Hàn Quốc dưới sức ép hiện đại hóa
Tác giả: Chang Kyung-Sup
Nhà xuất bản Routledge, USA, 2011, 178 trang
Kí hiệu: Lv 829
Ngôn ngữ: tiếng Anh
Những biến đổi xã hội dồn dập và trật tự xã hội phức tạp chi phối cuộc sống của người dân Hàn Quốc không thể được phác họa một cách thỏa đáng dựa trên các luận cứ về phương diện văn hóa hoặc trên các lý thuyết xã hội kiểu phương Tây. Những đặc điểm dễ nhận thấy trên toàn cầu của xã hội Hàn Quốc trong hoạt động công nghiệp, giáo dục, văn hóa đại chúng và một loạt các lĩnh vực khác cũng không thể phân tích được, nếu không phát triển các công cụ khái niệm mới và các khung lý thuyết mới để giải quyết trực tiếp đặc trưng riêng có của Hàn Quốc.
Cuốn sách “South Korea under compressed modernity” của tác giả Chang Kyung-Sup cung cấp một bức tranh miêu tả hấp dẫn về xã hội Hàn Quốc và sự biến đổi hiện nay của nước này. Tập trung vào vấn đề gia đình là nền tảng vi mô quan trọng nhất của đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của Hàn Quốc, tác giả thể hiện sự hiểu biết sâu sắc trong những cách mà quan hệ gia đình và lợi ích gia đình hình thành những thay đổi về cơ cấu và tổ chức đang diễn ra ở Hàn Quốc hiện nay. Trong khi việc theo đuổi giáo dục quá mức, phúc lợi gia đình, công nghiệp hóa, sự sụp đổ thực sự của giai cấp nông dân và sự lên ngôi của công nghiệp gia đình trong xã hội này đã được các học giả trong nước và quốc tế thảo luận thường xuyên, thì trong cuốn sách này, tác giả giải thích một cách sáng tạo những xu hướng đáng chú ý này từ một quan điểm lý thuyết hệ thống về sức ép hiện đại hóa. Trật tự xã hội lấy gia đình làm trung tâm và cuộc sống hàng ngày ở Hàn Quốc được phân tích như các thành phần và kết quả của sức ép hiện đại hóa.
Hàn Quốc được xem là nước có kinh nghiệm biến đổi kinh tế, chính trị và xã hội nhanh chóng chưa từng có trên thế giới. Tuy nhiên, đằng sau những chuyển đổi như vậy là một xã hội đã cho thấy xu hướng độc đáo về việc củng cố liên tục trật tự xã hội lấy gia đình làm trung tâm. Lý thuyết hiện đại hoá cổ điển giả định rằng cốt lõi của quá trình hiện đại hóa là tầm quan trọng của gia đình cũng như tổ chức xã hội và hệ tư tưởng sẽ giảm về cơ bản bởi vì các thực thể xã hội (hoặc phi gia đình) khác nhau được cho là vẫn tiếp tục các chức năng xã hội quan trọng như sản xuất kinh tế và giáo dục. Dưới ảnh hưởng của lập luận này, các xã hội như Hàn Quốc, nơi gia đình có ảnh hưởng lớn đến trật tự xã hội, kinh tế và chính trị, đã mang lại nhận thức đúng đắn về sự cũ kỹ và không hợp lý và do đó cần phải nhanh chóng thoát ra, hoặc ít nhất, lên án chúng.
Cuốn sách này cố gắng lấp đầy lỗ hổng tri thức thông qua việc vạch ra các “đặc trưng gia đình” của trật tự kinh tế, chính trị và xã hội của Hàn Quốc, phân tích cách mà những đặc điểm này liên quan đến sức ép hiện đại hóa và nghiên cứu một cách có hệ thống các đặc điểm lý thuyết và lịch sử về gia đình hiện đại. Cụ thể, cuốn sách dựa trên khái niệm hiện đại hóa, đặc điểm cụ thể về sự biến đổi chính trị, kinh tế và xã hội mà Hàn Quốc đã trải qua một cách phức tạp và nhanh chóng chưa từng có, đồng thời nghiên cứu chi tiết cấu trúc và hành vi gia đình như những biểu hiện hay nền tảng vi mô của nó. Trong đó, tác giả đã chỉ ra các hạn chế và những khó khăn của các nghiên cứu trước đây về trật tự gia đình; đánh giá tương đối về sự hiện đại hóa lấy gia đình làm trung tâm của Hàn Quốc với các xã hội Đông Á và xã hội phương Tây để chuẩn bị một cơ sở logic cho đặc trưng lý thuyết và khái quát kinh nghiệm của Hàn Quốc.
Hiện đại hóa đang là vấn đề được đông đảo bạn đọc quan tâm, đặc biệt là ở Hàn Quốc, một quốc gia Đông Á phát triển nhanh chóng. Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách “South Korea under compressed modernity” của tác giả Chang Kyung-Sup.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á