting Industries in Vietnam.

6.. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, “Hợp tác kinh tế của Nhật Bản”, http://www.vn.emb-japan.go.jp/html/voda_jp.html

7.. Website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, http://www.mpi.gov.vn.

8.. Website của Bộ thương mại Việt Nam, http://www1.mot.gov.vn/tktm.

9.. Website của Tổng cục Thống kê Việt Nam, http://www.gso.gov.vn/

10. Trung tâm nghiên cứu ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Japan Center,

http://www.asean.or.jp/general/statistics/statistics06/index.html



(1)  Website của Bộ thương mại Việt Nam, http://www1.mot.gov.vn/tktm.

(2) Website của Bộ ngoại giao Việt Nam, http://www .mofa.gov.vn/

.3) Báo Hà Nội Mới điện tử, Nhật Bản luôn ưu tiên viện trợ ODA cho Việt Nam, http://www.beta.baomoi. com/Home/Kinhte/1356536.epi

(4) . Website của Bộ ngoại giao Việt Nam, http://www.mofa.gov.vn/

 

(5) Tạp chí của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, số 49, 9/2008, 35 năm Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (日越外交関係35周年)

(6) Tạp chí của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, số 49, 9/2008, 35 năm Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (日越外交関係35周年)

 

0thảo luận