Trang chủ

TÂN THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN NAOTO KAN

Đăng ngày: 30-09-2014, 03:14 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 7

Bộ trưởng tài chính Naoto Kan trở thành Thủ tướng thứ năm của Nhật Bản trong vòng 4 năm qua. Ngày 4 tháng 6, ông Kan được bầu là Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) kế nhiệm ông Yukio Hatoyama, người đã rút khỏi chức vụ Thủ tướng và Chủ tịch của một đảng chiếm số đông tại Hạ viện Nhật Bản. Ngay trong ngày hôm đó, trong đảng DPJ, Kan đã được xác định là sẽ làm Thủ tướng, chuyển từ chức vụ Phó thủ tướng thành Thủ tướng thứ hai của DPJ. Ông sẽ tìm cách để tồn tại lâu hơn 4 người tiền nhiệm, những người không ai tại vị được đủ một năm.

Ông Kan 63 tuổi, khác với những nhà lãnh đạo trước đó, xuất thân từ gia đình không có truyền thống làm chính trị. Ông bắt đầu tham gia vào chính trường trong những năm 1970 và đã thất bại 3 lần trong việc trở thành nghị sĩ vào các năm 1976, 1977 và 1979. Cuối cùng, ông cũng được bầu vào Hạ viện năm 1980 khi ra tranh cử ở một quận của Tokyo với tư cách là thành viên của Liên đoàn Dân chủ xã hội. Ông đã là thành viên của những đảng khác nhau trước khi gia nhập DPJ năm 1988, đảng mà ông đã 2 lần làm chủ tịch.

Một trong những nhiệm vụ cấp bách của Kan là củng cố đảng DPJ trước cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng sau. Đặc biệt ông sẽ phải làm việc với nhóm của Ozawa, một nhóm có khoảng 150 thành viên Hạ viện.

Ông Ozawa là người đã phải từ chức Tổng thư ký DPJ cùng lúc với việc từ chức của Thủ tướng Hatoyama. Là một nhà chiến lược có sức mạnh chính trị, nhưng Ozawa đã trở thành một nhân vật tai tiếng trong những năm gần đây do dính líu vào “chính trị bằng tiền”. Rất nhiều thành viên của DPJ muốn Kan tránh xa ảnh hưởng của Ozawa. Việc cân bằng giữa sự cần thiết đối với một nhà chiến lược chính trị và mục tiêu làm cho DPJ trong sạch, tốt đẹp hơn sẽ là phép thử cho khả năng lãnh đạo của Kan.

Kan dự định sẽ không để cho Ozawa đảm đương chức vụ quan trọng nào trong chính phủ mới hoặc tổ chức đảng. Tờ Thời báo phố Wall trích dẫn lời của Kan: “Ông Ozawa cần im lặng một thời gian, điều đó sẽ tốt cho ông ta, cho đảng DPJ và chính trị Nhật Bản” và, “Chúng ta cần coi trọng mong muốn của ông Hatoyama là: DPJ cần bắt đầu lại như một đảng trong sạch không có những vụ tai tiếng về tiền”.

Trong ngắn hạn, chính sách của Kan sẽ không có sự khác biệt nhiều so với chính sách của DPJ dưới thời Hatoyama, như Kan đã phát biểu trong một cuộc họp báo ngay sau khi được bầu làm chủ tịch đảng: “Tôi hy vọng sẽ thực hiện mong muốn xây dựng lại Nhật Bản mà Hatoyama chuyển cho tôi”.

Thủ tướng mới bắt đầu bằng một nghề vốn quan tâm đến số đông công chúng. Ông đã tốt nghiệp ngành vật lý ứng dụng Học viện công nghệ Tokyo năm 1970, nơi ông đã tham gia vào nhiều phong trào quần chúng khác nhau, những phong trào liên quan đến các vấn đề như nhà ở, thiết bị y tế, ô nhiễm và bảo vệ môi trường.

Kan cũng từng làm việc với Fusae Ichikawa- một nhà lãnh đạo của phong trào đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ, ông là một thành viên tích cực cho chiến dịch tranh cử ghế Thượng nghị sĩ của bà vào năm 1974.

Khi tác giả phỏng vấn Kan năm 1980 tại văn phòng của ông ở Tokyo, ông đã tóm tắt những khó khăn của một chính trị gia trẻ tuổi không xuất thân từ gia đình có truyền thống làm chính trị bằng câu nói : “na mo naku, soshiki mo kane mo naku” (không tên tuổi, không tổ chức, không tiền tài). Không có nhà chính trị nào ở Nhật Bản thời đó có thể nghĩ mình sẽ thành công khi không có 3 điều kiện này.

Ông đã thành lập nhóm Hiệp hội thị dân (Shimin no kai) ủng hộ cho việc bầu cử lành mạnh, cự tuyệt sử dụng những tổ chức lớn như Liên đoàn lao động hoặc những nhóm kinh doanh,  “những món tiền không vào sổ sách”, và lập trường “phản đối chính trị bằng tiền” đã trở thành biểu tượng của nền chính trị mới ở Nhật Bản.

Kan có được vị trí nổi bật trong nước và quốc tế sau khi được chỉ định làm Bộ trưởng bộ Y tế và Phúc lợi năm 1996 trong chính phủ liên minh dưới thời Thủ tướng Ryutaro Hashimoto của Đảng Tự do Dân chủ (LDP). Sau khi được chỉ định, ông được biết rằng Bộ của ông đã cho phép bán và sử dụng máu có nhiễm virus HIV, việc làm này đã ảnh hưởng hàng nghìn bệnh nhân. Ông đã công khai xin lỗi và hứa hẹn bồi thường đối với những bệnh nhân bị ảnh hưởng. Điều này hoàn toàn trái ngược với chế độ quan liêu cứng rắn không bao giờ muốn thừa nhận bất cứ sai lầm nào ở Nhật lúc đó.

Ông buộc phải rời vị trí lãnh đạo DPJ năm 2004 sau khi thừa nhận thất bại đã không đóng góp đủ tiền bảo hiểm hưu trí và có liên quan trong một vụ bê bối khác. Cho dù không nổi tiếng như Bộ trưởng ngoại giao Katsuya Okada và Bộ trưởng Bộ đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch Seiji Maehara hiện nay và lãnh đạo DPJ trước đây, ông vẫn có được sự ủng hộ mạnh mẽ ở Nhật Bản./.

 

PRUNENDRA JAIN

(GS, Đại học Adelaide, Australia)

Người dịch: Phạm Thị Xuân Mai

Nguồn: Báo điện tử Asia Times, ngày 5/6/2010, http://www.atimes.com/atim es/ Japan/LF05D h01.html

0thảo luận