ASEAN là tổ chức Hợp tác của các nước khu vực Đông Nam Á, bao gồm 5 nước lục địa (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanma và Thái Lan) và 5 nước hải đảo (Malaixia, Brunây, Xingapo, Inđônêxia và Philippin). Hơn 40 năm thành lập và phát triển, ASEAN ngày càng vững mạnh, phát huy tác dụng duy trì hòa bình và ổn định để phát triển kinh tế khu vực, có chính sách ngoại giao uyển chuyển và linh hoạt, vị trí ASEAN ngày càng quan trọng trong khu vực Đông Á và trên thế giới. Trong chính sách ngoại giao với các nước láng giềng, quan hệ với các nước ASEAN cũng là một trong những ưu tiên quan trọng hàng đầu của ngoại giao Trung Quốc. Trung Quốc là nước lớn ở khu vực Đông Á, là láng giềng kề cận, quan hệ với Trung Quốc có vị trí quan trọng đối với các nước ASEAN, tìm hiểu chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với khu vực có ý nghĩa quan trọng và giúp chúng ta có nhìn nhận đúng về Trung Quốc từ đó có chiến lược để “chung sống hòa bình” với người láng giềng khổng lồ này.
1. Cơ sở lý luận của chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc
Ngoại giao Trung Quốc thường được đặt tên là ngoại giao thực dụng, khác với ngoại giao bá quyền của Mỹ hay ngoại giao cân bằng nước lớn của ASEAN. Cơ sở lý luận cho chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc từ những năm đầu thế kỷ XXI đến nay là sự áp dụng vào thực tiễn lý thuyết của các trường phái quan hệ quốc tế (Chủ nghĩa Hiện thực, Chủ nghĩa Tự do và Chủ nghĩa Kiến tạo): chú trọng đến lợi ích quốc gia, thực lực quốc gia; hòa bình hợp tác cùng phát triển; chú trọng đến bản sắc quốc gia, quảng bá “sức mạnh mềm”…
Lợi ích quốc gia là nền tảng và mục tiêu của chính sách đối ngoại cũng như là tiêu chuẩn để đánh giá sự thành công hay thất bại của chính sách đó. Theo lý thuyết của Chủ nghĩa hiện thực mà đại diện tiêu biểu là Hans Morgenthau. Trong tác phẩm kinh điển nổi tiếng của Chính trị giữa các quốc gia: Cuộc đấu tranh cho quyền lực và hòa bình (“Politics Among Nations: the Struggle for Power and Peace”), Hans Morgenthau cho rằng: bốn nguyên tắc cơ bản của ngoại giao trong điều kiện hòa bình để nhằm theo đuổi lợi ích quốc gia như sau: Một là, ngoại giao cần phải vứt bỏ tính cuồng nhiệt của hình thái ý thức hay còn gọi là “tinh thần chinh phục” (“crusading spirit”); Hai là, mục tiêu của chính sách ngoại giao cần phải căn cứ vào lợi ích quốc gia và thực lực quốc gia để quyết định; Ba là, cần phải hiểu rõ lợi ích quốc gia của các nước khác, cũng như nắm rõ yêu cầu an ninh của nước khác; Bốn là, trong những thời khắc quan trọng nhất hay gặp phải vấn đề cấp bách, ngoại giao cần áp dụng biện pháp thỏa hiệp(1).
Lý thuyết nghiên cứu về quan hệ quốc tế không ngừng phát triển và biến đổi sâu sắc. Khác với Chủ nghĩa Hiện thực cho rằng chiến tranh và xung đột là tất yếu trong quan hệ giữa các quốc gia, Chủ nghĩa Tự do nhấn mạnh đến sự hợp tác. Lý thuyết của Chủ nghĩa Tự do mới cho rằng, sự hợp tác giữa các quốc gia là biện pháp hiệu quả nhất để đạt được lợi ích quốc gia. Robert O. Keohane trong tác phẩm “Hậu bá quyền: hợp tác và bất hòa trong kinh tế chính trị thế giới” (“After Hegemony: Cooperation and Discord in the World Political Economy”) nổi tiếng của mình đã đề xuất: trong những điều kiện nhất định, hợp tác có thể phát triển trên nền tảng bổ sung lợi ích lẫn nhau, lợi ích chung của các quốc gia chỉ có thể thông qua hợp tác mới thành hiện thực, cơ chế quốc tế (“international regimes”) là con đường hiệu quả bảo đảm cho hợp tác giữa các nước được thực hiện(2).
Lý thuyết của chủ nghĩa kiến tạo cho rằng, quốc gia là một thực thể có danh phận (“identity”) và lợi ích (“interests”). Lợi ích ám chỉ cái mà thực thể cần và danh phận chỉ ra thực thể đó là gì. Lợi ích dẫn đến động cơ, trong khi danh phận là điều kiện tiên quyết. Danh phận nên hài hòa với lợi ích(3). Vì thế sự thay đổi trong chính sách đối ngoại và hành động của một quốc gia chính xuất phát từ lợi ích quốc gia, và tương tự sự thay đổi danh phận làm cho lợi ích cũng thay đổi theo. Theo lý thuyết này, sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc từ đầu thế kỷ XXI đến nay là do vị thế của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới ngày càng có trọng lượng, kết quả của sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ sau 31 năm cải cách mang lại.
Chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc là chính sách rất thực tiễn, ở từng giai đoạn, cùng với tình hình phát triển của chính trị quốc tế và sự phát triển nội tại của Trung Quốc. Chính sách đó là sự kế thừa chính sách ngoại giao toàn phương vị (“全方位”), ngoại giao “ẩn mình chờ thời cơ” (“韬光养晦”) của Đặng Tiểu Bình, lý luận đa cực hóa, đa phương hóa (“多方外交”) của Giang Trạch Dân và hiện nay là chính sách “trỗi dậy hòa bình” (“和平崛起”), hay “phát triển hòa bình” (“和平发展”) của Hồ Cẩm Đào. Chúng ta có thể quan sát trong thực tế những năm gần đây đặc biệt trong quan hệ Trung-Mỹ, quan hệ Trung Quốc-ASEAN; hay từ việc giải quyết các vấn đề chính trị nội tại như Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương hay qua các hoạt động thể thao (thế vận hội Olimpic Bắc Kinh), kinh tế (xung đột thương mại, chính sách chống bán phá giá của Mỹ và EU)…chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc được thực hiện ngày càng chủ động, tích cực và uyển chuyển.
Các điểm chính trong chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ XIX tập trung vào: tạo lập và duy trì môi trường láng giềng tốt đẹp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chính sách ngoại giao của Trung Quốc; ổn định, cải thiện và phát triển quan hệ với các nước lớn có vị trí then chốt; phát triển quan hệ với các nước đang phát triển; thực hiện ngoại giao đa phương; tăng cường “sức mạnh mềm” của Trung Quốc(4) (thông qua các hoạt động hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa (“汉语桥”), thành lập các Học viện Khổng Tử (“孔子学院”))…
2. Thực tiễn quan hệ Trung Quốc- ASEAN những năm gần đây và một vài gợi ý đối với Việt Nam
Hiện nay trên bàn cờ chính trị thế giới, Trung Quốc là một cường quốc khu vực đang trỗi dậy muốn vươn lên vị trí một cực trong thế giới đa cực chi phối quan hệ quốc tế, chiến lược đối ngoại của Trung Quốc cũng là nhằm thực hiện mục tiêu đó. Khi tính toán chiến lược với Đông Nam Á, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc không thể không thăm dò động tĩnh của Mỹ là siêu cường thế giới có ảnh hưởng truyền thống đối với khu vực này cũng như các nước lớn khác là các láng giềng cận kề Nga, Ấn Độ và Nhật Bản.
Có thể thấy, bên cạnh ưu tiên hàng đầu trong quan hệ với các nước lớn đặc biệt là Mỹ, thì duy trì và phát triển quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng chiếm vị trí thứ hai trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Đông Nam Á là nơi tiếp giáp của ba châu lục: Châu Á, Châu Phi và Châu Đại Dương, và là cầu nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ngoài vị trí là điểm trung chuyển quan trọng của hai đại dương và ba châu lục, Đông Nam Á còn là một trong những khu vực có kinh tế phát triển mạnh mẽ và đầy tiềm năng của thế giới. Vì thế, đối với Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á, xét về mặt địa-kinh tế có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, là nơi tập trung các đường ống dẫn dầu lớn từ Trung Đông cho Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… là nơi có tài nguyên biển phong phú và các mỏ dầu mới bắt đầu được khai thác có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược năng lượng của Trung Quốc. Xét về mặt địa-chính trị, thứ nhất, nếu Trung Quốc quan hệ tốt đẹp với các nước trong khu vực này (cũng như các khu vực láng giềng khác) Trung Quốc tiếp tục có cơ hội phát triển, trở thành nước lớn có ảnh hưởng tích cực trong nền sản xuất thế giới. Thứ hai, ASEAN và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) là nơi Trung Quốc có thể phát huy thế mạnh và thông qua các cơ chế hợp tác với hai tổ chức này, Trung Quốc mới có thể cùng các nước láng giềng hợp tác an ninh, ổn định và phát triển. Thứ ba, Trung Quốc cùng với Nga, Ấn Độ và Nhật Bản là những nước có điều kiện tiềm năng trở thành các cường quốc thế giới. Nếu Trung Quốc có thể cùng với ba nước này thiết lập quan hệ bình đẳng, tin cậy, cùng có lợi, có thể thỏa hiệp với nhau thì mới có thể duy trì an ninh và ổn định, có lợi đối với việc hình thành thế giới đa cực theo mong muốn của Trung Quốc(5).
Như nhận xét của các nhà nghiên cứu chiến lược quốc tế, vào những năm giữa thập kỷ 80, Trung Quốc chú trọng nhiều đến quan hệ song phương hơn là các quan hệ đa phương ở khu vực Đông Á, các mối quan hệ của Trung Quốc chỉ tập trung trực tiếp đến các lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Đến giữa những năm cuối thập kỷ 90, Trung Quốc đã chủ động tham gia các diễn đàn đa phương về an ninh như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)(6) và sáng kiến thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tuy nhiên đấy cũng chỉ là những hành động để ứng phó với thuyết “mối đe dọa Trung Quốc”(7), sự triển khai hành động quân sự ở eo biển Đài Loan và Liên minh Mỹ-Nhật(8). Còn theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam, chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc với các nước ASEAN từ giữa những năm 1990 bắt đầu có những dấu hiệu tích cực (giúp đỡ ASEAN trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 bằng các biện pháp như viện trợ cho các nước ASEAN, không phá giá đồng Nhân dân tệ…). Hội nghị cấp cao ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 11 năm 1999 nhằm mục tiêu phát triển hợp tác khu vực Đông Á. Trung Quốc bên cạnh các mối quan hệ song phương đã bắt đầu tham gia vào các quan hệ đa phương của khu vực. Tính chất của các mối quan hệ song phương giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc có thể xếp theo trật tự như sau, đó là: quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt với Mianma; quan hệ láng giềng hữu nghị với Việt Nam, Lào; quan hệ đối tác toàn diện với Singapore và quan hệ đối tác chiến lược với Thái Lan, Inđônêxia, Philippin và Malaixia(9).
Tháng 10 năm 2000, tại Hội nghị lần thứ 5 nhiệm kỳ Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua “ba nhiệm vụ lịch sử lớn của thế kỷ XXI”, trong đó thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm; nhiệm vụ thống nhất tổ quốc; bảo vệ hòa bình thế giới và thúc đẩy sự phát triển chung. Trên tinh thần đó, Trung Quốc bước vào thiên niên kỷ mới với tầm nhìn thời đại mới và những động thái ngoại giao tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động quốc tế, các diễn đàn đa phương trên thế giới cũng như ở khu vực.
Trung Quốc từ năm 2000 trở đi đã tích cực tham gia vào các hoạt động và sáng kiến của Hiệp hội ASEAN: Trung Quốc là nước đầu tiên xây dựng khu vực thương mại với ASEAN, nước đầu tiên tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) của ASEAN và cũng là nước đầu tiên ký Tuyên bố Đối tác toàn diện vì Hòa bình và thịnh vượng với ASEAN.
Tháng 11 năm 2001 tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 lần thứ 3 tổ chức ở Brunây, ASEAN-Trung Quốc đã phê chuẩn đề xuất về một hiệp định hợp tác kinh tế khung và thiết lập một khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) trong vòng 10 năm và xác định 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác là nông nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, đầu tư hỗ trợ và phát triển lưu vực sông Mêkông. Ngày 4-11-2002, Hiệp định về khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) được chính thức ký kết tại Phnôm Pênh, Campuchia. Trong đó hợp tác tiểu vùng sông Mêkông đã được đẩy mạnh trong chiến lược xây dựng khu vực hợp tác “Một trục hai cánh” của Trung Quốc những năm gần đây(10). Trung Quốc cũng chủ động đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp cao Đông Á thay cho cơ chế ASEAN+3 để thúc đẩy hợp tác trong khu vực Đông Á và Hội nghị cấp cao Đông Á đầu tiên được tổ chức ở Kuala Lumpur vào tháng 12 năm 2005.
Báo cáo tại Đại hội XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ ra: “các nước, về mặt chính trị, đều nên tôn trọng lẫn nhau, cùng thỏa hiệp, không nên áp đặt ý chí của mình lên người khác; về kinh tế học hỏi lẫn nhau cùng phồn thịnh, không nên bài xích văn hóa của các dân tộc khác; về mặt an ninh, duy trì an ninh và tin tưởng lẫn nhau, cùng xây dựng quan niệm an ninh mới tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng và thỏa hiệp; thông qua đối thoại và hợp tác để giải quyết tranh chấp; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; phản đối các hình thức của chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền.”(11). Tháng 3 năm 2005, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong bài phát biểu “Báo cáo công tác chính phủ” lần đầu tiên đã tường thuật hoàn chỉnh tư tưởng “phát triển hòa bình” của Trung Quốc, đặt mốc cho tư tưởng phát triển hòa bình trở thành chiến lược quốc gia của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu: “Thế kỷ mới có thể thấy tiền cảnh sự phát triển của xã hội loài người. Tại thời điểm lịch sử quan trọng cùng tồn tại cơ hội và thách thức, chỉ có các quốc gia đoàn kết lại, mới có thể xây dựng một thế giới hài hòa cùng phồn thịnh, hòa bình lâu dài”. Do đó: “Trung Quốc trước sau như một gắn chặt sự phát triển của Trung Quốc và sự tiến bộ của cộng đồng nhân loại”(12). Do đó, chính sách ngoại giao phát triển hòa bình, độc lập tự chủ Trung Quốc dựa trên các nguyên tắc ủng hộ hòa bình, phản đối vũ lực, tôn trọng lẫn nhau, chủ quyền bình đẳng, tự chủ lựa chọn, cầu đồng tồn dị, cùng hợp tác có lợi, cùng phát triển…Báo cáo Đại hội XVII Đảng cộng sản Trung Quốc năm 2007 nhấn mạnh lại tư tưởng trước sau như một bước theo con đường phát triển hòa bình làm phương châm và chiến lược của ngoại giao Trung Quốc trong thời kỳ mới: “tiếp tục quán triệt phương châm ngoại giao thân thiện và làm bạn với láng giềng, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác thực sự với láng giềng, tích cực triển khai hợp tác khu vực, cùng tạo ra môi trường khu vực hòa bình ổn định, bình đẳng cùng có lợi và hợp tác cùng có lợi”(13).
Từ những tư tưởng chính của chính sách ngoại giao của Trung Quốc có thể thấy được đối với các nước ASEAN, chiến lược ngoại giao của Trung Quốc tập trung vào các điểm chính sau đây:
- Thi hành chính sách láng giềng thân thiện (xóa bỏ hoài nghi, tăng thêm tin cậy; mở rộng điểm đồng, tăng cường hợp tác; thúc đẩy đoàn kết, cùng nhau phát triển) góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển.
- Đối với các vấn đề hợp tác chung, Trung Quốc sẽ xử sự với ASEAN như một thực thể thống nhất, không chấp nhận những ưu tiên cá biệt nhằm lợi dụng sự khác biệt giữa các nước ASEAN với nhau, để tự ASEAN giải quyết những mâu thuẫn đó.
- Tích cực tham gia các diễn đàn đa phương, giải quyết các điểm nóng trong khu vực. Thực hiện chính sách cân bằng quan hệ với các nước lớn tại khu vực.
Bên cạnh đó, một khuynh hướng quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á là không ngừng mở rộng ảnh hưởng, phát huy sức mạnh mềm để ràng buộc các nước ASEAN về kinh tế và chính trị, tăng cường sức mạnh và sự có mặt về quân sự ở khu vực, không để các nước ASEAN liên kết với nhau chống lại Trung Quốc.
Hiện nay, trở ngại lớn nhất trong quan hệ giữa các nước ASEAN-Trung Quốc là tranh chấp chủ quyền lãnh hải. Trung Quốc, Việt Nam, Malaixia, Brunây, Philippin và đảo Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền đối với các vùng nước và thềm lục địa ở biển Đông. Việt Nam có đầy đủ các cơ sở pháp lý để chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa dựa trên quy tắc thềm lục địa, vị trí địa lý và cơ sở lịch sử. Công ước Luật biển Liên hợp quốc năm 1982 ghi rõ các nước ven biển có quyền tuyên bố chủ quyền trong 200 hải lý kể từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải. Liên quan đến vấn đề này, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ngày 4-11-2002. Đây là văn bản chính trị chính thức đầu tiên liên quan đến biển Đông giữa ASEAN-Trung Quốc, tuy văn kiện này không có sự ràng buộc để giải quyết tranh chấp nhưng có tác dụng giúp các bên cùng hướng tới các biện pháp giải quyết hòa bình và tôn trọng lẫn nhau.
Từ những động thái của chính sách ngoại giao Trung Quốc nêu trên, ASEAN và Việt Nam cũng cần có những đối sách của riêng mình trong bối cảnh phức tạp của khu vực. Việt Nam cần duy trì cân bằng quan hệ với các nước lớn trong khu vực (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ),thúc đẩy tiến trình đi tới một Cộng đồng Đông Á, duy trì cục diện ổn định trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, thúc tiến sự tin tưởng lẫn nhau, đoàn kết nội khối và cùng nhau hợp tác để phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của tổ chức ASEAN, điều này càng có ý nghĩa khi Việt Nam là Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2010, đồng thời năm 2010 cũng là năm hữu nghị Việt-Trung.
Việt Nam tích cực củng cố vị thế của mình hơn nữa trong ASEAN, dựa vào ASEAN để phát huy ảnh hưởng của mình trong liên kết Đông Á. Trước tiên Việt Nam cũng cần gia tăng thực lực của mình bằng cách tập trung phát triển kinh tế và củng cố an ninh-quốc phòng, tránh tụt hậu trong khu vực. Việt Nam nên xem sự “trỗi dậy hòa bình” hay “phát triển hòa bình” của Trung Quốc là điều kiện thuận lợi cho khu vực trong đó có Việt Nam, chủ động hợp tác với Trung Quốc để cùng có lợi, cùng khai thác thế phát triển liên hoàn của khu vực.
Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò là điểm cầu nối với Trung Quốc trên biên giới đất liền và đường biển để thu hút đầu tư, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, song Việt Nam cũng cần hết sức thận trọng và tỉnh táo để không bị phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc; cùng nhau thương lượng, giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, duy trì môi trường khu vực Đông Nam Á hòa bình và ổn định./.
LÊ THỊ THU HỒNG (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)
PHẠM HỒNG THÁI (TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
张德广主编:《变动的世界与中国外交》,世界知识出版社,2008年版。
(1) Hans Morgenthau, Politics among Nations: the Struggle for Power and Peace, New York: Knopf, 1985, chapter 24.
(2) Robert O. Keohane: After Hegemony: Cooperation and Discord in the World Political Economy, Princeton University Press, 1984, p.64.
(3) Alexander Wendt: Social Theory of International Politics, Cambridge University Press, 1999.
(4) 张德广主编:变动的世界与中国外交, 世界知识出版社, 2008年版,第9-11页。
(5) 季志业: 《中国地缘政治的“123……”》,《现代国际关系》2008年第5期,第16页。
(6) Đây là Diễn đàn hợp tác an ninh đa phương để đối thoại và trao đổi các vấn đề chính trị-an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. ARF là một diễn đàn mở rộng, bao gồm 10 nước ASEAN và thành viên đối tác Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, EU, Hàn Quốc, Niu Dilân, Ôtxtrâylia, Canađa, Mông Cổ, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Papua Niu Ghinê…
(7) Học giả Mỹ John Mearsheimer cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ tạo ra sự thách thức và đe dọa đối với Mỹ và các nước láng giềng và đưa ra thuyết “mối đe dọa Trung Quốc” (China Threat). Ngược lại, Nguyên Phó Ngoại trưởng Mỹ Robert Zoellick theo quan điểm khác, cho rằng Trung Quốc sẽ và đã đóng vai trò là thành viên có trách nhiệm của khu vực (vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, chống khủng bố, vai trò trong thương mại khu vực, tham dự các tổ chức quốc tế…).
(8) The National Institute for Defense Studies: East Asian Strategic Review 2005, Japan, 2005, chapter 4: The “Peaceful Rise” Theory in Disarray and Development of Great Power Diplomacy.
(9) Nguyễn Công Minh: Một số nét về chính sách ngoại giao láng giềng mới của Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 74-2008, tr.30.
(10) Cho đến nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thống nhất coi chiến lược “Một trục hai cánh” là chiến lược hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc-ASEAN vói các mục tiêu cụ thể: thứ nhất, hình thành một vành đai tăng trưởng kinh tế mới ở bờ Tây Thái Bình Dương, trọng tâm là phát triển hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng thành dự án hợp tác vùng mới giữa Trung Quốc và ASEAN, đưa nội dung hợp tác này vào khung khổ tổng thể hợp tác Trung Quốc-ASEAN; thứ hai, tạo ra sự ổn định cả khu vực ở biên giới trên bộ và trên biển, mở ra không gian phát triển mới cho Trung Quốc, đặc biệt mở ra con đường cho khu vực miền Tây Trung Quốc đi qua Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng, thông qua Ấn Độ Dương để đi vào thị trường thế giới, nhằm chấn hưng vùng Tây Nam Trung Quốc; ba là, đưa hợp tác Trung Quốc-ASEAN vào phát triển thực chất, hiệu quả, từ đó thúc đẩy sự phát triển hợp tác tổng thể Đông Á, đồng thời mở ra cục diện đảm bảo an ninh năng lượng cho Trung Quốc ở biển Đông.
(11) 江泽民:《全面建设小康社会开创中国特色社会主义事业新局面——在中国共产党第十六次全国代表大会上的报告》(2002年11月8日),人民出版社,2002年版,第47-48页。
(12) 胡锦涛:《努力建设持久和平、共同繁荣的和谐世界》,《人民日报》,2005年9月16日。
(13) Báo cáo do Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào trình bày tại Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 15/10/2007.