Tính bền vững kinh tế và môi trường của khu vực Châu Á
Tác giả: Sucha Singh Gill, Lakhwinder Signh, Reena Marwah
Nhà xuất bản Routledge, UK, 2010, 461trang
Kí hiệu: Lv 806
Ngôn ngữ: tiếng Anh
Châu Á đã nổi lên như là một cực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Tính bền vững của quá trình phát triển kinh tế ở Châu Á không chỉ quan trọng đối với cuộc sống của người dân nơi đây mà còn liên quan đến các nước khác trên thế giới. Phát triển kinh tế nhanh chóng ở các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á trong thời gian qua đã gây áp lực đáng kể đối với tài nguyên thiên nhiên và đóng góp đáng kể vào suy thoái môi trường. Mô hình phát triển đang diễn ra hiện nay ở các quốc gia Châu Á có nhiều điểm chung với các nước phát triển phương Tây. Những công nghệ được phát triển ở các nước công nghiệp tiên tiến đã được ứng dụng ở các nước Châu Á và điều này đã ảnh hưởng đến các mô hình sử dụng tài nguyên ở các quốc gia này.
Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp cho đến nay, các nước phát triển đã phát thải vào môi trường với tỷ lệ đáng báo động. Tính bền vững của mô hình tiêu thụ và khả năng của trái đất trong việc hỗ trợ các hoạt động kinh tế của con người còn là một câu hỏi lớn. Các chiến lược nhằm rút ngắn thời gian giảm nhẹ phát thải vào môi trường đang được đề xuất dưới sự lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc, vì vậy các thế hệ tương lai vẫn có thể sống trên hành tinh Trái đất thoải mái ít nhất là như thế hệ hiện tại đang sống. Tuy nhiên, các nước phát triển trên thế giới không muốn chia sẻ trách nhiệm bằng cách áp dụng chiến lược giảm nhẹ ràng buộc phát thải trong tương lai gần. Họ có sức mạnh kinh tế và chính trị bền vững để gây áp lực lên các nước đang phát triển nhằm chia sẻ trách nhiệm không cân xứng với những đóng góp của họ trong việc phát thải vào môi trường. Nghị định thư Kyoto mang đến sự nới lỏng cho các nước đang phát triển và đưa ra nguyên tắc công bằng mạnh mẽ trong khi đề nghị các nước phát triển giảm lượng khí thải carbon ràng buộc. Nguyên tắc công bằng này đã không được Hoa Kỳ chấp nhận, bởi riêng quốc gia này đã đóng góp 1/4 tổng lượng khí thải toàn cầu. Phản ứng chậm chạp và niềm tin vào một cách tiếp cận kinh doanh thông thường của những nước đóng góp lớn lượng khí thải carbon đã mang lại cho họ lợi ích về tiết kiệm chi phí từ việc không tham gia vào hành động này.
Các nước đang phát triển nhanh Châu Á nói chung, Trung Quốc và Ấn Độ nói riêng đã được các quốc gia G8 yêu cầu chia sẻ trách nhiệm giảm thiểu phát thải ràng buộc như một đối tác ngang hàng. Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế khổng lồ, đã tham gia hành động trong việc giảm thiểu lượng khí thải carbon trong khi đặt ra các mục tiêu cao hơn, những hành động này sẽ không làm hài lòng các nước phát triển, nếu như cả hai quốc gia này vẫn tránh né việc xem xét tính công bằng mà Nghị định thư Kyoto đưa ra. Các nước G8 đã tích cực tham gia vào việc ban hành một nguyên tắc quốc tế về mục tiêu giảm thiểu lượng khí thải carbon để thay thế cho thời gian cam kết hiện hành của Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012. Đó là vấn đề có ý nghĩa lớn đối với các nước Châu Á đang phát triển nhanh chóng, cho dù chế độ mới về giảm thiểu phát thải carbon cho phép theo nguyên tắc công bằng về môi trường hay không. Trong trường hợp thứ hai, rõ ràng sẽ làm giảm tốc độ phát triển kinh tế và do đó ảnh hưởng xấu đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Nếu các quốc gia Châu Á phải tiến về phía trước để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế nhanh chóng, một mặt họ phải đưa ra một mặt trận thống nhất để đàm phán về một thỏa thuận tốt hơn từ các nước phát triển, và mặt khác cần phát triển một liên minh Châu Á về đầu tư công nghệ sạch nhằm giảm thiểu phát thải carbon từ các hoạt động kinh tế. Nỗ lực hợp tác của các nước Châu Á là yêu cầu cấp bách để đối phó với vấn đề phát triển bền vững trong cộng đồng quốc tế. Hài hoà các mối quan tâm về môi trường với mục tiêu mong muốn phát triển kinh tế nhanh chóng sẽ đảm bảo tính bền vững của tiến trình kinh tế Châu Á trong tương lai gần.
Trước yêu cầu cấp bách đặt ra đối với vấn đề phát triển bền vững, Hiệp hội các học giả Châu Á (AAS) suy nghĩ vấn đề nóng bỏng gây tranh cãi về tính bền vững của sự phát triển kinh tế Châu Á trong kịch bản môi trường quốc tế đang nổi lên và quyết định tổ chức một hội nghị quốc tế để đạt được những hiểu biết về vấn đề này. Hội nghị đã được tổ chức tại trường Đại học Punjabi, Patiala. Hội nghị đã có sự tham dự của các học giả làm việc tại các nước Châu Á, Châu Âu và Ấn Độ. Từ những tham luận tại hội nghị, nhóm tác giả Sucha Singh Gill, Lakhwinder Signh, Reena Marwah đã chủ biên và cho ra đời cuốn “Economic and environmental sustainability of the Asian region” Tính bền vững kinh tế và môi trường của khu vực Châu Á). Nội dung của cuốn sách tập hợp những bài tham luận của các tác giả tham dự hội nghị xoay quanh chủ đề môi trường và phát triển kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Cuốn sách được chia thành các phần theo các chủ đề chính như sau:
Phần 1: Các vấn đề về tính bền vững của nông nghiệp khu vực Châu Á
1.Toàn cầu hóa và các vấn đề phát triển bền vững trong nông nghiệp ở châu Á: trường hợp của Ấn Độ
2. Toàn cầu hóa và tác động của nó đến nông nghiệp, an ninh lương thực và cuộc sống của người dân ở Pakistan
3. Hiệp định về giá cả lương thực và nông nghiệp ở Bangladesh
4. Tăng trưởng và phát triển bền vững nông nghiệp: nghiên cứu trường hợp các bang lớn của Ấn Độ
5. Rủi ro nông nghiệp, bảo hiểm thời tiết, bảo hiểm nông nghiệp và rủi ro
Phần 2: Các mối quan tâm sinh thái học trong lý thuyết và thực tiễn
6. Chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa cổ điển và triển vọng xanh về những tác động trái ngược của thế giới thứ ba/Châu Á đối với phát triển bền vững toàn cầu
7. Chiến lược quốc gia của Ấn Độ và Trung Quốc về biến đổi khí hậu và thực hành cơ chế phát triển sạch: một so sánh
8. Ứng dụng sinh thái học trong phát triển nông nghiệp ở Punjab
Phần 3: Các chủ đề chính trong phát triển kinh tế
9. Vai trò của viện trợ nước ngoài trong việc đạt được sự phát triển bền vững ở Sri Lanka
10. Phát triển kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài và chính sách ở Ấn Độ
11. Khuôn khổ đối với quy hoạch và quản lý phát triển bền vững của các thành phố
12. Duy trì tốc độ tăng trưởng cao và kịch bản cung cầu năng lượng trong tương lai ở Ấn Độ
Phần 4: Quản lý nguồn lực và lựa chọn chính sách
13. Thị trường nước ngầm, hiệu quả và tính bền vững của thủy lợi: một nghiên cứu từ Bắc Ấn Độ
14. Tính bền vững của các hệ thống cây trồng hiện có và thay thế ở phía Tây Nam Punjab
Phần 5: Phân biệt đối xử và công bằng trong phát triển kinh tế - xã hội
Phần 6: Nông dân nghèo và tính bền vững của nền kinh tế sản xuất bông
Như vậy có thể thấy, thông qua các bài viết của các tác giả, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc vốn kiến thức sâu sắc về vấn đề phát triển bền vững kinh tế và chính trị ở khu vực Châu Á. Cuốn sách là tài liệu thực sự bổ ích cho mọi đối tượng bạn đọc khi nghiên cứu về khu vực Châu Á mà cụ thể là vấn đề phát triển bền vững.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á